menu_open
Vạc đồng thời chúa Nguyễn
Xem cỡ chữ:
Vạc đồng thời chúa Nguyễn đặt tại sân điện Cần Chánh - Đại Nội Huế
Vạc đồng thời chúa Nguyễn bao gồm 11 chiếc với kích thước và trọng lượng khác nhau, được đúc dưới thời Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) để tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong, tất cả đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.
Vạc đồng thời chúa Nguyễn đặt tại sân điện Cần Chánh - Đại Nội Huế
Tình trạng: Được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015
Giới thiệu:

Vạc đồng thời chúa Nguyễn bao gồm 11 chiếc với kích thước và trọng lượng khác nhau, được đúc dưới thời Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) để tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong, tất cả đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.

Những chiếc vạc được đúc vào những thời điểm khác nhau trong thế kỷ XVII, chiếc có niên đại sớm nhất là năm 1659 và chiếc có niên đại muộn nhất là năm 1684. Căn cứ vào những chữ Hán khắc trên một số vạc như: nhất song (một cặp); nhị song (hai cặp); tam song (ba cặp)... có thể khẳng định rằng, vào thời điểm đó, số lượng vạc đồng được đúc nhiều hơn số lượng hiện tồn. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động trong các cuộc chiến tranh và sự thay đổi của các triều đại, nhiều chiếc trong số đó hiện không còn nữa.

Trên vành miệng mỗi chiếc vạc đều có ghi niên đại, trọng lượng, số lượng vạc đúc nếu là một cặp (2 cái) hoặc một bộ (3 cái).

Lịch sử hình thành:

Theo sử sách, thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh đã chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài trên 200 năm, mỗi khi chúa Nguyễn chiến thắng chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều cho đúc vạc đồng để kỷ niệm. Mục đích của các chúa Nguyễn khi cho đúc những chiếc vạc đồng này là để biểu dương uy quyền, biểu trưng cho sự bền vững của triều đại, đánh dấu những lần chiến thắng quân Trịnh trong công cuộc mở mang lãnh thổ về phương Nam. 

Từ năm (1631 - 1684) các vị chúa Nguyễn đã cho đúc tất cả là 11 cái vạc đồng, đặt tại các phủ của chúa ở Phước Yên (1626 - 1636) và Kim Long (1636 - 1687), chứ chưa đem về Phú Xuân. Hiện nay 11 chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn này được đặt tại Hoàng cung (7 cái), Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (3 cái) và lăng vua Đồng Khánh (1 cái). 

Xem 360o bộ sưu tập Vạc đồng thời chúa Nguyễn

Hình ảnh 360o bộ sưu tập Vạc đồng thời chúa Nguyễn

Nét đặc trưng:

Tất cả những vạc đồng này có kích thước to lớn, nặng từ vài trăm đến vài ngàn cân. Hiện nay, trong vườn thuộc khu Đại Nội - Huế có bảy chiếc vạc đồng lớn được đúc từ thế kỷ XVII dưới thời các chúa Nguyễn chiếm cứ Đàng Trong. Theo kiểu dáng, kích thước, niên đại và phong cách nghệ thuật trang trí, có thể chia bảy chiếc vạc trên thành hai nhóm.

1. Nhóm vạc đúc giữa thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn

Nhóm này có ba chiếc, gồm một chiếc ở trước nền điện Kiến Trung đúc năm Thịnh Đức thứ 7 (1659); một chiếc ở trước nhà Tả Vu, đúc năm Thịnh Đức 8 (1660) và một chiếc ở trước nhà Hữu Vu, đúc năm Thịnh Đức thứ 10 (1662). Những chiếc vạc này đều có thành đứng thẳng, miệng loe rộng và cong ngửa, có bốn quai vặn thừng gắn trên miệng vạc, bố cục theo băng ngang vòng quanh vạc, từ trên xuống có chín băng cách nhau bởi những đường gờ nổi vuốt tròn mặt ngoài, trong đó các băng (tính từ trên xuống) 3-4-6-7 hẹp để trơn, các băng 1-9 rộng vừa phải có hoa dây uốn sóng chạy liên tục thành vòng kín, các băng 2-5-8 rộng hơn và là phần trang trí chính được các nhóm vạch thẳng đứng chia thành các ô chữ nhật bằng nhau xếp lệch nhau nửa ô, mỗi ô là một đồ án hoa văn riêng. Riêng băng 5 của chiếc vạc trước điện Kiến Trung không bị cắt ngang, hoa văn chạy thành vòng kín. Ba chiếc vạc này nặng và to xấp xỉ nhau. Chiếc vạc ở trước nhà Tả Vu nhỉnh hơn cả: nặng 2582 cân (ta); đường kính miệng 2,2m; đường kính trong lòng 1,83m, cao 1,05m (kể cả quai cao 1,30). Lối trang trí theo băng ngang vòng quanh khép kín vốn được ưa chuộng từ văn hóa Đông Sơn, trong có những băng chạm  hoa dây uốn sóng gây nhịp điệu động rộn.

Hoa văn trang trí gồm có hoa, lá, chim và thú. Chiếc vạc đúc năm 1695 chỉ hoa và lá, nhưng sang hai chiếc vạc đúc năm 1660 và 1662 đã có thêm chim và thú. Chim và thú trang trí trên vạc 1660 đều chuyển động ngược chiều kim đồng hồ, nhưng sang chiếc vạc 1662, đã thấy có con đi theo hướng ngược lại.

2. Nhóm vạc đúc cuối và sau chiến tranh Trịnh – Nguyễn

Nhóm vạc này hiện còn 4 chiếc gồm 3 chiếc mang niên đại Cảnh Trị và một chiếc có niên đại Chính Hòa. Chiếc vạc đúc năm 1670 chỉ sau chiếc vạc muộn của nhóm vạc trước có 8 năm, nhưng kể về kiểu dáng, bố cục và hoa văn và kích thước đã hoàn toàn khác trước, mở ra một hướng phát triển mới. Hai chiếc vạc đúc năm 1762, một chiếc ở bên xế bên trái sau điện Thái Hòa, một ở bên phải trên nền điện Càn Thành, chiếc vạc đúc năm 1684 cũng ở nền điện Càn Thành nhưng về bên trái.

Hoa văn họa tiết trên vạc đồng thời chúa Nguyễn đặt tại Đại Nội - Huế

Nhóm bốn chiếc vạc này về kích thước có xê dịch một chút, về kiểu dáng thì hoàn toàn thống nhất chiếc vạc lớn nhất ở nền điện Càn Thành nặng 1390 cân (ta), đường kính miệng 1,69m; cao 0,94m. nhóm vạc này có thành đứng thẳng hơi choãi ra một chút, miệng vạc hơi loe ngang gần vuông góc với thành vạc, đáy bằng, có bốn cặp quai gắn dọc gần vuông góc với thành vạc sát với miệng vạc. Kiểu dáng gần như chậu cảnh bằng sành hoặc sứ, và trang trí ở mặt ngoài thân vạc khoảng một phần ba kể từ cổ xuống. Viền cổ vạc là một băng hoa dây uốn sóng 24 khúc, trừ 8 khúc uốn úp gắn điểm trên của quai, còn 4 khúc uốn úp và 12 khúc uốn ngửa được chạm hoa, lá hoặc chim thú. Dưới băng hoa dây là hàng “lá sòi”, dưới mỗi lá sòi có dải 5 chấm. Hoa ở nhiều chỗ có thể nhận ra được là sen, cúc và mẫu đơn. Về hướng chuyển động của chim và thú, ở trên chiếc vạc đúc năm 1670 có tám con thì bảy con chuyển động ngược chiều đồng hồ, chỉ có một con chim bay ngược lại; sang chiếc vạc đúc 1672, chim và thú chuyển động tùy tiện, con xuôi con ngược; đến chiếc vạc ở xế sau điện Thái Hòa cũng đúc năm 1672 nhưng muộn hơn 6 tháng thì toàn bộ chim lại chuyển động xuôi chiều kim đồng hồ, không có con thú nào. Chiếc vạc đúc năm 1684 thì không chỉ thú mà cả chim cũng vắng bóng, chỉ còn hoa lá. Dõi theo thứ tự thời gian trên 4 chiếc vạc này, hình khắc ngày càng thô.

Nhìn chung cả bảy chiếc vạc này, được đúc từ năm 1659 đến 1684, nằm trọn trong đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Đấy là lúc cả nước bị cuốn vào cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn từ 1627 đến 1672 để rồi bị chia thành hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trên cả bảy chiếc vạc, đều tính thời gian theo niên đại các vua nhà Lê và phong cách nghệ thuật vẫn thống nhất cũng có đôi nét “mới lạ” là do tính địa phương, do trình độ nghệ nhân Đàng Trong mới tập hợp và có lẽ có cả sự tham gia của chuyên gia đúc đồng phương Tây.

Vạc đồng được đúc năm 1631 thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), trọng lượng 339kg, có hình chiếc nồi lớn hiện đặt tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. 

Vạc đồng được đúc năm 1677 thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), trọng lượng 560 cân (tương đương 338kg) đặt tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. 
 

Vạc đồng được đặt ở giữa sân, trước Điện Ngưng Hy, lăng vua Đồng Khánh được đúc năm 1673 dưới thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687)

Trong số 11 chiếc vạc này, có 2 chiếc vạc to nhất, nặng nhất được trang trí đẹp nhất, không chỉ của nhà Nguyễn mà của Việt Nam còn lại đến ngày nay được đặt trước sân của ngôi điện Cần Chánh. Hai vạc đồng này đều được đúc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), vạc đồng bên trái đúc năm 1660, nặng 1.552kg; vạc đồng bên phải đúc năm 1662, nặng 1.489kg. Hình dáng và kiến trúc của hai vạc rất giống nhau, đều có quai, chiều cao 1m và đường kính miệng rộng 1,2m. Thân vạc được chia thành 60 ô bằng nhau ngăn cách bởi các nhóm vạch thẳng đứng, mỗi ô đều chạm khắc một cách công phu các hình ảnh động vật, thực vật, đồ vật như: các vì tinh tú, hoa lá, chim thú…

Tất cả các chiếc vạc này đều đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2015.

Giá trị nghệ thuật:

Trong số các hiện vật, di vật thời chúa Nguyễn còn lưu giữ lại được đến ngày nay, xét về qui mô và số lượng, Bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn gồm những hiện vật đồng chất, có cùng loại hình lớn nhất. Không chỉ thống nhất về loại hình, kiểu dáng (hình trụ, sâu lòng, đáy lõm) và đa dạng về kích thước, trọng lượng, Bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn còn là những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc thể hiện sự kế thừa văn hóa cội nguồn Thăng Long nhưng đồng thời cũng mang tính sáng tạo của cư dân vùng đất mới Đàng Trong trong thế kỷ XVII. Tính sáng tạo ấy là kết quả của phần tích hợp văn hóa bản địa kết hợp với những yếu tố ngoại lai - kết quả của quá trình giao lưu với văn hóa phương Tây trong việc tiếp nhận kỹ thuật đúc đồng của người Hà Lan thời kỳ này. Đây là những bằng chứng ít ỏi nhưng hết sức tiêu biểu của nền mỹ thuật và kỹ thuật đúc đồng thời chúa Nguyễn.

-----

Thông tin tham khảo:

- Những chiếc vạc trong Đại Nội, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế

- Sưu tập Vạc đồng thời chúa Nguyễn, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Video Youtube:
Ảnh: Bảo Minh, Ngọc Bích
Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác