menu_open
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 – 6/7/2017)
Xem cỡ chữ:
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914, tại làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.

Ông xuất thân trong một gia đình trung nông khá đông con, nhưng cả mấy anh em ông đều sớm có lòng yêu nước nồng nàn. Năm 15 tuổi, Nguyễn Chí Thanh đã cùng một số thanh niên trong làng đứng lên chống lại cường hào ở địa phương, bảo vệ người dân nghèo, rồi từ đấy ông tích cực tham gia phong trào Bình dân đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động và dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Năm 23 tuổi ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và một năm sau được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông bị địch bắt, bị tù đày nhiều lần; rồi vượt ngục, ra tù lại tích cực lao vào hoạt động cách mạng. Năm 31 tuổi, lần đầu tiên ông ra dự Đại hội ở Tân Trào, được gặp Bác Hồ, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tiếp theo, ông được bầu làm Bí thư Phân Khu ủy Bình Trị Thiên, rồi Bí thư Liên Khu ủy khu IV, Chủ tịch Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam, được điều động vào quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Năm 37 tuổi, ông được bầu vào Trung ương và Bộ Chính trị; năm 45 tuổi được phong quân hàm Đại tướng; 46 tuổi được bầu lại vào Trung ương và Bộ Chính trị, bầu vào Ban Bí thư Trung ương, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó, ông được Đảng cử sang làm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương. Năm 1964, khi bước vào tuổi 50, ông được Đảng điều động trở lại quân đội và được cử vào làm Bí thư Trung ương cục, Chính ủy quân giải phóng miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đầu năm 1967, ông trở ra miền Bắc để báo cáo kế hoạch với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Với khối lượng công việc rất lớn và bề bộn, trách nhiệm nặng nề, nhưng với những suy tính cho cách mạng và chiến trường miền Nam, quyết tâm đánh thắng Mỹ, ông hăm hở làm việc suốt ngày đêm gần như không nghỉ.

 Kế hoạch kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ông đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ thống nhất, ông vui vẻ thu xếp công việc để nhanh chóng quay lại chiến trường. Trước hôm ông cùng đoàn cán bộ trở vào miền Nam, thì vào hồi 2 giờ sáng ngày 6/7/1967, ông bị một cơn đau tim nặng tại nhà riêng ở đường Lý Nam Đế, chỉ ít phút sau được cấp cứu chuyển vào Bệnh viện 108. Mặc dù được Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh hết sức chăm sóc, các bác sĩ tài năng trong và ngoài Bệnh viện 108 tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh tim của ông quá nặng nên không thể cứu được, Đại tướng đã từ trần vào hồi 9 giờ sáng ngày 6/7/1967, thọ 53 tuổi.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định thành lập Ban Tổ chức lễ tang do đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Linh cữu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được quàn tại Câu lạc bộ Quân nhân. Hồ Chủ tịch đã đến viếng và đặt vòng hoa mang dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Chí Thanh”.

Chiều 7/7/1967, lễ an táng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được cử hành trọng thể. Trong không khí trầm lặng và đau thương, đồng chí Lê Đức Thọ đã đọc điếu văn tỏ lòng thương tiếc vô hạn của Đảng, Nhân dân và các lực lượng vũ trang đối với đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là những tháng ngày hoạt động cách mạng sôi nổi và liên tục. Một người cộng sản tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ở ông đã luôn nêu bật ý chí đấu tranh kiên cường, tinh thần cách mạng tiến công, dựa vào thực tiễn cuộc sống để vận dụng chỉ đạo cách mạng. Đại tướng là một cán bộ lãnh đạo có nhiều tài năng và nghị lực, đã đóng góp xuất sắc vào việc vận dụng, quán triệt đường lối chiến tranh quân sự của Đảng và góp phần tích cực vào những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta. Ông là người có tinh thần tập thể cộng sản cao, thương yêu đồng chí, gần gũi quần chúng; đoàn kết và động viên, giáo dục được đông đảo cán bộ và quần chúng hăng hái phấn đấu cho cách mạng.

Ngoài tài năng, vai trò của nhà chính trị, quân sự, nhà lãnh đạo công tác nông thôn, nông nghiệp, Nguyễn Chí Thanh còn là nhà báo, nhà chỉ đạo văn hóa nghệ thuật xuất sắc và thi thoảng ông cũng làm thơ, viết văn.

Đối với Nhân dân Thừa Thiên Huế, ông là một người con ưu tú suốt đời quên mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc; một người lãnh đạo cao cấp của Đảng có tác phong quần chúng, luôn gần gũi, thân thiết như người thân yêu ruột thịt của mình.

(* Tiêu đề bài viết đã có sự điều chỉnh để phù hợp với chuyên mục trên Khám phá Huế. Tiêu đề bài viết gốc: Kỷ niệm 50 năm ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 – 6/7/2017): Nhớ mãi người con ưu tú của quê hương).

Dương Phước Thu