menu_open
Phấn nụ Bà Tùng
Xem cỡ chữ:
Giữa trùng điệp rừng mỹ phẩm được sản xuất theo dây chuyền công nghệ tiên tiến… thì hành trình của phấn nụ lại âm thầm, lặng lẽ mà bền bỉ với thời gian theo cách thể hiện đơn sơ, giản dị...Viên phấn trần mang hình dáng của một nụ hoa. Sức sống của phấn nụ nhờ vào chính công hiệu bảo vệ và làm đẹp làn da cho phái nữ được lan truyền, lưu giữ như một dấu son của lịch sử về vẻ đẹp cung đình pha lẫn tự hào của người dân xứ Huế!
Địa chỉ: 34 Tô Hiến Thành, thành phố Huế
Điện thoại:

Giới thiệu:

Huế là đất kinh thành với bao nhiêu huyền thoại đầy tính bi hùng của thời kỳ chống thực dân. Nhưng trong lúc các vị Vua - Chúa đương triều phải đối đầu cùng những thăng trầm của lịch sử, thì ở chốn nội cung vẫn âm ỉ một nhu cầu. Bảo vệ và làm đẹp dung nhan cho các bậc mẫu nghi - Hoàng thân quốc thích và cả cung  phi mỹ nữ của triều đình. Phấn nụ ra đời từ đó, hàng trăm năm vẫn là bí mật của cung đình! Tương truyền bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại - cả đời dùng phấn nụ, thọ đến 104 tuổi nhưng làn da không một vết nâu hay có đốm đồi mồi nào xuất hiện! Khi triều Nguyễn không còn, các cung phi, mỹ nữ trở về đời sống thị dân. Người thị nữ duy nhất trong cung được tin tưởng giao trọng trách nắm giữ công thức pha chế và trực tiếp sản xuất phấn nụ để làm đẹp cho các bậc mẫu nghi chốn cung đình đã mang phương pháp bí truyền này, tiếp tục sản xuất, bán ra dân như một kế mưu sinh, nuôi sống cả gia đình. Bà có 6 người con, nhưng chỉ chọn cô út là Trần Thị Thiểu (hay còn gọi là bà Hường) để truyền nghề bởi quan niệm: “Truyền nghề cho con gái thì còn gọi là nghề của gia đình, chứ truyền cho con trai thì con dâu sẽ mang về nhà họ khác!” - một quan điểm hoàn toàn trái ngược với người Trung Quốc.

Phấn nụ bà Hường (tên gọi theo chồng - đúng phong tục Huế) vang danh khắp xứ kinh kỳ từ dạo đó! Kỹ thuật làm phấn nụ là một nghề gia truyền nên đến nay ngoài người con gái ruột trong gia đình được truyền nghề, không ai được biết công thức pha chế. Bà Hường truyền nghề cho cô con gái cả là bà Trần Thị Tùng. Năm 1993, bà Tùng theo chồng định cư tại Mỹ và truyền nghề lại cho cô em út là Trần Thị Ái Thu ( tự là Bách Hợp) tiếp tục sản xuất phấn nụ, đồng thời giữ lại thương hiệu Bà Tùng. Từ đó, PHẤN NỤ GIA TRUYỀN BÀ TÙNG_ BÁCH HỢP lại nối tiếp vang danh cho đến tận bây giờ.

Nét đặc trưng:

Để có những thỏi phấn nụ thành phẩm đạt chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu, tỉ mỉ, tuân thủ các nguyên tắc bất di bất dịch từ đầu cho đến cuối. Nước phải hứng nước trời, nhưng không phải lấy nước của những trận mưa đầu tiên. Sau khi nước được hứng, người làm phấn phải chưng thật trong và sạch rồi cho vào một cái bể lớn tránh nắng mưa và cất giữ để dùng cho cả năm. Nguyên liệu chính của phấn nụ là Cao lanh, nhưng phải là loại hảo hạng cộng với gần 20 vị thuốc Bắc (chủ yếu là rễ của các loại cây có tác dụng dưỡng da) và một số loài hoa có tác dụng mát da với hương thơm dễ chịu. Nguyên liệu được mua về rồi chọn lựa cẩn thận không ẩm mốc, sạch sẽ, nguyên liệu phải đúng tuổi, thường thì loại đạt chỉ có 1/3. Sau khi chuẩn bị xong, nguyên liệu được đưa vào phòng kín, lúc này ngoài những người đích thân nắm giữ bí mật pha chế không ai được vào. Sau nhiều giờ, sản phẩm được đưa ra ngoài để nhào trộn cho đều nhuyễn, tiếp đó mới đến quy trình nghiêm ngặt phơi sương, phơi nắng … và nhào nặn thành thỏi phấn nụ. “Quy trình làm ra viên phấn rất nhọc nhằn, kéo dài hơn tháng mới xong một mẻ. Chỉ có thời tiết xứ Huế mới có thể sản xuất ra viên phấn đúng yêu cầu: Mưa dầm hàng tháng cho mình hứng nước lắng trong, trữ lại. Kế đó là nắng gắt cùng sương mù, là hai loại thời tiết rất cần để phơi sương, ủ nắng … Rồi lọc, lắng, gạn đục khơi trong liên tiếp, cho đến khi hạt phấn mịn tơi, nhẹ tênh mới được. Khi nặn phấn lại càng phải kiên trì, mạnh tay một chút là hỏng, không thể hình thành nụ như tên gọi!”

Những" tuyệt chiêu" cho nhan sắc ấy của ngày xưa nay đã được Bà Ái Thu truyền lại cho ba cô con gái là Lê Thùy Anh, Lê Thùy Trang và Lê Thùy Nhi ( cùng gìn giữ bí quyết gia truyền và duy trì sản xuất phấn nụ để phục vụ cộng đồng). "Phấn Nụ Gia Truyền BÀ TÙNG", trải qua bao thời gian, đã giữ vững thương hiệu uy tín, cùng lòng tin đối với những khách hàng yêu mến và trung thành với dòng sản phẩm truyền thống này. Xin gởi lời tri ân của chúng tôi đến với quý khách hàng!

Sản phẩm đã được Sở Y Tế kiểm nghiệm và chứng nhận Số: 03/2009/YTTTH_CNCB. Và Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam công nhận thương hiệu độc quyền theo Quyết Định Số 1194/QĐ_SHTT ngày 19/1/2010. Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam bình chọn và chứng nhận Danh hiệu Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao Phù Hợp Tiêu Chuẩn. Đạt Giải Cầu Vàng 2011...

“Phấn có nhiều hình dáng, kích cỡ lẫn màu sắc “Hương phấn là hương rễ cây hoa lài, màu phấn cũng là vị thuốc Bắc. Người da sậm dùng màu trắng, còn ai trắng lại thích màu da!” Với da khô, bạn nên dùng kem dưỡng ẩm tái tạo da của Phấn Nụ Bà Tùng làm lớp lót thích hợp. Để sử dụng kết hợp một cách hiệu quả với phấn nụ, chúng tôi có những sản phẩm phấn nước như nước rửa mặt (có thể xem như nước hoa hồng) và một loại phấn kem nước cũng tinh chế bằng thuốc Bắc đánh đều khắp mặt

Lưu ý:

Phấn nụ là loại mỹ phẩm xưa kia chỉ được dùng để trang điểm cho Hoàng hậu và các cung phi mỹ nữ của triều đình nhà Nguyễn. Đặc điểm nổi bật nhất của phấn nụ là được tạo ra bởi những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên. Từ những vị thuốc Bắc có tác dụng nuôi dưỡng và phục hồi sự tuơi trẻ cho làn da đến những loài hoa mang lại cảm giác mát mẻ và hương thơm dễ chịu.

Phấn nụ không những dùng để trang điểm mà còn có tác dụng dưỡng da tuyệt vời, lại rất an toàn, không bao giờ gây dị ứng. Vì vậy, du khách đến đây khi ra về trong hành lý thường có ít nhất vài chục viên phấn nụ để dùng hoặc làm quà biếu.

Bản đồ: