menu_open
Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Xem cỡ chữ:
Đua ghe trên sông Hương. Ảnh: Đình Thắng
Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.
Đua ghe trên sông Hương. Ảnh: Đình Thắng

Riêng với Thừa Thiên Huế, từng là thủ phủ xứ Đàng Trong và Kinh đô nhà Nguyễn, ngoài lễ hội đua thuyền dân gian được tổ chức ở làng, xã còn có các cuộc đua tranh tài gắn với nhiệm vụ huấn luyện thủy binh của nhà Nguyễn. Theo ghi nhận của Đại Nam thực lục, từ năm 1642, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đã sớm cho lập trường thao diễn thủy binh ở xã Hoằng Phúc (nay thuộc huyện Phú Vang), “cứ đến kỳ tháng 7 thì thao diễn phép bơi chèo và bắn súng, ai trúng thì thưởng vàng lụa. Từ đấy trở đi thủy quân đều tinh luyện”.

Tiếp nối truyền thống, lễ hội đua thuyền (gồm đua ghe, đua trải) trong dân gian cũng như các giải đua thuyền gắn với các ngày lễ trọng đại của đất nước (Quốc khánh 2/9; Giải phóng miền Nam 30/4; Thành lập Đoàn Thanh niên…) tiếp tục được tổ chức thường xuyên ở Thừa Thiên Huế với nhiều quy mô và hình thức khác nhau. Điểm chung của các giải đua này là vẫn duy trì ba loại “trộ đua” (còn gọi là “độ đua”) khác nhau: “trộ cúng”, “trộ tiền” và “trộ phá”. Theo quy ước dân gian, mỗi “trộ đua” đều có những yêu cầu và mang ý nghĩa biểu tượng riêng.

 “Trộ cúng” là trộ mở đầu, mang tính chất lễ nghi nên thường chỉ có 1 vòng, nhưng trải qua tất cả 4 chặng. Ở mỗi chặng, các thuyền đua phải lấy được “thẻ chúc” đặt sẵn trên một bè tre, có khi bao gồm cả tiền thưởng. Bốn thẻ này tượng trưng cho cấu trúc nghề nghiệp cơ bản trong xã hội truyền thống (Sỹ - Nông - Công - Thương) với bốn câu chúc lần lượt là: Văn tấn, võ thăng; Hòa cốc, phong đăng; Ngư hà, lợi lạc và Nhất bổn, vạn lợi. Phải có đủ 4 thẻ (hoặc 4 cờ hiệu), các thuyền đua mới có thể tiếp tục các trộ tiếp theo. Trải/ghe về nhất trong “trộ cúng” thường được thưởng mâm cau trầu rượu. Phần thưởng này được đội đua đem cúng tại “vè rốn” để cảm tạ thần linh cùng Thành Hoàng đã phù hộ.

Khác với “trộ cúng”, “trộ tiền” (còn gọi là “trộ tuần”) phải đủ 3 vòng 6 tráo. Xuất phát xong, các thuyền đua phải lộn “vè rún” để lên thượng lưu, xong, chạy về hạ lưu. Được ba vòng thì lộn “vè rún” trước khi vào giật giải.

Cuộc tranh tài chỉ kết thúc khi các thuyền đua hoàn thành “trộ phá”. Đây là giải mà phần thưởng thường là dải hồng điều, dài ngắn tùy thuộc vào thứ hạng. Với ý nghĩa biểu tượng là điều may mắn do Thành Hoàng và các vị thần linh ban cho, thuyền nào giật được giải này được xem là sẽ đem lại may mắn cho làng, xã của mình suốt cả năm. Đội đua sẽ đem dải lụa này treo lên cây tre ở địa phận thuộc làng xóm mình.

Kết quả của mỗi trộ đua được tính độc lập với nhau. Ngoài phần thưởng của làng, từng cá nhân cũng có thể treo thêm giải để khuyến khích khí thế đua bơi. Thuyền nào thắng liên tục 3 “trộ đua” sẽ được nhận thêm giải “tam thắng”, ngoài tiền có thể có thêm một con lợn.

Trước đây, sinh hoạt đua bơi chỉ dành cho nam giới. Phụ nữ thậm chí không được đến gần hay chạm vào bất cứ bộ phận nào của thuyền đua từ khi đóng thuyền cho đến khi hạ thủy. Dân gian tin rằng điều này sẽ khiến cho thuyền bị ô uế, không đem lại may mắn cho cuộc đua và theo đó việc cầu an, cầu thịnh cho toàn làng không được như ý. Ngày nay, các giải đua ghe đã có sự tham gia của nữ giới với các đội đua độc lập hay kết hợp nam nữ. Để phù hợp với thể lực của nữ giới, các “trộ đua” có thể giảm xuống còn 2 vòng 4 tráo. “Trộ cúng” 1 vòng 4 chặng được thay bằng 2 vòng 4 tráo. “Trộ tiền” cũng không nhất thiết chỉ duy nhất 3 vòng 6 tráo mà có thể có thêm “trộ tiền 1”, “trộ tiền 2”, “trộ tiền 3”, tùy theo quy mô của các cuộc đua. Ngoài ra, các giải đua cũng có những thay đổi nhất định về giải thưởng, lễ nghi...

Với những điều chỉnh, thích ứng mới, các lễ hội đua thuyền thời hiện đại mang thêm những thông điệp mới. Ngoài tính chất một trò chơi được xác định như một nghi thức tranh tài để biểu thị và khích lệ sức mạnh đoàn kết cộng đồng, bày tỏ thái độ trân trọng, hiểu biết và cùng chung sống với thiên nhiên một cách cân bằng, đua thuyền với sự tham gia của nữ giới đặc biệt có ý nghĩa trong thúc đẩy bình đẳng giới. Với những ý nghĩa này, đua thuyền thực sự góp phần quan trọng trong việc củng cố bản sắc văn hóa Huế gắn liền với kiến tạo các giá trị mới.