menu_open
Di tích lịch sử Trường Kỹ Nghệ Thực hành - Huế
Xem cỡ chữ:
Cùng với ngôi trường Quốc Học Huế, Trường Kỹ Nghệ Thực Hành - Huế cũng là ngôi trường đặc biệt gắn với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân sĩ, trí thức Thừa Thiên Huế một thời, được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Địa chỉ: 70 Nguyễn Huệ, Vĩnh Ninh, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1991
Giới thiệu:

Trường Kỹ nghệ Thực hành vốn có tên là Trường Bá Công, Bá Nghệ được thành lập ngày 12/8/1899. Trong giai đoạn 1899-1924, trường được đặt trong Thành nội gần viện Đô sát, Sở Canh Nông (cạnh trường ĐH Nông Lâm hiện nay). Đến năm 1925, trường được chuyển về vị trí hiện nay (70 Nguyễn Huệ) và được đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành rồi Trường Trung học Công Nghiệp Huế và nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.

Lịch sử của ngôi trường này gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng, giành độc lập dân tộc của nhân dân Thừa Thiên Huế. Nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà Nước trong các thời kỳ cách mạng. Với sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Thừa Thiên Huế (1930), trường Kỹ nghệ Thực hành Huế trở thành một trung tâm xuất phát các cuộc đấu tranh, mít tinh, biểu tình có ảnh hưởng lớn không chỉ ở Thừa Thiên Huế và cả khu vực miền Trung và cả nước. Điển hình là cuộc bãi khoá (3/1926), phản đối chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp, cuộc đấu tranh đòi để tang cụ Phan Chu Trinh, và đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Thời kỳ 1936-1939 là thời kỳ sôi nổi nhất của trường, với “Đoàn thanh niên dân chủ tiên tiến”, “Hội ái hữu” là những tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam hoạt động công khai dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng nhà trường.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều thanh niên của nhà trường đã xếp bút nghiên lên đường kháng chiến, trở thành những cán bộ nòng cốt của cách mạng, góp phần đáng kể trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trường Kỹ nghệ Thực hành - Huế được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia theo Quyết đinh số QĐ/866 ngày 20/5/1991.

Bia đá ghi dấu di tích lịch sử cấp Quốc gia Trường Kỹ Nghệ Thực Hành - Huế hiện được đặt trước cổng trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (70 Nguyễn Huệ) ngày nay

Lịch sử hình thành:

Trường Kỹ Nghệ Thực Hành tiền thân là Trường Bá Công, thành lập ngày 12 tháng 9 năm 1899 theo Chỉ dụ của Vua Thành Thái. Năm 1921 chuyển giao cho Chính quyền Bảo hộ Pháp quản lý và đổi thành Ecole Pratique D’Industry de Hué tức Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế, và sau đó, ở mỗi giai đoạn lịch sử Trường đã có những tên gọi khác nhau: Trường Kỹ thuật Công nghiệp Huế (1942), Học xưởng Kỹ nghệ Huế (1952), Trường Chuyên nghiệp Kỹ nghệ Huế (1954), Trường Trung học Kỹ thuật Huế (1956), Trường Kỹ thuật Huế(1976), Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Huế (1977). Tháng 8 năm 1993, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao Trường cho Bộ Công nghiệp (tức Bộ Công nghiệp nặng cũ) quản lý và đổi thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế (tên cũ của của trường từ thời 1921). Năm 1998 trường được nâng cấp đào tạo và đổi tên trường thành Trường Trung học Công nghiệp Huế. Năm 2005, trường tiếp tục được nâng cấp đào tạo và đổi thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, tên tiếng Anh: Hue Industrial College (HueIC).

Nét đặc trưng:

Trang sử chói lọi của trường khởi đầu từ những năm 1925 – 1926, khi phong trào có bước chuyển động mới và trong trường xuất hiện tổ chức Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội. Mở đầu là cuộc đấu tranh của học sinh trường Kỹ nghệ, cuộc bãi khóa chống chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp vào tháng 3 năm 1926, buộc Khâm sứ phải thay đổi Hiệu trưởng của trường và cải thiện chế độ học tập, sinh hoạt của học sinh. Trong đợt bãi khóa này đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực tạo điều kiện và tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cách mạng, tổ chức Cộng sản sau này của trường Kỹ nghệ thực hành Huế.

Trường đã được tặng thưởng nhiều huân chương độc lập hạng nhất, hạng hai, hạng ba. Ðặc biệt năm 1999, trường vinh dự đón nhận Huân chương độc lập hạng nhất. Bộ Văn hóa Thông tin đã xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 866/QÐ ngày 20/5/1991.

Ngày nay, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng kỹ thuật, kinh tế và các trình độ thấp hơn về các ngành: Cơ khí, ô tô, điện, điện tử, nhiệt - lạnh, công nghệ thông tin, kinh tế và các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật. Đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức quản lý kỹ thuật, kinh tế công nghiệp, công nhân kỹ thuật bậc cao đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước và theo yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đang phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo tiên tiến, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ các yêu cầu phát triển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Với phương châm gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường như doanh nghiệp, những năm gần đây trường đã hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế với các nước Nhật Bản, Đức và các nước Asean, triển khai các dự án về đào tạo và đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài tài trợ với mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học, phấn đấu xây dựng môi trường học tập và làm việc thân thiện, áp dụng công nghệ tiên tiến trong dạy –  học, cung ứng các dịch vụ giáo dục đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của trường.

Bản đồ: