menu_open
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế
Xem cỡ chữ:
Cách thành phố Huế khoảng 25 km theo hướng Tây Bắc, di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế (hay còn gọi là địa đạo Khe Trái) là điểm tham quan giáo dục về nguồn kết hợp du lịch sinh thái hấp dẫn, phục vụ cho khách tham quan trong nước và quốc tế.
Địa chỉ: Phường Hương Vân, TX. Hương Trà, Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996

Giới thiệu:

Từng là cơ quan đầu não của Khu ủy Trị Thiên, Thành uỷ Huế, chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng quân giải phóng trước và sau cuộc tấn công mùa xuân năm 1968, Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế ngày nay là một điểm đến về di tích lịch sử, văn hóa góp thêm địa chỉ đỏ cho vùng đất Thừa Thiên Huế vốn đã mang trên mình nhiều dấu tích lịch sử. 

Lịch sử hình thành:

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên được khởi công đào vào tháng 8/1967 để thực hiện ý đồ chiến lược của Trung ương, nhằm mở hướng tiến công ở Đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường phát triển, nhất là chiến trường Trị Thiên Huế. Khu ủy Trị Thiên Huế đã quyết định đào địa đạo tại khu vực Khe Trái nhằm tạo thế liên hoàn giữa vùng núi, đồng bằng và đô thị, phá thế kìm kẹp, chia rẽ của địch. Đồng thời làm căn cứ chỉ huy, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Chỉ huy Quân khu trực tiếp chỉ đạo các mũi tiến công vào thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Việc đào địa đạo được tiến hành tuyệt đối bí mật, trong điều kiện hết sức khó khăn và nguy hiểm, dụng cụ thô sơ nhưng được triển khai khẩn trương với nhân lực chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cùng các chiến sĩ công an trinh sát. Sau một thời gian triển khai gấp rút, địa đạo đã được hoàn tất, trở thành “đại bản doanh” trụ sở của Bộ Chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế.

Đến tháng 5/1968, Bộ Chỉ huy Khu ủy Trị Thiên Huế đã quyết định chuyển lên miền núi A Lưới, tại địa đạo chỉ còn lại lực lượng vũ trang của huyện Hương Trà.

Ngày 13/02/1996, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định Số 310/QĐ-BT xếp hạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Trải qua năm tháng, dưới tác động của thiên nhiên, một số cửa địa đạo đã bị vùi lấp. Năm 1997, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế) tiến hành khai thông địa đạo và phát hiện một số hiện vật có giá trị lịch sử. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định triển khai dự án bảo tồn, được thực hiện từ năm 2020. Ngày 05/10/2022, sau hai năm tiến hành thi công, tu bổ và tôn tạo, di tích Địa đạo Trị Thiên Huế đã được khánh thành và đi vào hoạt động.

Toàn cảnh khu địa đạo Trị Thiên

Kiến trúc:

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế bao gồm 02 địa đạo:

Địa đạo thứ nhất nằm ở gần ngay Khe Trái. Đây là địa đạo của Thành ủy Huế và cũng là địa đạo Khu ủy Trị Thiên, Thường vụ Khu ủy đã sử dụng trong suốt thời gian chuẩn bị chiến dịch và sau chiến dịch.

Ngoài cửa địa đạo có làm nhà của Văn phòng và một số nhà nhỏ, có các hầm chữ A kiên cố, các chính sở ở đó làm công tác bảo vệ và tiếp khách.

Địa đạo gồm 3 cửa, cấu tạo theo chữ Y, nằm trên lưng chừng núi Mày Nhà, địa đạo gần suối nên thuận lợi cho quan sát và sinh hoạt. Xung quanh địa đạo nhà cửa dựng 2 bên suối, rãi rác trên các sườn đồi. Địa đạo dài khoảng 70 mét.

Địa đạo gồm có 3 cửa: Cửa thứ nhất theo hướng chính Bắc, dài 4m, rộng 3m và cao 4m. Nối với cửa số 1 có 1 giao thông hào chạy theo hướng Đông Bắc, dài 20m, rộng 1m và cao 1,5m dùng làm đường đi xuống địa đạo và để thoát nước vào mùa mưa.

Cách cửa số 1 về phía Tây khoảng 10m là cửa số 2, cửa số 2 nằm theo hướng Tây Bắc, kích thước cũng tương đương với cửa số 1, cửa này không có giao thông hào, vì thực tế cửa số 2 cao hơn cửa số 1 khoảng 0,5m nên muốn đi vào cửa số 2 thì phải đi qua cửa số 1. Cả hai cửa trên đều bị Mỹ đánh sập vào khoảng tháng 6/1968. Cửa thứ 3 hiện tại chưa được tìm thấy.

Địa đạo thứ 2: Nằm ở vùng núi đá thuộc đồi sân bay, cách xa địa đạo thứ nhất 1 giờ đi bộ đường rừng, địa đạo này xuyên qua núi đá, có bề dày lớn. Tại đây có đồng chí Bảy Tiến, tức Trần Văn Quảng-Tư lệnh Quân Khu-Tư lệnh Quân khu, Bí thư Khu ủy và đồng chí Hưng tức là Tự Nhiên-Ủy viên Thường vụ Khu ủy thường xuyên ở. Các đồng chí trong Khu ủy, Quân khu thường xuyên đến đây để hội họp.

Địa đạo thứ 2 này cũng có cấu tạo hình chữ Y, gồm 3 cửa:

Cửa số 1 dài 5m, rộng 3m và cao 2,5m theo hướng Đông Bắc. Về hướng Nam khoảng 35m là cửa số 2. Cửa số 2 có kích thước nhỏ hơn cửa số 1, dài 3m, rộng 2m, và cao 1,7m theo hướng Đông Nam.

Nhà bếp cách cửa số 1 khoảng 50m về hướng Bắc, trên thực tế cái bếp là một cái hố có chiều dài 3m, rộng 2m và cao 1,8m, có 2 cửa lên xuống, thực ra đây là 2 dãy bậc nằm song song và có hướng Đông Bắc. Cũng như địa đạo thứ nhất, cửa thứ 3 vẫn chưa được tìm thấy.

Từ địa đạo này có hệ thống thông tin liên lạc nối liền với địa đạo thứ nhất với các chỉ huy sở tiền phương ở hang núi đá Kim Phụng và chỉ huy sở đoàn 5 tại xã Thủy Xuân (Hương Thủy) trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Hệ thống đường giao thông liên lạc từ đây được nối liền và tỏa đi khắp vùng đồng bằng, thành phố trong chiến dịch tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Video Youtube:

Bản đồ:

Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh