menu_open
Bài Chòi hướng tới di sản thế giới
Xem cỡ chữ:
Cảnh đánh Bài Chòi ở Bình Định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật Bài Chòi miền Trung Việt Nam" trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, trong niềm hân hoan ấy, nhiều chuyên gia và những người yêu mến nghệ thuật truyền thống băn khoăn về quá trình hoàn thiện hồ sơ. TG&VN đã phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương, một chuyên gia về Bài Chòi xung quanh vấn đề này..
Cảnh đánh Bài Chòi ở Bình Định.

Theo ông, những nét đặc sắc nào để thấy nghệ thuật Bài Chòi xứng đáng đề cử lên UNESCO, vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?

Nghệ thuật Bài Chòi là nghệ thuật mang rõ nét dân gian đặc sắc, là đặc sản, là di sản văn hóa miền Trung mà nhân dân nơi đây đã nuôi dưỡng và bảo vệ nó cho đến ngày nay.

Năm xưa, để bảo vệ hoa màu, xua đuổi thú dữ, người ta dựng nên các chòi canh nơi nương rẫy. Mỗi chòi đều được làm kiên cố, cao đủ tầm để muôn thú khỏi tấn công. Chòi được trang bị các loại kèn la, trống mõ để xua đuổi thú. Rồi để tiêu khiển trong những đêm trăng dài dặc, người ta nghĩ ra cách hát hò, đối đáp giữ các chòi với nhau. Từ đó mà sinh ra loại hình sinh hoạt văn nghệ này.

Tương truyền rằng người nghĩ ra cách chơi đánh Bài Chòi đầu tiên là danh nhân Đào Duy Từ - người Thanh Hóa, vào làm quan cho Chúa Nguyễn, dựng nghiệp ở Hoài Nhơn, Bình Định. Ông đã dựa theo mô hình văn nghệ ở các chòi canh rẫy mà sáng lập ra hội đánh Bài Chòi và Bài Chòi đã tồn tại từ đó đến nay.

Việc trình Bài Chòi lên UNESCO là nguyện vọng lớn, mong ước của những người làm sân khấu truyền thống dân tộc cả nước. "Nghệ thuật Bài Chòi miền Trung Việt Nam" được đề cử đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nếu được, nó sẽ là tiền đề để các loại hình khác có kinh nghiệm giữ lại cái truyền thống, giữ được bản chất dân gian của sân khấu nghệ thuật truyền thống, bớt lai căng.

Giáo sư có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu và chuẩn bị xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Bài Chòi miền Trung Việt Nam trình UNESCO?



Tác giả và GS Hoàng Chương đang trao đổi về nghệ thuật Bài Chòi.

Hát Bài chòi thường được tổ chức thành một lễ hội. Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 4 hoặc 5 chòi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương. Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến. Vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau... Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó "tới", xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.

Khó khăn nhưng mà vui! Trong quá trình làm hồ sơ, mới đầu còn nhiều khó khăn, ngay cả việc chọn miền nào là cái gốc của Bài Chòi cũng đã từng là một vấn đề, bởi phạm vi Bài Chòi có trên 11 tỉnh, thành phố miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Cuối cùng tất cả hàng trăm nhà nghiên cứu đã đồng thuận quyết định thống nhất chọn Bình Định là cái gốc của Bài Chòi.

Mới đầu, chúng tôi cũng rất lo là kinh phí thực hiện xây dựng hồ sơ trình UNESCO cũng như kinh phí cần để phát triển hơn nữa nghệ thuật Bài Chòi sẽ khó nhưng cuối cùng thì chúng tôi đã có được một số nhà mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí. Trong đó phải nói đến nhà doanh nghiệp Bắc Hà, vì quá yêu mến và thấy việc chuẩn bị hồ sơ trình lên UNESCO là chính đáng đã ủng hộ kinh phí, cụ thể đã xây dựng các câu lạc bộ thu hút các nghệ nhân Bài Chòi truyền thống. Đến nay nhiều câu lạc bộ đã quy tụ được nhiều nghệ nhân và ngày càng hoạt động chuyên nghiệp và giữ gìn được nét đặc sắc của nghệ thuật Bài Chòi…

Đến thời điểm tháng 12 sẽ phải hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ và trước ngày 31/3/2015 trình lên UNESCO, theo Giáo sư, liệu thời gian có kịp không? Và Giáo sư còn băn khoăn hay lưu tâm điều gì về quá trình chuẩn bị hồ sơ Bài Chòi?

Tôi tin là kịp chuẩn bị xong hồ sơ để trình lên Chính phủ vào cuối tháng 12, để có thể gửi đi vào trước 31/3/ 2015. Tôi có niềm tin vậy, vì lộ trình làm hồ sơ được giao cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi đã xây dựng thành công một số hồ sơ trình UNESCO của nhiều loại hình âm nhạc và có nhiều chuyên gia về âm nhạc.

Tiếp nữa là những khó khăn về học thuật đã được chúng tôi giải quyết xong. Những hoạt động hội thảo, nghiên cứu Bài Chòi được thực hiện, cụ thể là Công trình nghiên cứu cơ bản: Bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Bài Chòi trong đời sống hiện nay do tôi làm chủ biên đã được các chuyên gia nghiệm thu và sắp được in.Vì vậy tôi có niềm tin là sẽ kịp.

Tuy nhiên, tôi cũng có một chút băn khoăn là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có các chuyên gia âm nhạc, nhưng chuyên gia về Bài Chòi lại không có. Do vậy có khả năng sẽ mắc vào lỗi kỹ thuật - học thuật. Nên chăng, Học viện cần phải dựa vào những chuyên gia sâu trong lĩnh vực Bài Chòi thì mới có thể làm tốt được.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Cát Phương (thực hiện)