Trong tiếng trống dòn vang và giọng hò dí dỏm của “anh hiệu”, sức nóng của hội chơi bài chói bắt đầu lan tỏa... “Anh hiệu” Nguyễn Quang Cường sau một hội chơi kết thúc cho biết, ngay từ chiều 30 Tết, những người trong ban tổ chức đã dựng trại, làm chòi để phục vụ bà con trong làng, trong xã và du khách thập phương về khai hội bài chòi. Với người dân Thủy Thanh, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Trước đây, trò vui này dường như chỉ phục vụ con dân trong làng. Thế nhưng, kể từ khi diễn ra Festival Huế, bài chòi đã thu hút đủ thành phần, lứa tuổi, từ khách ta cho đến khách tây tham gia.
Ông Ngô Văn Khịt tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn hào hứng tham gia hội chơi và ngồi vị trí chòi trung tâm. Ông nói rằng, trò chơi này hợp với sở thích và lứa tuổi của ông nhất. Cái thú của bài chòi không nằm ở ăn thua, đỏ đen bởi số tiền thắng một ván chơi chỉ dăm ba chục ngàn đồng. Trò chơi này chủ yếu là để mọi người có dịp giao lưu và đùa vui trong những ngày đầu năm mới.
Bắt đầu phát bài
Mệ Trần Thị Tao cùng 2 cụ nữa tuy đã gần 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn làm nhiệm vụ đi phát bài và thu bài. Mệ Tao cho hay, bài chòi vừa để giải trí, vừa góp phần giúp các thanh niên không sa đà vào cờ bạc đỏ đen trong mấy ngày Tết.
Hội đánh bài chòi ở cầu ngói Thanh Toàn gồm 10 chòi con và 1 chòi trung tâm, được bố trí theo hình chữ nhật. Bài chòi in nhiều hình tượng khác nhau theo lối mộc bản và được dán vào một cây tre được vót như từng nang quạt. Mỗi người chơi (chòi con) được phát 5 quân bài, riêng chòi trung tâm được phát 6 quân bài.
Cầm trong tay các quân bài, khi nghe anh hiệu (người hô) rút tìm quân bài và hô tên, chòi nào có đúng con bài đó sẽ hô đáp lại. Nếu chòi nào ăn đủ cả ba cặp quân bài trước thì hô "tới" và được tặng cờ, thưởng tiền. Nếu chòi nào “tam thắng” (tức có 3 lá cờ thể hiện 3 lần thắng) là được hội chơi tặng thưởng tiền tương đương một ván thắng. 9 hiệp chơi (hay còn gọi là ván) là hết một hội chòi. Cuộc chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi vãn khách.