menu_open
Hải Vân Quan - Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Xem cỡ chữ:
Hải Vân Quan - Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Hải Vân Quan xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 - năm 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Dưới thời Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam.
Hải Vân Quan - Thiên hạ đệ nhất hùng quan

Giới thiệu:

Trên hành trình khám phá di sản miền Trung, có một di tích đặc biệt được kết tinh bởi non nước hữu tình của bàn tay tạo hóa và sự tài hoa của người Việt xưa, là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia duy nhất trong cả nước thuộc sở hữu của hai địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng: đó là Hải Vân Quan – nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân (Ải Vân, Ngãi Lãnh, Ải Vân Sơn, Ải Lĩnh…), phía Tây núi Hải Vân, chỗ giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía Đông) và Bà Sơn (phía Tây), ở độ cao 496m so với mặt nước biển, thuộc dãy núi Bạch Mã - Hải Vân nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Thành phố Đà Nẵng), cách trung tâm Tp. Huế khoảng 90km về phía Nam, trung tâm Thành phố Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc.

Sự hiểm trở của cung đường đèo Hải Vân và hình ảnh Hải Vân Quan trên bản đồ Google Maps, là điểm giáp ranh của hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng

Trong lịch sử, trước năm 1306, vùng đất có đèo Hải Vân thuộc hai châu Ô, châu Lý của Vương quốc Champa. Sau sự kiện Huyền Trân công chúa nhà Trần lấy vua Chế Mân, đèo Hải Vân trở thành biên giới giữa hai nước Đại Việt và Champa. Bởi vậy, Đến với Hải Vân là đến với nơi giao thoa giữa hai vùng đất, hòa mình trong âm vọng sử thi của bao dấu chân người Việt xưa đi mở cõi.

Lịch sử hình thành:

Trước khi xây dựng Hải Vân quan, đèo Hải Vân đã được coi là vị trí xung yếu của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ, là "đất yết hầu của vùng Thuận Quảng” như nhận định của Chúa Nguyễn Hoàng ((1558 - 1613). Khi Triều Nguyễn thiết lập, Huế trở thành Kinh đô, đèo Hải Vân và núi Hải Vân ngày càng được coi trọng trong việc bảo vệ phía Nam Kinh thành Huế, đây là đài quan sát bao quát toàn bộ khu vực cả ở trên biển và trên đất liền và là yết hầu của đường bộ gần như duy nhất từ phía Nam ra Huế, đồng thời khống chế được cả con đường biển đi qua dưới chân núi. Nhận thức được tầm quan trọng của ải Hải Vân, ngay từ thời Gia Long (1802 - 1820), triều đình đã cho đặt 4 dịch trạm tại huyện Phú Lộc và sửa đường lên đèo Hải Vân. Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), để khuyến khích người dân sinh sống ở vùng núi non hiểm trở này, nhà vua đã ban thưởng cho mỗi nhà dân ở đây một lạng bạc và xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại.

Tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh đèo Hải Vân, gọi là Hải Vân Quan. Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm, sau đó triều đình phái biền binh chở súng ống theo viên tấn thủ đóng giữ. Về mặt quản lí và canh phòng Hải Vân quan do chính viên Đề đốc Kinh thành quản lí, dưới quyền quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Sau khi xây dựng xong cửa ải, triều đình chuẩn định từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam và ban hành các chính sách khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo, đồng thời dựng đền thờ thần núi Hải Vân.

Hải Vân Quan  xưa (Ảnh tư liệu)

Nét đặc trưng:

Hải Vân Quan được xây hình cổng cuốn vòm. Phía trên cửa hướng về phủ Thừa Thiên xưa (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế) có tấm biển đá khắc chữ “Hải Vân Quan”, phía trên cửa hướng về tỉnh Quảng Nam (bao gồm cả Đà Nẵng) có tấm biển đá khắc chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây là từ đề tặng của vua Lê Thánh Tông khi dừng chân ngắm cảnh nơi này vào thế kỷ 15. Hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Từ đó, muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch vồ theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống.

Dưới thời Nguyễn, Hải Vân Quan là một quần thể nhiều hạng mục kiến trúc có chức năng là một cửa ải, cũng là pháo đài, là tuyến phòng ngự quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Bởi tầm quan trọng đó, hình ảnh Hải Vân Quan đã được khắc trên Dụ Đỉnh trong bộ Cửu Đỉnh, đúc năm 1837 thời vua Minh Mạng, là Bảo vật quốc gia của Việt Nam ngày nay.

Hải Vân Quan được khắc trên Cửu Đỉnh, đặt trong Thế Miếu - Đại Nội Huế

Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, cùng với sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, Hải Vân Quan đã bị xuống cấp nghiêm trọng, bị thay đổi công năng ở nhiều hạng mục, không còn giữ được nguyên bản nét kiến trúc xưa. Trong giai đoạn 1946 - 1975, Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đã bị xây thêm phía trên để tăng thêm độ cao của các cổng nhằm mở rộng tầm kiểm soát. Một vài đoạn tường lũy, hệ thống bậc cấp, đường đi nội bộ… đã bị triệt giải, hạ thấp độ cao hoặc xây mới lệch khỏi vị trí nguyên gốc. Các ụ súng thần công, Trú sở và Vũ khố đều bị các dãy nhà binh, nhà trại, kho ngầm, ụ súng... được xây dựng trong thời kỳ quân đội Pháp, Mỹ đồn trú thay thế. Cửa ra vào Thiên hạ đệ nhất hùng quan bị xây bít lại bằng gạch hiện đại và bị đất cát... bồi lấp dày gần 2m. Đường Thiên lý từ phía Nam dẫn lên Hải Vân quan và từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế cũng bị san ủi, bồi lấp. Bên cạnh đó, xung quanh Hải Vân quan, các đơn vị quân đội Pháp, Mỹ đã xây thêm 5 lô cốt tại các vị trí xung yếu để bảo vệ cứ điểm này.

Sau năm 1975, một số công trình như trạm Viba, đường điện cao thế, đài kỷ niệm Chiến thắng Đồn Nhất... được xây dựng trong khu vực di tích cùng với những công trình do quân đội Pháp, Mỹ xây dựng trước đây đã làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tí

Giá trị nghệ thuật:

Ngày 14/4/2017, di tích Hải Vân Quan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Điều đặc biệt, đây là di tích đầu tiên trên cả nước thuộc cả hai địa phương (quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tháng 12/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%, thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2023. 

Ngày 25/7/2023 Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định số 1779/QĐ-UBND Thừa Thiên Huế, về việc phê duyệt điều chỉnh dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

Sau hơn 2 năm thực hiện trùng tu, đến nay di tích Hải Vân Quan cơ bản đã đảm bảo phục hồi, được tu bổ lại một số hạng mục công trình gốc của di tích như cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (hướng về Đà Nẵng), cổng Hải Vân Quan (hướng về Thừa Thiên Huế), nhà trú sở, hệ thống Trường Thành. Với sự thống nhất của hai địa phương, ngày 01/8/2024, di tích Hải Vân Quan chính thức mở cửa miễn phí đón du khách tới tham quan, thưởng lãm. Hải Vân Quan sẽ mở cửa miễn phí cho nhân dân và du khách tham quan cho đến khi hai địa phương thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp nhằm thống nhất về phương án quản lý, phát huy giá trị di tích. 

Hướng dẫn trải nghiệm:

Năm 2021, Tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Travel + Leisure công bố 10 tuyến đường đẹp nhất thế giới theo phân tích của Pentagon Motor Group. Đèo Hải Vân xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách 10 cung đường mê hoặc nhất thế giới. Với địa thế cao chênh vênh, đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây, ẩn hiện giữa cây rừng, đá núi, đèo Hải Vân như một bức tranh thiên nhiên hoành tráng do kỳ công của tạo hoá và bàn tay của con người tạo ra đến mức hài hoà. Tuy địa hình đường đèo khá hiểm trở do núi cao, vực sâu, song nơi đây lại là một nơi thưởng ngoạn lý tưởng của du khách thích khám phá loại hình du lịch mạo hiểm.

Cung đường mạo hiểm đẹp mê hồn mang tên Hải Vân

Lên đỉnh Hải Vân vào những ngày nắng đẹp, nhìn bao quát về phía bắc là cảnh đồi núi trập trùng với mây trắng bay là đà, xa xa là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ. Nhìn về phía nam, du khách có thể thấy rõ toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.

Càng thú vị hơn khi chạy dọc đường đèo, biển xanh sẽ luôn hiện diện trong tầm nhìn của du khách, khi thì trải rộng ra đến muôn trùng, khi lại ở rất gần, rì rào và xanh thẳm... Ở những đoạn đèo thích hợp, du khách có thể đứng trên đèo và nhìn xuống đoạn đường ngoằn ngoèo, gấp khúc mình vừa đi qua phía dưới, trông vô cùng ngoạn mục. 

Tháng 3/2024 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng tổ chức tuyến du lịch kết nối Huế - Đà Nẵng bằng tàu hỏa theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch. Theo đó, hàng ngày, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức 2 đôi tàu mang số hiệu HĐ1/2 và HĐ3/4 giữa Huế - Đà Nẵng với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”. Trên hành trình này, nhân dân và du khách sẽ có cơ hội thưởng lãm vẻ đẹp non nước hùng vĩ của hai địa phương Huế - Đà Nẵng, trong đó, Hải Vân hay Hải Vân Quan chính là điểm thu hút khó chối từ bởi “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam” (Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn).

Video Youtube:

Bản đồ:

Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác