Nhạc sĩ là người sáng lập Viện Tỳ-bà ở Huế và TP Hồ Chí Minh. Vừa rồi, nhân chuyến nhạc sĩ ra công tác ở Thủ Đô, ghé về thăm Huế, phóng viên tạp chí đã tranh thủ "phỏng vấn" nhạc sĩ một số vấn đề có liên quan đến những hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thời trẻ. Ảnh tư liệu
1- PV: Xin nhạc sĩ cho biết mục đích của chuyến nhạc sĩ về thăm Huế lần này ?
- Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba: Tôi vừa đi Hà Nội họp sơ kết đợt I sáng tác Quốc ca, trên đường trở lại Thành phố Hồ Chí Minh tôi ghé Huế để cùng Tỉnh Bình Trị Thiên và Thành phố Huế bàn việc thực hiện chủ trương lập ở Huế một cơ sở bảo quản, nghiên cứu và phát huy âm nhạc truyền thống việt Nam - đặc biệt là âm nhạc Huế.
2- PV: Xin nhạc sĩ cho biết nhận xét của nhạc sĩ về hiện tình âm nhạc đang phổ biến trên toàn quốc hiện nay ?
- NHB: Âm nhạc đang phổ biến trên toàn quốc có 4 loại:
a) Nhạc cổ điển Tây Phương rất cao quý, đúng đắn. Nhưng chỉ phục vụ được một thiểu số mà thôi. Thiểu số đó thường là có Tây học;
b) Nhạc thời trang Tây phương phục vụ cho một số đa số chưa được trang bị âm nhạc dân tộc mà lại có tinh thần hướng ngoạn;
c) Cái mà người ta thường gọi là Tân nhạc việt Nam sự thực là nhạc Việt gốc Âu Mỹ. Dùng gam Tây phương, nhạc cụ Tây phương, định lý âm nhạc của Tây phương để nói lên đề tài Việt Nam không khác nào nói tiếng Việt bằng giọng Tây hay giọng người Anh;
d) Nhạc thuần tuý Việt Nam dùng thang âm, điệu thức, phát âm, kỹ thuật diễn xuất (nhấn, nhá, luyến, láy) đặc biệt Việt Nam. Ví dụ như Thi, Ca, Vũ, Nhạc kịch Việt Nam. Đây là một vốn quý của dân tộc được thế giới đề cao. Có một số nhạc sĩ Việt Nam đã biết thừa kế kho tàng âm nhạc truyền thống phục vụ cho những sáng tác mới ví dụ như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với "Dáng đứng Bến Tre", Đỗ Nhuận với Trông Cây Tôi Lại Nhớ đến Người"…
Nhưng hiện nay âm nhạc truyền thống cũng bị xuyên tạc ví dụ Cải Lương: vua Quang Trung xuất trận mà thổi kèn Tây, y trang thì lai Tàu, hoá trang lại Tây (bà Trưng có đôi lông nheo chổng ngược…)
Nghệ sĩ Dân tộc nhạc học. Ảnh tư liệu
3- PV: Được biết nhạc sĩ có nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam - đặc biệt là âm nhạc Huế, xin nhạc sĩ cho độc giả Sông Hương biết sơ lược quá trình làm việc của nhạc sĩ ?
- NHB: Tôi không phải là một người nghiên cúu thuần tuý như anh Trần Văn Khê hay một số nhà nghiên cứu khác. Trên 50 năm qua tôi có nhiều duyện nợ với âm nhạc truyền thống Việt Nam đặc biệt là âm nhạc Húe, trên nhiều lãnh vực:
- Biểu diễn các loại đàn dân tộc: đàn bầu, nhị, tranh, tỳ bà…
- Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam để phục vụ nghiên cứu, sáng tác, trình diễn, biên soạn, đào tạo những người làm công tác âm nhạc và những người yêu thích âm nhạc.
Ngón đàn sâu thẵm. Ảnh tư liệu
4- PV: Trong một khối lượng công việc đồ sộ và đa dạng như vậy nhạc sĩ thấy có việc gì là thích thú nhất ?
- NHB: Công việc thú vị nhất có thể nói rằng tôi sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử có nhiều thử thách gian nguy nhưng cũng rất nhiều vẻ vang. điều mừng nhất của tôi là tôi cũng đi đúng đường, đó là con đường theo âm nhạc dân tộc. điều thứ hai tôi may mắn học được, gặp được, thừa kế được phần nào những bậc thầy của âm nhạc truyền thống Việt như các ông Hầu Biều, Cả Soạn, Hoàng Yến… và nhiều nghệ nhân bậc thầy khác. Giới nghiên cứu và nhạc sĩ Việt Nam không có mấy người được may mắn như tôi.
Trần Văn Khê thắp hương cho Nguyễn Hữu Ba bên cạnh nhà báo Lý Thị Lý và phu nhân người quá cố. Ảnh NĐX
5- PV: Xin nhạc sĩ cho biết một vài tài liệu, nhạc cụ, nhạc bản quí, hiếm có mà hiện nay có thể công bố được ?
- NHB: Anh muốn khai thác kho tàng bí mật của tôi phải không. Tôi không giấu gì đâu. Ví dụ: như cái đàn tranh của ông Hoàng Nam Sách. Ông Hoàng Nam Sách là ai ? là con vua Minh Mạng, một bậc thầy mà ngày xưa đã được tiếng là "đã đắc đạo nhạc". Cái đàn nguyệt của Ông Cả Soạn. Cái đàn Tỳ-bà của Tương An Quận Vương truyền lại cho con là ông Hầu Biều một người nổi tiếng với ngón đầu thần. Ông là thầy dạy tôi hai cây đần Nhị và đàn Bầu.
6- PV: Tôi biết nhạc sĩ có nhiều đóng góp trong việc khám phá (découvrir) ra nhạc lý, nhạc ký và và tiêu chuẩn hoá nhạc cụ Việt Nam một cách khoa học có giá trị không những đối với dân tộc mà còn có một cái gì đóng góp với thế giới, xin nhạc sĩ giới thiệu sơ lược với bạn đọc Sông Hương.
- NHB: Vấn đề này thuộc về học thuật rất dài dòng. Tôi chỉ xin nói một cách rất khái quát như sau:
Từ năm 1930 tôi đã tìm ra đươck ký âm Việt Nam và năm 1940 tôi đã xuất bản cuốn tự học đàn. Cách ký âm nầy mới ghi được trường bộ, cao độ, cường độ, âm sắc và những luyến nhấn (tăng giảm) rất tinh tế của ca nhạc Việt Nam và công dụng của nó có thể ghi được nhạc Đông Nam Á, Á Phi và các nước nào mà người ca sĩ không theo cách ký âm Tây phương. Phần cao độ phải có một thang âm (game) riêng gồm 7 cung đều khác với thang âm Tây phương 12 bán cung hay 6 toàn cung.
Điều nàu chứng tỏ sự chênh lệch không thể nào hoà đồng được giữa âm nhạc Tây phương và âm nhạc Việt Nam (Thang âm Tây phương do qui định của con người – BÁCH: thang âm Việt Nam theo qui định của thiên nhiên và của con người).
Từ thang âm đó mới có sự qui định của các cung. Từ các cung đó phối lại mới thành ra các điệu thức Rồi từ các điệu thức đó, vị trí hoá các dấu nhấn tạo ra các Hơi (air) vui, buồn, oán, giận… Sự tăng giảm của Cung âm theo yêu cầu buồn, vui, cách ký âm của Tây phương mỗi lần tăng hoặc giảm nữa Cung, trong lúc đó một cung Việt Nam chia sự tăng giảm ra 16 lần theo sự cảm xúc của tâm hồn và tư tưởng của bản nhạc của người đàn, người hát…
7- PV: Nhạc sĩ có nhận xét gì về sự khác biệt giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc truyền thống Trung Quốc!
- NHB: Vấn đề nầy cũng rất phức tạp. Có một số người nghiên cứu trên lý thuyết mà không có thực tế, hoặc tệ hơn nữa là có một số người tự ti với dân tộc có đầu óc vọng ngoại đã cho rằng âm nhạc cổ truyền Việt Nam chỉ là một bộ phận của âm nhạc cổ truyền Trung Quốc đưa sang. Thậm chí họ biết chắc đó là âm nhạc của Việt Nam mà không dám nhận lại bảo của một nước lớn cho oai. Điều đó thật sai lầm cần phải lên án một cách nghiêm khắc. Theo tôi âm nhạc là một ngành văn hoá, các nước có biên giới gần nhau dĩ nhiên âm nhạc có sự giao lưu, có ảnh hưởng qua lại, nhưng không thể thay thế nhau. Tiếng nói khác, giọng nói khác thì nền ca nhạc dứt khoát phải khác. Có những bài bản của Trung Quốc truyền sang với mục đích nô dịch nhưng đã bị Việt hoá, chẳng khác nào chữ Hán đã biến thành chữ Nôm, từ mẫu tự La tinh biến thành Quốc ngữ.
8- PV: Những tìm tòi của nhạc sĩ đã thể nghiệm chưa?
Trần Văn Khê thăm lại những chiếc đàn lưu niệm trong Tỳ Bà Trang của Nguyễn Hữu Ba tại Huế. Ảnh NĐX
- NHB: Đây là một khám phá khoa học cho nên tôi vẫn còn tìm và vẫn còn thể nghiệm. Nhưng quá trình thể nghiệm được quần chúng tán thưởng tôi tin là đúng đắn
Từ năm 1956 cho đến bây giờ tôi và các bạn đồng nghiệp vẫn sử dụng những thành tựu nầy trong việc giảng dạy âm nhạc dân tộc ở các trường âm nhạc Sài Gòn (bây giờ là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) và trường Âm nhạc Huế, lớp thể nghiệm ở Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Cho đến nay chưa có lý thuyết gì khác bác bỏ những công trình nghiên cứu của tôi.
9- PV: Nhạc sĩ cho biết những yếu tố chính đã giúp cho nhạc sĩ đúng đường và đã thành công?
- NHB: Lúc nhỏ tôi ở trong Thành nội Quảng Trị. Có một ban ca Huế ra ca. Tôi rất thích. Khi ban ca Huế rời Quảng Trị tôi đã thuộc hết những điệu ca của họ. Sau đó tôi có tiếp xúc với đàn Tây, với đàn Tàu thì tôi nghe nó có một cái gì không hợp với tai mình. Do đó mà tôi tìm hiểu lý do vì sao. May mắn cho tôi, trong buổi đầu ưa thích âm nhạc dân tộc tôi được các danh cầm khuyến khích và dạy dỗ như các thầy Hầu Biểu… nên tôi đã phát triển được năng khiếu âm nhạc của mình.
Đến năm 1945 sau khi cách mạng tháng Tám thành công tôi được đi dự những hội nghị về văn hoá dân tộc tại Hà Nội, tôi biết thêm về đường lối văn nghệ của Đảng là Dân tộc – Khoa học và Đại chúng. Tôi lại càng vững tín vào con đường phát triển âm nhạc của mình.
Nhưng điều quan trọng nhất của một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu là sự kiện trì phấn đấu của cá nhân để đi đến tận cùng lý tưởng của mình. Nhờ thế, dù trải qua bao nhiêu thử thách, dốt nát, nghèo đói, thiếu thốn, đố kỵ, đe doạ khủng bố tôi vẫn chịu đựng được để có hôm nay.
10- PV: Nhạc sĩ cho biết một vài nét về Tỳ Bà mà nhạc sĩ vừa nhắc ở trên?
- NHB: Một người hoạt động nghệ thuật cũng như con chim cần phải có tổ có đàn. Năm 1945 tôi đã lập Quán Nghệ sĩ qui tụ được các giới ca nhạc. Đến ngày toàn quốc kháng chiến Quán Nghệ sĩ tan tôi về Quảng Trị với 16 nhạc cụ dân tộc có giá trị lịch sử với 15 năm tư liệu, tuồng tích, sách vở. Tất cả những thứ nầy đã trở thành tro bụi trong một cuộc đại càn quết của Pháp tại làng Đạo Đầu miền chợ Cạn (Triệu Phong). Đó là một thiệt hại vô cùng to lớn. Làng quê bị giặc đóng tôi đưa mẹ già vào Huế với quyết tâm phải cứu vãn sự thiệt hại to lớn nầy. Vào Huế tôi biết tên tuổi tôi không thể tránh được sự lợi dụng của chánh quyền tay sai Pháp do đó tôi cần phải có một cơ sở mới để hoạt động ngoài tầm kiểm soát của chính quyền nguỵ. một thời gian ngắn tôi đã qui tụ được một số nghẹ nhân, nhạc sĩ nhân sĩ trí thức hoạt động trở lại. Chúng tôi lấy lại cái biểu tượng đàn Tỳ Bà của Quán nghệ sĩ thời cách mạng làm thành Viện Tỳ Bà. Viện ày có nhiệm cụ làm những cồng tác như tôi đã trình bày ở câu hỏi thứ 3.
11-PV: Nhạc sĩ cho biết một vài việc cụ thể trong chuyến về Huế nầy.
- NHB: Nói đến âm nhạc cổ truyền Huế các anh lánh đạo thường nhắc đến Nguyễn Hữu Ba. Trong hơn 5 năm qua. Các đồng chí lãnh đạo ở trung ương và địa phương nhiều lần nhắc tôi phải về Huế tiếp tục công việc tôi đã làm từ nhiều năm qua. Lần này tôi về để bàn việc cụ thể. Trước mắt là làm đề án tu sửa lại Tỳ Bà viện, đó là bước đầu cho việc tiếp tục những công tác nêu trên.
12-PV: Nhạc sĩ có ý kiến gì muốn nhắn nhủ với quê hương Bình Trị Thiên không ?
- NHB: Điều trước tiên tôi xin nhắc lại một việc đã cũ là làm thế nào để cho mọi người dân Bình Trị Thiên thấy được quê hương chúng ta có thành phố Huế là một di sản văn hoá của nhân loại. Có biết được như thế thì mọi người mới biết quí và bảo vệ, nhà nghiên cứu mới phảt hiện dược những giá trị tuyệt vời của Huế, mới đón nhận được tình cảm và chi viện của Việt kiều và thế giới muốn giúp tỉnh ta. Tôi rất thiết tha mong mỏi những cơ quan có trách nhiệm tìm mọi cách ngăn ngừa sự phá hoại di tích hiện nay. Mong mỏi chính quyền có chính sách giúp đỡ phương tiện cho các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu phát triển tài năng.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ.