menu_open
Thương em anh cũng muốn vô...
Xem cỡ chữ:
Truông nhà Hồ - theo dấu tích xưa: Ảnh - IT
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang…
Truông nhà Hồ - theo dấu tích xưa: Ảnh - IT

Nếu quả “thương em” thì ba bốn núi cũng trèo, trăm sông cũng lội, vạn đèo cũng qua mới là dân “chịu chơi” chứ. Vậy thì truông nhà Hồ ở đâu và vì sao lại đáng sợ đến nỗi chàng và nàng phải chịu cảnh chia lìa?

Có người cho rằng nhà Hồ tức là triều đại Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly có xây thành nhà Hồ, gọi là Tây Đô ở Thanh Hóa. Truông nhà Hồ chắc cũng ở đâu quanh thành nhà Hồ. Nhưng nếu truông nhà Hồ ở Thanh Hóa thì cái người xưng là anh trong câu ca dao phải ở miệt ngoài xứ Thanh, chí ít cũng từ Ninh Bình trở ra. Mà từ Thanh Hóa, Ninh Bình trở ra thì khẩu âm địa phương không nói vô mà nói là vào. Từ Nghệ Tĩnh trở vô mới bắt đầu dùng từ vô thay cho từ vào.

Sách Đại Nam Liệt Truyện tập 1, quyển 5 ghi rõ: “Đường rừng nhà Hồ (Hồ Xá) thường có giặc cướp tụ họp, người đi đường sợ hãi. Còn bờ biển Tam giang gọi là xứ bào ngược (ở xã Vĩnh Xương và Kế Môn, huyện Quảng Điền) nước sâu, sông cong, mùa thu đông thường có gió to sóng dữ, thuyền đi thường bị đắm”.

Như thế Hồ Xá là ở tỉnh Quảng Trị, còn phá Tam Giang ở Thừa Thiên. Có thể suy ra chàng trai cư ngụ ở địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình. Còn cô em là một cô gái Huế. Bởi nếu cô ta ở từ Quảng Nam trở vào thì bất luận chàng trai đi đường bộ hay đường thủy đều không phải qua phá Tam Giang.

Hai câu toàn là do chàng trai xướng lên. Cô gái đáp lại:

Phá Tam Giang ngay rày đã cạn

Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm

Nội tán đây chỉ ông Nguyễn Khoa Đăng làm quan đời Lê Hiển Tông. Năm Nhâm Dần (1722), ông được phong chức nội tán kiêm án sát sứ tổng trì quân quốc trọng sự.

Nội tán Nguyễn Khoa Đăng là người có tài xử đoán. Ông đến trấn nhậm hạt nào thường được mọi người mến phục không chỉ vì tài xét xử mà còn vì lòng dạ lúc nào cũng lo trừ hại cho dân. Một hôm có người lái buôn giấy đến trình rằng mình ở trọ ở làng Hồ Xá bị trộm lấy mất cả một gánh giấy. Ông Đăng hỏi rõ nguồn cơn rồi thân hành đến làng Hồ Xá cứu xét. Đến nơi ông cho triệu tập dân chúng sở tại và các làng lân cận lệnh cho mỗi người không kể nam phụ lão ấu phải làm tờ khai tên tuổi quê quán cho minh bạch. Lệnh ban ra, giấy ở chợ tăng giá đột ngột. Tên trộm bèn lén mang giấy ra chợ bán để kiếm lời. Hắn không ngờ Nguyễn Khoa Đăng đã mai phục tay chân theo dõi. Hắn bị bắt quả tang, phải đền gánh giấy cho người đi buôn và trả tiền mua giấy cho dân các làng, sau đó trị luôn tội trộm cắp.

Một lần khác ông đi kinh lý đến một vùng trong huyện. Khi ông mới đến, người ta cho biết vùng này khét tiếng trộm cướp chuyên nghiệp. Ông ngầm sai người thân tín đi dò la hành tung, quê quán của từng tên một. Một hôm ông đi qua một làng nọ thấy có một hòn đá lớn bên đường, có nhang khói thờ cúng. Dân chúng địa phương cho biết: Đấy là ông Mốc, thiêng lắm. Ai cầu khẩn việc gì cũng linh ứng. Ông nói: “Đã thế, ta cầu ngài trừ yên trộm cướp để bảo vệ cho dân lành mới được”. Nói rồi khấn vái hồi lâu trở ra bảo: “Ngài dặn cứ rước ngài về nha môn, ngài sẽ vạch mặt chỉ tên bọn trộm cướp trong vùng.”

Sau khi khiêng đá về, ông cho người ban đêm bí mật đào hầm ngoài sân công đường rồi cho người núp sẵn dưới hầm. Sáng hôm sau ông cho khiêng tảng đá đặt bên trên cái hầm. Ông cho tập họp dân chúng đến coi xử án. Thoạt tiên ông khấn: “Nghe đồn ông Mốc rất thiêng, cầu gì được nấy, nay ta đến trấn nhậm, nghe nói hạt này rất nhiều trộm cướp. Vậy ta mời thần đến đây mách bảo giùm. Nếu có công ta sẽ tâu triều đình phong tặng”. Chờ hoài không thấy ông Mốc trả lời, quan nổi giận quát: “Không chừng ông Mốc đồng lõa với trộm cướp. Lính đâu, hãy tra tấn nó cho đến lúc nó phải khai thực”. Bấy giờ dân chúng tới xem đông nghịt. Lính dùng roi sắt đánh vào đá túi bụi, đánh đến nháng lửa. Tự nhiên từ tảng đá bật lên tiếng khóc, xin đừng đánh để đá khai.

Thế là đá lần lượt khai ra và vạch tội từng tên một. Mỗi lần đá khai tên nào, ông sai ghi chép lấy và lập tức cho lính đi bắt về. Suốt ngày hôm đó bắt được ba mươi tên cừ khôi. Bọn cướp cũng tin là do thần đá khai, hoảng sợ thú nhận hết tội lỗi.

Trong thời kỳ làm nội tán, ông đã quét sạch bọn trộm cướp ở làng Hồ Xá. Trước đó nơi đây là rừng rậm nằm trên đường Bắc Nam. Bọn gian tặc đã dùng làm sào huyệt để đón đường đòi mãi lộ hoặc giết người cướp của. Nguyễn Khoa Đăng sai chế những hòm có lỗ thông hơi, mỗi hòm giấu một tay võ sĩ. Ông sai quân lính cải trang thành dân phu khiêng những hòm ấy qua truông nhà Hồ. Bọn cướp tưởng là đoàn thương khách có của cải bèn xông ra đánh đuổi dân phu, cướp lấy những cái hòm đem về. Nhưng khi vừa về tới sào huyệt thì các võ sĩ tung nắp hòm nhảy ra đánh giết. Mặt khác quan binh cũng tập kích tới nơi, những tên đầu đảng bị giết, bọn lâu la đều quy hàng.

Ông cho bọn này đi khai hoang lập nghiệp ở biên giới. Một mặt chiêu tập dân chúng đến định cư hai bên truông. Một vùng truông nhà Hồ nay đã thành làng xóm đông đúc, làm ăn lương thiện. Do đó mà có câu: Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.

Còn phá Tam Giang vốn sóng to gió lớn do dòng sông quanh co hiểm trở. Ông Nguyễn Khoa Đăng cho đào bờ sông để nắn lại dòng chảy cho thẳng bớt. Do đó phá Tam Giang không nguy hiểm nữa và được gọi là Hạt hải (vùng biển cạn). Vùng truông nhà Hồ nay là thị trấn Hồ Xá của huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, tiếp giáp với xã Vĩnh Tú ở bên trái và xã Vĩnh Chấp ở bên phải. Cái gọi là truông nay chỉ còn lưa thưa mấy vạt rừng chồi.

Trở lại với đôi nam nữ đối đáp qua ca dao. Có lẽ anh chàng ở vùng ngoài Quảng Bình. Nếu ở giáp ranh Quảng Trị, không thể không biết chuyện Nguyễn Khoa Đăng đã trị được bọn cướp. Và anh chàng có thật lòng “muốn vô” không? Nếu thật thì dù ở tận Nghệ Tĩnh cũng chỉ cần hỏi thăm người vào Nam ra Bắc là biết ngay tình hình ở truông, ở phá. Đến cô gái kia còn biết rất rõ nữa là. Thế mà cũng dám nói thương em!

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 340