menu_open
Tiếng Huế trong thơ Tố Hữu
Xem cỡ chữ:
Ảnh: internet
Trong một lần gặp mặt toàn thể hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, nhà giáo - nhà văn - dịch giả Bửu Ý có nêu một gợi ý: Từ điển Tiếng Huế thì bác sĩ Bùi Minh Đức đã thực hiện. Nhưng chưa thấy có ai khảo sát về tiếng Huế trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của các nhà văn - nhà thơ - nhà nghiên cứu lý luận văn học nghệ thuật của tỉnh và cả nước. Nên chăng cần tiến hành công trình có ý nghĩa này?
Ảnh: internet

Hôm đó, nếu tôi không nhầm, hình như không có ai trả lời hay tỏ ý tán thành gợi ý thú vị của anh Bửu Ý, có lẽ vì bất ngờ. Câu hỏi theo tôi cũng chính là câu trả lời đầy thú vị: Cần tiến hành mà còn phải ngay lập tức vì đó là một công trình có ý nghĩa chung về văn học - nghệ thuật, nhưng còn có ý nghĩa riêng về “Giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, trong đó có tiếng Huế, giọng Huế”. Thâm tâm tôi tán thành, nhưng không được đào tạo chuyên ngành ngôn ngữ thì viết ai đọc, nói ai nghe, hơn nữa Huế lại có nhiều người có năng lực thực tiễn, có học hàm học vị cao đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, câu hỏi của anh Bửu Ý khiến tôi rất thích thú, thế là tôi trở thành Người Mót Lúa Rụng trên một mảnh ruộng văn chương. Và dưới đây là thu hoạch bước đầu của tôi. Mong rằng sẽ có ai đó đem lại thu hoạch lớn hơn nhiều.

Cố thi sĩ Chế Lan Viên từng nhận xét: Tố Hữu là nhà thơ của Phía Mẹ - Phía quê nhà. Đó là nói về tình cảm, niềm thương nỗi nhớ. Còn về phía ngôn ngữ thơ thì sao? Vậy, tôi - Người mót lúa rụng thử cúi mót xem trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Tố Hữu (mà tôi đang cầm trong tay) có bao nhiêu từ thuộc phương ngữ Bình Trị Thiên, nói riêng là Tiếng Huế mà dưới đây tôi xin phép những người quê Quảng Trị - Quảng Bình thể tất cho tôi khi gom cả vào chung một Tiếng Huế. Cho gọn bài.

Tiếng Huế nằm trong tiếng Thừa Thiên, tiếng Thừa Thiên nằm trong phương ngữ Bình Trị Thiên và nhiều từ ngữ trong đó cũng thuộc ngôn ngữ phía Nam, chẳng hạn từ ghe (thuyền nan, thường đan bằng tre hoặc đóng bằng nhôm sau này, mà trong thơ Tố Hữu có xuất hiện năm ba lần, tôi chỉ nhắc ở đây), vì vậy trong một số trường hợp khi mót (lượm lặt), chúng tôi cũng coi đó như là Tiếng Huế, thay cho các phương ngữ thông dụng rộng hơn. Để bạn đọc tiện tra cứu, về thơ, tôi sử dụng tuyển tập Từ ấy... chào năm 2000 do Nxb. Thuận Hóa biên tập và phát hành năm 1991, khi dẫn sẽ được ghi là Sđd 1, tr…, khi cần sẽ ghi chú rõ hơn. Về so sánh nghĩa của từ hay ngữ, do chưa có trong tay bộ Đại từ điển Tiếng Việt, tôi xin tạm sử dụng Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên - Nxb. KHXH - Trung tâm Từ điển học - Hà Nội phát hành năm 1994 và ghi là Sđd 2, tr...

*

Câu thơ cuối trong bài Từ ấy, nhà thơ dùng cụm từ cù bất cù bơ, đảo ngược tổ hợp tính từ cù bơ cù bất. Trong Từ điển tiếng Việt, tổ hợp tính từ cù bơ cù bất (Sđd 2, tr 211, cột 2) được coi là ít dùng (id) và chỉ dẫn x.cầu bơ cầu bất. Mà cầu bơ cầu bất nghĩa là gì, ai cũng biết cả rồi, xin miễn nêu ra. Từ điển ghi là id (ít dùng) nhưng thực ra ở Huế, người ta hay nói cù bất cù bơ như câu cửa miệng, rất ít khi (hầu như không) dùng cầu bất cầu bơ. Rứa thì cù bơ cù bất là tiếng phổ thông bị… Huế hóa rồi!

Trong bài Hai đứa trẻ (Sđd 1, tr 38), có một câu trong một khổ thơ 4 câu, nhà thơ đặc tả hình hài, hoàn cảnh đứa trẻ con mụ ở làm thuê, như sau: “Ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím”. Là người Huế, ai không biết từ ghèn? Nó là dử hay nhử trong tiếng Việt mà người miền Bắc hay dùng (Sđd 2, tr 260, cột 2 và tr 705, cột 2), được định nghĩa: Chất nhờn do tuyến mi mắt tiết ra, đọng lại ở khóe mắt. Nhưng phải cẩn thận khi viết, vì ghèn sót dấu huyền sẽ ra nghĩa khác! Còn mụ ở làm thuê thì rặt Huế rồi, khỏi bàn: Nghề này, chữ gọi là gia nhân, thông tục gọi là đầy tớ, con ở hay mụ ở, hoặc đi ở đợ, hiện đại gọi là giúp việc nhà, tôi đặt cho nghề này cái tên mỹ miều: Trợ gia viên! Trong bài, còn có từ chưởi, rặt Huế: “Không dám tới, e đòn roi, tiếng chưởi”. Giọng Bắc hay trong Tiếng Việt phổ thông gọi là chửi, nhẹ hơn thì gọi là mắng.

Từ chưởi lặp lại trong Đi đi em (Sđd 1, tr 42), khổ 4 câu thứ 6 trong bài: “Em ngoái cổ nhìn anh: ta chỉ trả. Thầm cho nhau đôi mắt ướt ly sầu. Biết làm sao, em hỡi, nói cùng nhau. Tiếng chưởi mắng vẫn phun hoài, nhục nhã!” (Viết đến đây bỗng nhớ đến cố thi sĩ Trần Vàng Sao cũng dùng từ chưởi rặt Huế trong bài thơ Tau chưởi!). Cũng trong Đi đi em còn có câu “Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te”. Thoạt đầu tôi nghĩ le te chắc nụi là tiếng Huế rồi, còn (bẩn) là phương ngữ Nam Bộ. Té ra hai từ đó, dân Thừa Thiên xưa hay xài lắm. Le te thì hẳn rồi, vì là tiếng Việt phổ thông; còn thì có phần chắc do nhiều người Thừa Thiên xưa vô Nam mần ăn (có nơi còn lập hẳn một huyện Phong Điền - Tp. Cần Thơ) để nhớ cội nguồn gia tộc, nên chi họ cầm luôn từ dơ đem về quê xài. Tố Hữu cứ thế tự nhiên nhi nhiên đưa vô thơ mình:

Em len lét cúi đầu, tay xách gói
Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te
Vẫn chưa thôi lời day dứt nặng nề
Hàng câu tiếng rủa nguyền trên miệng chủ.

Gởigởi gắm đều là phương ngữ của hai từ Gửigửi gắm (Sđd, tr 396 và 397), được người Huế và cả miền Nam xài nhiều: Kính gởi, Người gởi, eng cho tui gởi cấy ni. Tố Hữu nhẹ nhàng đưa vào thơ, một câu thơ nhẹ như hơi thở buồn, báo trước một cảnh ngộ buồn tê tái, ngậm ngùi thương: Nàng gởi con về nương xóm cũ. Để làm chi? Nàng gởi con về nương xóm cũ. Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi. Rồi từ hôm ấy, ôm con chủ. Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi! (Vú em - Huế, tháng 5/1938 - Sđd 1, tr48).

Nghề nhũ mẫu (vú em) ngày xưa có cái nghiệt ngã nhất đời người mẹ: Con mình khát sữa cũng đành. Sữa ngon cứ phải để dành chủ... con. Ngày nay có khác rồi.

Có điều lạ, chỉ một tháng sau bài này, Tố Hữu viết bài Dửng dưng (tháng 6/1938 - Sđd 1, tr49 - 50), trong đó nhà thơ hạ bút dùng từ gửi một cách “nặng tay” trong một tâm cảnh hoàn toàn khác bài thơ Vú Em:

Ai tưởng ngàn năm nương đất ấy
Mầm non thêm nhựa, lá thêm tươi
Ôi mỉa mai! Hồn ta chỉ thấy
Rêu hèn sống gửi nhánh khô thôi!

Có cảm nhận ban đầu rằng khi viết về Quê hương, về Mẹ, về Những đứa trẻ nghèo... nhà thơ đã dùng tiếng địa phương một cách tự nhiên, không trau chuốt, như từ vô thức bật ra. Còn khi nói về Cái Chung, nhà thơ có cách chọn lọc ngôn từ khác hẳn. Trong câu cuối trên, nếu đọc từ gửi thành gởi theo giọng Huế-Thừa Thiên thì tự nhiên cảm thấy nhẹ bâng cả về phát âm lẫn về ý nghĩa mỉa mai cay đắng.

Khi bị bắt đưa lên nhà tù Lao Bảo, Tố Hữu cảm thán viết bài Lao Bảo, trong đó có câu miêu tả tổng thể cảnh vật nơi đây: Chao, hiu quạnh! Trên vùng khô đỏ chạch!

Trong TĐTV (Sđd 2), mục từ Đỏ chỉ ghi nhận hai tính từ đỏ quạch (Sđd 2, tr316, cột 2) và đỏ cạch (Sđd 2, tr 317, cột 1). Vậy, đỏ chạch từ đâu ra? Chạch (Sđd 2, tr 128, cột 1 & 2) ghi hai từ chạch và chạch chấu (danh từ, trong khi đó, đỏ quạch hay đỏ cạch là tính từ thì quạch cạch là trạng từ bổ nghĩa cho tính từ đỏ, nên chắc chắn không dính dáng gì) với định nghĩa: Cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn. Dân gian có câu: Lươn ngắn còn chê chạch dài. Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm! Tiện thể nói vui để tránh nhầm lẫn vì có người cứ thích con trai là... con trai: Trong câu ca dao này, con trai là con vật sống dưới nước mặn hay lợ, cũng có thể nước ngọt, cho ra loại ngọc trai, chứ không phải là... con trai, cũng là ngọc báu của... mẹ. (Tiếng Việt rắc rối thế đó!).

Không chỉ có chạch mà TĐTV(Sđd 2) không ghi nhận hoặc chưa kịp đưa vào để giảng nghĩa, nhà thơ còn dùng một từ ghép nữa, khiến cho tôi khá mất công đi tìm ngữ nghĩa của nó. Chẳng hạn câu thơ: Có bao nhiêu đem khởi cuộc hành trình. Tôi chất hết vào rương còn lưng lẻo (Hy vọng - Sđd 1, tr 65). Lưng lẻo nghĩa là sao? Dựa theo ngữ cảnh thì có thể đoán ra nghĩa, đại khái “vốn liếng mang theo cuộc hành trình chưa đầy, tức… còn lưng lẻo lắm”. Nhưng dự đoán không hay bằng tra từ điển. Tra TĐTV (Sđd 2), mục từ lưng, tìm đỏ chạch cả mắt vẫn không có từ ghép lưng lẻo được ghi nhận và giảng nghĩa. Cuốn Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức thì ai đó mượn bay mất rồi. May quá, trên Thư viện đề thi có ngay một bộ đề thi trắc nghiệm học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 8, niên khóa 2015 - 2016 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành ra đề (Xin lỗi bạn đọc, trên văn bản không đề rõ là huyện Châu Thành thuộc Tỉnh/Tp. Trực thuộc trung ương nào cả! Mà ở Nam Bộ, các huyện, thị trấn có tên Châu Thành khá nhiều!), câu 2 như sau:

Câu 2: Từ “lưng lẻo nhìn” trong câu “Các cậu lưng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến” (trích “Tôi đi học” của Thanh Tịnh - SGK Ngữ Văn lớp 8, tập 1, tr 7) được hiểu với nghĩa nào?

A. Nhìn lại chăm chú, không rời mắt

B. Nhìn lại với tâm trạng lưu luyến, dùng dằng

C. Nhìn lại với tâm trạng lo lắng, sợ bị bỏ rơi

D. Nhìn lại như muốn trách móc, hờn dỗi”.


Chỉ 02 phút làm bài thi trắc nghiệm, riêng câu này chắc chỉ 5 giây.

Phấn khởi được trở lại làm học sinh lớp 8, tôi vắt óc tìm câu trả lời. Cuối cùng quyết định chọn câu C: lưng lẻo nhìn tức là “Nhìn lại với tâm trạng lo lắng, sợ bị bỏ rơi”. Vì sao? Theo phép suy luận thông thường, nếu chấp nhận nghĩa trên của lưng lẻo nhìn, khi đó lưng lẻo có nghĩa là “tâm trạng lo lắng, sợ bị bỏ rơi”. Nghĩa này có thể đúng với ánh mắt lưng lẻo nhìn của cậu học trò lần đầu rời vòng tay cha mẹ để đi học trong “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, quê ở… Huế. Trời! Lại thêm một ông Huế khiến mình đau đầu vì vốn chữ nghĩa của mình rất lưng lẻo, do đó mình quyết định nhìn lại như muốn trách móc, hờn dỗi hai ông ấy. Không đúng! Nhà văn, nhà thơ có quyền sáng tạo chữ nghĩa mà. Thì đành phải Nhìn lại chăm chú, không rời mắt vào cả bài thơ, đọc đi đọc lại cho hiểu tận nghĩa. Thì ra, trong Hy vọng, sáng tác tháng 8/1938, sau Từ ấy, nhà thơ vừa bước chân vào “đường cách mạng từ khi tôi đã hiểu” và chấp nhận đương đầu mọi gian khổ hiểm nguy; nhưng với Liên Xô và Cách mạng tháng Mười Nga (cũng có thể với cả chủ nghĩa Mác-Lê Nin cũng thế) thì nhà cách mạng - nhà thơ trẻ chưa hiểu nhiều, tuy nhiên vì yêu cầu của Cách mạng Việt Nam nên đã Có bao nhiêu đem khởi cuộc hành trình. Tôi chất hết vào rương còn lưng lẻo. Thế là rõ rồi! Lưng lẻo ở đây cũng đồng nghĩa với chưa đầy, còn vơi, mới lưng lửng thôi trong tiếng Việt phổ thông. Nó-một từ láy có hai nghĩa khác nhau xa lắc, do hai ông nhà văn, nhà thơ xứ Huế viết ra đầu tiên (theo ý tôi), nên chi nó là… Tiếng Huế rặt rồi! Chắc nụi rồi!

Bài thơ Tiếng hát sông Hương (Tháng 8/1938 - Sđd 1, tr 68-69) mà nhiều thế hệ học sinh lớp trước từng được học, nghe bình giảng, diễn ngâm… là một bài thơ tác giả dùng nhiều từ địa phương như mô (Em đi với chiếc thuyền không. Khi mô vô bến rời dòng dâm ô. Trời ơi! Em biết khi mô. Thân em hết nhục giày vò năm canh!), răng (Răng không! Cô gái trên sông. Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài…), hoặc trong bài Hoa Tím (Sđd 1, tr 198) tặng Nguyễn Tuân, nhà thơ xứ Huế cũng xài tiếng và khoe cảnh đẹp quê mình trong 2 câu Bữa mô mời bạn vô chơi Huế. Cồn Hến buồm dong ngược bến Tuần. Nguyễn Tuân cũng như nhiều nhà văn khác của Việt Nam, ai cũng biết mô, tê, răng, rứa là tiếng Huế rồi, không nói dài.

Còn lạt lẽo thì răng hè (sao nhỉ)? Ôi, lạt lẽo là những ngày lạnh lẽo! (Hai cái chết - Tháng 12/1938 - Sđd 1, tr 78). Khó chi! Lạt lẽo chính là nhạt nhẽo đọc trại ra theo kiểu Huế, như nhố nhăng đọc thành lố lăng thôi mà! Thật không? Chưa chắc! Lố lăng là một tính từ rất hay được dùng trong tiếng Việt phổ thông, cả nói lẫn viết, dùng chỉ những cái gì “không hợp với lẽ thường của người đời đến mức chướng tai gai mắt, như cử chỉ lố lăng, đua đòi cách ăn mặc lố lăng” (Sđd 2, tr 560, cột 2). Còn nhố nhăng là một phó từ, ít dùng, (Sđd 2, tr 700, cột 2) chính là lố lăng nhưng phát âm kiểu người miền Bắc. Người Huế thường phát âm phụ âm nh thành l trong nhiều trường hợp, chẳng hạn nhầm thành lầm. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy, chẳng hạn nhẹ nhàng được người Huế phát âm là dẹ dàng. Có trường hợp oái oăm thế này: Ở Chiến khu Trị Thiên Huế thời Kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Hồ Quân Quân viết 2 bài thơ Người cầm súngTrước giờ nổ súng được rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng và du kích địa phương thuộc lòng. Nhưng cũng do nói trại nh thành d nhưng ngược lại d (hoặc gi) thành nh mà suýt sinh to chuyện. Bởi trong 2 bài thơ đó có câu “Máu của Người nhuộm đỏ đất phù sa. Hòa theo nhịp trái tim con giục giã!” bị một o (cô) du kích quê Thừa Thiên lên tham gia đêm văn nghệ quần chúng... đọc thành “Máu của Người duộm đỏ đất phù sa. Hòa theo dịp trái tim con nhục nhã!” Cả đơn vị cố nín cười, cũng may cho o nớ (cô ấy) là vị chính trị viên quê Hải Dương rất hiểu tiếng Huế nên cứ bình thản cười, để yên cho o nớ diễn xong tiết mục. Bởi vậy, ai là “dân Huế trẻ” chớ lầm lẫn (hay nhầm lẫn) mà vô tư “trại hóa cách phát âm” nh thành l sẽ nguy to có lúc.

Trở lại với lạt lẽo. Lạt lẽo (Sđd 2, tr 527, cột 1) đúng là một phó từ, nghĩa như tính từ nhạt nhẽo (Sđd 2, tr 683, cột 1) nhưng do người Huế đọc trại ra mà thành. Nên nó là… tiếng Huế. Từ lạt (trong lạt lẽo) còn được nhà thơ dùng trong câu “Đời lạt mùi và đau đớn bất công” (Ý Xuân - Mùa xuân 1939 - Sđd 1, tr 79) và “Đây âm u trong ánh lạt ban chiều” (Tâm tư trong tù - Xà lim số 1 - Lao Thừa Thiên, tháng 4/1939 - Sđd 1, tr 80).

Nếu bạn không phải là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn Thừa Thiên Huế, nhất là huyện Quảng Điền chính gốc, bạn sẽ không hiểu vì răng người dân - nhất là trẻ con chăn trâu ở đó không kêu (gọi - tiếng Huế) chim sẻ là... chim sẻ mà kêu là chim sẻ sẻ (lặp lại từ sẻ). Tố Hữu đã “để lộ gốc gác của mình” trong bài thơ Con chim của tôi (Xà lim số 1 - Lao Thừa Thiên, tháng 8/1939 - Sđd 1, tr 82):

Nó chết rồi, con chim của tôi
Con chim sẻ sẻ mới ra đời!
Hôm qua nó hãy còn bay nhảy
Chỉ một ngày giam đã chết rồi!

Vừa tạm thoát cơn đau đầu do lạt lẽo, tạm vui khi tìm ra con chim sẻ sẻ, chừ lại nhức đầu tìm cho ra từ láy lải rải. Anh nhà thơ trẻ Tố Hữu năm ấy chắc còn đậm đặc giọng quê mình nên mới dùng cái từ láy mà tìm hoài không có, vì trong TĐTV (Sđd 2, tr 517, cột 1) mục từ lải chỉ có một từ lải nhải mà ai cũng hiểu nghĩa của nó rồi. Ở trang trước (Sđd 2, tr 516, cột 2) có từ lai rai mà bây giờ ta hay gặp dân nhậu hay rủ nhau “lai rai vài ly” nhưng nghĩa của nó được giảng là: “Không tập trung vào một thời gian mà rải ra mỗi lúc một ít, kéo dài như không muốn dứt. Mưa lai rai hàng tháng trời”. Thế thì đúng nghĩa của từ lải rải mà nhà thơ trẻ còn đặc giọng quê mình muốn dùng rồi: Người hàng xứ về lao, đi lải rải (Trưa tù - Lao Thừa Thiên, tháng 5/1939 - Sđd 1, tr 85). Người hàng xứ là từ chung để chỉ những người tù. Có người tù mô bị dẫn vô lao mà đi nhanh chớ! Không muốn nhấc chân lên, hoặc giả nhấc không nổi vì bị cùm lâu, nên đi lải rải là đúng rồi. Có điều, TĐTV không/chưa ghi nhận từ lải rải này, cái từ thuộc phương ngữ dân quê tui rất hay dùng đó.

Nhớ Đồng (Tháng 7/1939 - Sđd 1, tr 92 - 94) được sáng tác trong nhà lao Thừa Thiên để tặng người bạn cùng chí hướng, cùng quê là Nguyễn Vịnh, tức Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau này. Bất ngờ là bài thơ có không nhiều tiếng địa phương. Ruồng tre là một “đặc ngữ” của miền nông thôn Thừa Thiên, được nhà thơ đưa vào thơ một cách mềm mại, tự nhiên Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi. Đâu ruồng tre mát thở yên vui (Xem: Thơ Tố Hữu - Tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường của Nxb. Giáo dục giải phóng - 1974, tr 39). Tiện thể nói qua một chuyện: Trong tuyển tập thơ Từ Ấy... chào năm 2000 xuất bản năm 1991, Nxb. Thuận Hóa không hiểu vì sao lại không dùng ruồng tre mà lại dùng là ruồng che? Trước đây khá lâu, Thạc sĩ ngữ văn Đào Duy Hiệp đã đăng trên Tạp chí Sông Hương một bài, nhan đề Đề thi, thi đề, thi đề thi, trong đó Đào Duy Hiệp cho rằng Tố Hữu đã dùng sai từ ruồng tre, phải là ruồng che mới đúng. Xin nói ngay mà không sợ mất lòng ai rằng: Ai không biết phương ngữ và không gian sinh tồn của phương ngữ ấy thì chớ vội phản bác, đòi sửa thơ ông. Quê nội Tố Hữu ngày xưa có nhiều ruồng tre hai bên đường làng lắm đó. Trở lại với Nhớ Đồng.

Nhớ Đồng, đương nhiên là nhớ quê, nhớ cảnh, nhớ người: Những hồn chất phác hiền như đất. Khoai sắn tình quê rất thiệt thà! Thiệt thà thật thà, theo cách nói của người Huế. Không phải vì quá yêu quê mình, nên tui bênh nhà thơ, chứ nói thiệt bụng (thật lòng) là nghe hai tiếng thiệt thà thốt ra từ đôi môi của mấy o con gái Huế, thấy dễ thương chi lạ! Vì rứa mà thiệt thà không gây thiệt hại gì cho câu thơ cả, trái lại nhà thơ đã thổi được hồn quê vào thơ. Hồn quê ở đây còn có mùi thơm khoai sắn. Khoai, sắn là các loại nông sản bình dị nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam, của mọi gia đình nông thôn Việt. Nhưng với xứ Huế, khoai sắn còn là một đặc sản, một món ăn vặt khoái khẩu của nhiều o, mệ, chị, ôông, chú xe thồ, bác xích lô, anh sinh viên, vị cán bộ, có cả tui (hưu trí) nữa, tóm lại đó là món quà sáng của mọi tầng lớp xã hội ở Huế. Người Huế luộc khoai sắn thường bỏ thêm lá cơm nếp, dứa thơm, khi mở nồi ra, mùi thơm bốc ngào ngạt. Có thể vì tự hào với món ăn dân dã thấm đượm hồn quê mà Tố Hữu đã đưa vào thơ mình: Khoai sắn tình quê rất thiệt thà! Còn nhớ thời kháng chiến chống Mỹ, phong trào Đô thị Huế phát triển mạnh, trong đó có cả chị em tiểu thương chợ Đông Ba, Tây Lộc, Bến Ngự, An Cựu... Khi Trung tướng Phạm Xuân Chiểu đại diện chính quyền Nguyễn Khánh ra Huế với dự định đàn áp phong trào, không ngờ tướng Chiểu bị bắt “giam lỏng” với lời mời của dân Huế thiệt thà dễ thương chi lạ: Mời Trung tướng ở lại Huế ăn khoai sắn đấu tranh cùng đồng bào. Nghe câu mời ngọt ngào như rứa, tướng Chiểu không còn chút sức nào để phản ứng mạnh với bà con, đành đợi máy bay trực thăng ra đem vô Sài Gòn thôi!

Ngô đồng là cây mà trong huyền thoại Đông Á, chim phượng Hoàng - Chúa của loài chim chọn đậu xuống, khi đất nước cường thịnh, thời xưa gọi là “Thái bình thịnh thế” mà phim Hàn hay thuyết minh. Nhưng loài cây quý này cứ bị nhầm - lầm với cây vông đồng, một loại cây gỗ xốp, gốc to, thân cao lớn, quả hình bánh xe, cũng thường được trẻ con nông thôn Thừa Thiên dùng làm bánh xe đồ chơi. Theo như thơ Tố Hữu thì ngay tại nhà tù Lao Bảo cũng có mấy cây vông đồng: Sân lao mấy cội vông đồng (Đông - tháng 12/1940 - Sđd 1, tr 109). Không biết nay còn không?

Cũng trong bài Đông, nhà thơ còn dùng một từ riêng Huế-Thuận Hóa mới dùng: Mền, tức là cái mền, tức chiếc chăn đắp ngoài Bắc. Mền không mà chiếu cũng không! Từ mền này còn được nhà thơ dùng trong bài Mẹ Suốt (Sđd 1, tr 288 - 290): Coi chừng sóng lớn, gió to. Mền xanh đây mụ, đắp cho kín mình! Tiếc là lời dặn chân tình ấm áp của cụ ông, chồng Mẹ Suốt đã bị biên tập sửa chiếc mền thành màu (Màu xanh đây mụ, đắp cho kín mình) khiến câu thơ mất hết ý tình! Và ở bài Trăng Trối (Sđd 1, tr 110), trong đó nhà thơ đã dùng cái mền của quê miềng trong câu: Trên ván lạnh, không mảnh mền, manh chiếu!

Thời tiết ở Huế mấy tháng nay khá khắc nghiệt, hôm nay vẫn đang rất nóng, tạm cất cái mền vô tủ, giở cái khác ra cho mát.

Quê nội của nhà thơ có một cánh đồng rộng, ngày xưa trồng rất nhiều cây nưa, một loại cây thuộc họ khoai môn, được nông dân dùng từ thân, củ đến lá. Thân cây nưa còn gọi là chột nưa (ngoài Bắc gọi phần này của cây khoai môn, cây mùng là dọc môn, dọc mùng), được các bà các chị nông dân dùng làm dưa nưa, món dưa nưa này thường ít được dùng ăn riêng như dưa cải, dưa giá mà là nguyên liệu chế biến thành món canh dưa nưa nấu với tôm um, cá sông. Cũng thường khi chột nưa tươi cắt về, lột vỏ ngoài thái (xắt) lát xiên mỏng, ngâm vô nước muối vừa mặn để giảm ngứa, sau đó nấu canh hoặc kho nhiều nước với cá tôm, tốn bộn cơm. Từ đó có bài thơ Con cá chột nưa (Sđd 1, tr 112-114). Chột nưa có lẽ là “đặc ngữ” của Quảng Điền - Thừa Thiên chăng?

Một trong những nhạc cụ dân gian Việt (cả người Kinh lẫn người Thượng) là cái thanh la, thường được làm bằng đồng. Thanh la cấu tạo khác chiêng ở chỗ không có núm, còn lại cũng như nhau (nên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên gọi nó với tên khác, được các nhà nghiên cứu VHDG đặt tên là chiêng bằng, phân biệt với chiêng núm là chiêng có núm). Vì thế, khi đánh thanh la bằng dùi gỗ bọc vải, tiếng nó kêu thanh, có phần sắc, còn tiếng chiêng núm trầm hơn, vang xa hơn, nghe bù rù bù rù. Chiêng hay chiêng núm thường được dùng trong phường bát âm ở các đám tang. Âm thanh của thanh la nghe phèng phèng, vì vậy người Huế và nhiều vùng khác ở miền Trung gọi nhạc cụ này là phèng la, cùng với trống và mõ là các dụng cụ báo động khẩn cấp cho dân chúng khi có biến cố (hỏa hoạn, lũ lụt, giặc cướp đến v.v.) hoặc để triệu tập dân làng hội họp. Bởi thế mới có câu thơ Trời Hậu Giang, tù và dậy rúc. Phèng la kêu, trống giục vang đồng. (Bà má Hậu Giang - 1941 - Sđd 1, tr 116 - 119). Đây là một trong những bài thơ gây xúc động mạnh nhất khi viết về hình tượng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất trước quân thù xâm lược: Nước non muôn quý, ngàn yêu. Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang!

Người ở Kinh đô Huế xưa hầu như không gọi người xứng vai chị bằng . Nhưng người ở nông thôn Thừa Thiên và hầu hết người dân từ Quảng Trị trở ra Nghệ An, Ả là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (và cả thứ ba) để chỉ người xứng vai chị. Cá biệt trong vài trường hợp đặc thù, nếu gọi người ngoài, tiếng xưng hô ả mang một sắc thái tình cảm thiếu tôn trọng, rõ nhất khi người ta gọi ả ta. Nhưng thông thường trong gia đình, họ tộc, xóm làng, cách gọi ả mang tình cảm quý mến, tôn trọng nhưng thân mật: Eng (hay Anh) với Ả, Yêm (hay Em, Út) với Ả v.v. Tình cảm này thể hiện rõ trong câu nói của người tù yêu nước (là một người thợ) chịu án tử hình ở nhà tù Quy Nhơn cùng tác giả:

Chết con ta? Nhưng sống vạn đời thơ
Ừ! Chúng cũng là con ta đó cả
Vợ ta chết, nhưng sống muôn em, ả
Nhà ta tan, nhưng sống vạn gia đình!

      Đời Thợ (Xà lim Nhà tù Quy Nhơn - Sđd 1, tr 124 - 126).

Đoạn trước tôi có bàn đến cách phát âm NH thành L của người Huế. Và đây là một bằng chứng: Lạnh Lạt là tên bài thơ mà tác giả viết vào tháng 6/1946) đề gửi một người lính Pháp (chắc đang đứng gác trên cầu Trường Tiền - Huế), sau Hiệp định 06/3/1946, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng ý cho quân Pháp vào Việt Nam thay chân quân của Tưởng Giới Thạch. Chú thích của nhà xuất bản cho biết: “Cũng như những nơi khác, nhân dân ở Huế rất căm ghét chúng (lính Pháp hoặc lính thuộc địa châu Phi đánh thuê cho Pháp). Đảng ta, một mặt vận động nhân dân không hợp tác với chúng, một mặt tuyên truyền giác ngộ binh lính Pháp, vận động họ đòi về nước”. Do đó nhà thơ dùng từ lạnh lạt (lạnh nhạt) để chỉ cảm giác của người lính Pháp khi biết tình cảm của người dân Huế-Việt Nam dành cho mình. Cũng hơi tức cười khi giữa bài thơ, nhà thơ lại dùng từ lạnh nhạt? Chắc quên!

Chạy re không có trong cả hai trang 130 - 131 (Sđd 2). Re nghĩa là sao? Ở tr 797 (Sđd 2) có re: x. De. Vậy de là gì? Là danh từ chỉ một loại cây gỗ to mọc ở rừng (gỗ de), cùng họ với cây quế, gỗ thơm mềm, nhẹ và mịn, thường dùng để đóng rương hòm (Sđd 2, tr 244). Ngoài nghĩa này, không có từ nào đồng âm mang nghĩa khác. Vậy re có thể là một trạng từ bổ nghĩa cho động từ chạy, thuộc phương ngữ Bình Trị Thiên? Có lẽ thế, nên chi nhà thơ mới dùng từ chạy re trong bài thơ Cá Nước (Sđd 1, tr 150): Anh kể chuyện, tôi nghe. Trận chợ Đồn, Chợ Rã. Ta đánh giặc chạy re. Hai đứa cười ha hả! Có lẽ nào anh Vệ quốc quân từ Sơn Cốt xuống, gặp nhà thơ ở lưng đèo Nhe khi từ Vĩnh Yên lên... lại là người quê miền Trung, Bình Trị Thiên hay dân Huế? Chưa rõ, chỉ có điều này thì rõ: Dân Huế hay dùng chạy re, chạy re kèn, để chỉ kiểu chạy trối chết, chạy mất dép, chạy tóe khói mà người Bắc hay nói.

Đi rỏn đi tuần, đi lùng bắt ai đó, thường là lính Pháp đi tuần tra làng xóm, đường phố để lùng bắt cán bộ, chiến sĩ du kích trong thời kháng chiến chống Pháp. Bởi về sau, trong Kháng chiến chống Mỹ, từ này ít dùng. Đi rỏn được tác giả dùng trong bài Quê Mẹ: Ôi! Những năm xưa tối mịt mùng! Con nằm bên mẹ, ấm tròn lưng. Nửa đêm nghe tiếng giày đi rỏn. Mẹ bấm con im: chúng nó lùng (Sđd 1, tr 195). Cứ tưởng bở nên vơ vào Tiếng Huế, ai ngờ đã có trong từ điển rồi, định nghĩa rất rõ: rỏn đg. (thường nói: đi rỏn). Đi tuần, tuần tra (nói về quân đội thực dân) (Sđd 2, tr 802,cột 1).

Qua khỏi cái thời tăm tối đó, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc bước vào thời kỳ vừa xây dựng vừa làm Hậu phương lớn cho Cách mạng miền Nam. Vẫn ngổn ngang trăm vạn chuyện chưa làm được, chưa có được như nhà thơ cảnh báo:

Ôi! Đâu phải qua đêm dài lạnh cóng
Mặt trời lên là hết bóng mù sương!
Ôi! Đâu phải qua đoạn đường lửa bỏng
Cuộc đời ta bỗng chốc hóa thiên đường!

Nhưng niềm vui đã trở lại trên khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của các cô gái, của người dân miền Bắc khi ấy:

Nhưng sắc đẹp đã ửng hường đôi má
Cộng hòa ta nay tuổi mới mười ba
Sức đang lớn, chưa nở nang tất cả
Đã vui rồi, môi đỏ nụ cười hoa

      Mùa Thu Mới (Sđd 1, tr 221-222)

Hườngmàu hồng hoặc hồng nhạt, thường được người Huế dùng, không chỉ về màu sắc mà còn về trái cây. Quả hồng được người Huế kêu là trái hường. Sở dĩ có cách gọi “không nơi nào có được” ấy là vì người ở kinh đô Huế và các huyện xã làng thôn xung quanh Thừa Thiên hành đạo phủ hồi ấy kiêng tên húy của vua Tự Đức là Hồng Nhậm nên phải đổi thành hường. Chức vụ và phẩm hàm cũng chịu lây, chẳng hạn chức Hồng Lô Tự Khanh (hoặc Hồng Lô Tự Thiếu Khanh), hàm chánh và Tòng tứ phẩm triều đình cũng phải đọc trại thành Hường (Cụ Hường Lô, hay Cụ Hường). Vậy, chỉ có người Huế mới nói hường. Nên chi nhà thơ xứ Huế viết ửng hường đôi má, dễ hiểu thôi!

Đoạn bàn về chữ mền ở trên, tôi đã trích vài câu trong bài thơ Mẹ Suốt. Trong đó, còn có nhiều từ rất Huế, rất Bình Trị Thiên nữa, chẳng hạn: Bây chừ sông nước về ta. Bây chừ biển rộng trời cao. Hoặc: Gan chi gan rứa, mẹ nờ. Mẹ rằng cứu nước còn chờ chi ai... Tàu bay hắn bắn sớm trưa. Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò. Ghé tai mẹ, hỏi tò mò. Cớ răng ôông cũng ưng cho mệ chèo? Và cuối cùng: Tui đi, ông còn chạy ra sông dặn dò. Coi chừng sóng lớn, gió to. Mền xanh đây mụ, đắp cho kín mình. Quả thật, đọc xong bài thơ tràn đầy cảm xúc không chỉ vì lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất của Bà mẹ Anh hùng LLVTND mà còn vì nó thấm đượm vị quê nhà nhờ có nhiều tiếng quê mình. Không chỉ những từ rời rạc, mà còn có các cách dùng cụm từ mang tính vùng miền đặc trưng, như “Gan chi gan rứa, mẹ nờ; Tàu bay hắn bắn; Cớ răng ôông cũng ưng cho mệ chèo?” Người miền khác, vùng khác có thể có cách nói khác, với cùng ý nghĩa. Nếu không có những chừ, tê, răng, rứa, mô, tui, ôông, nờ, mền, Gan chi gan rứa, mẹ nờ, Cớ răng ôông cũng ưng cho mệ chèo v.v. thì cảm xúc có thể kém đi với người Huế, người Bình Trị Thiên khi đọc chăng? Còn bây giờ thì hãy vui cùng nhà thơ và hương linh Mẹ Suốt anh hùng:

Vui sao câu chuyện ân tình
Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say!

Tiếp sau Mẹ Suốt, Chuyện Em (Sđd 1, tr 309 - 313) được sáng tác tháng 12/1968, có lẽ là bài thơ được tác giả sử dụng nhiều từ viết theo cách nói của người Huế, xin trích các câu liên quan, các từ hoặc cụm từ in nghiêng là từ được tôi xếp vào… Tiếng Huế:

- Chú mô chú nấy mặt trông rất hiền

- Đi mô cho ngái cho xa

- Gạo ngon một gánh, em sương nặng đầy

- Mẹ cười: Thiệt giống cha mi

- Măng tre, môn vót, lều tranh, mái kè

- Chuyện em rứa đó, anh nờ

Nước non nghìn dặm (Sđd 1, tr 362 - 375) là một trường ca dài của Tố Hữu, với 13 trang in, chỉ đứng sau Theo chân Bác (Sđd 1, tr 317 - 338) với 21 trang in, cùng khổ sách. Tác giả lần lượt vừa kể chuyện vừa ghi lại những chi tiết xúc động gặp trên đường đi, qua những chặng đường dong ruổi khắp nơi, xuất phát từ Hà Nội đến hầu khắp các tỉnh Nam Bộ (trừ Tp. HCM), rồi vòng trở ra, về Tây Nguyên, đi ngang quê hương mình, từ cuộc gặp hôm nay đến những kỷ niệm xưa, những con người với nghĩa tình và chiến công ngày ấy, bây giờ, ai còn ai mất; vật đổi sao dời nhưng lòng Dân không đổi. Nhà thơ đã trút vốn ngôn từ quê hương phù hợp vào thơ. Xin trích gạch ngang đầu dòng:

- Xe lao qua dốc qua đồi. Gió tây dội lửa ồi ồi sau lưng

- Bời bời cỏ lút đồng hoang. Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn

- Ngỡ ngàng rẽ lối le xưa. Vông đồng mấy cội, xác xơ lá cành

- Xê Xan, tan nát đạn cày. Trống trơ rừng khộp, khô gầy rừng le

- Lá buông trắng vách lều tre...

- Nỗi niềm chi rứa Huế ơi! Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên

Và đoạn gần cuối bài, kết thúc phần viết về quê mẹ, không có tiếng Huế nào chen vào nhưng theo tôi, đó là đoạn đậm chất Huế nhất về Ý và Tình, nhất là tình:

Ngày đi, tóc hãy còn xanh
Ngày về, dù bạc tóc anh cũng về!
Nhớ ai khắc khoải chiều hè
Tiếng chim cu gáy Dốc Chè nôn nao...

Nhưng năm 1973, dù đã ký Hiệp định Paris, nhà thơ vẫn chưa được về thăm Huế. Có lẽ vì thế, bao nhiêu tình thương, nỗi nhớ tràn ngập trong Bài ca quê hương (Sđd 1, tr 386 - 388). Mở đầu là lời trách nhẹ như bông mà nặng như mặt... o B, người em họ của nhà thơ, được xem là người khó tính hàng đầu (mà hầu như con gái họ Nguyễn của nhà thơ đều khó tính cả thì phải? Nghe mấy vị đàn ông trong họ nói thế!):

29 năm dằng dặc xa quê
Nay mới về thăm, mừng tái tê...
Mới được nghe giọng hờn dịu ngọt
“Huế giải phóng nhanh mà anh lại muộn về!”

Cái chữ thì chẳng Huế chút mô, nhưng cái hờn dỗi thì y chang gái Huế. Nhẹ dễ sợ! May cho ai là đàn ông con trai không phải là người Huế!

Và đó cũng là bài thơ hơi nhiều “tiếng các mệ”:

- Ôi! Cơ chi anh được về với Huế

- Cơ chi anh sớm được về bên nội

- Cơ chi anh sớm được về bên ngoại

Đừng hòng tra từ điển để tìm hiểu nghĩa hai chữ cơ chi. Không phải người Huế, có khi chịu thiệt thòi rứa đó bạn nờ!

Và đây là đoạn da diết nhất, Huế nhất:

Quê hương ơi! Sao mà da diết thế

Giọng đò đưa... lòng Huế đó chăng?

“Ví dù đèn tắt đã có trăng

Khổ em thì em chịu, biết làm răng đặng chừ...”

Chớ trách Thu Bồn và An Thuyên vì sao đến Huế không muốn về, cứ đổ lỗi cho… Em! Còn Nguyễn Trọng Tạo hôm sau khi tỉnh táo lại chối bay chối biến chuyện mình say rượu trên đò sông Hương đêm trước và khen “Thằng nào làm hai câu thơ hay thế!”: Sông Hương hóa rượu, ta đến uống. Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say!

Sau năm 1975, dù bận công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, nhà thơ vẫn có những bài thơ với giọng trầm, ý sâu, tình lắng; nhưng cũng rất Huế. Bài Thật, Giả (Sđd 1, tr 423) là một bài như thế: Có anh bộ đội sắm đồng hồ. Thật, giả không rành, bụng cứ lo. Bèn hỏi cô hàng, cô tủm tỉm. Giả là như thật, khó chi mô!

Cô bán hàng này chắc là một o con gái Huế rồi, đáo để khúc nôi chưa!

Bài Một tiếng đờn (Sđd 1, tr 427 - 428) có hơi hướm Huế nhờ hai chữ đờn, chữ đầu nằm ở nhan đề bài thơ, chữ cuối nằm cuối bài: Đằm thắm bên em, một tiếng đờn!

Vườn nhà Tố Hữu có khá nhiều cây ăn quả, trong đó có cây đào. Nên không có gì lạ, khi về hưu, ông tả vườn nhà:

- Cây đào chín mọng quả tươi. Ngày chim rúc rích, đêm dơi lượn vòng.

Cây đào ở đây là “cây đào xứ Huế, miền Bắc gọi là cây roi, miền Nam gọi là cây mận”, theo chú thích cuối trang của Nxb. Thuận Hóa. Thế nên Vườn nhà (Sđd 1, tr 428 - 429) có tiếng Huế là vì rứa.

Người Huế xưa gọi bệnh viện là nhà thương, gồm nhà thương lớn (Bệnh viện Trung ương Huế bây giờ), nhà thương nhỏ (ở trong Đồn Mang Cá, có người nói là ở khu vực Eo Bầu phường Thuận Lộc), nhà thương bình thườngnhà thương thí... là có lý do của nó. Nay hai tiếng nhà thương biến mất tiêu trong cách gọi thường ngày của dân Huế, cũng có lý do của nó. Nhưng trong thơ Tố Hữu, nó vẫn còn:

Đất nước ta có đủ dầu, đủ thép
Đủ cơm ăn, áo mặc, đủ trường học, nhà thương

Chào năm 2000 (Sđd 1, tr 437)

Phạm Xuân Phụng (TCSH380/10-2020)