menu_open
Bạch Mã - vườn thượng uyển xưa
Xem cỡ chữ:
Mây chiều Bạch Mã
Bạch Mã thực sự là một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng, một trong những khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn của đất nước, được đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan.
Mây chiều Bạch Mã

Giard - kỹ sư cầu đường người Pháp - là người đầu tiên đã phát hiện ra Bạch Mã ngày 28.7.1932. Hai năm sau, có đường đi bộ lên tới đỉnh. Năm 1936, người Pháp xây dựng 17 nhà nghỉ bằng gỗ; năm 1938 bắt đầu có đường nhựa, xe ô tô lên tới đỉnh; sau đó xây dựng thêm và có tổng số 139 biệt thự tọa lạc ở lưng chừng núi, độ cao từ 1.000 - 1.400m so với mặt biển, trở thành một khu nghỉ mát nổi tiếng, gần các bãi biển tuyệt đẹp như Lăng Cô, Cảnh Dương, vịnh Chân Mây...

Năm 1991, Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã có diện tích 22.000 ha và được mở rộng gần 38.000 ha vào năm 2008. Cách phía nam thành phố Huế khoảng 60km, tính từ chợ Cầu Hai lên đỉnh là 19km đường rừng, Bạch Mã như một chú ngựa hướng ra biển cả mênh mông. Chiều về, đứng ở lưng chừng Bạch Mã ngắm hoàng hôn trôi, lòng cứ nao nao...

Bạch Mã rất phong phú về động và thực vật, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm, nơi tập hợp nhiều điều kỳ lạ của thiên nhiên hoang sơ, nơi cư trú của nhiều loài động vật đặc hữu như: sao la, gà lôi lam màu trắng, trĩ sao, voọc ngũ sắc, mang lớn... cùng 1.534 loài động vật khác như côn trùng, cá xương, lưỡng cư bò sát, chim, bướm và 132 loài thú... Về thực vật, có 2.147 loài, trong đó 185 loài cây đặc hữu của Việt Nam, 54 loài quí hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam như dương xỉ thân gỗ, chóc máu, chò đen, trầm hương...; 3 ngành nấm, 1 ngành rêu, 4 ngành khuyết thực vật... Phía nam và phía tây nam vùng đệm là nơi sinh sống của một bộ tộc thiểu số người Katu mà bản sắc văn hóa của họ đã thu hút rất nhiều du khách: cấu trúc làng bản độc đáo, như những tác phẩm hội họa với sắc màu nguyên thủy, như những tác phẩm điêu khắc với nét thô phát thể hiện trong các kiến trúc như nhà gươl...


Bạch Mã (ảnh: st)

Bạch Mã đã bảo vệ được vườn rừng nguyên sinh nghiêm ngặt, không làm cho nó biến dạng theo lối “đô thị hóa”, đã phát triển thêm vườn rừng, bảo tồn được những loài động, thực vật quí hiếm... càng làm cho Bạch mã thêm quyến rũ. KTS Nguyễn Trọng Huấn đã đôi lần đến Bạch Mã, nói: “Cái bao lơn Bạch Mã này cho ta một chỗ đứng cao và một tầm nhìn khá rộng để quan sát và tư duy. Bạch Mã là “cái sân thượng” là “khu vườn thượng uyển” của cố đô Huế”.

Đỉnh Bạch Mã cao 1.450m. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá: Bạch Mã là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất bán đảo Đông Dương. Nếu những ngày hè, trời Huế oi ả, nóng bức thì Bạch Mã mát lạnh, chỉ từ 16 - 21oC. Đã có sự can thiệp của con người ở những con đường đi bộ xuyên rừng nên thơ và lãng mạn, đó là một sự can thiệp hài hòa với thiên nhiên, gọt đi những đoạn nguy hiểm, tạo sự an toàn cần thiết trong du lịch (DL). Đặc biệt, đường lên Vọng hải đài đã dễ đi. Một số công ty du lịch lữ hành đã xây dựng tour “1 ngày 1 đêm - 1 cuộc phiêu lưu” thu hút những du khách trẻ, những người yêu thiên nhiên - môi trường, thích khám phá núi cao, rừng rậm, thác bạc, hoa ngàn... Ở Bạch Mã có hình thành các loại hình DL kết hợp: DL sinh thái, DL tâm linh, DL nghiên cứu… với những tour mới như: Gọi chim trời, quan sát động vật hoang dã, khám phá các đường mòn thiên nhiên, thăm Bạch Vân tự, tượng đài Quan Âm, đặc biệt thăm Thiền viện Trúc Lâm bên kia hồ Truồi đẹp tựa tranh.

Ông Huỳnh Văn Kéo - Giám đốc VQG Bạch Mã cho hay mỗi năm vườn rừng thu hút từ 15.000 - 20.000 khách; trong đó khách quốc tế chiếm 13%, khách ở lại qua đêm 21%. Vườn đã khảo sát xây dựng mô hình DL homestay. Khách lên Bạch Mã đông nhất vào dịp Lễ hội “Ấn tượng Bạch Mã” được tổ chức vào dịp 30.4 - 1.5. Nhiều chương trình DL trọn gói đã được xây dựng, tiếp thị. Tuy nhiên, cần phải rút kinh nghiệm từ việc tổ chức chương trình, cơ sở hạ tầng, và dịch vụ du lịch phải được chăm sóc, chuẩn bị chu đáo hơn, tương xứng với qui mô của lễ hội này, như bãi đỗ xe, dịch vụ phòng...

Được biết, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có dự án đầu tư 65 tỷ đồng làm đường lên đỉnh Bạch Mã, dự kiến khởi công vào quí III này.