menu_open
Chùa Giác Lương
Xem cỡ chữ:
Chùa Giác Lương - Cổ tự bao đời của người dân làng Hiền Lương xứ Huế

Giác Lương - ngôi cổ Tự với lịch sử hơn 300 năm xây dựng và gìn giữ của người dân làng Hiền Lương, xã Phong Hiền. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân, ngôi chùa không tránh khỏi sự hư hại nhưng dưới sự đoàn kết, đồng lòng hướng thiện của người dân Hiền Lương, ngôi chùa vẫn được bảo tồn và lưu lại những nét văn hóa tâm linh đặc biệt của người dân nơi đây. 

Làng Hiền Lương là một trong những làng còn bảo tồn được khá nhiều yếu tố gốc của một làng Việt cổ truyền vùng duyên hải miền Trung, được thành lập sớm ở xứ Thuận Hoá. Và về thăm làng rèn Hiền Lương, không thể không đến thăm chùa Giác Lương - một ngôi chùa được xếp hàng cấp quốc gia sớm nhất trong hệ thống chùa ở Thừa Thiên Huế, đại diện quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật ở Thừa Thiên Huế nói chung, nhóm di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo - kiến trúc chùa nói riêng.          

Chùa Giác Lương do bà Hoàng Thị Phiếu và các tộc trưởng của các họ trong làng Hiền Lương xây dựng vào thời Lê Trung Hưng ở xứ Cồn Bệ, sau đó dời đến vị trí hiện nay. Chùa nguyên được xây dựng ở Cồn Bệ, trung tâm điểm của làng Hiền Lương. Sau một thời gian, vì vấn đề phong thuỷ địa lý không thích hợp, chùa được dời đến dựng ở đầu làng gọi xóm nằm ở đầu làng này là xóm Chùa hoặc xóm Phước Tự. 

Chùa Giác Lương được bao bọc bởi một la thành  xây bằng gạch

Chùa Giác Lương nằm cách trung tâm thành phố Huế (tỉnh lỵ của tỉnh TT-Huế) khoảng 21km đường bộ về phía Tây Bắc và cách quốc lộ 1A hơn 1km về phía Bắc. Từ quốc lộ 1A, có thể dùng ô tô cỡ lớn để đến làng, đến chùa. Cũng có thể dùng tàu thuyền đi đường thuỷ theo tuyến sông Hương và sông Bồ để đến tận làng Hiền Lương và chùa Giác Lương. Chùa Giác Lương tọa lạc ở xóm Phước Tự tại vị trí đầu làng, bên bờ sông Bồ.

Chùa xây hướng Nam, hình chữ nhật dài 14,60m rộng 11,48m, sườn mái bằng gỗ, lợp ngói liệt, gồm 2 gian và 4 chái. Sát bên chùa có nhà Tăng. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi la thành hình chữ nhật, dài 79m cao 1,20m dày 0,50m. Mặt trước la thành xây trụ biểu. Cổng Tam quan đồ sộ, trên có lầu, dưới có ba cửa ra vào, quy mô lớn hơn nhiều ngôi quốc tự ở Huế. Trong chùa thờ 7 tượng Phật, thờ thánh Quan Công, Quang Bình, Châu Xương. Chùa có phối tự 12 vị thủy tổ các họ đã có công khai lập Làng.

Cổng Tam Quan nhìn từ ngoài vào bên trong Chùa

Bước vào cổng, có hai vị Đại Lực Sĩ Kim Cương đứng đối diện nhau (hướng mặt vào nhau) ở hai bên tả hữu phía trong Cổng Tam Quan, họ là những vị thần Hộ Pháp của Phật giáo, còn gọi là “Chấp Kim Cương”.

Sân vườn của chùa rất rộng, chung quanh bao bọc bởi một vòng la thành xây bằng gạch. Thành hình chữ nhật, dài 79m, rộng 55.20m, cao 1.20m, dày 0.50m. Mặt trước của la thành xây 4 trụ, hai cột cao ở giữa, hai cột thấp ở hai bên.

Trong khuôn viên chùa còn có các Miếu: Cao các thành hoàng, Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân Trần Quý Công và hai vị Dương Đại Lang.

Tại chùa còn lưu giữ quả chuông lớn, đúc năm 1819, thân chuông đúc tên những người thợ rèn tài ba, những quan lại và những người giàu có đã cúng tiền đúc chuông và trùng tu chùa.

Chùa Giác Lương là niềm tự hào bao đời nay của người dân Hiền Lương. Không chỉ là một di tích lịch sử có giá trị mà còn là nơi để bà con tu dưỡng đạo đức, thành tâm khấn Phật. Nó có ý nghĩa rất lớn đối với nhân dân nơi đây vì vậy người dân Hiền Lương mỗi khi đi xa về ai cũng ghé thăm chùa để thắp một nén nhang cầu mong bình an, may mắn đến với mình. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng phải bảo vệ ngôi chùa này để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp cho con cháu mai sau

Chùa Giác Lương là một trong những ngôi chùa được kiến trúc sớm nhất ở vùng Thuận Hoá dưới thời Hậu Lê. Nó đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hoá và xã hội của dân tộc Đại Việt ở xứ Đàng trong. Mặt khác, nó còn góp phần nghiên cứu những đặc điểm riêng biệt về kiến trúc, cách thức thờ tự của một ngôi chùa làng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn ở vùng bắc Trung bộ. Và còn góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế, trong sự phát triển của nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam. 

Chùa Giác Lương góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế trong dặm dài của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Điện thờ là kiến trúc chủ yếu nhất của ngôi chùa, nơi thờ cúng tượng phật chí tôn. Trong điện thờ 7 tượng Phật, thờ thánh Quan Công, Quang Bình, Châu Xương. Chùa có phối tự 12 vị thủy tổ các họ đã có công khai lập Làng.

Chùa Giác Lương đã được xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 776-QÐ/BT ngày 23/6/1992 của Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch).
--------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo:

- Tư liệu từ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế

- Trang thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế: Link

- Trang thông tin điện tử visithue.vn

Thanh Thi