Với diện tích khoảng 10.000m2, trong rừng thông rộng 50,4 ha, Chùa Huyền Không Sơn Thượng là một quần thể kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và con người với hệ thống các công trình: Chánh Điện, Tư Vân Nam, Am Mây Tía, Nghinh Lương Đình, nhà khách, Tĩnh Trai đường, Cốc Liêu Chư Tăng... và các công trình phụ khác. Toàn bộ kiến trúc nơi đây đều sử dụng vật là gạch, ngói, gỗ, rất mộc mạc và đơn sơ.
Một quần thể kiến trúc rõ ràng là nơi tu hành song được kiến tạo theo phong cách trang nhã với những hình khối nhỏ xinh bằng tranh tre, gợi lên thi hứng hơn là cảm giác u mặc, và những bức thư họa trang trí trong nội thất khiến ta liên tưởng rõ rệt tới một không gian văn hóa cổ điển hơn là sự nghiêm cẩn chùa chiền.
Ngôi Chánh điện (còn được gọi là Chùa ngoài) không xây dựng theo lối thông thường với tường, vách, cột, bệ thờ… như các chùa vẫn gặp. Ở đây là ngôi nhà nhỏ, giản dị, mái thấp và đơn sơ vách gió lùa. Tượng Phật đặt chính giữa gian mà có cảm giác lộ thiên, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, toả tinh thần hỷ xả tới mọi tâm linh. Bên trái Chánh điện là nhà đọc sách, bên phải là nhà sinh hoạt. Chánh điện được xây dựng một tầng với 3 lớp nhà chính. Tổng thể đối xứng, cân bằng và vững chãi, phía sau Chánh điện có 2 tòa vọng gác, ẩn hiện giữa rừng thông.
Đi qua khu vườn trúc là đến nơi dành cho những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng mây núi, được gọi là Am Mây Tía, là nơi các nhà thư pháp tập họp để luyện bút, phô chữ. Vì thế, thư pháp hiện diện khắp nơi, khắc trên đá trong vườn, chạm trên gỗ, trang trọng treo trên tường, ghi trên cột cổng tam quan… Đó là những lời Phật dạy, những điều hay lẽ phải răn đời và răn người, là những cảm xúc bất chợt của các cây bút, là những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng. Nơi đây, dưới gốc cây cổ thụ là bức tượng đá nổi tiếng do cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị tạc, gửi tặng chùa một dáng ưu tư của thiền sư trong bóng núi mây ngàn.
Nghinh Lương Đình và một số công trình nhỏ ở khu vực này đều được làm từ ngói móc và gỗ tạp lấy từ rừng trồng. Xung quanh nơi này được bố trí rất nhiều chậu cây hoa sứ và hoa đại hàng trăm năm tuổi. Và chính tại nơi này thường trưng bày thư pháp Việt – Hán. Cùng những bức tranh hội họa, tranh tượng. Và những bức ảnh nghệ thuật thiên về thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá.
Hướng dẫn đường đi:
Cách cố đô Huế hơn 15km về hướng Tây, thuộc thôn Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Để đến được Huyền Không Sơn Thượng, du khách phải đi qua chùa Thiên Mụ, theo con đường dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ, rồi đi khoảng hơn 1km nữa rồi rẽ phải vào thôn Đồng Chầm.
Từ đây, đi tiếp chừng 500m, đường này sẽ cắt ngang đường chính Huế, thẳng trước mặt sẽ thấy một cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm. Qua cổng làng chừng 200m, nhìn bên phải có một tấm biển chỉ dẫn bởi những mốc đá nhỏ ven đường, tuy chỉ là đá đẽo thô mộc nhưng nét bút ghi rõ danh hiệu chùa lại uyển chuyển đến kỳ lạ, đúng theo lối thư pháp quốc ngữ đang thịnh hành. Những mốc đá đôi khi khuất sau lùm cây bụi cỏ, hoặc chơ vơ ngay bên đường, nhưng nếu tinh ý quan sát sẽ thấy chút hơi hướng của tâm hồn thi sĩ đang mở lòng đón bước chân lạ. Theo lộ trình này gần 3km nữa là đến Huyền Không Sơn Thượng.
Do đặc điểm địa lý, đồi tiếp đồi nên đường vào chùa uốn lượn quanh co, đường nay đã được cải tạo, nâng cấp khá thuận lợi cho du khách đến tham quan.
Lưu ý:
- Thời điểm thuận lợi nhất để tham quan, vãn cảnh chùa Huyền Không Sơn Thượng là các tháng mùa khô từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm. Nên tránh các tháng cuối năm vì Huế rất hay mưa lớn, dầm dề, trời lạnh, gây khó khăn cho du khách trong quá trình di chuyển vì đường đi có nhiều chỗ gồ ghề, trơn trượt. Mọi người nên theo dõi thời tiết trước khi bắt đầu hành trình.
- Muốn bắt trọn khung cảnh huyền ảo của ngôi chùa và có thể ngắm nhìn cảnh vật xung quanh thì hãy ghé thăm chùa vào sáng sớm nhé. Lúc này, mặt trời chưa mọc, những giọt sương vẫn còn vương đọng, tạo nên không gian mờ mờ ảo ảo như “chốn bồng lai tiên cảnh”.
- Chùa Huyền Không Sơn Thượng nằm ở sâu trong núi, đường đi lại vắng vẻ và khó tìm nên bạn phải tìm hiểu trước đường đi và chuẩn bị kỹ lưỡng, hạn chế đi một mình hay đi quá trễ.
- Chùa là chốn tu hành, thiền tịnh, vì vậy, việc lựa chọn trang phục để tới chùa cũng nên đảm bảo tính trang trọng, đặc biệt tuyệt đối không được làm ồn và có những hoạt động gây hại đến cảnh quan và không gian của chùa.