Trong suốt hành trình hơn 70 năm (1948-2021) chùa Phước Duyên không chỉ là một chốn Thiền môn trang nghiêm, thanh tịnh, là ngôi chùa bình dị, hài hòa như tinh hoa của đạo Phật thấm đẫm vào tâm hồn dân Việt mà chùa Phước Duyên còn được biết đến là một Đạo tràng Chánh niệm, nơi hội tụ nhiều Phật tử thuần thành, có học, có tu, có tâm nguyện trong sứ mệnh giúp đời, giúp người, một trung tâm tu học đông đảo của các thế hệ Thanh, thiếu nhi Phật tử tại Thừa Thiên Huế.
Chùa Phước Duyên, thuộc thôn An Ninh thượng, phường Hương Long, TP Huế, nằm ẩn mình dưới chân ngọn đồi nhỏ tên là rú Vi, sát bên bờ sông Bạch Yến. Chùa có diện tích khoảng 4000m2, với vị trí độc lập, cách xa khu dân cư khoảng 200m về phía Đông Bắc, nên cảnh vật xung quanh yên tĩnh, rất thích để sống thực hành tâm linh.
Chùa Phước Duyên do Hòa thượng Tâm Ưng Đảnh Lễ (1918-1968) kiến tạo giữa năm Mậu Tý, 1948 từ thảo am Ốc Tiêu tự thuở ban sơ. Chính điện chùa xây về hướng Đông Nam. Giới hạn chùa được mở rộng theo bốn hướng: Đông Nam tiếp giáp với rú Vi và đồng ruộng. Tây Nam tiếp giáp với xứ Nại Thành. Tây Bắc tiếp giáp với ấp và An Lạc. Đông Bắc tiếp giáp với ấp Nam Bình. Sau lưng chùa là dòng sông Ninh (còn gọi là sông Bạch Yến, hay sông Sau).
Chùa có vị trí không gian, kiến trúc hài hòa với thiên nhiên. Vị trí này rất thích hợp cho những ai yêu chuộng không khí yên bình, thanh tịnh. Đến đây, người ta sẽ dễ gạt bỏ những chuyện đời thường: “cân đong đo đếm”.
Chùa được xây dựng theo mô hình chữ “Khẩu” hướng về phía Đông Nam với lối kiến trúc mang đậm truyền thống cổ kính Á Đông “Lưỡng long triều nguyệt”. Điều đáng trân quý là qua nhiều lần trùng tu nhưng Chùa vẫn giữ được ngôi Phật đường đã được Hòa thượng khai sơn kiến tạo hơn nửa thế kỷ trước, như là một ý thức bảo tồn giá trị lịch sử đối với một di sản đã trải qua bao nhiêu biến thiên dâu bể của thời gian. Chùa Phước Duyên với quy mô rộng lớn và được chia thành hai khu riêng biệt gồm Khu A và B.
Kiến trúc Khu A của Tự viện Phước Duyên gồm có:
1. Ngôi chánh điện
- Tầng trên là Đại hùng bảo điện.
- Tầng trệt là Giảng đường.
Án ngữ bên trái sân Chánh điện là bảo tháp của Hòa thượng khai sơn. Bên phải là ngôi nhà Bát giác tôn trí Đại hồng chung. Chú tạo năm ngày Phật đản PL.2559, Ất Mùi-2015. Trọng lượng 1.000kg.
2. Ngôi nhà hậu
- Tầng trên là nơi thờ tranh tượng Quan Thánh.
- Tầng trệt là phòng trai Tăng.
3. Ngôi nhà phía phải, chếch sau lưng chánh điện
- Cả hai tầng là Thiền đường và Tăng xá.
4. Ngôi nhà phía trái, chếch sau lưng chánh điện
- Tầng dưới là Phương trượng của Hòa thượng trú trì.
- Tầng trên là Tăng xá.
5. Ngôi nhà nối liền với Phương trượng và Tăng xá
- Nhà Trai soạn, nhà ăn.
- Tiếp theo là nhà bếp.
6. Nối tiếp nhà bếp là ngôi nhà hai tầng
- Tầng dưới là nơi sinh hoạt thường nhật của chư Tăng.
- Tầng trên là Đoàn quán sinh hoạt của gia đình Phật tử Phước Duyên.
Kết cấu đặc biệt của Khu A này, có thể thấy rõ là từ ngôi Đại hùng bảo điện, mọi người có thể đi liên thông đến các ngôi nhà khác một cách dễ dàng. Hay đi ngược lại, cũng vô cùng thuận tiện mà không cần phải bước xuống sân.
Kiến trúc Khu B của chùa gồm có:
- Hồ Tâm – với lối thiết kế độc đáo, là nơi mang lại cảm giác dễ chịu, khi nhìn ngắm những chú cá bơi trong hồ trong xanh
- Nằm về phía phải của Thiền đường là ngôi nhà lầu 4 tầng, nơi thiết lập “Tàng Kinh Các”. Tàng Kinh Các, cất chứa hàng ngàn Kinh sách quý hiếm. Hơn 100 tác phẩm biên soạn và dịch thuật của Hòa thượng Giáo thọ Thích Thái Hòa. Sự nghiệp biên soạn của Hòa thượng đã đóng góp vào kho tàng Văn học dân tộc và Phật giáo Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị. Ngôi nhà này cũng là nơi thường trú của Hòa thượng Giáo thọ.
- Nối liền với “Tàng Kinh Các” là ngôi nhà 4 tầng, được đặt tên là “Thiền đường TỊNH NHÂN”. Kiến trúc của ngôi nhà lầu 4 tầng này rất rộng rãi, khang trang. Mục đích của việc xây dựng công trình lớn lao này là để làm nơi lưu trú cho hằng trăm Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước đến Tham thiền, tu học. Vì thế, việc thiết kế ngôi nhà có đầy đủ phương tiện sinh hoạt hằng ngày.
Kết cấu của Khu B này, cũng giống như ở Khu A, là từ Tàng Kinh Các, mọi người có thể đi liên thông qua ngôi nhà 4 tầng một cách dễ dàng. Kết cấu này, không chỉ tạo cho kiến trúc chùa Phước Duyên có độ thông thoáng, nhẹ nhàng, mà còn vô cùng thuận lợi trong việc đi lại của chư Tăng, Phật tử vào mùa mưa gió.
Có thể khẳng định, tổng thể kiến trúc chùa Phước Duyên ngày nay đã trở thành một trung tâm tu học của hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, xứng đáng đóng góp tên tuổi “Phước Duyên Tự” vào lịch sử quần thể chùa tháp ở miền đất được xưng tán và mệnh danh là Kinh đô Phật giáo - Thừa Thiên Huế.
Với mong muốn tạo ra một nơi để người người biết hiểu và thương, cùng hướng về nhau, trao nhau những nụ cười, chùa Phước Duyên - Tự viện Phước Duyên luôn rộng mở cửa để chào đón tất cả mọi người đến sinh hoạt, vãn cảnh chùa hay bái Phật. Chùa còn là nơi được nhiều dân quanh vùng gửi gắm tâm linh, và nương náu tinh thần hướng về điều lành, một lòng hướng thiện.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông “
Nguồn tham khảo:
- Fanpage: Tự viện Phước Duyên
- Website: thuvienhoasen.org
- Website: visithue.vn
-----------------------------------------------------
Chùa Phước Duyên – Tự viện Phước Duyên
- Website: http://tangkinhcachue.org/
- Địa chỉ: 6/80 Phạm Tứ phường Hương Long, thành phố Huế
Khám phá Huế xin giới thiệu đến quý đọc giả thêm một số hình ảnh về cảnh quan của Chùa Phước Duyên và hoạt động của các khóa tu thiền nơi đây: