menu_open
Độc đáo “du lịch nhà quê”
Xem cỡ chữ:
Ngoài trải nghiệm công việc đồng áng do chính những nông dân trình diễn, đến di tích cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế), du khách còn được nghe những bài thơ, hò vè nói về nghề nông, khắc họa cảnh đẹp làng quê Việt Nam… Đó là điểm nhấn của tour du lịch cộng đồng do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) hỗ trợ vừa khai trương, đưa vào phục vụ du khách tại Huế.

Nhà trưng bày nông cụ Thủy Thanh tấp nập du khách đến tham quan, trải nghiệm công việc đồng áng của nông dân Việt Nam

Cách TP Huế chừng 7km, để đến cầu ngói Thanh Toàn (xây dựng vào năm 1776, kiến trúc trên nhà dưới cầu, chất liệu bằng gỗ, có 7 gian, trên có mái lợp ngói; cầu dài 18,75m, rộng 5,82m… Được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1990) chỉ mất 15 phút nếu đi xe máy và 30 phút đi bằng xích lô hoặc xe đạp.

Cùng ưu thế nằm trong tổng thể không gian ngôi làng cổ Thủy Thanh Chánh, xã Thủy Thanh với hệ thống nhà thờ họ, đình chùa, nhà vườn có kiểu kiến trúc và bài trí khá đặc sắc, cầu ngói Thanh Toàn còn được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao trong số các cây cầu cổ ở Việt Nam.

Cách cầu 20m, nhà trưng bày nông cụ Thủy Thanh với 200 hiện vật và gần 100 ảnh liên quan đến công việc đồng áng thường ngày của người dân vùng chiêm trũng cuối nguồn sông Như Ý, vừa được các chuyên gia Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hướng dẫn, trưng bày theo chủ đề: Lịch sử và văn hóa làng Thanh Toàn, nghề nông, đánh bắt cá và đời sống thường ngày. Đi liền với đó là những câu chuyện, ký ức và thông tin được người dân địa phương giới thiệu tại nhà trưng bày như muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm đến du khách.

Anh Trần Hùng, hướng dẫn viên thường đưa khách ngoại quốc về đây, nhận xét: “Những công việc đời thường, bình dị nhất của những nông dân ngày xưa, ngay cả thế hệ trẻ hiện nay chưa chắc đã biết, huống chi là người nước ngoài. Cùng những vật dụng như chày, cối giã gạo, sàng, nong, nia, gàu tát nước… bao đời của người nông dân làm nghề lúa nước, những động tác mô phỏng sinh hoạt ngày mùa bình dị như xay lúa, đạp nước, nghe hò đối đáp, hò giã gạo mà bà con nông dân trình diễn đã giúp những vị khách du lịch, nhất là khách Tây hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, làng quê của người Việt Nam. Cách làm này đã góp phần truyền bá văn hóa lúa nước của dân tộc đến với du khách”.

Qua ILO và UNESCO tư vấn và hỗ trợ, UBND xã Thủy Thanh đang phối hợp với một số đơn vị lữ hành du lịch triển khai dịch vụ trải nghiệm trên sông Như Ý, đoạn trước mặt di tích cầu ngói Thanh Toàn.

Ngồi trên con thuyền nhỏ, 3 vị khách nước ngoài tỏ vẻ thích thú khi họ tận tay cầm chiếc chèo khua nước. Ngư cụ từ từ kéo lên khỏi mặt nước, du khách cùng người chèo thuyền cười giòn tan gỡ cá tôm, có người hò hét tỏ vẻ sung sướng… Cá tôm vừa bắt được, du khách cùng nông dân nấu ăn theo kiểu bản địa, hoặc đem ra chợ ngồi bán như giới nữ thường làm sau chuyến đánh bắt của các nam ngư phủ. Anh Oliver Chambard (du khách Pháp) tay cầm tấm lưới còn dính mấy con cá - thành quả sau gần 2 giờ trải nghiệm nghề quăng chài thả lưới trên sông Như Ý, khoái chí nói: “Đến cầu ngói Thanh Toàn chiêm ngưỡng chiếc cầu cổ hay phong cảnh làng quê là để khám phá và mở rộng kiến thức. Còn với hình thức trải nghiệm này, tôi được hòa mình vào đời sống của người dân nông thôn Việt Nam, được thử làm người Việt Nam”. Trong khi anh Ngô Văn Thảo, phụ trách đội thuyền du lịch trải nghiệm sông Như Ý chia sẻ, chèo thuyền chở khách tham quan, có cảm giác như mình đang giao lưu với họ… Cùng làm nghề và vui sướng bắt cá với khách du lịch y hệt như họ là người trong gia đình mình”.

Huế từng có thời gian dài bị các chuyên gia du lịch cho rằng, mặc dù thừa tiềm năng, nhiều danh hiệu quốc tế để phát triển du lịch nhưng địa phương này vẫn ì ạch trong việc mời gọi du khách. Song khoảng 10 năm trở lại đây, bằng những thay đổi mạnh mẽ trong chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, Huế đã trở thành một trong những điểm đến sáng giá của du lịch Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Trong đó, các tour du lịch làng nghề truyền thống, “du lịch nhà quê” trải nghiệm công

việc đồng áng ở di tích cầu ngói Thanh Toàn là nét mới đa dạng sản phẩm du lịch.

Văn Thắng