menu_open
Phượt ký: Tìm về vẻ đẹp Huế
Xem cỡ chữ:
Huế đẹp, đi đâu cũng thấy Huế đẹp, đứng một chỗ cũng thấy Huế đẹp. Ai cũng bảo thế, nhưng phải đi chỗ nào, phải đứng chỗ nào để ngắm, để nhìn ra được tinh thần của nét đẹp rất riêng của Cố đô thì không phải ai cũng biết. Tuần này, Khám phá Huế xin giới thiệu đến ban đọc một tour du lịch giản đơn như thế…
Lên Huyền Không Sơn Thượng
 
Từ trung tâm thành phố, để đến với danh thắng Huyền Không Sơn Thượng, mọi người có cơ hội thong dong trên con đường Kim Long huyền thoại, với một bên là dòng sông Hương lững lờ cùng hàng ngô non mơn mởn, một bên là những địa danh xưa cũ như đình làng Kim Long, nhà vườn An Hiên… tô điểm cho con đường thêm màu rêu phong bát ngát…
 
 

An Hiên

Chùa Thiên Mụ án ngữ trên ngọn đồi Hà Khê linh thiêng cũng nằm trên trục đường này. Đến đây, chỉ cần mấy phút dừng chân bên cổng ngôi quốc tự một thửa và phóng tầm mắt ra ngã ba Tuần (ngã ba Bằng Lãng), Huế lúc này thật bát ngát và đầy bí ẩn. Bất chợt, câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết trong một tác phẩm gợn lên trong lòng người những suy nghĩ, để rồi thêm vấn vương hơn một nét đẹp đế đô.
 
 
Bên chùa Thiên Mụ (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)
  
Trên đường đi, Văn Thánh Huế (còn có tên gọi khác là Văn Miếu) cũng rợp bóng cây xanh. Nơi đây in dấu 293 vị tiến sĩ đã ghi danh bảng vàng trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình dưới triều Nguyễn, được khắc chạm tinh tế trên bia đá có rùa đội. Còn bây giờ, đây là chốn cũ cho các buổi ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ nhằm giáo dục, nêu cao truyền thống hiếu học cho các thế hệ học trò tại Huế, đồng thời cũng là địa điểm đẹp tham quan cho du khác gần xa với những tên gọi độc đáo như Linh Tinh Môn, Đông Vu, Thần Trù, Thần Khố, Hữu Văn Đường, Duỵ Lễ Đường… 
 
 
Linh Tinh Môn - một công trình kiến trúc trong quần thể Văn Thánh Huế
 

Đến đây một lần, mọi người còn bất ngờ hơn vì trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bao nhiêu biến động về thời gian, Văn Thánh vẫn vậy, vẫn như trong những câu ca dao “Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng…”. Huế đẹp cũng chính bởi sự lưu giữ tự nhiên được những nét đẹp xưa cũ ấy…

 
Non nước Huyền Không Sơn Thượng
 
Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc tại thôn Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà là một ngôi chùa nổi tiếng, một thắng cảnh của cố đô Huế. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông, được Thượng tọa Giới Đức khai sơn năm 1989. 
 
Khác với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ của Huế, Huyền Không Sơn Thượng không có cổng Tam quan to lớn mà cổng chùa chỉ bình thường như cổng của một ngôi nhà sân vườn Huế. Khuôn viên chùa là một khu vườn xanh ngắt với những dòng suối nhỏ, những giò hoa phong lan quý, những bông súng tím, lộc vừng, cây sứ, thiên tuế, tùng, bách… cổ thụ hàng trăm năm tuổi, và cả những dòng thư pháp cũng thuần thiên nhiên khi được viết lên cây, lên đá. Tất cả đã tạo nên một không gian yên ả thanh bình “chẳng nơi nào có được”. 
 

Những nét chấm phá nơi Huyền Không Sơn Thượng

Không chỉ có Lan Móng rồng, Huyền Không Sơn Thượng được biết đến là địa điểm lý tưởng và thường xuyên ươm trồng được các loài phong lan độc - lạ cùng vô vàn các loại cây khác.

Đến với Huyền Không Sơn Thượng là mọi người như đang lạc vào một thế giới thuần thiên nhiên, vừa lạ lẫm với rất nhiều các loài cây quý hiếm, lại hết sức gần gụi như đang được ở trong chính khu vườn của mình với bốn mùa hoa trái, với sự trau chuốt tỉ mỉ trong mỗi dáng cây, ngọn cỏ… Tinh tế, giản đơn những lại hết sức cầu kỳ, trau chuốt, nét đẹp Huế ẩn hiện trong những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như thế nhưng để lại dấn ấn khó phai cho bất cứ ai…
 
Hành trang đến với Huyền Không Sơn Thượng có thể là một ít bánh trái Huế như bèo, nậm, lọc… Vừa ngồi trong các chòi nhỏ hoặc bàn ghế đá giản đơn dọc đường đi vừa thưởng thức các món ngon Cố đô thật không gì bằng.
 
Ngắm mưa trên cung điện
 
Huế đã sang thu, những cơn mưa bất chợt dần trở nên quen thuộc, không chỉ đi vào thơ ca mà còn trở thành “đặc sản du lịch” đủ gây thương nhớ cho biết bao người đi, kẻ ở. Mùa này, kiếm tìm những địa điểm lý tưởng để du lịch Huế thật không dễ dàng gì bởi những cơn mưa vô cớ như vậy. Nhưng nếu kiếm tìm cho mình một chỗ đứng để ngắm mưa thì quả hết sức thi vị. 
 
Từ chùa Huyền Không Sơn Thượng, tiếp tục chạy về lăng Khải Định tham quan. Lăng Khải Định (Ứng Lăng) là một công trình kiến trúc thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế nhưng mang nhiều nét mới mẻ, thậm chí “lạc lõng” với những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ, Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo, Hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu hay Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể... tạo nên sự giao thoa văn hóa Đông – Tây vừa lạ lẫm, vừa độc đáo và thu hút hàng triệu khách du lịch tham quan mỗi năm dù đã hơn 100 năm tồn tại.
 
 
Mưa trên cung điện (Ảnh: Sưu tầm)
 
May mắn cho bất cứ ai khi đến với lăng Khải Định và được ngắm mưa. Từ trên cao, thành phố Huế nhạt nhòa, ta vừa bắt gặp chút u buồn, hoài niệm như trong ca khúc “chiều nay mưa trên phố Huế…” vừa có cả chút tinh tế và nhiều nhạc điệu của một cơn mưa Huế: bảng lảng, dìu dặt, dầm dề và thêm một chút vô cớ, khó hiểu nhưng hiểu rồi thì chỉ để thương thêm.
 
Nghỉ ngơi, dùng bữa tại Nhà hàng, cà phê Chân Đồi
 
Trên con đường khám phá, mọi người cũng có thể dừng lại và nghỉ chân tại Nhà hàng – cà phê vườn Chân Đồi. Nơi đây cũng mang những nét đẹp thuần túy của xứ Huế với 3 gian 2 chái, với hòn non bộ, và với những tách cà phê chậm rãi… Thêm một thực đơn chất lượng với các món ăn hảo hạng, phong vị Huế càng đậm đà hơn bao giờ hết.
 

 

Nếu bạn là một người chay tịnh, thay vì đến với Nhà hàng – cà phê Chân Đồi, có thể ghé qua Trà Đình Vũ Di và thưởng thức nghệ thuật Ẩm thực Cung đình tại đây. Đến với Vũ Di, mọi du khách đều có cảm giác như mình lạc vào một xứ sở của hoa, của thiền và của nghệ thuật trà đạo chuẩn mực.
 
 
 
 

Trà Đình Vũ Di là nơi lui tới thường xuyên của đông đảo thực khách, trong đó có cả những người nổi tiếng khi đến Huế 

Ngắm hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh
 
Sau một chuyến thưởng ngoạn vẻ đẹp Huế, sẽ là thiếu sót khi du khách ko dừng lại trên đồi Vọng Cảnh để ngắm hoàng hôn cuối ngày. Dòng Hương lững lờ trôi, Điện Hòn Chén kỳ bí, trữ tình cùng những vệt mây đa sắc trên nên trời quyện hòa, tô điểm nên cho Huế một nét thơ mà mỗi lần ngắm lại tạo nên một sắc thái riêng biệt. 
 
 
(Ảnh: Hà Viết Hải)
Đó mới là Huế, tưởng đã cũ xưa nhưng luôn luôn đổi mới, tưởng đã quá quen nhưng lại hết sức lạ lùng. Tất cả những gì cũ-mới đó mới làm nên Huế - Cố đô.
Ngọc Bích