Ở Huế, Vu lan là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật Đản, là ngày mà nhiều người dân Huế đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, dù không đông bằng ngày Tết cổ truyền nhưng hết sức trang trọng, thành kính. Mặc dù Vu lan là một lễ hội của Phật Giáo, nhưng đối với đại đa số người dân Cố đô, dù theo đạo Phật hay không, cứ đến ngày 15/7 Ân lịch đều ngưỡng vọng hướng về ngày đặc biệt này.
Vu lan và Mẹ
Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào.
Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”.
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Ý nghĩa của lễ Vu Lan liên hệ đến sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên, vì muốn cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, đã nhờ đến đức Phật và được chỉ dạy rằng phải sắm sửa lễ cúng, nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương vào ngày rằm tháng Bảy mới có thể cứu được mẹ. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Tuy nhiên, trong đạo Phật, lễ Vu lan không có nghi thức bông hồng cài áo mà phải đến tháng 8 năm 1962, trong một đoản văn viết về Mẹ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh (một người con gốc Huế) giới thiệu tục lệ cài một bông hoa trên áo trong ngày Mother’s Day của người Nhật. Và cũng chính Thiền sư đã đem hình ảnh bông hồng cài áo từ nước ngoài du nhập vào Phật giáo Việt Nam trong ngày Vu lan một cách rất tự nhiên, từ sự đồng điệu để tôn vinh hình ảnh giản dị ấy thành một niềm tự hào, một nét văn hóa của người Việt, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong đoản văn viết về Mẹ của mình, thiền sư viết: "Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.
Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother's Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan".
Thiền sự cũng cho biết rằng bông hoa mà cô sinh viên người Nhật cài cho ông trong ngày Mother’s Day ở Đông Kinh là hoa cẩm chướng, không phải hoa hồng, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, hoa hồng lại được lựa chọn sử dụng.
"Bông hồng cài áo"- từ đó nhanh chóng lan tỏa, và trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc cho ca khúc nổi tiếng cùng tên của ông.Từ đó đến nay, cứ đến mùa Vu lan, mọi người lại thường nhắc nhau về bông hồng cài áo ấy để rồi tự hào, để rồi nức nở...
"Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn..."
Ca khúc "Bông hồng cài áo" qua tiếng hát ca sĩ Duy Khánh
Có lẽ, cũng từ sự khởi phát truyền bá một nét văn hóa từ Thiền sư Nhất Hạnh - một người con của mảnh đất Thừa Thiên, cộng hưởng với sự tồn tại lớn mạnh của hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ mà "bông hồng cài áo" tại Huế - cái nôi của Phật giáo Việt Nam, có điều kiện phát huy tối đa giá trị tinh thần qua mỗi mùa Vu lan.
Nghi thức thông thường trong lễ Vu lan tại chùa là thầy chủ lễ tụng niệm, đọc kinh. Các tín đồ quỳ lạy theo từng tiết lễ. Nếu một đoàn thể đến chùa hành lễ thì thầy chủ lễ, sau các nghi lễ ban đầu, cho phép toàn thành viên đọc kinh báo hiếu. Sau phần lễ chính thức, thượng tọa nói về ý nghĩa Vu Lan, nhắc nhở các thành viên báo đáp công ơn cha mẹ bằng những việc làm cụ thể. Người phước duyên còn được cha mẹ bên cạnh hạnh giữ gìn chăm sóc tâm hiếu, hiếu hạnh cho đúng pháp Phật dạy để tạo một gia đình phước lạc, đầm ấm.
Vu lan - ngày hướng về nguồn cội
Tuy nhiên, cũng không biết từ bao giờ, Vu lan không còn là ngày lễ riêng của các tăng ni phật tử, không còn gói gọn trong chùa mà trở thành ngày để bất cứ ai cũng có cơ hội để tỏ lòng hiếu thuận với mẹ, và không chỉ mẹ, trong đó có cả tổ tiên nguồn cội.
Cũng trùng hợp với lễ Vu lan, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch trong văn hóa dân gian của người Á Đông còn là ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông, là ngày để mọi người tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát.
Vào những ngày này, nhiều người dân Huế đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, nhiều gia đình có mâm cơm cúng trước nhà, để cúng những vong linh bơ vơ, còn gọi theo dân gian là "cúng cô hồn, "cúng thí thực" (tặng thức ăn).
Các tín đồ Phật tử mặc áo lam đến chùa hành lễ trong ngày Vu lan (Ảnh: H.Y)
Vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng), thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều.
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày đặt một mâm cỗ mặn (hoặc chay), tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm tức đồ mã làm bằng giấy có tính tượng trưng như quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, các vật dụng trang sức... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương trần. Hiện nay, dù đã tối giản rất nhiều lễ nghi nhưng với người Huế, quan niệm "Dương sao, Âm vậy" được áp dụng triệt để. Dù điều kiện gia đình có khó khăn đến mấy nhưng trên mâm cúng, mỗi thứ chút chút nhưng luôn luôn đầy đủ.
Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), các loại hoa quả, hạt nổ, chè đậu xanh, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo thánh (cháo hoa)... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa. Ở chùa, khi cúng chúng sinh xong người ta thường gọi những đứa trẻ xung quanh đến rồi cho chúng cùng nhảy vào tranh cướp những vật cúng: như bỏng, oản... tượng trưng cho những cô hồn..
Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ.
Vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.
Người Huế gọi tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn, bởi vậy người Huế rất kiêng kỵ trong mọi hoạt động trong những ngày này, đặc biệt là tối ngày 14/7 vì sợ xui xẻo và thường nhắc con cháu những điều cấm kỵ như: Không phơi quần áo vào ban đêm; Người yếu bóng vía, không nên đi chơi đêm; Không hù doạ người khác khiến họ giật mình “hồn bay phách lạc” dễ bị ma quỷ xâm nhập; Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường; Không chụp ảnh vào ban đêm; Không treo chuông gió ở đầu giường…
Dù gọi là lễ Vu lan hay lễ Xá tội vong nhân thì trên hết, ý nghĩa của ngày Rằm tháng 7 Âm lịch vẫn là hướng về nguồn cội với lòng thành kính của chữ Hiếu. Vì vậy, trong ngày này, mọi lễ nghi đều được tổ chức thực hiện trang nghiêm hoan hỉ khắp các tự viện và tại gia tiên ở Huế.