menu_open
Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa
Xem cỡ chữ:
Lễ hội đền Huyền Trân là một hoạt động văn hoá có ý nghĩa tri ân, ghi nhận và tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân - người đã có công với nước trong việc mở rộng bờ cõi, giang sơn, gấm vóc của dân tộc về phía nam (nay là vùng đất nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).
Địa chỉ: 151 Thiên Thai, An Tây, thành phố Huế
Thời gian hoạt động: Mồng 9 tháng Giêng (Âm lịch)

Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa

"Ngưỡng vọng tiền nhân"

 

Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa là một hoạt động văn hoá có ý nghĩa tri ân, ghi nhận và tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân - người đã có công với nước trong việc mở rộng bờ cõi, giang sơn, gấm vóc của dân tộc về phía nam (nay là vùng đất nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Vào ngày mồng Chín tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, nhằm ngày mất của Bà, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa trên núi Ngũ Phong (nay là Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - 151 Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế).

Lịch sử hình thành Lễ hội

 

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285, hai vương triều Đại Việt và Champa đã kề vai sát cánh trên trận tuyến chống kẻ thù chung. Sự liên minh khắng khít đã làm cho thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến vân du Chiêm Thành năm 1301 đã hứa gả công chúa út của mình là công chúa Huyền Trân cho vị vua lân bang trẻ tuổi có chí lớn. Lúc đó Huyền Trân khoảng 14 tuổi.

Năm năm sau, khi Huyền Trân đã trưởng thành, sứ bộ đã đến kinh đô xin định sính lễ. Triều đình Đại Việt phân vân, rốt cục vua Anh Tông đã thực hiện lời hứa của thượng hoàng, và công chúa Huyền Trân đã hy sinh tình riêng, vì dân tộc chấp nhận kết hôn cùng với Chế Mân. Sứ bộ đã dâng sính lễ trọng hậu là đất hai châu Ô, Lý (vùng đất Thuận Hóa - Phú xuân - Thừa Thiên Huế ngày nay) và rước công chúa vu quy về Vijaya.

Tháng 7 năm 1306, đoàn hải thuyền vượt biển về Nam. Đến cửa Ô Long, đoàn thuyền ghé nghỉ. Xúc động vì sự xuất giá của em gái, vua Anh Tông đã cho đổi tên cửa biển này là Tư Dung hải môn, để bày tỏ nỗi niềm của mình và nhắc nhở cho đời sau mãi mãi nhớ đến sự hi sinh vì nghĩa lớn của nàng công chúa Việt Nam.

Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần". Để ghi nhớ công ơn của Công chúa, Triều đình nhà Nguyễn đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, TP Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Tiếc là miếu thờ này ngày nay không còn. Đến đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng. Một năm sau đó, ngày 26 tháng 3 năm 2007, công trình khánh thành nhân kỷ niệm tròn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân.

Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa được tổ chức chức định kỳ hàng năm vào ngày mồng 9 tháng Giêng - ngày giỗ của Công chúa Huyền Trân, với ý nghĩa tri ân công đức của bà vì sự phát triển của nước Đại Việt.

Hình thức tổ chức lễ hội

 

Lễ khai hội được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc, với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”, tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân - người cách đây hơn 700 năm đã dấn thân “Nước non ngàn dặm ra đi…/Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Ly”, hy sinh tình riêng để góp nên vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử của đất nước.

Tiếp đến là Lễ cầu nguyện quốc thái dân an, được tổ chức trọng thể tại thiền viện Hương Vân theo nghi lễ truyền thống của Phật giáo. Hoạt động nhằm cầu nguyện cho "Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, mùa màng bội thu, nhân dân an lành, no ấm, hạnh phúc, đất nước hưng thịnh, đổi mới, hội nhập và phát triển". Sau lễ cầu nguyện, nhân dân địa phương và du khách nghiêm cẩn xếp hàng để hành lễ và cầu nguyện trong những ngày đầu xuân năm mới.

Sau phần lễ, Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa còn có chương trình nghệ thuật và các hoạt động vui chơi, giải trí (phần hội) như: biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, bài chòi, đẩy gậy, đập niêu, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp và trưng bày các sản phẩm truyền thống, văn hóa ẩm thực cha xứ Huế...

Tùy vào điều kiện hàng năm mà các hoạt động của Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa được tổ chức linh hoạt (thường diễn ra trong 02 ngày mồng 8 và mồng 9 tháng Giêng) nhằm tạo sự mới mẻ để nhân dân địa phương và du khách xa gần khi đến chiêm bái hào hứng tham gia, trải nghiệm.

Ý nghĩa của lễ hội

 

Người Huế có câu “ba ngày Tết, bảy ngày xuân” để nói về thời điểm thảnh thơi nhất trong năm: tháng Giêng. Cùng với những lễ hội như: lễ hội đu tiên làng Gia Viên (mồng 4 tháng Giêng), vật làng Thủ Lễ (mồng 6 tháng Giêng), Vật làng Sình (mồng 10 tháng Giêng)... Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa không chỉ là dịp để "ngưỡng vọng tiền nhân" với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lễ hội còn có ý nghĩa về tâm linh của người dân Cố đô Huế, cầu mong cho mọi sự tốt lành đến với mọi người trong năm mới, qua đó, góp phần quảng bá đến với du khách thập phương và nhân dân về một vùng đất mang đậm giá trị bản sắc văn hóa và về một thành phố Huế - thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Đến Huế, đến với Trung tâm Văn hóa Huyền Trân vào dịp lễ hội và tham quan không gian khoáng đạt nơi đây, lắng nghe tiếng chuông Hòa Bình vang vọng và ngắm toàn cảnh thành phố Huế từ trên đỉnh Ngũ Phong, dường như mọi sự an yên, tĩnh tại đều hội tụ nơi đây để ai ai cũng đều ngưỡng vọng...

 

Video Youtube: