menu_open
Cỏ bàng thay đồ nhựa
Xem cỡ chữ:
Trước cuộc chiến với rác thải nhựa thì sản phẩm thân thiện với môi trường đang có cơ hội khẳng định lại vị trí, chỗ đứng của mình.

Trong đó, sản phẩm từ nghề đan đệm bàng của người dân làng Phò Trạch (quen gọi là Phò Trạch đệm), xã Phong Bình (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cũng đang đứng trước ngưỡng cửa mới của sự phát triển.

Vượt khỏi “tầm” là nghề thủ công
 
Phò Trạch là làng quê nổi tiếng với nghề đan đệm bàng có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Khi chưa có đồ nhựa thì những sản phẩm của làng  như chiếu, giỏ xách, bao... được làm từ cây cỏ bàng là những vật dụng chủ yếu của người dân trong vùng. Ở đây, sự phát triển của hệ sinh thái tự nhiên cùng với sự hình thành những vùng đất trũng quanh năm ngập nước đã tạo điều kiện cho cây cỏ bàng phát triển. Từ lâu, người dân nơi đây đã biết khai thác cây cỏ bàng để tạo ra các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
 
Quy trình để làm ra sản phẩm từ làng nghề đệm bàng Phò Trạch trải qua  nhiều khâu và rất công phu, từ cắt cây cỏ bàng ở ruộng về, sau đó phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên 3-5 ngày, rồi phân loại, cất giữ cẩn thận. Vất vả nhất là khâu đạp bàng cho sợi bàng dẹp và mềm mới đan để tạo ra sản phẩm. Sản phẩm được đan bằng nguyên liệu tự nhiên là cây cỏ bàng này rất đa dạng, như đệm, túi xách, mũ, chiếu… Những sản phẩm này được thị trường ưa chuộng vì có màu đẹp, bền chắc và thân thiện với môi trường.
 
Vượt khỏi “tầm” phục vụ địa phương, ngày nay các sản phẩm của đệm bàng ở Phò Trạch đã không ngừng tiến bộ, cải tiến mẫu mã. Các sản phẩm được đem đi tham gia tại triển lãm, Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức… và đạt nhiều giải thưởng cao. Đó cũng là kết quả của sự định hướng đúng đắn trong việc làm sao để giữ được nghề và phát triển nghề đệm bàng của người dân xã Phong Bình, cũng như các cơ quan, ban ngành có liên quan.
 
Chú trọng sự tiện lợi, thân thiện môi trường
 
Ông Nguyễn Viết Nam, chủ một cơ sở sản xuất đệm bàng tại làng Phò Trạch, chia sẻ: Với lối đan truyền thống kết hợp với hoa văn dân gian, những sản phẩm của làng nghề đệm bàng lâu nay đã tạo được hiệu ứng tốt với thị trường bởi những sản phẩm được đan lát bằng cỏ bàng, chủ lực là đệm (tức chiếu nằm) và các mặt hàng lưu niệm, đồ du lịch như túi xách, mũ, nón…
 
Thời gian tới, nhằm hưởng ứng chủ trương của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cơ sở của tôi sẽ đẩy mạnh sản xuất để mang đến những sản phẩm truyền thống gần gũi với đời sống và thân thiện với môi trường như: chiếu du lịch tắm biển, nệm ngồi, túi xách thời trang, khay đựng, giỏ rác, đèn trang trí… Đặc biệt, một số sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn mới của châu Âu, trong đó chú trọng đến tính tiện lợi, tính dân gian và nhất là gắn với xu thế của người tiêu dùng.
 
Hơn 35 nghìn ống hút thân thiện vừa được Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt sản xuất thử nghiệm mở ra triển vọng mới trong việc dùng cỏ bàng (trồng ở Phong Bình) thay thế vật dụng bằng nhựa.
Được biết, Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt nảy ra ý tưởng dùng cỏ bàng được trồng ở xã Phong Bình, để làm ống hút thay thế ống hút nhựa và làm những sản phẩm thân thiện khác như túi xách, giỏ đựng, chiếu... Đầu năm 2019, Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt phối hợp với UBND huyện Phong Điền bắt tay triển khai dự án sản xuất ống hút cỏ bàng.
 
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, cho biết, trước nguy cơ dần bị mai một, dự án đang mở ra sức sống mới cho làng nghề đệm bàng Phò Trạch. Giá cỏ bàng tăng cao, ngày công của người lao động tăng 10-20% so với đan đệm, chẹ như trước đây. Nếu nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng, địa phương đảm bảo có thể mở rộng vùng trồng nguyên liệu cỏ bàng lên 15-20 ha.

 

Với định hướng xây dựng Thừa Thiên - Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”, trong thời gian gần đây, tỉnh đã và đang đồng loạt triển khai các chương trình bảo vệ môi trường như vận động người dân  ra quân tổng vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật hàng tuần theo Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, vận động tiểu thương hạn chế sử dụng túi nylon với chương trình Nói không với túi nylon sử dụng một lần,… Các chương trình đang tiếp tục lan tỏa và hành động, sôi nổi trên khắp các địa phương của Thừa Thiên - Huế.
 
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hiện nay các cơ quan, ban, ngành có liên quan của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiến hành khảo sát, hỗ trợ sản xuất để đưa các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm làm bằng nhựa, nylon…; đồng thời nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, tập trung vận động các đơn vị kinh doanh các đơn vị dịch vụ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
 
Hy vọng rằng, người dân làng Phò Trạch  nắm bắt cơ hội để mở rộng làng nghề, góp phần bảo vệ môi trường cũng như nâng tầm làng nghề truyền thống của địa phương.

Văn Bốn
Các bài khác