Cung đường chinh phục khá đơn giản bằng xe máy hoặc ôtô. Bạn có thể chọn cách di chuyển theo tuyến tham quan chùa Thiên Mụ, Văn Thánh rồi rẽ lên hướng đường tránh Huế, rồi theo tuyến đường lên xã Bình Điền. Hoặc tuyến đường Minh Mạng, ngang qua đồi Thiên An, lăng Khải Định, thánh tích tượng Phật Bà Quan Âm, rễ lên cầu Tuần. Để tránh lạc đường, bạn cần chú ý đến chợ Bình Điền thì rẽ trái ngay và hỏi đường lên đập thủy điện Bình Điền.
Chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho chuyến đi: – Phao cứu sinh hoặc áo phao (vì ở đây chưa có dịch vụ du lịch nên cư dân không trang bị khi đi trên lòng hồ) – Nước uống – các loại thức ăn nhanh như: bánh mỳ, thịt xông khói, rau củ quả các loại (vì bơi, tắm xong bạn sẽ rất đói, do ở đây chưa có dịch vụ ăn uống) – Vitanmin C (loại 90k hộp) để cơ thể chóng mất nước trong quá trình đi bộ. – Bộ đàm nếu có (bởi vì ở khu vực này hiện vẫn chưa có sóng điện thoại) – Các loại đồ bơi/tắm – Mũ vành rộng, các loại kem chống nắng, thuốc chống vắt, đặc biệt phải có thuốc chống côn trùng (khi lên suối những chú ong ruồi sẽ rất thích bạn nếu bạn không biết cách phòng tránh nó).
Do khu vực lòng hồ nằm trong sự quản lý của nhà máy thủy điện Bình Điền nên để vào được đây bạn cần liên hệ xin phép CA xã, bảo vệ của thủy điện Bình Điền để được phép vào trong khu vực lòng hồ.
Qua cửa nhà máy, bạn có thể đi xe máy hoặc ô tô vào tận chân của đập thủy điện, để tiện di chuyển bạn sẽ gửi xe ở Trạm quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn. Từ đây liên hệ thuyền địa phương để thuê vận chuyển vào khu vực Khe Lạnh – nằm trong khu vực lòng hồ của thủy điện. Hôm nào may mắn, bạn có thể được lên thuyền cùng các anh kiểm lâm vui tính của Trạm đi làm nhiệm vụ để khám phá.
Sau khi đi thuyền tầm 45 phút qua các dãy núi trùng điệp cùng làn nước trong xanh, Khe Lạnh hiện ra từ xa như một dãi lụa mềm mại đầy quyến rũ. Thuyền cập bến, bạn phải đi bộ len theo các mỏm đá ven suối tầm 15 phút nữa thì đến chân thác. Ngay chân thác, có một phiến đá như một cái bàn rất to, đủ chỗ cho một nhóm 10 – 12 người cùng ngồi ngỉ chân.
Nước ở đây chảy không mạnh lắm nhưng rất mát lạnh, phải chăng từ đó, cái tên Khe Lạnh ra đời từ cách gọi của người địa phương. Thác nước ở đây đẹp, hấp dẫn du khách là do dòng chảy và địa hình thú vị. Khi nước lớn, dòng thác chính chảy rất mạnh, hùng vĩ. Vào thời điểm nước nhỏ, nó chảy chia thành hai dòng mãnh mai như hoặc nhập lại như thanh kiếm sắc bén dựng thẳng lên trời. Do dòng nước như chảy ra từ trời xanh, người dân địa phương cũng còn gọi tên khác là Giếng trời.
Để sở hữu cho mình những bức hình đẹp ở thác này, bạn nên đi sớm từ 06h sáng, sau khi di chuyển vào thác, ánh nắng chiếu xiên sẽ tạo nên khoảnh khắc đẹp. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị thêm it bộ trang phục chụp suối ghi lại những khoảnh khắc đẹp và lạ ở nơi này. Sau 13h chiều, mặt trời khuất bóng sau đỉnh thác, thác sẽ tối nhanh và đó chính là cơ hội để chúng ta tiếp tục đi chinh phục thác nước thứ hai trong lòng hồ là Khe Hung.
“Hung” theo dân địa phương ở đây có nghĩa là “Nhiều”, bởi ở đây có nhiều hồ nước hơn so với Khe Lạnh. Đoạn đường di chuyển giữa hai khe nước là tầm 25 phút và thêm 20 phút băng rừng. Do có nhiều hồ nước trong xanh, bạn tha hồ vẫy vùng thỏa thích sau 1 ngày băng rừng, lội suối. Ngoài ra, bạn cũng có thể mạo hiểm đẫm mình trên lòng hồ rộng lớn. Tuy nhiên, phải nhớ mặc áo phao trên mình.
Các bạn cũng đừng quên ngoài việc vui chơi, tham quan thì đừng để lại gì ngoài những dấu chân các bạn nhé!