menu_open
Vẻ đẹp trang phục hầu đồng trong Nghi lễ thờ Mẫu của người Việt
07/05/2014 10:00:16 SA
Xem cỡ chữ:
Nghi lễ hầu đồng còn gọi là Nghi lễ thờ Mẫu của người Việt là một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc biệt hấp dẫn, trong đó không thể không nói đến trang phục hầu đồng.

 

 

 Là một loại hình tín ngưỡng gắn với đạo thờ Mẫu, thờ Tứ phủ. Nghi lễ hầu đồng đã có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù chưa biết chính xác thời điểm xuất hiện nghi lễ hầu đồng những nghi lễ này phát triển mạnh mẽ nhất vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Không chỉ là một tín ngưỡng dân gian, hầu đồng thực sự là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo và hấp dẫn. Nghệ thuật này có sự tạo thành từ nhiều yếu tố như âm nhạc, cách trình diễn, lời ca và không thể thiếu đó là trang phục.

Trong một lễ hầu đồng phải theo tứ tự từ cao đến thấp, từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, Chầu, Ông Hoàng…Có tổng cộng 36 giá đồng vì theo quan niệm của người xưa có 36 vị Thánh thường che chở, bảo vệ cho người dân. Và 36 giá đồng tương ứng 36 vị Thánh đó có 36 bộ trang phục khác nhau được sử dụng theo quy định nghiêm ngặt cho từng giá
Mặc dù các bộ trang phục này rất phong phú, mỗi địa phương tùy vào văn hóa vùng miền có thể thay đổi đôi chút nhưng về cơ bản vẫn phải phải tuân theo quy định chặt chẽ về kiểu cách, màu sắc và phục sức đi kèm. Có trang phục nữ của các Chầu Bà, Thánh Cô và cũng có y phục nam của các Quan lớn, Thánh Cậu.


 
 
Trang phục Chầu Đệ Tam với khăn áo màu trắng cầm quạt trắng lắp lánh đầy uy nghi. Trang phục Ông Hoàng luôn được thêu rồng và có màu vàng tượng trưng cho sự tối cao, quyến quý..

Cũng vì xuất xứ và tích truyện về mỗi vị khác nhau nên các bộ y phục cũng theo đó mà được người sau thể hiện theo. Có vị xuất tích từ miền Nhạc phủ (rừng xanh) như Cô Bé Thượng Ngàn mặc trang phục của người dân tộc, trong khi Cô Đôi Cam Đường lại mặc trang phục áo tứ thân, đeo quang gánh của phụ nữ người Kinh. Trang phục của các giá Chầu Bà thường rất đẹp vì đó là hóa thân của các Mẫu, như trang phục của Chầu Đệ Tam với khăn áo màu trắng cầm quạt trắng lấp lánh tượng trưng cho miền Thoải Phủ. Trang phục của các giá Quan Lớn, Quan Hoàng lại vô cùng uy nghi, đẹp đẽ giống trang phục các vị quan trong triều đại phong kiến. 
Ngoài trang phục thì trang sức và các vật đi kèm như quạt, khăn đội đầu, mũ, hài cũng được gia công rất tinh xảo. Có thể kể đến như Cù ngọc, thẻ bài dùng trong các giá Quan, giá Hoàng hay các loại vòng, cài khăn dùng trong các giá Chầu, giá Cô. Các tranh sức này được chế tác đẹp và cầu kỳ từ các chất liệu như bạc, đá mầu và ngọc…
Trang phục, trang sức đẹp góp phần làm cho người thể nhập “bóng Thánh” những người tham dự nghi lễ phấn khích, hào hứng hơn. Nhìn vào hệ thống trang phục và trang sức trong nghi lễ hầu đồng người xem có thể thấy được sự phong phú của trang phục người Việt qua nhiều tộc người, và nhiều thời kỳ khác nhau. Có thể nói yếu tố tạo nên một buổi hầu đồng thành công không thể thiếu trang phục hầu đồng. Những bộ trang phục này không chỉ để giới thiệu cho người xem biết về giá đồng mà còn là hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều thế hệ của người Việt.