menu_open
Xứ Huế có bao nhiêu làng nghề?
13/03/2021 6:08:35 CH
Xem cỡ chữ:
Hoa giấy Thanh Tiên (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)
Nói về xứ Huế, có lẽ khó có thể miêu tả hết được những nét đặc sắc của vùng đất, con người nơi đây cùng những trầm tích văn hóa, những giá trị lịch sử, kho tàng ẩm thực cùng vô vàn những danh thắng, kỳ quan nổi danh thiên hạ.
Hoa giấy Thanh Tiên (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)

Là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam – Triều Nguyễn, mảnh đất Phú Xuân – Huế là nơi vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên bản các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, “di sản” góp phần làm nên diện mạo văn hóa Huế, in đậm trên các công trình kiến trúc vật thể và trong đời sống tâm linh của con người Cố đô có lẽ chính là các làng nghề truyền thống Huế.

Dòng chảy lịch sử của các làng nghề xứ Huế

Ngược dòng thời gian trở về dưới thời Nguyễn, để phục vụ cho tất cả các hoạt động của triều đình, Bộ Công, Bộ Binh và Bộ Lại, Bộ Hộ của triều đình có nhiệm vụ khảo sát, thống kê các địa chỉ, nguồn thợ mà các triều đại trước đây đã sử dụng, tất cả thợ có từ 20 năm trong nghề trở lên đều đưa vào sổ để theo dõi khi cần tra xét và điều động về kinh. Thông qua các hình thức: tuyển chọn, tuyển mộ và thuê mướn, thợ thủ công dân gian giỏi trong cả nước được triều đình trưng tập về Kinh đô và phiên chế thành các tổ chức thợ cùng nghề gọi là Tượng cục (thời Gia Long gọi là Ty, hay Đội). Số lượng Tượng cục ở kinh đô rất lớn, Tượng cục có thể tự sản xuất độc lập hoặc trở thành một bộ phận trong xưởng sản xuất lớn - những quan xưởng của triều đình. Bên cạnh đó, các hộ nghề thủ công dân gian ở địa phương cũng được huy động sản xuất sản phẩm tại chỗ theo nhu cầu của triều đình. Vì vậy, song hành cùng với các làng nghề thủ công dân gian, còn có xưởng thủ công do triều đình quản lý, gọi là quan xưởng. 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử (Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005): Số lượng tượng cục ở kinh đô rất lớn, Tượng cục có thể tự sản xuất độc lập hoặc trở thành một bộ phận trong xưởng sản xuất lớn - những quan xưởng của triều đình. 

Bản tấu ngày 14 tháng 4 năm Thành Thái thứ 16 (1904) của Bộ Công về việc chế tạo một chiếc xe kiệu có điêu khắc, sơn son thếp vàng, bọc vải tơ thêu hoa vàng nhân lễ mừng sinh nhật Hoàng Thái hậu tròn 50 tuổi. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn.

Kế thừa kinh nghiệm từ thời các Chúa Nguyễn, hoàng đế Gia Long (1802 - 1820) đã cho xây dựng hệ thống quan xưởng đa dạng và phong phú hơn. Sang đến triều hoàng đế Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1847 - 1883), hoạt động của quan xưởng ngày càng phát triển và mở rộng. Dưới triều Nguyễn, quan xưởng không chỉ là nơi chế tạo các vật dụng phục vụ nhà vua và hoàng tộc (như đồ ngự dụng, đồ trang trí, các vật liệu để kiến thiết cung điện, thành quách, lăng tẩm...) mà còn là nơi sản xuất các trang thiết bị phục vụ hoạt động quốc phòng, kinh tế, đời sống dân sinh của quốc gia (tàu thuyền, súng pháo, đạn dược, tiền tệ quốc gia… )Phần lớn thợ nghề làm việc tại các quan xưởng là những người tài hoa được tuyển chọn khắt khe từ các làng nghề truyền thống trong cả nước. Vì vậy sản phẩm của quan xưởng không chỉ có giá trị phục vụ đời sống mà một số đã đạt đến độ tinh mĩ.

Từ sau năm 1885, do sự tác động về mặt chính trị - xã hội, số lượng quan xưởng thu hẹp dần, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu của triều đình trong một số lĩnh vực với quy mô rất hạn chế. Nhưng những kỹ năng và bí quyết nghề nghiệp tiếp tục được những người lính thợ chuyển giao cho các thợ học việc trong dân gian. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp cho nghề thủ công truyền thống tiếp tục được duy trì, phát triển, góp phần làm đa dạng ngành nghề và sản phẩm trong các làng nghề dân gian ở Thừa Thiên Huế và các địa phương khác trong cả nước. Có thể nói, với lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống xứ Huế chính là nơi hội tụ của dòng chảy văn hóa cung đình và văn hóa dân gian, là niềm tự hào của người dân Cố đô. 

Định danh cho các làng nghề

Nếu như người Hà Nội tự hào với 36 phố phường thì người Huế với hàng trăm làng nghề lớn nhỏ vẫn được gìn giữ, bảo tồn sau hàng trăm năm, thể hiện sức sống mãnh liệt cùng tấm lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân của người dân Cố đô. Các làng nghề của Huế được chia thành 6 nhóm chính, bao gồm: 

1. Nhóm làng nghề sản xuất công cụ - khí dụng (nghề rèn sắt ở Hiền Lương, Mậu Tài; nghề đúc đồng ở Võng Trì, Dương Xuân (Sơn Điền, Phường Đúc); nghề kéo dây (thau, thép) ở Mậu Tài; nghề mài khí giới ở An Lưu; nghề làm đinh sắt, đinh đồng ở Hà Thanh;, nghề đan lát (tre, mây) ở Bao La; nghề thắt gióng mây ở An Vân, An Cựu; nghề đan gót và làm mui đò ở Dã Lê, nghề làm guốc mộc ở An Ninh; nghề làm đăng nò (để đánh cá) ở Bác Vọng; nghề đan lưới (đánh cá) ở Thủ Lễ, Thụy Lôi (Phú Xuân), Uất Mậu; nghề gốm ở Dũng Cảm (Mỹ Xuyên), Cảm Quyết (Phước Tích), Nguyệt Biều (Long Thọ); nghề làm đồ sành sứ ở Ngư Võng, nghề làm nón lá ở Triều Sơn, Đồng Di, Tây Hồ, Phủ Cam; nghề làm tơi lá (áo mưa) ở Ô Sa; nghề đóng hòm (quan tài) ở Kim Long, Bao Vinh; nghề xẻ ván đóng thuyền ở Diêm Trường, Phụng Chánh; nghề làm chiếu đệm ở Bằng Lẵng, Phò Trạch; nghề làm mũ ở Hiền Lương, nghề làm trống ở Phổ Nam…

2. Nhóm làng nghề sản xuất vật liệu – trang trí: nghề thếp vàng, sơn mài ở Tân Nộn (Tiên Nộn); nghề kim hoàn ở Kế Môn; nghề chạm khắc gỗ ở Mỹ Xuyên; nghề khảm cẩn xà cừ ở Bao Vinh; nghề vẽ tranh thờ ở Lại Ân (Sình); nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên; nghề làm giấy ở Lương Cổ, Đốc Sơ, Thanh Lam; nghề làm mực ở Hoài Tài (Mậu Tài); nghề làm trướng liễn ở An Truyền (Chuồn); nghề làm tóc giả ở Quảng Xuyên; nghề vẽ tranh kính ở Huế…

3. Nhóm làng nghề sản xuất vật liệu – may mặc: nghề dệt (nhiều loại) ở An Lưu, Sơn Điều, Dương Xuân, Vạn Xuân, Kim Long, Phủ Cam; nghề dệt tơ ở Phủ Cam (Trường Cởi); nghề dệt gấm, dệt nhiễu đổ ở Phú Xuân; nghề dệt lụa trắng ở An Lưu; nghề dệt mũ ở Quảng Yên; nghề dệt lụa ở Lãng Châu, Phò Nam; nghề dệt gấm cải hoa ở Vĩnh Cố (Vĩnh Xương); nghề dệt vải mặt nhỏ ở Đồng Di, Dương Nỗ, Địa Linh; nghề dệt vải thao đủi ở Mỹ Toàn (Mỹ Lợi); nghề xe chỉ, nhuộm chỉ ở Chợ Cống, nghề thêu ở Huế (phố Cẩm Tú)…

4. Nhóm làng nghề sản xuất vật liệu – xây dựng, như nghề làm vôi hàu ở Nghi Giang, Vinh Hiền; nghề làm gạch ngói ở Xóm Ngõa – Địa Linh, Long Thọ, Nam Thanh, Triều Sơn Tây; nghề nung vôi đá ở Nguyệt Biều – Long Thọ (nghề làm giấy cũng có thể thuộc nhóm này, vì ngày xưa người ta dùng giấy như một thành tố như vôi vữa, nhất là để xây cung điện, thành đài…)

Làng nghề bánh bèo, nậm, lọc Đức Bưu tại lễ nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế đầu năm 2021

5. Nhóm làm nghề sản xuất ẩm thực phẩm, như nghề đánh cá ở Dương Xuân, Thủy Bạn (Lưu Bạn), An Bằng và các làng ven sông, đầm, biển; nghề kéo mật mía ở Tân Quán, Long Hồ, Thượng An; nghề làm men rượu ở Việt Dương, Tây Thành; nghề nấu rượu ở Tân Lai, An Thành, Phù Lai, Vu Lai, Hà Thanh; nghề làm bột, bột bán ở La Khê, An Thuận, Truồi; nghề làm bánh ở Lý Khê (Lễ Khê), Tri Lễ; nghề làm bánh tráng ở Tráng Lực, Lựu Bảo; nghề làm bún ở Hương Cần, Vân Cù; nghề làm muối ở Khánh Mỹ, Diêm Trường, Phụng Chánh, Mỹ Toàn….

6. Nghề kim hoàn làm đồ trang sức, chỉ có một làng Kế Môn (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Về sau, nghề này được phổ biến và phát triển ở thành phố Huế và một số nơi khác. Người ta thờ hai cha con ông Cao Đình Độ, Cao Đình Hương làm Tổ nghề. Cao Đình Độ gốc ở vùng Cẩm Tú, tỉnh Hà Tĩnh, di cư vào Nam làm con nuôi họ Trần Duy làng Kế Môn. Ông giỏi nghề luyện vàng bạc, bịt khảm và làm đồ nữ trang. Vua Gia Long nghe tiếng, trưng tập vào Nội Kim tượng cục (cuộc thợ vàng trong cung). Về già, ông truyền nghề cho con là Cao Đình Hương và dân làng Kế Môn để đền ơn bảo dưỡng. Ông mất ngày 7-2-1810. Ông Hương nối nghiệp cha làm nghề kim hoàn, và được xem là “đệ nhị tổ” (tổ thứ hai) của nghề này. Khu mộ Tổ Kim Hoàn đã được Nhà Nước công nhận là di tích văn hóa theo Quyết định ngày 22-3-1990 của Bộ Văn hóa Thông Tin.

Với sự đa dạng và phong phú trong các làng nghề ở  Thừa Thiên Huế, thêm một lần nữa cho ta thấy rằng các giá trị văn hóa dân gian và văn hóa cung đình ở mảnh đất Cố đô vừa có sự rạch ròi, vừa có sự giao thoa, kết hợp rất độc đáo. Đó là ẩm thực, là trang phục, là kiến trúc, là lễ nghi... tất cả đều gói gọn lại và phản chiếu từ các làng nghề truyền thống. 

Hiện nay, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, nhiều làng nghề truyền thống đã phát triển, hình thành nên những điểm tham quan hấp dẫn phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch làng nghề được xem là một hướng đi hiệu quả nhằm gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc tại Thừa Thiên Huế. Cùng với Lễ hội Festival Huế, Festival Làng nghề truyền thống Huế đã đi qua được 8 kỳ tổ chức, đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế văn hóa Huế, Việt Nam. Bên cạnh đó, các tour du lịch làng nghề lồng ghép, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề như thôn Thanh Toàn (chằm nón), làng Thanh Tiên (hoa giấy), làng Sình (tranh dân gian)... tạo ấn tượng tốt với du khách.

Tại kỳ Festival làng nghề thống Huế năm nay, dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 29/5 - 26/6/2021 với trọng tâm là khơi dậy niềm tự hào Huế, trên tinh thần mạnh dạn thể hiện “chất liệu Huế”, nghề truyền thống Huế, con người Huế, quảng bá mảnh đất và hình ảnh Huế đến bạn bè, du khách gần xa chắn sẽ là cơ hội để du khách và nhân dân địa phương một lần nữa được tìm hiểu, khám phá sâu hơn về các làng nghề truyền thống Huế. 

festival nghe truyen thong hue festval hue 2021 ke hoach to chuc festival nghe hue 2021 chuong trinh chi tiet du lịch Huế 2021