ĐỊA ĐẠO KHU ỦY TRỊ THIÊN HUẾ
(phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là di tích lịch sử cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào ngày 13/02/1996.
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế thuộc địa phận phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế, được xây dựng vào tháng 8/1967. Địa đạo là cơ quan đầu não của Khu uỷ Trị Thiên, Thành uỷ Huế chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng quân giải phóng trước và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 . Ngoài trọng trách là cơ quan chỉ huy tối cao trên chiến trường Trị Thiên Huế, còn là chiếc cầu nối ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng.
Di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là một trong những di tích lịch sử gắn liền với sự kiện lịch sử, chứng minh ý chí cách mạng của quân và dân Trị Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điển hình là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Chiến dịch đã được Đảng, Chính phủ, Bác Hồ tặng cho tám chữ vàng “Tấn công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường”.
Địa đạo là một kiểu trụ sở của Bộ chỉ huy chiến dịch, một kiểu “Cơ quan” của Quân khu, của Khu ủy và Thành ủy Huế được xây dựng ở vùng rừng núi, góp phần làm phong phú và đa dạng các loại kiểu địa đạo của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của lãnh đạo Quân khu Trị Thiên Huế trong việc xây dựng căn cứ cách mạng, làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta... Đây là một trong những di tích lịch sử chứng minh sự kiện lịch sử hùng hồn điển hình của quân và dân Trị Thiên Huế trong quá trình chuẩn bị, chiến đấu và kết thúc chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968.
CỤM ĐỊA ĐẠO ĐỘNG SO - A TÚC
(Xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Địa bàn huyện A Lưới trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là căn cứ địa cách mạng vững chắc của Tỉnh Thừa Thiên Huế. Giữa những ngày ác liệt nhất của các cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1967) để chuẩn bị sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam, mà trước tiên là tập trung lực lượng cho cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính Trị, Quân ủy Trung ương, Quân khu Trị Thiên Huế sau một thời gian khảo sát địa hình đã quyết định chọn khu vực dưới chân núi A Túc, A So thuộc địa bàn thôn Tăn RHối và A Lê Ninh, xã Hồng Bắc, nơi rất gần đường Hồ Chí Minh làm điểm tập kết, trung chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng, đồng thời cũng là điểm lưu trú của nhiều đơn vị quân đội, đoàn công tác trong Nam ngoài Bắc khi đi qua đây và cụm Địa đạo Động So – A Túc ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách đó.
Cụm địa đạo Động So - A Túc khoảng 10 cái, được thiết kế theo hình chữ U, cửa vòm cao 1,55m - 1,8m, rộng 1,2m, dài từ 12 đến 18m. Sự tồn tại và hoạt động của cụm di tích Động So - A Túc đã giải quyết tốt yêu cầu về vật chất kỹ thuật cho bộ đội ta trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Đồng thời là trạm trung chuyển một khối lượng hàng hoá lớn, kịp thời cho các chiến trường miền Nam. Cụm địa đạo Động So - A Túc gắn liền với sự lớn mạnh và phát triển của tuyến đường mang tên Bác là niềm tự hào của quân dân Thừa Thiên Huế anh hùng.
Cụm địa đạo Đông So - A Túc đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2005 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.
ĐỊA ĐẠO AN HÔ
(Thôn A Rý, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Địa đạo An Hô được xây dựng từ tháng 5/1973 đến tháng 1/1974 thì hoàn tất. Địa đạo được thiết kế theo hình gần giống chữ U, gồm có 2 cửa ra vào nối liền giao thông hào. Ngoài nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ vùng giải phóng A Lưới, địa đạo An Hô còn là nơi tập kết, dự trữ lương thực, trang thiết bị và vũ khí đạn dược cho Trung đoàn 1, thuộc Sư đoàng 324 ở mặt trận Thừa Thiên Huế, cung cấp kịp thời cho hệ thống phòng thủ Sông Bồ - An Hô – Tà Lương và các chiến dịch ở mặt trận phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngay sau khi địa đạo được hoàn thành, Sư đoàn 324 đã giao nhiệm vụ cho Đại đội 25 vận tải, thuộc Trung đoàn 1 vận chuyển hàng tấn trang thiết bị, lương thực, vũ khí đạn dược về tập kết ở đây để kịp thời phục vụ cho chiến trường.
Sự ra đời của địa đạo An Hô là một bước đệm phát triển chuyển tiếp từ vùng núi về đồng bằng nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ cấp thiết lúc bấy giờ, đồng thời là một trong những bằng chứng sinh động, minh chứng về cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 về một giai đoạn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973-1975).
Ngày 21/6/2019, Địa đạo An Hô được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 1483/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
ĐỊA ĐẠO A ĐON
(Xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)
A Đon là một ngọn đồi, thuộc xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, cách thị trấn A Lưới khoảng 3 km về phía Tây, cách thành phố Huế 72 km về phía Tây Bắc.
Tại đây những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công Mậu Thân xuân 1968, dưới sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, sự góp sức của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thường vụ Khu uỷ quân khu Trị Thiên Huế quyết định đào địa đạo để đặt hệ thống phát thanh giải phóng của quân khu Trị Thiên Huế. Sự xuất hiện kịp thời của Đài Phát thanh giải phóng quân khu Trị Thiên Huế, đã kịp thờ cổ vũ, động viên tinh thần các cán bộ chiến sĩ, góp phần làm nên thắng lợi của quân dân Trị Thiên Huế trong những ngày này, mặc cho sự cay cú điên cuồng của kẻ địch.
Hiện Địa đạo A Đon đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 10/2006.
Ngoài 3 địa đạo trên, trên địa bàn huyện A Lưới còn có hệ thống các địa đạo lớn nhỏ khác như:
1. Địa đạo A Nôr ở xã Hồng Kim có 3 hầm do quân và dân xã Hồng Kim đào. Đây là địa điểm hoạt động bí mật của trụ sở kháng chiến xã Hồng Kim giai đoạn từ 1965 đến 1973.
2. Địa đạo A Púc. Nằm gần suối A Púc, xã Hồng Kim. Đây là nơi trú ẩn từ năm 1967 đến 1970 của đơn vị K 200 thuộc Sư đoàn 324 Quân khu 4 do thiếu tướng Nguyễn Trunnghen làm chỉ huy trường phụ trách mặt trận đường 12 tuyến Huế - A Lưới.
3. Địa đạo A Ting ở xã A Roàng. Là hầm của Sở chỉ huy Sư đoàn 324 thuộc Quân khu 4. Đây là chỗ tập kết nhân lực và quân nhu, chuẩn bị tiêu diệt đồn và Sân bay A So vào các tháng 1,2,3 năm 1966.
4. Địa đạo Ca Vá thuộc địa phận xã Nhâm. Đây là nơi trú ẩn của đồng bào xã Hồng Quảng, che chở nuôi quân, cán bộ du kích trong vùng và các xã lân cận.
5. Địa đạo Còng A Bó nằm phía Đông của xã Hương Lâm. Đây là nơi đơn vị bộ đội mang số hiệu 643 thuộc Quân khu 4 khống chế toàn bộ khu vực 4 xã hiện nay là Đông Sơn, Hương Lâm, A Roàng, A Đớt. Địa đạo được đào năm 1963 nhằm để tham mưu cho bộ tư lệnh Quân khu chuẩn bị tấn công và tiêu diệt sân bay và đồng A SO vào tháng 3 năm 1966.
6. Địa đạo Cốp, nằm giữa địa phận 2 xã A Ngo và Sơn Thủy. Đây là đồn trú của Trung đoàn 8 Quân khu 4. Được hình thành từ năm 1967 và có di chuyển vào 1970. Và là nơi tập trung huấn luyện cho các Chỉ huy trường bộ đội địa phương. Trong địa đạo có Hội trường, trạm chỉ huy trưởng bộ đội địa phương, trạm xá. Với địa đạo này quân ta đặt sở chỉ huy trực tiếp mặt trận đường 12 tuyến A Lưới – Huế vừa khống chế thung lũng sân bay A Lưới
7. Địa đạo 49, nằm giữa địa phận xã Hồng Quảng và Nhâm. Là nơi quân đoàn thuộc Quân khu 4 làm sở chỉ huy, tập trung chủ đạo lực lượng cơ động sẵn sàng chiến đấu. Địa đạo được hình thành từ năm 1968 và di dời năm 1972, nằm về phía Đông Nam đồi A Biah gần sông A Sáp.
8. Địa đạo Hồng Kim, được đào vào cuối năm 1967, nằm gần ụ tên lửa chân đồi A túc thuộc địa phận thôn Đụt xã Hồng Kim. Địa đạo có chiều sâu 12 m, chiều rộng 1,5, chiều cao 1,8m
9. Địa đạo Nam Sơn - Hồng Bắc. Nằm dưới chân đồi A Biah. Đây là nơi tập trung huấn luyện cán bộ chỉ huy cho các trung đoàn, tiểu đoàn của mặt trận các hướng, phối hợp với các lực lượng binh chủng bảo vệ kho 61 và khống chế thung lũng A Lưới.
Ngày nay, đến với A Lưới, ngoài những du lịch văn hóa dân tộc thì tham quan hệ thống các di tích lịch sử cách mạng sẽ vô cùng bổ ích, thiết thực cho những đợt về nguồn.
ĐỊA ĐẠO XUÂN LỘC
(bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Địa đạo Xuân Lộc nằm trên quả đồi cao khoảng 186m cách quốc lộ 1A khoảng 20km về phía Tây, thuộc địa phận bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa đạo Xuân Lộc có hình chữ Y, dài 100m, cao 1,5m, chân rộng 1,1m. Trong đó, nhánh chính dài 80m từ cửa hướng Đông thông ra cửa hướng Tây, nhánh phụ dài 20m theo hướng Tây Nam. Cửa hướng Đông nằm lưng chừng quả đồi, miệng hình vòm nối với hệ thống giao thông hào tỏa đi hai hướng Bắc Nam. Địa đạo được người dân xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc phát hiện vào năm 2010. Đối chiếu lịch sử, đây từng là nơi đóng quân của Sở Chỉ huy Sư đoàn 325 trong chiến dịch La Sơn-Mỏ Tàu năm 1974.
Về kết cấu, Cửa số 1 có miệng cửa hình vòm, không quá cao (khoảng 1,5 m) và khá hẹp (rộng 1,1 m). Nối liền với cửa này là hệ thống giao thông hào. Vào sâu bên trong cửa số 1, có nhiều hầm ếch được bố trí hai bên. Tiếp tục đi sâu vào địa đạo chừng khoảng 100m sẽ bắt gặp một ngã ba chia làm 2 ngã rẽ. Một nhánh phụ rẽ về hướng tây - nam dài 20m và không có cửa thông ra ngoài. Đây là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng, chỉ đạo tác chiến; đồng thời, cũng là kho quân lương phục vụ cho chiến dịch. Từ ngã ba này, đi theo hướng tây chừng 20m thì thông ra cửa số 2.
Điểm đặc biệt ở Cửa số 1 địa đạo là có thể nối liền với đường đi lên đỉnh đồi, nơi bộ đội ta xây dựng trận địa pháo chuẩn bị cho chiến dịch K18, còn cửa số 2 nằm ở hướng tây, nằm giữa một khe nước chảy từ đỉnh núi xuống; Trong quá trình đào địa đạo từ Tây sang Đông, lợi dụng địa hình nước chảy này mà bộ đội ta đã dễ dàng xóa dấu vết vào khe nước.
Với vị trí đặc dụng đó, Địa đạo đã che chở an toàn, bí mật cho Sở Chỉ huy Sư đoàn 324 trong các trận đánh ác liệt diễn ra ở mặt trận phía Nam Huế từ năm 1974-1975. Trong đó có chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu diễn ra từ 28-8 – 28-9-1974 (La Sơn - Mỏ Tàu là khu vực phòng thủ của địch ở phía Tây Nam thành phố Huế). Chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu thắng lợi, ta tiêu diệt và bắt sống 1.800 tên địch, diệt gọn 2 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 9 tiểu đoàn khác, thu 2.734 súng các loại và bắn rơi 5 máy bay địch, thu hẹp vùng chiếm đóng và phá vỡ hệ thống phòng ngự của quân địch phía Tây Nam thành phố Huế. Qua đó, cắt đứt tuyến đường bộ từ Huế đi Đà Nẵng và làm phá sản kế hoạch bình định lấn chiếm vùng căn cứ cách mạng của ngụy quyền.
Ngày 21/3/2011, địa đạo Xuân Lộc được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh theo Quyết định số 656/QĐ - QĐ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
ĐỊA ĐẠO BẠCH MÃ
(Núi Bạch Mã, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Di tích địa đạo Bạch Mã thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế gồm hai hệ thống địa đạo dài hàng trăm mét với chức năng là một “đài quan sát tiền tiêu” trong kháng chiến chống Mỹ.
Nằm trên con đường mòn lên Vọng Hải Đài (cao 1.450m) - điểm cao nhất của núi Bạch Mã, địa đạo Bạch Mã được các chiến sĩ lực lượng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 (Quân khu Trị-Thiên) tạo nên để chống lại kế hoạch đánh chiếm đỉnh Bạch Mã của quân đội chế độ cũ vào đầu năm 1973. Địa đạo Bạch Mã có hình chữ L, dài khoảng 214,6m với 3 cửa (2 cửa hướng Nam và 1 cửa hướng Đông Bắc).
Bằng phương tiện thủ công, các chiến sĩ đã đào xuyên hàng ngàn khối đất đá cứng như thép, hình thành một địa đạo bí mật và vững chãi từ sườn đồi, thông vào lòng núi lên đỉnh Bạch Mã. Dựa vào hệ thống địa đạo này, sau hai tuần chiến đấu, các chiến sĩ Trung đoàn 4 đã đánh bạt quân địch ra khỏi đỉnh Bạch Mã. Hệ thống địa đạo, hầm chiến đấu, giao thông hào tại đây đã góp phần quan trọng giành lại ưu thế quân sự của quân đội ta trên cao điểm Bạch Mã.
Cuối năm 2009, di tích đón nhận Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia.
Hiện nay, di tích này là một điểm đến thú vị cho mỗi du khách khi đến với Vườn Quốc gia Bạch Mã.