menu_open
Đình làng Trung Kiền
Xem cỡ chữ:
Đình Trung Kiền là di tích lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 21/3/2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Địa chỉ: xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2024

Giới thiệu:

Cũng như nhiều làng xã khác trên địa bàn Thừa Thiên Huế, đình Trung Kiền được xây dựng cùng thời điểm với quá trình tụ cư lập làng, đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của cả cộng đồng: nơi thờ thần bảo hộ của làng là thần Thành Hoàng và các chư vị thần thánh trong một ý niệm “bách thần sở hội”, nơi diễn ra các hoạt động nhóm họp, bàn bạc việc công làng xã, tổ chức lễ hội vào dịp tết lễ hoặc xuân thu nhị kì.

Đình Trung Kiền có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Đình là nơi lưu giữ giá trị văn hóa vật thể với kiến trúc truyền thống của người Việt thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian. Cùng với giá trị vật thể, đình còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể. Mặc dù có ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tác động, nhưng khu vực đình vẫn còn giữ được nét cơ bản của cư dân nông nghiệp trong các lễ cúng hằng năm tưởng nhớ công ơn những bậc tiền nhân đã có công lập làng, giữ nước… Tuy được trùng tu nhiều lần, song vẫn giữ nét cổ kính truyền thống như bao ngôi đình khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều đó khẳng định làng Trung Kiền có một bề dày lịch sử văn hóa trong tiến trình phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân, Huế.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương, đình Trung Kiền là chứng nhân lịch sử, là địa điểm ghi dấu những đóng góp không nhỏ của nhân dân làng Trung Kiền vào sự nghiệp cách mạng của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đình làng Trung Kiền được biết đến là nơi diễn ra nhiều biến cố lịch sử, là trụ sở của cách mạng trước ngày giải phóng; nơi ghi dấu sự tra tấn dã man của chế độ Ngô Đình Diệm với Luật 10/59 tàn bạo...

Lịch sử hình thành:

Theo các cụ cao niên thì đình làng Trung Kiền, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc được xây dựng ban đầu khá nhỏ sát chân núi, gần chùa Diệu Ngộ, đường vào Thác Bồ Ghè. Đình Trung Kiền được xây dựng lại vào đầu thế kỷ XIX, bên đường quốc lộ 1A, trước mặt UBND xã Lộc Tiến ngày nay, với kết cấu 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương.

Năm Đinh Sửu (1937) bà Dương Thị Phú (Dương Thị Ân) bà nội vua Bảo Đại, vợ vua Đồng Khánh (1885 - 1889), là con cháu dòng họ Dương làng Trung Kiền một lần về thăm đã giúp đỡ kinh phí xây dựng lại đình làng Trung Kiền và ban tặng bức đại tự sơn son thếp vàng. Bên trái ghi “Bảo Đại niên Đinh Sửu mạnh hà cát nhật cải tán”, giữa ba chữ lớn “Trung Kiền Đình”, bên phải ghi “Dương Thị Ân đức Thái Hoàng Hậu phụng lập”.

Năm 1945, đồng chí Trần Chí Cường, đồng chí Nguyễn Đình Sản về tại đình Trung Kiền tập hợp lực lượng cách mạng, chuẩn bị vũ khí tổ chức cướp chính quyền. Sau sử dụng đình làm nơi tổ chức, hoạt động, huấn luyện cách mạng. Ngày 06/01/1946, bầu Quốc hội khóa đầu tiên sau ngày giải phóng, nhân dân trống dong, cờ mở, dương băng rôn, khẩu hiệu về tại đình làng Trung Kiền bỏ lá phiếu đầu tiên.

Năm 1958 - 1959, đất nước chia làm hai miền, đình làng Trung Kiền do chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản, chúng áp dụng Luật 10/59, sử dụng đình Trung Kiền làm nơi dồn dân, nhốt hàng trăm gia đình cách mạng trên toàn huyện. Tại đây chúng đánh đập, tra tấn dã man như thời trung cổ bằng nhiều hình thức như trói hai tay, hai chân treo ngược người lên xà đình, tra tấn bằng ớt, xà phòng, điện, axit…

Tết Mậu Thân năm 1968, quân ta đã đã đánh vào đình làng Trung Kiền, tiêu diệt hàng trăm tên giặc đưa đình Trung Kiền trở về với sự yên bình vốn có của nó cho đến ngày nay.

Giá trị nghệ thuật:

Ngày 21/3/2024, Đình Trung Kiền được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng là di tích lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 708/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc bảo tồn di tích đình Trung Kiền là việc làm cấp thiết, nhằm gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, trên tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bản đồ:

Tham khảo nguồn: Cổng TTĐT tỉnh, Cổng TTĐT huyện Phú Lộc
Các bài khác
    << < 1 2 > >>