menu_open
Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu
Xem cỡ chữ:
Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế nằm ngay trên con đường mang tên ông tại số 119 đường Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 575/QĐ-VH ngày 14/5/1990.

Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu

“Ông Già Bến Ngự”

Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế nằm ngay trên con đường mang tên ông tại số 119 đường Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 575/QĐ-VH ngày 14/5/1990.

Xưa kia, đây là nơi cụ Phan Bội Châu sống trong những năm tháng cuối đời (1925 -1940) dưới sự giam lỏng của thực dân Pháp. Với tình cảm yêu mến và trân trọng, cụ Phan Bội Châu được gọi với cái tên thân thương "Ông già Bến Ngự".

TÓM TẮT

Cụ Phan Bội Châu (1867 - 1940) là nhà yêu nước, nhà văn hóa, "vị thiên sứ", một trong những lãnh tụ trong phong trào yêu nước, cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, tháng 6/1925, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị kết án tù chung thân nhưng trước áp lực đấu tranh của nhân dân đòi ân xá, buộc thực dân Pháp phải đưa cụ Phan về giam lỏng ở Huế.

Với tình cảm yêu mến và trân trọng cụ Phan, nhân dân cả nước và Thừa Thiên Huế đã tự nguyện quyên góp để mua khu vườn ở dốc Bến Ngự này làm nhà ở cho cụ.

Nơi đây, cụ Phan Bội Châu đã sống, làm việc những năm tháng cuối đời (1925 -1940) và cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của cụ. Mặc dù bị quản thúc chặt chẽ, song thực dân Pháp và tay sai vẫn không khuất phục được lòng yêu nước, ý chí cách mạng của cụ Phan Bội Châu. Đây cũng là nơi tập hợp những tầng lớp thanh niên, trí thức ưu tú, có tư tưởng tiến bộ, giác ngộ cách mạng. Nhiều người sau này trở thành những cán bộ nòng cốt của Đảng: đồng chí Nguyễn Chí Diễu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Võ Nguyên Giáp...

Hình ảnh "Ông già Bến Ngự" với 15 năm cuối đời của cụ Phan Bội Châu đã in đậm trong tình cảm, lòng biết ơn của nhân dân xứ Huế và cả nước, là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

THÔNG TIN CHI TIẾT

Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế có các cụm công trình chính, bao gồm: Ngôi nhà ở lúc sinh thời của cụ Phan, Lăng mộ cụ Phan Bội Châu, Nhà thờ cụ Phan Bội Châu, Từ đường, Tượng cụ Phan Bội Châu, Nghĩa trang Phan Bội Châu...

- Ngôi nhà của cụ Phan ở dốc Bến Ngự: Nhà ở của cụ Phan Bội Châu được xây dựng năm 1926, do Cụ tự thiết kế, cụ Võ Liêm Sơn - giáo viên trường Quốc Học đứng ra chủ trì xây dựng. Ngôi nhà có ba gian, tượng trưng cho ba kỳ (Bắc, Trung, Nam),nhà lợp tranh, vách đất tương đối cao và thoáng mát. Chính giữa nhà hình vuông, làm nơi diễn thuyết. Xung quanh có các chái chia phòng riêng biệt.

- Lăng mộ cụ Phan Bội Châu: Lăng mộ cụ Phan Bội Châu nằm ngay chính giữa vườn. Sau khi Cụ qua đời (29/10/1940), với số tiền phúng điếu của đồng bào trong cả nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đứng ra xây dựng ngôi mộ và nhà thờ.

Mộ có chiều dài 7m, ngang 5m, có 5 bậc tam cấp cao 0,8m, cách bình phong phía đầu mộ chừng 1m là tấm bia cao 1,8m, rộng 0,8m, trên mặt bia có bài “Tự Minh” bằng chữ Hán do cụ Phan viết năm 1934.

Nội dung bài "Tự Minh" như sau:
Đây là nhà ở muôn đời của ta, khi ta chết thì phải chôn ngay tại đây, phải tuân theo lời dặn sau này
Cấm không được khâm liệm quan quách, đắp mộ lập đền thời theo tục lệ.
Cấm không được để tang cúng tế theo lối hư văn.
Cấm không được cáo ai phó tang theo lối hư văn.
Thân bằng cố hữu vì không được biết tin ta chết, chỉ để lòng thương nhớ thôi. Phàm kẻ sau thành tâm thương ta, chỉ kế chí thuật sự, ngoài ra chả cần gì khác.
Nam lịch năm Giáp Tuất ngày ... tháng ...
Tây lịch năm 1943 ngày ... tháng ...

(Người dịch: GS. Chương Thâu)

- Nhà thờ cụ Phan Bội Châu: Do cụ Huỳnh Thúc Kháng đứng ra xây dựng năm 1941 với số tiền cúng điếu còn lại. Nhà thờ được xây dựng phía bên phải nhà ở, nguyên trước đây là ngôi nhà rường 3 gian tường gạch, mái lợp ngói liệt.

- Từ đường: Từ đường được xây dựng từ tháng 4/1955 đến năm 1956. Từ đường là một ngôi nhà ngói to lớn, đồ sộ, cao khoảng 8m, mái lợp ngói âm dương, mặt quay về phía lăng mộ cụ Phan Bội Châu. Mặt trước Từ đường có biển đề hàng chữ “Từ đường các liệt sĩ tiền bối và Phan Bội Châu tiên sinh”.

Hiện nay, Từ đường được sử dụng làm nơi trưng bày khoảng 150 hiện vật, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của cụ Phan Bội Châu.

Kể từ năm 1987, khu di tích có thêm bức tượng đồng chân dung cụ Phan Bội Châu do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn thực hiện năm 1973 cùng với sự tham gia của sinh viên Trường Cao đẳng mỹ thuật. Đây là loại tượng đầu có kích cỡ lớn nhất Đông Nam Á (với chiều cao khoảng 4,5m, dày 2,5 và rộng 3,5m được ghép bằng 13 mảnh đồng nặng 7 tấn). Từ năm 2012, để phát huy giá trị nghệ thuật trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, tượng được di chuyển về bên bờ sông Hương, gần cầu Trường Tiền tại số 19 Lê Lợi, một vị trí xứng đáng trong lòng cố đô Huế.

Ngoài ra, có thể kể đến Nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu. Đây là một khuôn viên rộng 4.000m2, tọa lạc trên đồi Quảng Tế, nay nằm tại số 5 đường Thanh Hải, phường Trường An, thành phố Huế gần đàn Nam Giao. Khu đất nghĩa trang do cụ Phan Bội Châu mua cùng thời điểm với mảnh đất làm nhà ở dốc Bến Ngự. Năm 1934, Cụ dựng bia quy định rõ tiêu chuẩn những người được chôn cất tại đây. Ở nghĩa trang hiện nay có hơn 20 mộ phần của các nhà cách mạng yêu nước như: đồng chí Nguyễn Chí Diễu, nữ sĩ Đạm Phương, nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), nhà thơ Thanh Hải (Phạm Bá Ngoãn), liệt sĩ Lê Tự Nhiên,…

Cùng với những di tích chính, trong khu vực vườn nhà cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự còn có một số di tích khác như: lăng mộ Tăng Bạt Hổ, lăng mộ ông bà Phan Nghi Đệ (con trai và con dâu của cụ Phan Bội Châu), bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ phong trào Đông Du, bia Ấu Triệu Lê Thị Đàn, bia con Ky, bia con Vá, giếng nước…

LƯU Ý

Ngày nay, Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý. Di tích được mở cửa các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần để đón du khách gần xa tới tham quan cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa khác như: nhà sách Thuận Hóa (số 95c Phan Đăng Lưu, phường Phú Hòa); Khu di tích lịch sử Chín hầm (số 112 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế)...

Năm 2017, Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế là một trong những điểm tham quan của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong thời gian ghé thăm Việt Nam. Có thể nói mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được khởi phát từ phong trào Đông Du. Chính cụ Phan là người khởi nguồn, người tạo dựng phong trào này từ năm 1905 đến 1909.

Hiện nay, nơi đây trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, giáo dục cho nhân dân địa phương, cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan học tập.

Các cơ quan, đơn vị, trường học có nhu cầu tham quan, liên hệ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (Số 1, đường 23 tháng 8, thành phố Huế) qua số điện thoại: 0234. 3522 397 hoặc 0234. 3548 609.

Thành phố Huế - nơi cụ Phan Bội Châu đặt những bước chân đầu tiên trên con đường vận động cứu nước và cũng là nơi nhà chí sĩ đã sống qua những năm tháng cuối đời. Các di tích lưu niệm Phan Bội Châu ngày nay vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và là một di sản vô cùng quý giá.