menu_open
Nấm tràm xứ Huế
Xem cỡ chữ:
Nếu như nói đặc sản của Huế là mưa, thì nấm tràm chính là kết tinh của thứ đặc sản vốn gây nhiều thương nhớ của miền Hương Ngự.

NẤM TRÀM XỨ HUẾ

"Lộc trời ban"

 

Nếu như nói đặc sản của Huế là mưa, thì nấm tràm chính là kết tinh của thứ đặc sản vốn gây nhiều thương nhớ của miền Hương Ngự.

Vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, khi những cơn mưa chuyển mùa từ hè sang thu, người Huế lại nhắc nhau “sắp có nấm tràm để ăn rồi!”. Quả đúng vậy, chỉ sau một vài cơn mưa, nấm tràm lú nhú mọc lên dưới những lớp lá cây tràm, trên thảm lá mục, chen chúc nhau, chỉ chờ người tới hái.

Theo Đông y, nấm tràm là một loài nấm lớn phân bố ở vùng Đông Bắc châu Âu, Bắc Mỹ và một số địa phương ở Việt Nam, đặc biệt ở miền Trung, nhiều nhất là Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Nấm tràm có hình dáng khá đa dạng, tai màu tím nhạt hoặc trắng ngà, hình tròn, lúc mới nhú búp tròn; lớn hơn có hình dáng như cái ô; bên ngoài nấm tràm có màu nâu tím, bên trong có màu trắng mịn.

Nấm tràm rất tốt cho sức khỏe vì chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng bồi bổ nội tạng nhờ chất dầu tràm ở trong nó, vị đắng lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Chính vì những công dụng này mà nấm tràm được gọi là “lộc trời ban”.

Muôn kiểu chế biến Nấm tràm

 

Có lẽ không có nguyên liệu gì có thể làm khó được khả năng nội trợ của phụ nữ Huế. Với món Nấm tràm cũng vậy, nếu kể sơ qua cũng phải đến hàng chục món ngon biến tấu chỉ với nấm tràm như: Nấm tràm xào tôm thịt, bánh canh nấm tràm, canh rau tập tàng với nấm tràm, Cháo nấm tràm tôm thịt, nấm tràm xào rau khoai lang, nấm tràm kho tiêu…

Tuy nhiên, dù là nấu kiểu gì thì không thể bỏ qua công đoạn sơ chế. Nấm tràm sau khi mua về, phải gọt phần vỏ bên ngoài cho sạch, sau đó đem rửa sạch và luộc qua với nước muối để “khử độc”. Trong quá trình chế biến, để giảm vị đắng của nấm tràm, trước lúc nấu thường được sơ chế ướp với gia vị kèm tôm thịt, để vị ngọt của tôm, vị béo của thịt hòa vào trong nấm, tạo nên hương vị thơm, giòn, ngọt, đắng... rất đặc biệt. Một nguyên liệu đi kèm không thể thiếu đó là lá lốt cũng được chị em nội trợ mách nhau khi nấu cũng nên bỏ vào để cùng thực hiện.

Các bước thực hiện

 

Niềm yêu thích của những người ở Huế đối với nấm tràm không chỉ vì độ ngon của nấm, mà còn ở việc... rủ nhau đi tìm nấm. Những buổi sáng sớm, quanh các ngọn đồi, bìa rừng của thành phố Huế đến các vùng Hương Thủy, Hương Trà hay Phong Điền, từng đoàn người cầm rổ, rá đi hái nấm tràm. Cũng có những người hái nấm về để bán, nhưng cũng có những người tiện đường đi tập thể dục cũng cố tìm chút niềm vui rất đỗi nhẹ nhàng trong mùa nấm tràm.

Cũng bởi được thu hoạch nhiều như thế nên nấm tràm là loại nấm vừa ngon lại vừa rẻ nhất trong tất cả các loại nấm. Giá mỗi cân nấm tràm tươi dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg. Nấm được bán đại trà ở các khu chợ Huế cũng như ven các đường lớn, rất tiện để mua. Nhưng ít ai chỉ mua 1kg nấm tràm mà phải 5, 7, thậm chí chục cân nấm tràm để về gọt, sơ chế và cấp đông để ăn dần hay dùng làm quà gửi bạn bè gần xa, gửi chút Huế cho những người xa quê mà nhớ Huế.

Ai cũng bảo, Người Huế sành ăn: nấu 1 món ăn thì đầy đủ ngũ sắc; thưởng thức 1 món ăn cũng dùng đầy đủ 5 giác quan; Khẩu vị của người Huế cũng đầy đủ Ngũ vị đắng, cay, chua, mặn, ngọt. Và, tiêu biểu cho vị đắng trong chê biến món ăn của người Huê chính là Nấm Tràm - Thử một lần, Nhớ thương một đời!

Thưởng thức