menu_open
Điều gì khiến Thanh trà dần trở thành biểu tượng của cố đô Huế?
Xem cỡ chữ:
Thời điểm này đang vào mùa thanh trà. (ảnh B.Anh)
Mùa thanh trà ngon nhất vào giai đoạn đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 dương lịch, khi đó thanh trà chín đậm, rất mọng nước. Thanh trà ở vùng này nổi tiếng ngon ngọt. Thanh trà Huế có vị ngọt không thua kém gì quả bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, bưởi Năm Roi.
Thời điểm này đang vào mùa thanh trà. (ảnh B.Anh)

Không biết thanh trà bén duyên cùng với vùng đất Cố đô Huế đã bao lâu, chỉ nghe các bà lớn tuổi, bán hàng ở chợ Đông Ba kể lại rằng, trong các món ăn chơi của các vua Triều Nguyễn, thanh trà được xếp ở vị trí những món ngon hàng đầu.

Thuở xưa, loại quả này là đặc sản tiến vua. Hiện nay, quả thanh trà trở thành biểu tượng đặc trưng của cố đô Huế. Cứ mỗi độ đầu tháng 8 âm lịch thì những vườn thanh trà của vùng cố đô lại bắt đầu chín mọng, tỏa hương thơm dịu. Mùa thu hoạch thanh trà kéo dài khoảng 2 tháng và chỉ có duy nhất một mùa trong năm.


Thanh trà vốn là đặc sản tiến Vua ở vùng Thủy Biều. (ảnh Bảo Minh)

Nhiều người cho rằng, thanh trà là giống cây bưởi đất Bắc, khi đến Huế nhờ vào chất đất, nước sông Hương và thời tiết đan xen giữa hạn hán, bão lũ và mưa dầm đã tạo nên vị ngọt thanh không lẫn vào đâu. Vùng Thuỷ Biều nằm cạnh sông Hương, hằng năm cứ vào mùa lũ, nước sông Hương dâng cao, mang theo phù sa bồi đắp cho hàng trăm gốc thanh trà, vì thế mà thanh trà ở vùng này nổi tiếng ngon ngọt. Thanh trà Huế có vị ngọt không thua kém gì quả bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, bưởi Năm Roi.

Tái hiện cảnh lễ hội Cung tiến thanh trà. (ảnh Bảo Minh)

Mùa thanh trà ngon nhất vào giai đoạn đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 dương lịch, khi đó thanh trà chín đậm, rất mọng nước. Thanh trà ở Huế có nhiều loại, mỗi loại trồng ở vùng đất khác nhau sẽ cho thanh sắc khác nhau. Nhưng ngon nhất vẫn là thanh trà vùng Thuỷ Biều (TP. Huế), nơi khởi điểm cho những vườn thanh trà tiến vua.

Ông Hoàng Trọng Di Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Biều cho biết, thanh trà ở vùng Thủy Biều cũng được đưa vào Đại nội Huế trong một lễ rước trang trọng, tái hiện nghi lễ “Cung tiến thanh trà” tại hoàng cung một thuở vào trước dịp Trung Thu. Lễ Cung tiến hoa quả được thực hiện đúng như trong tài liệu đã ghi chép. Lễ tiếp nhận diễn ra ngay tại cửa Ngọ Môn của Đại Nội Huế. Thị vệ là người thay cho triều đình sẽ tiếp nhận lễ vật cung tiến. Từ đây, họ mới đưa vào dâng tại các miếu thờ (Thế Miếu, Triệu Miếu).


Thị vệ là người thay cho triều đình sẽ tiếp nhận lễ vật cung tiến. Từ đây, họ mới đưa vào dâng. (ảnh Bảo Minh)

Theo các tư liệu lịch sử ghi chép lại, dưới thời Nguyễn, hàng năm các loại thực phẩm, đặc sản của địa phương được tuyển chọn kỹ càng để dâng tiến vào cung vua. Thanh trà là một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên, hàng năm được chọn để dâng tiến vua theo lệ này. UBND phường Thủy Biều (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) vẫn thường xuyên phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ hội Cung tiến thanh trà. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ của Lễ hội Thanh trà Huế.

Lễ hội Thanh trà vẫn được tổ chức hằng năm vào tháng 9 nhằm giới thiệu đến du khách tham gia và thưởng thức quả thanh trà Huế. Hằng năm, vào những ngày lễ hội Thanh trà, có nhiều hoạt động như hội thi sản phẩm trái ngon thanh trà Huế, không gian trưng bày sản phẩm thanh trà và đặc sản Huế, hội thi ẩm thực chế biến món ngon từ trái thanh trà, không gian trình diễn trưng bày giới thiệu khám phá về cây thanh trà, không gian hàng đặc sản Huế, lễ cáo giang sơn cung tiến “thanh trà” tại đình làng Nguyệt Biều và Lương Quán, tour du lịch cộng đồng sinh thái tại Thủy Biều và các trò chơi dân gian.


Thanh trà cũng được nhân rộng trồng ở huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy… (ảnh B.Anh)

Người dân trồng thanh trà tại Thủy Biều cho biết, để biết thanh trà ngon, chỉ cần nhìn dáng quả là biết. Quả thanh trà nở bụng, thon dần về cuối cuống, vỏ bóng đều hạt tinh dầu, cầm nặng tay là thanh trà ngon. Khi bán cho khách, người bán chỉ cần đưa chiếc dao cau, lướt nhẹ tay một vòng quanh vỏ, rồi bổ bốn, cắt cồi ở giữa, gấp nguyên lại vẫn thành quả thanh trà, khi ăn chỉ cần tách ra, bóc nhẹ từng tép đã có thể thưởng thức vị ngọt thanh tao của món quà quê dân dã ấy.

Ngoài ăn như một thứ trái cây thông thường thì thanh trà còn trở thành nguyên liệu cho nhiều món gỏi mà ăn một lần nhớ mãi như gỏi thanh trà mực khô, gỏi thanh trà tôm thịt, gỏi thanh trà cá cơm khô...


Theo đông y, thanh trà còn được sử dụng làm các vị thuốc. (ảnh B.Anh)

Ông Hoàng Trọng Di – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Biều chia sẻ: “Quả thanh trà là đặc sản của phường Thủy Biều nói riêng và của xứ Huế nói chung. Hiện nay ở Thủy Biều có khoảng 800 hộ trồng cây thanh trà với diện tích gần 150ha. Năm 2009, thành phố Huế đã đăng ký nhãn hiệu "Thanh trà Huế" với Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam để giữ và quảng bá cho thương hiệu này. Hiện nay, sản phẩm thanh trà đã có mặt và rất được ưa chuộng tại thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…”.

Hiện nay, nhiều vùng đất ở các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy… cũng đã trồng thanh trà. Thanh trà sau khi thu hoạch có thể để trên một tháng nhưng chất lượng vẫn không thay đổi. Nhờ có đặc điểm ít nước mà Thanh trà để dài ngày ít bị hư hỏng, phân hủy hơn các loại quả bưởi có nhiều nước. Thanh trà trở thành cây xoá đói giảm nghèo cho nhiều vùng quê ở Thừa Thiên Huế. Thanh trà Huế đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe của các hệ thống siêu thị lớn, như CoopMart, BigC… và đã được bán rất chạy tại các siêu thị này với giá từ 25.000đ – 40.000đ/quả.

Bảo Anh - Bảo Minh