menu_open
Lễ giỗ tổ nghề nhiếp ảnh
04/09/2022 12:18:37 SA
Xem cỡ chữ:
Các nghệ sĩ chụp hình lưu niệm tại tượng danh nhân Đặng Huy Trứ (Huế)
Ngày 15/3/1869, hiệu ảnh đầu tiên mang tên “Cảm Hiếu Đường” do ông Đặng Huy Trứ - một người Việt Nam làm chủ đã ra đời. Lúc này, ông tự thao tác hết mọi công đoạn của nghề chụp ảnh và nghề nhiếp ảnh Việt Nam cũng được bắt đầu từ đây. Từ đó, hằng năm, cứ đúng vào dịp kỷ niệm ngày khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường do danh nhân Đặng Huy Trứ sáng lập, những nghệ sĩ nhiếp ảnh của Huế và các tỉnh, thành lại cùng nhau tụ về từ đường họ Đặng tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà - quê hương của ông để thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ về ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam.
Các nghệ sĩ chụp hình lưu niệm tại tượng danh nhân Đặng Huy Trứ (Huế)
Địa chỉ: Từ đường họ Đặng (làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Thời gian hoạt động: Ngày 15 tháng 3 Âm lịch
Tình trạng: Đang hoạt động

Lịch sử hình thành:

Ngày 15/3/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Riêng nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế, nhờ sự khai nghề của danh nhân Đặng Huy Trứ, nghề nhiếp ảnh đã từng bước phát triển và khẳng định vị thế.

Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước truy phong danh nhân Đặng Huy Trứ là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam, bởi vào ngày 15/3/1869, một sự kiện gây xôn xao không chỉ ở Bắc Kỳ mà cả ba miền, đó là tại phố Thanh Hà (Hà Nội) khai trương hiệu ảnh đầu tiên mang tên “Cảm Hiếu Đường” do ông Đặng Huy Trứ - một người Việt Nam làm chủ. 

Trong đó, chính Đặng Huy Trứ đã làm hai câu đối “quảng cáo” nêu rõ mục đích của việc chụp ảnh:

Câu đối 1: “Nhân yên trù mật Thanh Hà phố; Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường”, dịch nghĩa là: “Thanh Hà phố ấy dân trù mật; Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng”.

Câu đối 2: “Hiếu dĩ thân nhân sở cộng; Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền”. Khương Hữu Dụng đã dịch nghĩa là: “Hiếu thờ cha mẹ người người muốn; Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền”.

Từ đó, hằng năm, cứ đúng vào dịp kỷ niệm ngày khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường do danh nhân Đặng Huy Trứ sáng lập, những nghệ sĩ nhiếp ảnh của Huế và các tỉnh, thành lại cùng nhau tụ về từ đường họ Đặng tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà - quê hương của ông để thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ về ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam.

Nét đặc trưng:

Lễ giỗ tổ nghề nhiếp ảnh là dịp để các nghệ sĩ nhiếp ảnh và những người hoạt động trong lĩnh vực này có cơ hội tề tựu, gặp gỡ, giao lưu và dâng hương tưởng nhớ danh nhân Đặng Huy Trứ, người được coi là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Nhân dịp này, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam thường kết hợp hoạt động triển lãm ảnh và trao tặng cho các cá nhân/ tập thể có thành tích nổi bật để tôn vinh các đóng góp của các nghệ sĩ trong hoạt động nhiếp ảnh.

Ngày nay, nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế được sự quan tâm giúp đỡ sâu sắc của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan ban ngành liên quan, đến nay đội ngũ nhiếp ảnh nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã phát triển và lớn mạnh cả về tổ chức và sáng tạo nghệ thuật, có một Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam với 25 hội viên, một Hội Nhiếp ảnh tỉnh với 65 hội viên; cùng các CLB Nhiếp ảnh thành phố Huế, CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Vân, CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi Đặng Huy Trứ, CLB Nhiếp ảnh Trẻ Cố đô Huế.

Các bài khác