menu_open
Tổng quan về tranh gương cung đình Huế
26/05/2021 2:40:42 CH
Xem cỡ chữ:
Bức bích họa “Cảnh hồ Tịnh Tâm”
Tranh gương (hay tranh kính) là một dạng di sản khá đặc biệt, vừa có tính vật thể vừa mang tính phi vật thể. Tất cả các tranh gương có giá trị còn lại hiện nay đều là sản phẩm của triều Nguyễn để lại, chúng được trưng bày, tàng trữ tại khá nhiều nơi, như tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), các cung điện, lăng tẩm, đền miếu và lạc cả ra ngoài địa bàn các di tích. Có thể xem tranh gương cung đình Huế là một loại hình tranh mang bản sắc riêng của Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng.
Bức bích họa “Cảnh hồ Tịnh Tâm”

Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ, thực sự là những bức tranh độc lập. Về chất liệu thì loại tranh này dùng chất liệu là bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương (vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt gương - tức vẽ kiểu âm bản  ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản). Tuy nhiên, cho đến nay, dòng tranh này vẫn ít được chú ý nghiên cứu nếu không nói là gần như bị lãng quên...

Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin về tình trạng của các bức tranh gương Huế hiện tồn cùng một số ý kiến về việc phân loại tranh và nội dung của chúng, trên cơ sở đó cũng mạo muội nêu một vài suy nghĩ về phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình tranh đặc biệt này.

I- THỐNG KÊ 

Như trên đã nói, tranh gương Huế hiện đang được trưng bày, cất giữ tại khá nhiều nơi dù xưa kia chúng vốn là loại tranh chỉ xuất hiện trong chốn cung đình. Trên địa bàn di tích tranh gương hiện có tại các di tích sau: Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (điện Long An và kho hiện vật), cung Diên Thọ (điện chính), lăng Minh Mạng (điện Sùng Ân), lăng Thiệu Trị (điện Biểu Đức), lăng Tự Đức (điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm), lăng Dục Đức (điện Long Ân), lăng Đồng Khánh (điện Ngưng Hy) và điện Huệ Nam (điện Hòn Chén).


Tranh gương được treo tại Điện Long An (nay là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế - 03 đường Lê Trực, thành phố Huế)

Ngoài địa bàn di tích tranh gương còn có tại Khoa sử Đại học Khoa học Huế, tại sưu tập riêng của ông Trần Đình Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh)... Dưới đây chúng tôi xin thống kê cụ thể:

1- Tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế: gồm 19 bức trong đó có 6 bức treo tại điện Long An, trên hàng cột sau thừa lưu, tức tại không gian nối giữa chính điện và tiền điện. Sáu bức đều là tranh đề thơ ngự chế, tính từ trái qua phải là các bức sau:

- Đình Trừ Xúc Cúc (Dạo vườn cúc bên thềm) 

- Sào Chi Miệt Tước (Chim sẻ làm tổ trên cành) 

- Vĩnh Thiệu Phương Văn (Truyền mãi hương thơm) 

- Sơn Tủng Tùng Đình (Đình tùng ở núi cao) 

- Khúc Chiểu Hà Huyên (Khúc hát của Sen)  

- Yến Lược Không Lương (Én vờn cành trống)  

Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng còn lưu trữ 13 bức tranh khác nhưng có đến 9 bức chỉ còn khung tranh (!), 4 bức tranh còn lại đều đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Trong số này đáng chú ý có bức Trùng minh viễn chiếu (Hai vầng nhật nguyệt mãi chiếu về) và một bức vẽ tiểu cảnh của Cao các sinh lương là loại tranh ngự chế thi họa, lấy đề tài trong Thần kinh nhị thập cảnh. Cũng nói thêm là cách đây vài tháng, các bức tranh ít bị hư hỏng hơn đã được đưa ra treo tại điện chính cung Diên Thọ sau khi được tu bổ.

2 - Cung Diên Thọ: hiện có 8 bức, đều treo tại điện chính. Tám bức tranh này vốn đưa ra từ trong kho của Bảo tàng MTCĐH, sau khi ngôi điện này được tu bổ. Tính từ trái qua phải(trong nhìn ra), tám bức này treo trên hai hàng cột, gồm:

+Hàng ngoài:

1 - Thiên Mụ Chung Thanh 

2 - Thanh Trì Hương Luyện 

3 - Thường Mậu Quan Canh 

4 - Hàn Chung  

+Hàng Dưới:

5 - Mất Chữ

6 - Hiên Sinh Thi Tứ  

7 - Cao Các Sinh Lương 

8 - Mất Chữ

3 - Lăng Tự Đức: hiện có 24 bức, treo tại 2 điện Hòa Khiêm và Lương Khiêm.

- Điện Hòa Khiêm: gồm có16 bức, treo tại 3 hàng cột:

 + Hàng cột ngoài, Tiền điện có 6 bức:

 1 - Liên Tạ Hương Phong 

 2 - Hàn Giang điếu đĩnh 

 3 - Hồ Già

 4 - Hoa Âm 

 5 - Thọ Sắc 

 6 - Giang Luyện 

1 - Ba Tâm 

2 - Thiền Cầm 

3 - Nguyệt Ảnh 

4 - Tam Thỉ Tiêu Thương

5 - Cúc Ngạo  

6 - Nông Lạc 

+ Hàng cột tại Chính điện có 4 bức:

1 - Sơn Quang 

2 - Mai Đình Thận Vũ 

3 - Thú Địch 

4 - Hiểu Quan Viễn Tụ 

- Điện Lương Khiêm: có 8 bức (nguyên có 12 bức, 4 bức bị mất vẫn còn vết đinh treo trên cột): treo tại 3 hàng cột

+ Hàng trước Tiền điện: 4 bức, có 2 bức 2 bên vẽ cảnh, không đề thơ

* Tả nhất: Vũ Hậu Hồng Đường (Thiệu Trị ất tỵ cung lục)

* Hữu nhất: Không Sơn Sấu Cốt 

* Tả nhị: Nhậm dụng tam kiệt, không đề thơ

* Hữu nhị: Ngộ vật giáo chức, không đề thơ

+ Hàng cột trong Tiền điện: 2 bức(nguyên xưa có 4 bức) là:

* Bên tả: vẽ cảnh Chiêu nho giảng kinh, không đề thơ

* Bên hữu: vẽ cảnh Dạ phân giảng kinh, không đề thơ

+ Hàng cột trong chính điện:2 bức, nguyên xưa có 4 bức, 2 bức là:

* Bên tả: Ngự chế đông vịnh: Ngư dược tình ba 

*Bên hữu: vẽ cảnh, Đương cường hạng lệnh

4 - Lăng Thiệu Trị: gồm 23 bức, trong đó có :
- 17 bức vẽ tĩnh vật, chủ đề bát bửu cổ đồ, cỡ tranh 74cm x 94cm(15 bức treo, 2 bức tạm cất trong góc điện)

- 04 bức tranh lớn chia ô trang trí, 2 bức tranh áp tường hồi hai bên, khổ 1,93m x 2,33m, mỗi bức chia thành 12 ô, 6 ô vẽ hoa trái, 6 bức viết thơ. Còn 2 bức gắn vào tường sau, mỗi bức khổ 2,1m x 2,3m, hai bên chia 2 hàng dọc viết câu đối, ở giữa ngăn thành 3 hàng, mỗi hàng chia 5 ô trong đó có 2 ô viết thơ, 3 ô vẽ cổ đồ bát bửu.

-02 bức tranh thơ treo tại chính điện:

*Bên tả: Ngự chế xuân vịnh, ngư liễm liệt đông 

*Bên hữu: Ngự chế xuân vịnh, cửu cù xa mã 

Lưu ý: Các bức tranh thơ đều ghi niên đại : Thiệu Trị Ất Tỵ cung lục

4 Bức Tranh Gương Lớn Tại Điện Biểu Đức

+ Bức ở gian trái, dựa tường đầu hồi:

Toàn bộ có 6 bài thơ, chia thành 11 - đoạn thơ:

(Lưu ý: sau bài 10 có đề: Minh Mạng ất mùi cung lục ngự chế thi tam thủ, 1835)

+ Bức gương lớn ở gian trái, gắn tường sau:

có 7 bài (mất bài 13), tất cả đều 8 câu (sau bài 15 có dòng: Thiệu Trị quý mão cung lục ngự chế thi, tức 1843)

+ Bức tranh gương ở gian hữu, gắn vào tường sau:

có 3 cặp câu đối, và 6 bài thơ (sau bài 30 có dòng: Thiệu Trị quý mão cung lục ngự chế thi, tức 1843)

+ Bức tranh gương ở gian hữu, gắn vào tường đầu hồi:

có 6 bức tranh(từ bức thứ 31-36), (sau bức 34 có dòng Thiệu trị tam niên cát nguyệt nhật cung lục ngự chế thi, 1843)

5 - Tại khoa Sử, Đại học Khoa Học Huế: có 2 bức tranh thơ

1-Lang Tập Quần Phương 

2-Trì Lưu Liên Phảng

 Hai bức tranh này cũng ghi niên đại : Thiệu Trị Ất Tỵ (1845) 

5 - Tại lăng Minh Mạng (điện Sùng Ân): hiện treo bức(đều là tranh tĩnh vật, không đề thơ)

6 - Tại điện Huệ Nam: hiện có 2 bức tranh gương treo tại nội điện nhưng do lâu ngày khói hương bám đen nên không đọc được.

 Ngoài ra, bức tranh 7 đại đồ đệ của thánh mẫu cũng lấy từ một khung tranh gương để lấy một bức tranh giấy gắn vào.

7 - Tại chùa Báo Quốc: có 2 bức tranh gương vẽ tĩnh vật cổ đồ bát bửu, nguồn gốc có thể từ chốn cung đình ra(do các bà thái hậu tặng)

8 -Tại lăng Đồng Khánh (điện Ngưng Hy): hiện có 10 bức tranh gương, tất cả đều là tranh vẽ tĩnh vật cổ đồ bát bửu. Ngoài ra còn có các lồng đèn bằng kính, hình trụ vuông, các mặt viết thơ, khi thắp đèn sẽ đọc rõ bài thơ.

9 - Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, trước đây ông cũng từng có 01 bức tranh gương vẽ tĩnh vật, loại tương tự như tranh treo ở lăng Đồng Khánh.

II. XUẤT XỨ VÀ CHỦ ĐỀ NỘI DUNG VÀ GIÁ TRỊ CỦA TRANH GƯƠNG CUNG ĐÌNH HUẾ

II.1. Xuất xứ:

Theo Thái Văn Kiểm, tác giả cuốn Cố đô Huế (cùng lời truyền của một số người cao tuổi ở Huế) thì loại tranh gương cung đình này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nguyên là vua Thiệu Trị(1841-1847) có tập thơ Thần kinh nhị thập cảnh, vịnh 20 cảnh đẹp của đất Huế, đã gởi các bài thơ này qua Trung Quốc đặt vẽ. Mỗi bài thơ này được thể hiện thành một bức tranh gương, sau đó mới mang trở về kinh đô Huế, treo tại các miếu điện (1).

Giáo sư Chu Quang Trứ thì cho rằng: "Đối chiếu số tranh được biết, nguồn tài liệu trên đáng tin, song không hoàn toàn đúng với số tranh hiện có dù chỉ ở ngay trong các điện thờ" (2). Theo ông, tranh gương Huế có đến 3 nguồn xuất xứ như sau:

- Loại tranh gương gắn liền với các bài thơ ngự chế có đề rõ niên đại "Thiệu Trị Ất Tỵ"(1845), là loại tranh do triều đình Huế đặt hàng tại Trung Quốc. Đây là các bức tranh có giá trị nhất và được xếp vào loại tranh cao cấp. 

- Loại tranh không đề thơ nhưng có đề chủ đề tranh, chủ yếu thể hiện các tích truyện lịch sử của Trung Hoa như: Nhậm dụng tam kiệt, Chiêu nho giảng kinh, Dạ phân giảng kinh... hiện được treo tại lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức... cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng đây là loại tranh"... do người Trung Quốc vẽ sẵn, bày bán ở các hiệu, được các sứ bộ của triều đình nhà Nguyễn sang nhà Thanh mua về".(3)

- Loại tranh thứ ba, đều là tranh tĩnh vật, treo tại lăng Minh Mạng, lăng Đồng Khánh... "...là loại tranh bắt trước tự phát hàng nhập. Có thể tin chắc những tranh kính(gương) này do người Việt Nam chưa được trang bị đủ kiến thức, vẽ ra ở cuối thế kỷ trước sang đầu thế kỷ này."(4).

Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, tác giả của công trình Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế lại cho rằng, tất cả tranh gương cung đình Huế đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, là do triều Nguyễn đặt hàng từ các cơ sở sản xuất tranh gương dân gian tại vùng Hoa Nam.

Chúng tôi tán thành với quan điểm cho rằng, nguồn gốc xuất xứ của tranh gương cung đình Huế là từ Trung Quốc, tuy nhiên cách du nhập vào nước ta như thế nào lại là vấn đề đáng phải bàn thêm. Bởi ngoài 3 loại tranh mà giáo sư Chu Quang Trứ  đã bàn về xuất xứ trên vẫn còn một số bức tranh, hoặc dạng như tranh khác có xuất xứ rất đáng phải bàn thêm.

Loại thứ nhất là các bức tranh gương khá đặc biệt, hiện trang trí tại điện Biểu Đức lăng Thiệu Trị mà trong phần thống kê chúng tôi đã đề cập.

Đây là 4 bức tranh lớn chia ô trang trí, 2 bức tranh áp tường hồi hai bên, khổ 1,93m x 2,33m, mỗi bức chia thành 12 ô, 6 ô vẽ hoa trái, 6 bức viết thơ. Còn 2 bức gắn vào tường sau, mỗi bức khổ 2,1m x 2,3m, hai bên chia 2 hàng dọc viết câu đối, ở giữa ngăn thành 3 hàng, mỗi hàng chia 5 ô trong đó có 2 ô viết thơ, 3 ô vẽ tranh tĩnh vật, đề tài đều là cổ đồ bát bửu. Đặc điểm chung của 4 bức tranh này là chúng đều là sự ghép nối của các bức tranh nhỏ độc lập và các ô thơ được giới hạn trong các khung gỗ để tạo nên sự cách biệt, nhưng nhìn một cách tổng thể thì đều là những bức tranh khá hoàn chỉnh, kiểu “thi họa, họa thi” rất độc đáo.

Điều đáng nói là các bài thơ ngự chế được thể hiện trên các bức tranh này đều có niên đại khá sớm, có bài ghi lại từ năm 1835 (Minh Mạng Ất Mùi), có bài từ năm 1843 (Thiệu Trị Qúy Mão), tức là đều sớm hơn các bài thơ trong các tranh gương “thi họa” mà chúng ta thường gặp(niên đại năm 1845-Thiệu Trị Ất Tỵ). 

Như vậy thì các bức tranh gương này là những bức tranh có xuất xứ từ Trung Quốc hay vốn được thực hiện trong nước? Nếu cho rằng các bức tranh này đều được vẽ tại Huế và do người Việt Nam thực hiện, do chất lượng và màu sắc của các bức tranh này rất giống các bức tranh vẽ tĩnh vật mà giáo sư Chu Quang Trứ xếp vào loại tranh của các tác giả người Việt (ở lăng Minh Mạng, lăng Đồng Khánh) thì có vẻ như mâu thuẫn. Bởi các bức tranh này có niên đại quá sớm, trước cả các bức tranh thi - họa được xác định là đặt vẽ tại Trung Quốc thì người Việt Nam làm sao có mẫu để bắt chước theo?

Bởi vậy, có lẽ ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông là có sức thuyết phục hơn, ông cho rằng tất cả các bức tranh gương đều được đặt làm trước tại Trung Quốc, sau khi về Huế mới viết thơ vào sau.

Cũng nói thêm là tại điện Ngưng Hy lăng Đồng Khánh có những tấm gương được lồng khung trong một số chiếc đèn lồng. Có thể xem đây là một dạng tranh gương bởi thủ pháp thực hiện hoàn toàn giống loại tranh này (viết thơ, vẽ tranh theo kiểu âm bản trực tiếp trên mặt gương). Có khác chăng là mục đính của các bức tranh này chủ yếu là để trang trí cho chiếc đèn lồng khi thắp sáng. Loại tranh gương này có lẽ được thực hiện trong khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

II.2. Chủ đề nội dung và giá trị mỹ thuật  của tranh gương cung đình Huế

Chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế về cơ bản cũng gồm 3 loại chính, gần như trùng hợp cách phân loại tranh của giáo sư Chu Quang Trứ.

- Loại tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế là loại tranh vịnh cảnh. Theo chúng tôi được biết, loại này hiện nay tại Huế còn lại 40 bức khá nguyên vẹn. Các bức tranh này cũng chia làm một số loại sau:

+ Tranh đề vịnh các cảnh đẹp của đất Thần kinh, chủ yếu là 20 cảnh đã được vua Thiệu Trị xếp hạng nhưng cũng có một số cảnh không nằm trong số này (5). Tiêu biểu cho loại trên có thể kể ra như: Trùng minh viễn chiếu, Vĩnh Thiệu Phương văn, Thiên Mụ chung thanh, Thường Mậu quan canh, Cao các sinh lương, Lang tập quần phương.vv.. Chủ đề chính của loại tranh này là mô tả và ca ngợi cảnh đẹp của Kinh đô, phù hợp với các bài thơ ngự chế vịnh kèm. Đáng chú ý là các bức tranh gương không chỉ minh họa cho 20 bài thơ chính vịnh 20 cảnh đã được xếp hạng mà còn minh họa cho các chùm, bài thơ vịnh các tiểu cảnh của 20 cảnh trên. 

+ Tranh minh họa các bài thơ đề vịnh các mùa trong năm, vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh đề thi... như: Hàn chung, Giang luyện, Sơn quang, Nguyệt ảnh...

Dù chủ đề có khác nhau nhưng về kỹ thuật vẽ tranh và cách phối màu của loại tranh này đều cơ bản giống nhau. "Hầu hết những tranh này thiên về bảng màu lạnh, cảnh sắc và cả mái nhà đều là màu xanh, mây trời cũng trắng xanh, chỉ có cột nhà đỏ và viền nét vàng. Tất cả được vẽ rất chi tiết, mảng màu vờn chuyển sắc độ tinh tế, các nhân vật được tỉa tót tỉ mỉ, bố cục dựa trên viễn cận xã hội theo tâm lí ngược với chiều nhìn tự nhiên. Họa gia tưởng tượng những cảnh trong thơ của vua Thiệu Trị theo thiên nhiên xứ lạnh mà họ đang sống và thể hiện theo lối "công bút" rất cẩn thận. Những tranh này vẽ trực tiếp lên mặt sau của kính, vẽ và viết theo lối "bản âm" để khi nhìn mặt trước trở thành bản dương, màu ngoài vẽ trước, màu trong vẽ sau và cuối cùng mới vẽ màu nền. Màu tốt bền, ngày nay vẫn giữ nguyên"(6).

- Loại tranh không đề thơ nhưng có đề rõ chủ đề tranh như trên đã nói, là loại tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa như: Nhậm dụng tam kiệt, nói về Hán Cao Tổ dùng 3 người tài, Chiêu nho giảng kinh, nói về tích Hán Tuyên đế mời thầy giáo đến giảng kinh sách, còn Dạ phân giảng kinh là tích Hán Qúan Vũ tổ chức giảng kinh vào lúc nửa đêm.vv.. Về kỹ thuật vẽ của loại tranh này, theo đánh giá của giáo sư Chu Quang Trứ "... tuy vẽ không kỹ bằng những bức tranh co thơ "Ngự chế", nhưng cũng tỉa tót tỉ mỉ, thiên về dùng màu đỏ ấm nhưng pha chế không kỹ nên nhiều mảng bị ố"(7).

- Loại tranh vẽ tĩnh vật thì chỉ xoay quanh 2 chủ đề chính là bát bửu cổ đồ và các loại hoa quả. Trái với ý kiến của giáo sư Chu Quang Trứ, một số nhà nghiên cứu ở Huế lại đánh giá khá cao chất lượng nghệ thuật của các bức tranh gương thuộc loại này: "Sự hiện diện của tranh gương tĩnh vật thời Nguyễn được chứng tỏ qua 10 bức tranh gương cỡ 50 x 60cm, treo trên tường các cột ngoài của chính điện lăng Đồng Khánh. Họa tiết gồm bình hoa quả phẩm, lư trầm hay nghiên bút..đặt trên những kỷ biến đổi nhiều dáng, được viền bằng những đường hồi văn; màu sắc phong phú, thường là màu nền khói hương, hoặc xanh da trời, hoặc đen huyền, trên đó nổi bật màu đỏ chu của kỷ, màu xanh ngọc của bình hoa...làm cho bức tranh tĩnh vật nào cũng lộng lẫy mà có duyên thầm"(8)

 III. VÀI SUY NGHĨ 

Như chúng tôi đã đề cập ở phần trên, mặc dù là một loại hình tranh rất độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế thời Nguyễn, nhưng đến nay vẫn chưa có một sự quan tâm đầu tư nghiên cứu và bảo tồn đúng mức về tranh gương cung đình Huế. Trước mắt, theo chúng tôi, cần mạnh dạn tiến hành những biện pháp sau đây:

1 - Tình trạng trưng bày và bảo quản các bức tranh gương trên các điểm di tích hiện nay còn khá lộn xộn, vì vậy cần có sự sắp xếp và trưng bày lại các bức tranh gương theo các chủ đề thống nhất, như nhóm tranh về Thần kinh nhị thập cảnh, nhóm tranh đề vịnh các mùa trong năm. Ngay cả những bức tranh tĩnh vật vẽ bát bửu, hoa quả cũng cần được sắp xếp trưng bày một cách hợp lí hơn.  

2 - Nên chăng, trong mỗi dịp lễ hội (như các kỳ Festival) có thể chọn lựa từ số tranh hiện còn tại Huế để thiết lập một phòng triển lãm về tranh gương Huế. Bên cạnh mảng tranh cung đình nên đưa thêm cả mảng  tranh gương dân gian để tạo ra sự đối sánh giữa hai dòng tranh cùng vẻ phong phú của phòng tranh. Chắc chắn phòng triển lãm độc đáo này sẽ thu hút sự chú ý của rất nhiều người yêu nghệ thuật. Bởi tại Huế, những sản phẩm của nghệ thuật truyền thống mà du khách có thể thưởng lãm vẫn còn quá ít ỏi so với những gì Huế đã từng có.

3 - Hiện nay đơn vị quản lí số lượng tranh gương nhiều nhất là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có những nỗ lực bước đầu nhằm phục chế một số bức tranh đã bị xuống cấp để đem ra tái trưng bày, nhưng chưa đạt được kết quả khả quan lắm. Đây là điều rất đáng lo vì vẫn còn không ít bức tranh gương quý đã hư hỏng trầm trọng vẫn chưa được tu sửa. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải có sự đầu tư nghiên cứu nhằm phục hồi cả kỹ thuật phục chế tôn tạo loại tranh độc đáo này. Việc này tuy rất khó nhưng vẫn có triển vọng, bởi ngày nay sự giao lưu giữa ta với vùng Hoa Nam Trung Quốc (vùng nổi tiếng bởi kỹ nghệ sản xuất tranh gương) đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vả lại ngay tại Việt Nam, đến nay vẫn còn tồn tại một số cơ sở làm tranh gương, dù chỉ là loại tranh dân gian có chất lượng khiêm tốn hơn nhiều so với loại tranh cung đình mà chúng tôi đề cập (9). Việc nghiên cứu nguồn gốc và kỹ thuật làm tranh gương tại đây có thể đưa lại nhiều gợi ý rất tốt cho việc bảo tồn và phục hồi công nghệ làm tranh gương cung đình.

Huế, 2003

CHÚ THÍCH:

(1,2,3,4 & 6,7). Nguyễn Tiến Cảnh chủ biên (1992), Mỹ Thuật Huế. Viện Mỹ Thuật - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, tr.107-109.

(5). Hiện nay chúng tôi đã xác định có 5 bức tranh vịnh 4 cảnh chính trong “Thần kinh nhị thập cảnh”, ngoài ra trong, theo 2 nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hòe và L.Cadière trong bài viết "Quelques coins de la Citadel de Hué"(Một vài nơi trong Kinh thành Huế) đăng trên tập san B.A.V.H, số 3/1922, trước đây, trong điện Cần Chánh có treo 2 bức tranh gương vẽ cảnh hồ Tịnh Tâm. Khi xem trong ảnh in kèm bài viết trên, chúng tôi thấy một bức vẽ Thần kinh đệ tam cảnh Tịnh Hồ Hạ Hứng, còn bức kia cũng vẽ một tiểu cảnh về hồ Tịnh Tâm (bức minh họa bài thơ Oanh Đê Xuân Sắc, một trong chùm 15 bài thơ của vua Thiệu Trị gắn liền với cảnh này). Nhưng thật đáng tiếc, hai bức tranh trên có lẽ đã chịu chung số phận cùng điện Cần Chánh, chúng đã bị tiêu hủy hoàn toàn vào đầu năm 1947(?)

(8). Nguyễn Hữu Thông chủ biên (1992), Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb Hội nhà văn, tr.167.

(9). Loại tranh dân gian này có lẽ cũng đã xuất hiện từ thời Nguyễn, chủ yếu phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Ngoài ra, tranh này được dùng để trang hoàng nhà cửa, đình chùa, được dùng để làm quà biếu chúc tụng mừng nhà mới, cưới hỏi.Tranh gương dân gian trước đây được sản xuất nhiều tại các làng Tiên Nộn, Địa Linh, Bao Vinh. Từ thương cảng Thanh Hà, Bao Vinh người ta đem tiêu thụ vào các tỉnh "phía trong". Đề tài cũng là tranh phong cảnh, hoặc tích tuồng cổ từ Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên... Đặc biệt là tranh tĩnh vật tứ quý, tùng lộc, cúc điệp, đơn trĩ... Hiện nay chỉ còn một số hộ làm tranh gương tại Bao Vinh, Tiên Nộn.

TS. Phan Thanh Hải
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>