menu_open
Cầu ngói Thanh Toàn
30/12/2021 10:17:28 SA
Xem cỡ chữ:
Cầu ngói Thanh Toàn. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh
Trải qua gần 250 năm tuổi với bao biến thiên của thời cuộc, cầu ngói Thanh Toàn ngày nay không chỉ là địa chỉ khám phá về văn hóa, lịch sử mà nơi đây còn là điểm đến du lịch, trải nghiệm đặc sắc của xứ Huế.
Cầu ngói Thanh Toàn. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Giới thiệu

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam, cầu ngói Thanh Toàn (thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế) là một trong 5 cây cầu ngói cổ đẹp nhất Việt Nam. 

Cầu được xây dựng vào năm 1776 do bà Trần Thị Đạo - vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông cúng tiền cho làng xây dựng, để dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân khi lỡ bước.

Năm 1776, Bà đã được vua Lê Hiển Tông ban sắc khen ngợi về đức hạnh, đồng thời miễn cho làng nhiều loại sưu dịch để họ nhớ đến công ơn và noi theo tấm gương tốt của Bà. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong trần cho Bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh phò và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng Bà.

cho que ngay hoi cau ngoi thanh toan

>> XEM VR-360 VỀ CẦU NGÓI THANH TOÀN<<

Kiến trúc đặc trưng

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu), được chia thành các gian, mỗi gian như một ngôi nhà nhỏ trong ngôi nhà lớn. Thân cầu được làm bằng gỗ, phía trên lợp mái ngói ống tráng men. Khác với các cầu ngói ở Bắc Bộ dùng ngói vảy cá hoặc mũi hài thì cầu Thanh Toàn dùng ngói lưu ly.

Về kết cấu phần “thượng gia” (các gian nhà), cầu ngói sử dụng hệ vì kèo gỗ với 7 gian. Gian giữa cầu cũng là gian lớn nhất là nơi thờ bà Trần Thị Đạo, 6 gian còn lại có kết cấu đối xứng nhau, đều có hai dãy bục gỗ và lan can, chia ra “làn đi bộ” ở giữa và “làn nghỉ chân” ở hai bên, tạo sự duyên dáng, hài hòa cho cây cầu ngói.
Cầu ngói Thanh Toàn có kích thước nguyên gốc dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m). Qua nhiều lần trùng tu, hiện nay kích thức của cầu dài 16,85m và rộng 4,63m.

Mặc dù có nhiều nét tương đồng trong kiến trúc nhưng nếu như Chùa Cầu (Hội An) sử dụng linh vật là Chó, Khỉ để trang trí, cầu ngói Thanh Toàn lại dùng Rồng, Phượng để đắp trang trí ở các bờ nóc của mái ngói; đầu hồi trang trí pháp lam, hoa văn cũng đều cùng một chủ đề “hóa rồng”.

Ở phần kết cấu “hạ kiều” (mố, trụ cầu), cầu ngói Thanh Toàn có 6 trụ cầu bằng gỗ lim, tiết diện tròn được dầm nhiều nhịp; mố xây đá hộc.

Sau gần 250 năm tồn tại, đến đầu tháng 4/2020, cây cầu được chính quyền địa phương hạ giải để tiến hành bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lại. Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Cầu ngói Thanh Toàn được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Việc tu bổ, tôn tạo cầu dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc.

Cầu ngói Thanh Toàn về đêm (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Ngoài hướng đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, việc trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn lần này còn nhằm đảm bảo an toàn cho người qua lại và tăng độ bền cho cây cầu.

Giá trị nghệ thuật

Cầu ngói Thanh Toàn được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.

Một góc ảnh mới lạ về Cầu ngói Thanh Toàn (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Dừng chân ở cầu ngói Thanh Toàn, mọi người có thể thu vào tầm mắt cả bức tranh yên bình đặc trưng của làng quê Việt Nam với cánh đồng lúa bát ngát, có con sông Như Ý yên bình chảy qua, với lũy tre xanh và những người nông dân đang hăng say lao động như cất vó, chăn trâu, bắt ốc… Không gian thoáng đãng, yên bình đó cùng với kiến trúc đặc biệt cũng như ý nghĩa tốt đẹp của Cầu ngói Thanh Toàn đã khiến cho nơi đây không chỉ là điểm nghỉ chân của người dân trong vùng, mà là nơi để ai ai cũng phải ghé thăm khi đến với Huế:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”

Với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, Cầu ngói Thanh Toàn đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 575QÐ/VH ngày 14 tháng 7 năm 1990.

Cầu ngói Thanh Toàn có gì vui?

Tại mỗi kỳ Festival Huế, tại xã Thủy Thanh đều làm lễ rước linh vị bà Trần Thị Đạo, lễ rước này là nghi thức mở đầu cho ngày khai mạc "Chợ quê ngày hội", một trong những chương trình văn hóa - du lịch đặc sắc trong khuôn khổ Festival Huế. Đến với Chợ quê, mọi người sẽ được hòa vào nhịp sống dân dã của những người dân bản địa xứ Huế, được mua những món quà quê như tò he, nón lá… ; được ăn những món ăn ăn thôn dã, nghe hát bài chòi, xem đua ghe… luôn luôn hấp dẫn hàng ngàn du khách thập phương ghé xem, thưởng lãm.

Kể từ ngày 16/8/2019, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu tổ chức phiên chợ đêm tại Cầu ngói Thanh Toàn. Phiên chợ đêm được bố trí quanh Cầu ngói Thanh Toàn với nhiều hoạt động hấp dẫn như chợ ẩm thực và hội bài chòi; các trò chơi dân gian; trưng bày dành cho khách tham quan. Phiên chợ này được duy trì vào ngày 16 âm lịch hàng tháng, kể cả mùa mưa, tạo thêm sự đa dạng cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của địa phương.

Bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn còn có Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn. Đến đây, du khách sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử nhà nông cụ, tham quan các hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt của nông thôn Thanh Toàn như: xe đạp nước, gàu, sàng, chum, cối giã gạo, sàng, nong, nia.. và được trải nghiệm hay thấy các hoạt động nông thôn rất thú vị như đạp nước, xay lúa, chằm nón. Cùng với cầu ngói Thanh Toàn, đây cũng là nơi góp phần lưu giữ những nét đẹp của đời sống con người xưa.

Hành trình khám phá Cầu ngói Thanh Toàn

Ngày nay, trên hành trình đến với Thanh Toàn, cánh đồng hoa hướng dương (thôn Vân Thê Trung, xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy) mang tên “Vườn Lạc Dương” là một điểm đến bạn không nên bỏ lỡ. 

Chỉ cách Cầu ngói Thanh Toàn 1,5km, Vườn Lạc Dương của anh Chế Quang Tám dành khoảng 5.000m2 để trồng hoa hướng dương. Hoa được trồng xen kẽ theo kiểu "gối vụ", mỗi đợt trồng cách nhau hai tháng để kéo dài thời gian cho khách lưu giữ những khoảnh khắc cùng hoa. Chủ nhân còn bố trí nhiều xích đu, cầu tre, xe đạp nước... để khách có nhiều lựa chọn khi check – in.

Cánh đồng hoa hướng dương tại xã Thủy Thanh (Ảnh: Hàn Đăng/Báo Thừa Thiên Huế)

Sau khi check - in ở vườn Lạc Dương, chỉ vài bước chân, du khách có thể sang thăm thú Nhà thờ họ Chế ở làng Vân Thê. Nhà thờ họ Chế cùng lăng Ngài khai canh, lăng Thành hoàng và miếu Thành đang được lập hồ sơ để nghiên cứu, công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh hay ghé ngang đình Vân Thê - di tích lịch sử cấp quốc gia - nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa.

Thăm thú cầu ngói Thanh Toàn vào thời điểm nào mọi người cũng sẽ cảm nhận được những cơn gió nội đồng thổi qua cầu rất mát mẻ và sảng khoái, đặc biệt là vào buổi trưa và chiều tối. Không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân ngủ trưa ngay tại cầu; những lời ca, câu hát mời gọi của các mệ, các o dành cho du khách khi đến với Thanh Toàn, cảm giác rất bình yên và thân thiện. 

Ngay bên cạnh cầu ngói là Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn, du khách có thể ra vào tham quan tự do, được nghe giới thiệu về lịch sử nhà nông cụ, tham quan các hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt của nông thôn Thanh Toàn như: xe đạp nước, gàu, sàng, chum, cối giã gạo, sàng, nong, nia.. và được trải nghiệm hay thấy các hoạt động nông thôn rất thú vị như đạp nước, xay lúa, chằm nón.

(Ảnh: Nhà trưng bày nông cụ - Thanh Toan Museum)

Nếu đi theo các tour du lịch hay tour cộng đồng, du khách còn có thể trải nghiệm chèo ghe bắt cá trên dòng Như Ý, trồng và thu hoạch rau sạch… 

Ngày nay, đường về cầu ngói Thanh Toàn được mở rộng, hết sức thông thoáng, không chỉ xe đạp, xe máy mà xe ô tô cũng có thể đi vào gần đến cầu, rất thuận tiện cho việc tham quan du lịch theo đoàn, theo gia đình…

Một vùng quê yên bình. Một vùng quê của lễ hội. Một di tích kết nối nhiều điểm đến. Hãy lưu lại địa chỉ này cho những kế hoạch du lịch của bạn và gia đình nhé!

Ngọc Bích
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>