menu_open
Khám phá vẻ đẹp di tích Huyền Trân công chúa
05/05/2015 3:44:10 CH
Xem cỡ chữ:
Phải chăng “núi không cần cao, có tiên ắt thiêng. Sông không cần sâu, rồng chầu thành nổi tiếng”…

Trung tâm văn hóa Huyền Trân từ lâu đã là một điểm du lịch nổi tiếng trên mảnh đất cố đô, tuy nhiên mỗi lần ghé lại, tôi vẫn thấy được những nét đẹp mới lạ, hấp dẫn từ địa chỉ quen thuộc này bởi hai chữ “rồng” và “tiên” ấy.

Tọa lạc tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, Tp Huế, Trung tâm văn hóa Huyền Trân (mà người dân Huế quen gọi nôm na là Huyền Trân hay Huyền Trân công chúa) mang trong mình chút phiêu bồng với cảnh sắc đậm chất thiền, nhưng cũng đậm sắc thái gần gũi từ những hình ảnh gắn liền với Phật giáo cũng như văn hóa Huế.

Huyền Trân công chúa là ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu. Hơn 700 năm trước, vào mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông là kết tình hoà hiếu với lân bang, Huyền Trân Công chúa đã gạt tình riêng để sang Chiêm Thành, nên duyên với nhà vua Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Paramesvari. Món quà sính lễ mà Vua Chiêm dâng lên nhạc phụ Trần Nhân Tông là hai châu Ô, châu Lý - vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam - đã sáp nhập vào nước Đại Việt. Một năm sau, vua Chế Mân qua đời, theo tục lệ của đất nước Chiêm Thành, hoàng hậu sẽ phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tang theo chồng. Vua Trần Anh Tông biết được nên sai tướng Trần Khắc Chung vờ sang viếng để cứu công chúa trở về. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308) sau khi về đến đất Thăng Long, Huyền Trân công chúa đã quy y vào cửa Phật, có pháp danh là Hương Tràng. Ghi nhận công lao của một người có công mở mang bờ cõi cho dận tộc, nhân kỷ niệm 700 năm mảnh đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế, năm 2006, đền thờ Huyền Trân công chúa được khởi công xây dựng.

Xứ Huế từ lâu được nhìn nhận là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam, bởi vậy tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân nơi đây được thể hiện rất rõ ràng và nổi bật. Trung tâm văn hóa Huyền Trân vì vậy cũng hội tụ rất nhiều tinh hoa từ những giá trị văn hóa đó kết hợp với kiến trúc cung đình.


Biểu tượng chim trên trống đồng Đông Sơn cũng có mặt tại hồ nước trước điện thờ.


Những chiếc lọng mang màu sắc vượt thời gian tại đền thờ Huyền Trân công chúa.

Đó là sự trầm mặc, u tịch của kết cấu các công trình hòa lẫn trong rừng thông bát ngát, xen vào đó là sự giản đơn với những lu nước mưa trong vắt, những loài hoa hữu sắc vô hương. Trong miền thanh tịnh của tiếng tụng kinh, gõ mõ, ta bắt gặp lối nhà vườn ba gian, có hòn non bộ trước cửa ra vào làm bình phong và xung quanh là những chậu bon sai, những giò phong lan đa chủng loại như mời gọi một chút tò mò, ưa khám phá của du khách.


Vẻ đẹp dịu dàng nhưng kiêu hãnh của những bông hoa nơi của Phật.
..
 


... mang dáng dấp của mảnh đất Tôn Nữ thướt tha.


Trầu - cau, loài cây đến từ truyền thuyết

 


... mang ý nghĩa gắn bó keo sơn như biểu tượng "con Rồng - cháu Tiên"

Trong bài phụng soạn Bia ký tại đền thờ Huyền Trân công chúa, tác giả Dương Phước Thu đã miêu tả rất kỹ về kết cấu đậm chất Huế này: “Ngôi đền tọa lạc về phía nam sông Hương, cách kinh thành Huế chừng vài dặm, tương truyền là nơi danh thắng phước địa. Kiến trúc theo lối truyền thống: trụ biểu vươn cao, nền móng kiên cố, lương đống vững chắc, điện thờ tôn nghiêm. Phía sau, thế núi Ngũ Phong trấn giữ. Phía trước, dòng tiểu khê quầy thành hồ Trường Xuân soi bóng nhật nguyệt, sơn mạch tả hữu trườn xuống như hai bức trường thành. Nội điện đặt tượng Huyền Trân, hậu điện phối thờ các bậc công thần mở nước. Sân sau xây lầu bát giác, dựng tượng Ni sư, mở vườn Bồ Đề; sau nữa là điện Trúc Lâm, nhà đọc sách, tượng Di Lặc, miếu Sơn thần, Thủy thần, gác chuông Hòa Bình… tất cả tạo thành một Trung tâm văn hóa tâm linh ở chốn Thiên Thai”.


Nhà phong lan.


Tượng Di Lặc với nụ cười viên mãn.
 


Chuông Hòa Bình tinh xảo với ý nghĩa thanh cao.

Mỗi một góc của Trung tâm văn hóa Huyền Trân đều như lưu giữ chút “đặc sản” xứ Huế. Đó là những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Huế trong việc chạm trổ long, ly, quy, phụng trên những mái đền; là tinh hoa của làng nghề đúc đồng Phường Đúc với chuông Hòa Bình nguyên chất nặng 1,6 tấn và cao 2,16 mét; các bức trướng với những đường thêu với màu sắc “vượt thời gian”… và cả nghệ thuật khảm, lát pháp lam trên tường của các công trình, ngay cả trên những bồn trồng cây ở ngoài trời.


 Long - Ly - Quy - Phụng trên mái ngói...

 


Lư đồng trước điện thờ Huyền Trân công chúa.

 


Rồng bằng pháp lam, men sứ.

Nhưng đỉnh cao cho sự khéo léo, tinh tế và tài hoa của những nghệ nhân Huế đó chính là đôi rồng chầu trước điện thờ vua Trần Nhân Tông. Đôi rồng chầu được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam với chiều dài108 mét, tương đương với chiều cao của ngọn núi Ngũ Phong (so với mực nước biển).


Soi bóng cùng thâm nghiêm.

Về ý nghĩa của đôi rồng chầu kỷ lục này, theo tài liệu Tam Tổ Thực Lục của Viện nghiên cứu Việt Nam, ấn hành năm 1995: “Ngày 20, Bảo Sát đang trên đường đến Doanh Tuyền thấy một đám mây đen từ Ngọa Vân kéo đến Lỗi Sơn. Khi đến Doanh Tuyền, nước suối dâng cao đến mấy trượng. Trong giây lát mặt nước trở lại bình thường, bảo sát thấy hai con rồng đầu lớn như đầu ngựa, ngang cao hơn một trượng, hai mắt như sao, trong phút chốc lại biến mất. Đêm ấy, Bảo Sát ngủ trọ trong Sơn Điếm, thấy một điềm mộng chẳng lành.


Đa dạng những hình dáng, chất liệu của rồng tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân.

Ngày 21, Bảo Sát đến Ngọa Vân, Điều Ngự thấy ông về, mỉm cười bảo: “Ta sắp đi rồi, ông về sao trễ vậy, đối với Phật pháp có điều gì chưa rõ hãy hỏi gấp đi”…


Biểu tượng rồng được chạm khắc trên cả những chiếc ghế...

 


... tinh xảo trong điện thờ.

Từ đó trở đi, bốn ngày liền đất trời u ám, gió trốt thổi mạnh, mưa tuyết phủ đầy cây, vượn khỉ vây am gào khóc, chim rừng kêu bi thảm.

Ngày mồng 1 tháng 11, lúc nửa đêm sao trời tỏ rạng, Điều Ngự hỏi: “Bây giờ là giờ gì?”. Bảo Sát đạp: “Giờ Tý”. Điều Ngự đưa tay mở cửa sổ, ngắm trời nói: “Đây là lúc ta đi”… Nói xong liền nằm theo tư thế sư tử, an nhiên, viên tịch”.

Vì vậy đôi rồng chầu dẫn đến chính điện đức vua Trần Nhân Tông mang hình ảnh tượng trưng giấc mộng của đệ tử Bảo Sát cho ngày viên tịch của ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử (mùng Một tháng 11 năm Mậu Thân, 1308).


Những bước chân an nhiên.

Bước lên 246 bậc cấp để chinh phục đỉnh núi Ngũ Phong và tháp chuông Hòa Bình, từ đây, ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn bao quát cả thành phố Huế rất đẹp, nhất là vào buổi chiều tà. Ý nghĩa của cụm từ "Thế giới - Hòa Bình - Nhân loại - Hạnh phúc" cùng hình ảnh của 4 chùa: Giác Lâm (TP.HCM), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh) được in nổi trên quả chuông đem lại cho ta những chiêm nghiệm về sự hòa hợp và hội tụ. Tĩnh tâm lại để nghe tiếng chuông Hòa Bình ngân vang, chợt thấy lòng mình cũng mang chút thiền và chút thiện.

 


Từ đỉnh núi Ngũ Phong nhìn xuống thành phố Huế.

 


Hoàng hôn về trên cửa thiền.

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>