menu_open
Nguyễn Chí Thanh: Vị đại tướng được Bác Hồ đặt tên
22/09/2017 5:17:00 CH
Xem cỡ chữ:
Quân đội ta có hai vị Đại tướng đầu tiên thì một người xuất thân từ trí thức, một người xuất thân từ nông dân và cùng quê Bình Trị Thiên. Có điều đặc biệt, người xuất thân từ trí thức thì trở thành quan võ, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh. Người xuất thân từ nông dân thì trở thành quan văn, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Người cộng sản kiên cường

Nói thế thôi, chứ thực ra cả hai vị đại tướng này đều là văn võ kiêm toàn, đều có nhãn quan chiến lược vào loại tầm cỡ, xứng đáng được ghi vào sử sách. Một người thì rõ ràng đã được thế giới suy tôn là một trong các vị tướng nổi tiếng thế giới. Còn một người thì đã từ giã chúng ta, để lại một chỗ trống không gì có thể bù đắp được và cho đến nay nhiều người vẫn nuối tiếc...

Tên khai sinh của anh là Nguyễn Vịnh. Tại Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào tháng 8/1945, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong danh sách Ban Chấp  hành Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: "Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!". Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đây cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của Cách mạng Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 6/7/1967)

Nguyễn Vịnh sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cuối năm 1936, đầu năm 1937, anh may mắn được gặp các anh Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu trong Phong trào Mặt trận Bình dân và bắt đầu được giác ngộ về lý tưởng Cộng sản. Tháng 7/1937, Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng.

Trong 8 năm, từ khi là một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Bí thư Chi bộ và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nguyễn Vịnh đã bị đế quốc bắt giam 3 lần ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột và đã từng vượt ngục để tiếp tục hoạt động. Suốt thời gian lăn lộn với phong trào cũng như những năm tháng bị tù đày Nguyễn Vịnh luôn tỏ ra là một đảng viên cộng sản kiên cường, nguy hiểm không sờn lòng, khó khăn không lùi bước. Anh đã góp phần xây dựng cơ sở Đảng, đẩy mạnh  phong trào cách mạng ở Thừa Thiên - Huế trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật trước cách mạng.

"Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân"

Đầu năm 1947, anh là người có công lớn trong việc khôi phục phong trào sau khi mặt trận Huế bị vỡ. Ngày 25/3/1947, tức 40 ngày sau khi quân ta rút khỏi Huế, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, anh triệu tập một cuộc họp đặc biệt, địa điểm họp không phải ở chiến khu mà là ở ngay làng Nam Dương (huyện Phong Điền) - một làng ở ngay sát nách địch, chỉ cách Huế 20 cây số.

Bác Hồ đến dự hội nghị quân chính toàn quốc lần thứ nhất, cùng đi với Bác là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (năm 1960)

Mở đầu cuộc họp, anh đọc lá thư đề ngày 5/3/1947 của Bác Hồ "Gửi các đồng chí Trung Bộ", nêu lên những khuyết điểm của cán bộ đảng viên trong những ngày đầu  kháng chiến. Liên hệ với tình hình địa phương, anh nghiêm khắc tự phê bình và phê bình để rút ra bài học sâu sắc trong thời gian qua. Anh nói: "Bộ đội ta rất anh dũng. Tinh thần cách mạng của đồng bào ta rất cao. Điều đáng trách là cán bộ, đảng viên chúng ta không biết cách tổ chức huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc".

Cuối cùng anh củng cố lòng tin cho mọi người: "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân".


Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bên ao sen ở Nghệ An. Ảnh tư liệu

Sau đó Tỉnh ủy Thừa Thiên đã ra nghị quyết nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: "Phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch. Kiên quyết luồn trở lại vùng đồng bằng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động phong trào chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch". Từ đó phong trào kháng chiến ở vùng sau lưng địch của Bình Trị Thiên đã vượt qua được những khó khăn hiểm nghèo, từng bước tiến lên giành những thắng lợi.

Năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình Trị Thiên để thống nhất chỉ huy 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Phân khu ủy Bình Trị Thiên được thành lập và anh Thanh được chỉ định làm Bí thư.

Nhận nhiệm vụ mới, anh cùng các đồng chí trong Phân khu ủy đi sâu nghiên cứu tình hình và ra nghị quyết mở một chiến dịch phá tề trong cả 3 tỉnh của Phân khu. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời. Kết quả là cả một hệ thống ngụy quyền địch ở cơ sở bị ta đập vỡ từng mảng lớn, làm cho chúng hết sức hoảng sợ. Bởi vì khi một khu vực hàng mấy huyện lớn không còn hội tề nữa thì tự nhiên cả hệ thống đồn bốt của địch bị trơ ra giữa vòng vây của nhân dân.

Trên một vùng nông thôn rộng lớn của Bình Trị Thiên, sau chiến dịch đâu đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân du kích hoạt động, những đồn lẻ của địch bị tiêu diệt.

Những cuộc hành quân của địch luôn bị chặn đánh bởi hoạt động của du kích tại chỗ. "Bình Trị Thiên khói lửa" sau một thời gian tạm lắng đã vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước. Trong chiến công chung đó có sự đóng góp quan trọng, nếu không nói là quyết định của Nguyễn Chí Thanh. Sau sự việc này, Bác Hồ đã tặng Nguyễn Chí Thanh danh hiệu: "Vị tướng du kích".

Giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang một giai đoạn mới, quân đội ta phát triển nhanh chóng và ngày càng lớn mạnh. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Chí Thanh được Đảng giao cho một trọng trách mới. Anh được điều động vào quân đội và được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Về Đảng anh được cử giữ chức Phó bí thư Quân ủy Trung ương.

Năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, Nguyễn Chí Thanh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên trái) giao nhiệm vụ cho thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi vào chiến trường miền Nam (năm 1964)

Với trọng trách đảm nhận công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, Nguyễn Chí Thanh đã có đóng góp to lớn tạo nên sức mạnh của quân đội ta, liên tiếp đánh thắng địch trong nhiều chiến dịch lớn, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử tháng 5/1954. Năm 1959, anh được phong hàm Đại tướng và đây là vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 tháng 9/1960, Nguyễn Chí Thanh lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Năm 1961, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng giao cho phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương. Chỉ ít lâu sau, một phong trào thi đua mới trên mặt trận nông nghiệp nổi lên như sóng cồn. Đó là kết quả của mấy tháng liền Nguyễn Chí Thanh xuống xâm nhập cơ sở ở Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Bài báo "Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong" do anh viết đăng trên báo Đảng, trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ.

Con người của quần chúng

Nói đến Nguyễn Chí Thanh là nói đến quần chúng, nói đến phong trào quần chúng. Hầu như anh sinh ra trên đời này là để sống với nhân dân. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương nhưng hầu như Nguyễn Chí Thanh có mặt cả tháng liền với các hợp tác xã, và từ đó sinh ra gió "Đại Phong". Hồi còn là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng vậy - Là Đại tướng nhưng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên có mặt ở các đơn vị, gần gũi cán bộ, chiến sĩ và từ đó cờ "Ba Nhất" phất phới bay. Có thể nói Nguyễn Chí Thanh ở đâu là ở đó có phong trào quần chúng. Bởi anh tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của quần chúng. Anh thường nói, không có quần chúng thì không thể có thắng lợi của cách mạng. Anh cũng thường nói: "Cán bộ thế nào thì phong trào thế ấy", cán bộ phải lăn lộn, gắn bó với phong trào và chính anh là điển hình của một cán bộ như thế.

Có một giai thoại về vị "Đại tướng nông dân" này rất thú vị. Đó là vào năm 1951, khi Nguyễn Chí thanh vừa được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chưa được bao lâu, anh cùng đơn vị đi Chiến dịch Hòa Bình. Trên đường hành quân ra trận, phải qua một con suối, ai cũng xắn quần lội qua. Có một anh cán bộ cấp đại đội hay tiểu đoàn gì đó đang loay hoay với đôi giày thì thấy một người trạc tuổi chưa đến 40, da ngăm đen, khỏe mạnh mặc bộ quần áo nâu bạc đi qua, anh cán bộ nghĩ chắc là một bác nông dân, liền gọi lại:

- Ông chịu khó cõng mình qua suối một tí.

"Người đó" không tỏ ra khó chịu mà vui vẻ nhận lời, ghé lưng vén quần cõng anh cán bộ qua suối.

Sang đến bờ bên kia, anh cán bộ phấn khởi vỗ vai người đã giúp cõng mình qua suối, định nói lời cảm ơn. Nhưng bỗng thấy bác nông dân nghiêm mặt lại, nói giọng miền Trung nghiêm khắc:

- Cậu có biết tớ là ai không?

Anh cán bộ chưa kịp định thần vì câu hỏi bất ngờ thì được nghe người đó nói tiếp:

- Tớ là Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Hôm nay tớ giúp cậu vì xét ra cậu cũng cần giúp nhưng nhớ lần sau đừng bắt người khác cõng như thế nữa nhé.

Năm 1954, khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, anh cùng gia đình từ chiến khu trở về Hà Nội, cơ quan định bố trí cho anh một căn hộ ở bên hồ Trúc Bạch. Đó là một biệt thự đẹp, có mái nhọn cao vút, trang trí nội thất sang trọng. Nhưng anh đã từ chối và đề nghị bố trí cho mình một chỗ ở trong khu quân đội. Anh tâm sự với các đồng chí xung quanh: "Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, khó tránh  khỏi chớm nở trong bộ đội tư tưởng đòi hưởng thụ. Mình ở nhà sang quá thì khó gần gũi anh em, mà có khi muốn nói điều cần nói cũng khó lọt tai người nghe".

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm lớp 5, trường Bắc Lý (Hà Nam)

Trung tướng Đoàn Chương, nguyên thư ký riêng cho anh Thanh nhiều năm, kể lại: Theo chế độ, chính sách, với cương vị cao là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, gia đình anh được cơ quan trang bị thêm tủ, giường và một số đồ dùng khác. Nhưng anh bảo đem phân phối cho những anh em khác còn thiếu thốn.

Trung tướng Đoàn Chương còn nói về chị Cúc, vợ anh bằng những lời lẽ tốt đẹp: "Là vợ một cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhưng tuyệt nhiên chị không bao giờ cậy thế chồng để lên mặt "bà chủ" với anh em phục vụ. Điều đó một phần do bản chất đôn hậu của chị, một phần quan trọng là do thái độ của anh Thanh. Anh chúa ghét những thói ấy".

Có một lần anh xuống dự đại hội đại biểu một tỉnh có nhiều hiện tượng cán bộ đảng viên tham ô, xâm phạm đến lợi ích của quần chúng. Kỳ giáp hạt năm ấy địa phương bị mất mùa, nhân dân thiếu ăn. Nhà nước đưa gạo về giúp, nhưng một số nơi cán bộ thiếu trách nhiệm, quản lý không chặt chẽ, để xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực rất đáng xấu hổ. Đối với những trường hợp như thế anh thường không giữ được bình tĩnh. Trên bục phát biểu khi nhắc đến hiện tượng này giọng anh như lạc hẳn đi:

"Đảng viên gì? Cán bộ gì? Dân đói, Nhà nước gửi về mấy tạ gạo, ba ông Chi ủy dấm dúi chia nhau mỗi người mấy chục cân, thì không bằng... con chó! Không thể nào để lại trong Đảng ta những con người thoái hóa đến mức ấy".

Trung tướng Trần Quý Hai kể lại, hồi ở chiến khu Thừa Thiên, mặc dầu với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, anh và gia đình vẫn sống hòa chung cuộc sống thiếu thốn, gian khổ với nhân dân. Có tháng cả nhà liên tục ăn sắn, nấu cháo bằng sắn, làm bánh bằng bột sắn. Có ai đem biếu một tí gạo, thức ăn, anh lại đem chuyển sang bệnh viện cho thương bệnh binh - Mẹ anh thương anh làm việc vất vả, người hốc hác nói với anh rằng đây là người ta thương anh người ta biếu anh chứ có phải của tham ô đâu, nhưng anh nói với mẹ: "Mẹ hãy hiểu cho con, con là cán bộ của Đảng, của dân thì không thể dân ăn khổ mà chỉ riêng con ăn ngon được"./.

Kỷ niệm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Phút giây cảm động nhất trong đời Nguyễn Chí Thanh có lẽ là phút chia tay Bác Hồ buổi chiều hôm đó. Bác tiễn anh ra tận giàn nho và đứng lại hồi lâu với anh ở đó. Bác dặn anh phải giữ gìn sức khỏe; Bác hỏi thăm các cháu của anh sơ tán về Mỹ Đức (Hà Tây) có gì khó khăn không; về tình hình công tác của chị Cúc vợ anh...


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội 1960. Ảnh tư liệu

Một mẫu mực sáng ngời về đạo đức cách mạng

Có lần lên công tác Tây Bắc, Khu ủy bố trí cho anh ở nhà khách của Khu ủy. Dạo đó là năm 1961, cả thị xã Sơn La - thủ phủ Khu Tây Bắc lúc bấy giờ - chỉ mới có hai ngôi nhà 2 tầng trên đồi cao. Từ cửa sổ phòng khách, nhìn xuống phố xá mới hồi cư, nhà ở toàn bằng nứa lá, đường phố tung bụi đỏ mờ mịt, anh trầm ngâm nói với đồng chí Phan Quang, phóng viên Báo Nhân Dân đi cùng anh trong chuyến công tác đó:

- Đồng chí xem, dân còn ở thế kia, cần gì phải xây một lúc mấy nhà to như thế này. Tôi nghĩ chỉ cần một trụ sở Chính quyền khu cho bề thế, để đồng bào các dân tộc vùng núi cao về trông thấy cơ ngơi cách mạng mà phấn khởi, tin tưởng. Để đồng bào có dịp so sánh mấy mươi năm dưới chế độ cũ, chưa nhìn đâu thấy nhà to như thế này. Còn trụ sở Đảng bộ chưa cần xây dựng vội. Giá như ta dùng số tiền này vào việc phục vụ sản xuất có tốt hơn không?

Anh Thanh vừa nói đến đây, thấy đồng chí chủ nhiệm nhà khách đi đến, anh ân cần mời vào phòng rồi thân mật nói tiếp câu chuyện đang nói:

- Này, cái khoản đãi đằng mình đề nghị các ông nên phiên phiến. Tôi biết, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy có lòng hiếu khách cho nên luôn thết đãi chúng tôi nhưng chỉ nên một lần là đủ, gọi là họp mặt anh em lâu ngày gặp nhau, cấp trên cấp dưới cùng ngồi lại, uống với nhau chén rượu. Mà cũng chớ nên bày vẽ sang trọng quá như vừa rồi. Các đồng chí có biết không, Bác Hồ - Chủ tịch nước, không bao giờ đãi khách quá 3 món, trừ những bữa tiệc đặc biệt về ngoại giao. Một bữa, chủ khách ăn chung, sau đấy thôi. Anh em dưới xuôi lên đây công tác, các đồng chí chăm sóc cho là quý rồi. Còn ai ăn cơm đều phải trả tiền. Trả bao nhiêu tùy điều kiện và tiêu chuẩn mỗi người. Các đồng chí mến khách, cho thêm gói chè, bao thuốc, tôi không phản đối nhưng nên vừa phải. Tôi thấy ở phòng này đặt chè và thuốc, trong buồng ngủ cũng có, phòng khách cũng có. Làm gì mà lắm thế!

Tôi nói riêng với các đồng chí: Các cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng, mọi khi có thuốc lá nay không còn nữa. Mình là dân nghiện, thắc mắc hỏi mới biết Bác Hồ bảo thôi. Thật ra tốn kém chẳng bao nhiêu, mà cái chính Bác muốn tạo thói quen. Ở nước ngoài giàu có, đến hội nghị ai muốn hút thuốc, bỏ của mình ra mà dùng. Mà cũng chỉ được hút ở hành lang.

Cánh chim đại bàng lại cất cánh

Đang say sưa trên mặt trận nông nghiệp thì Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ đối với nước ta. Một lần nữa, Nguyễn Chí Thanh được gọi trở lại quân đội và lên đường vào chiến trường đánh Mỹ.

Thế là con chim đại bàng lại vỗ cánh bay về phương Nam. Anh đi chưa được bao lâu, tin chiến thắng từ chiến trường đã dồn dập bay về. Trận Bình Giã, trận Ba Gia quân ta tiêu diệt hàng tiểu đoàn, hàng trung đoàn địch. Tiếp theo là những trận đọ sức đầu tiên với quân viễn chinh Mỹ. Chiến thắng Núi Thành và nhất là chiến thắng Vạn Tường khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có khả năng thắng Mỹ về quân sự trong Chiến tranh cục bộ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm việc tại chỉ huy sở Miền (B2) năm 1964

Nhớ lời Bác dặn lúc ra đi, Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng đúc rút những bài học kinh nghiệm của những trận đầu thắng Mỹ điện gấp ra miền Bắc. Cuối năm 1965, Nghị quyết lần thứ 11, khóa III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được nhất trí thông qua có sự đóng góp xứng đáng của Nguyễn Chí Thanh.

Sau mấy năm lăn lộn ở chiến trường và đã tìm ra chiếc chìa khóa để thắng Mỹ, đầu năm 1967, Nguyễn Chí Thanh được triệu tập ra Hà Nội để chuẩn bị cho bước phát triển mới của chiến tranh.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 tháng 6/1967, Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo một cách toàn diện tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Nội dung của bản báo cáo toát lên một nội dung chủ yếu và đặc biệt quan trọng là: "Ta nhất định thắng Mỹ. Mỹ thua đã rõ ràng. Cần phải tiếp tục thế tiến công địch để tiến lên giành thắng lợi quyết định".

Những ngày đầu tháng 7/1967, Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị trở lại chiến trường. Ngày 5/7, Bác Hồ nói với đồng chí Vũ Kỳ mời Nguyễn Chí Thanh đến ăn cơm chiều với Bác cũng là để tiễn Nguyễn Chí Thanh ngày mai lên đường. Phút giây cảm động nhất trong đời Nguyễn Chí Thanh có lẽ là phút chia tay Bác Hồ buổi chiều hôm đó. Bác tiễn anh ra tận giàn nho và đứng lại hồi lâu với anh ở đó. Bác dặn anh phải giữ gìn sức khỏe; Bác hỏi thăm các cháu của anh sơ tán về Mỹ Đức (Hà Tây) có gì khó khăn không; về tình hình công tác của chị Cúc vợ anh. Những năm anh ở chiến trường, mỗi lần tết đến thỉnh thoảng Bác cho mời chị Cúc và các cháu vào ăn cơm với Bác. Ở trong Nam nhận được thư chị gửi vào kể chuyện này, anh vô cùng xúc động.

Nhìn mái tóc bạc phơ của Bác, nhìn dáng đi của Bác không còn được nhanh nhẹn như xưa, Nguyễn Chí Thanh cảm thấy trái tim mình như có ai bóp chặt. Qua một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, anh biết Bác sắp phải đi Trung Quốc chữa bệnh. Vì thế, bữa cơm là bữa cơm Bác tiễn anh vào chiến trường phương Nam, cũng là bữa cơm anh tiễn Bác lên phương Bắc.

Trong tham luận đọc tại Hội thảo nhân 30 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngày 5/7/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Nhớ tới anh Thanh, tôi tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc một người bạn chiến đấu thân thiết, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng lĩnh tài ba của quân đội ta, người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam ta".