menu_open
Miếu Linh Quang
Xem cỡ chữ:
Miếu Linh Quang nhìn từ trên cao
Ngày 03/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 705/QĐ-UBND về việc xếp hạng miếu Linh Quang (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) là di tích lịch sử cấp Tỉnh.
Miếu Linh Quang nhìn từ trên cao
Địa chỉ: Làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Được công nhận di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2023
Giới thiệu:

Miếu Linh Quang là nơi thờ nữ thần của người Chăm (có thể là nữ thần Laskimi), được Việt hóa thành đức phật Chuẩn Đề Bồ Tát hay Bà Tám tay. Hằng năm miếu Linh Quang được dân làng Mỹ Xuyên tế lễ vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch, cũng là ngày Đại lễ Vu Lan diễn ra tại niệm phật đường Song Mỹ, làng Mỹ Xuyên. Miếu Linh Quang là công trình có giá trị về mặt lịch sử, gắn liền với đời sống văn hoá, tinh thần của người dân làng Mỹ Xuyên, một làng quê có bề dày lịch sử, văn hoá. Miếu Linh Quang là địa điểm di tích lưu dấu nhiều tầng văn hóa, qua các tầng văn hóa cho thấy quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa trong dòng chảy văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật là pho tượng nữ thần Laskimi mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa đã được việt hoá thành Bà Tám tay và được người Việt tiếp tục phụng thờ, điều đó cho thấy văn hoá Chăm Pa có một vị trí quan trọng trong dòng chảy văn hoá dân tộc.

Kiến trúc:

Miếu Linh Quang là đền thờ thuộc làng Mỹ Xuyên (Phong Hòa), có thờ một tượng Chăm Pa bằng đá sa thạch, cao 1,2m. Tượng có 8 tay đối xứng, mỗi tay cầm một vật như: chuổi hạt, vòng, búp sen, bầu rượu... Di tích này đã được Đặng Huy Trứ mô tả khá kỹ trong bài ký Cung tiến Mỹ Xuyên xã Linh Quang từ Tân Dậu ở sách Đặng Hoàng Trung văn sao quyển IV tờ 7-8 (Hiện đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, ký hiệu VHv 834/4), nguyên văn bằng chữ Hán như sau:

“Hương nhân tiền ư địa trung đắc nhất trạch tượng tự Quan Thế Âm Bồ tát, sổ bách nhân bất năng cử nhân vu kỳ địa kiến từ tự chi, nẫm trứ linh ứng, mông tặng Dương Phu nhân. Thị niên dư xuất thú Nam Định chi Xuân Trường.

Tổ hương Hiền Sĩ, tịch hương Bác Vọng Đông giáp, ngụ hương Thanh Lương, nội hương Lựu Bảo Phật tự thần từ, phàm nhập Hải Vân Sơn Cao các từ, Hoành Sơn cước nam Cao các từ, Quảng Nam Minh Hương Định ấp, Ngũ Hành Tiên Hương từ, Đặng quý từ đường dữ thử từ giai hữu cung tiến mộc đối liên chu tất kim tương. Kim nhật cứu bất năng tường ký, độc thử liên Bùi Quang Thuần ký tụng cố lục chi, dư sĩ hậu lục:

Ngọc cốt bất trường mai, chí tuý chí tinh kim tự cổ

Kim thân thường phát hiện, đại hùng đại lực Phật nhi Tiên”.

Dịch: Cung tiến vào đền Linh Quang xã Mỹ Xuyên

Năm Tân Dậu (1861)

Miếu Linh Quang (hay còn gọi là Miếu Bà Tám Tay) (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cung cấp)

Trước đây, người trong xã tìm thấy ở dưới đất một pho tượng giống như tượng Phật Quan Thế Âm Bồ tát, mấy trăm người không đưa lên nổi, nên lập đền ngay nơi đó để thờ, bao lâu nay nổi tiếng linh thiêng, được phong tặng Dương Phu nhân. Năm đó tôi ra làm Tri phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định.

Ở các nơi: tổ hương là Hiền Sĩ, tịch hương là Giáp Đông xã Bác Vọng, ngụ hương là Thanh Lương, nội hương (quê vợ) là Lựu Bảo và mỗi khi đến các đền chùa thờ thần, Phật như đền Cao các núi Hải Vân, đền Cao các phía Nam chân núi Hoành Sơn, ấp Hương Định xã Minh Hương (Quảng Nam), đền thờ Tiên Nương núi Ngũ Hành, cũng như từ đường chi Quý họ Đặng đều có cung tiến câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng, đến nay đã lâu ngày không nhớ rõ. Chỉ có câu này do Bùi Quang Thuần còn nhớ được, đọc lại nên chép vào đây. Các câu khác đợi sẽ chép sau:

Cốt ngọc chẳng vùi lâu, chí tuý chí tinh kim tự cổ

Mình vàng nay phát hiện, đại hùng đại lực Phật mà Tiên ([2]).

Nguyên ngày trước, người ta tìm thấy pho tượng này tại khu vực miếu Cồn Két ở làng Mỹ Xuyên. Vì tượng trông giống như Phật Bà Quan Âm, nên dân làng tổ chức đưa tượng đến thờ tại chùa. Trên đường gánh pho tượng đến chùa thì giữa chừng bị đứt dây. Dân làng tin rằng “Bà” muốn tọa ở đó nên lập đền thờ. Trước đây đền thờ này khá lớn, nhưng sau do thiên tai và chiến tranh nên bị hư hỏng. Do không đủ sức để xây dựng đền như ngày xưa nên dân làng chỉ xây dựng miếu thờ bằng bê tông. Nhân dân ở đây cho biết đền thờ Bà Tám tay rất linh thiêng. Hiện nay, làng vẫn cử người hương khói thường xuyên trong các ngày sóc vọng (ngày rằm và mồng một âm lịch) và tổ chức lễ tế vào ngày rằm tháng bảy hàng năm.

Câu đối bằng gỗ do Đặng Huy Trứ cung tiến ở đền trước đây còn một vế: “Ngọc cốt bất trường mai, chí tuý chí tinh kim tự cổ” với dòng lạc khoản đề: “Đinh Mùi khoa Giải nguyên lĩnh Hàn Lâm viện thừa chỉ sung nội các Thượng bảo sở hành tẩu Đặng Huy Trứ bái”, nhưng cơn lũ lịch sử năm 1999 đã cuốn trôi vế đối này. Hiện nay nhân dân ở đây đã phục chế nguyên vẹn hai vế của câu đối để thờ.

Trong di cảo của Đặng Huy Trứ (tập Văn sao Q IV, tờ 4) vẫn còn chép một câu đối khác ở đền này với nội dung như sau:

“Sắc phong trung đẳng thần linh ứng trực siêu trung dĩ thượng,

Nhân truyền cổ tích Phật từ bi quảng độ cổ nhi kim”.

Như vậy, qua câu đối của danh nhân Đặng Huy Trứ, chúng ta biết được đền này đã được sắc phong từ triều vua Tự Đức hoặc trước đó.

Giá trị nghệ thuật:

Ngày nay, miếu Linh Quang còn lưu lại lại nội dung hai câu đối của danh nhân Đặng Huy Trứ, cùng với các di tích đã được công nhận xếp hạng, các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… trên địa bàn như: chùa Giác Lương, chiến khu Hòa Mỹ, phế tích đền tháp Chămpa Vân Trạch Hòa... việc di tích miếu Linh Quang được công nhận là di tích lịch sử cấp Tỉnh càng làm phong phú thêm các loại hình di tích trên địa bàn huyện Phong Điền và trở thành địa điểm du lịch tâm linh.

Bản đồ:
Các bài khác