Đến với quần thể di tích cố đô Huế, du khách gần xa sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây hoa sứ (còn gọi hoa sứ đại, hoa sứ trắng, sứ cùi). Đây là loài cây lâu năm thuộc họ trúc đào, thân cao khoảng 4 - 5 mét hoặc hơn, có nhánh mập, mủ trắng, lá mọc so le, phiến lá to, hình bầu dục hoặc xoan thuôn, không dài hoặc ít khi có lông ở mặt dưới.
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm: Ở Huế, Sứ cùi là loài truyền thống, xuất hiện sớm nhất, đã được đưa trồng ở các cung điện, đền đài, lăng tẩm từ thời Triều Nguyễn. Người Huế gọi Sứ cùi rất hình tượng, vì mỗi lần cây rụng lá đổi mùa, các cành cây hình trụ đầu tròn, hu hú vài chồi lá nhỏ trông tựa ngón tay của người mắc bệnh phong hủi (tiếng Huế là bệnh cùi). Cách gọi này cũng là một lối so sánh đối chứng, xem đây là một loài cây có hoa thơm như hoa Sứ (Michelia champaca) nhưng cành nhánh bị cùi hủi. Cách đặt tên kiểu này cũng tương tự như cách đặt tên của người Australia, họ gọi cây Sứ cùi là “dead man’s fingers tree” (cây ngón tay người chết).
Cây hoa sứ góp phần tô điểm cho diện mạo di tích Huế
Ở Huế, có những cây hoa sứ trên 100 năm tuổi. Trải qua bao biến cố của thời cuộc, những hàng hoa sứ trở thành những "chứng nhân lịch sử" và lặng lẽ điểm tô cho di sản Huế, bất chấp thử thách của thời gian.
Gốc cây hoa sứ xù xì tạo nên vẻ thâm nghiêm cho di tích
Mỗi một mùa, cây hoa sứ lại mang một vẻ đẹp riêng. Vào mùa đông và đầu xuân, cây hoa sứ rụng hết lá, chỉ còn lại thân cành màu xám trắng rất đẹp. soi bóng bên hồ nước cùng thành quách xưa, sứ đại cũng mang vẻ uy nghi, trầm mặc cùng thời gian. Cuối xuân, đầu hạ, sứ đâm chổi, nở hoa cũng một màu trắng ngát hương thơm, một mùi hương trang nhã, khó quên. Mùa thu, cây rợp một màu xanh mướt tạo nên cảnh quan cho thành phố Huế - thành phố xanh.
Nếu có dịp đến Huế, đừng quên ghi lại những hình ảnh đẹp cùng với cây hoa sứ như là một nét đẹp riêng có của mảnh đất Cố đô.