Trong nhịp sống ồn ào, hối hả của những tất bật, lo toan thường nhật, có một sự trở mình trong thinh không, rất nhẹ nhưng rực rỡ của một loài hoa. Đó là sự dùng dằng của một mùa xuân đang dần khép lại, sự hồ hởi của một mùa hè đang dần hiện hữu trước mắt. Thế rồi Hoa Gạo nở.
"Bầu trời" hoa Gạo tháng 3
Hoa Gạo còn có tên Mộc Miên, Pơ lang… không đậm hương nhưng đủ để kéo từng đàn chim về ríu ran, dẫn dụ ong về hút mật. Hoa Gạo khi nở không ồn ã nên lúc rụng xuống cũng trong sự lăng im, để lại nhiều nuối tiếc cho người qua, kẻ lại.
Theo Nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm: “Cây gạo là một loài cây gỗ trung bình, cao 15 – 20 m, có cành mọc ngang, toàn thân và cành đều có gai, mang những lá kép chân vịt 5 lá chét, rụng lá mùa khô, cây Gạo được chọn trồng ở công viên, đền chùa và một vài thắng cảnh có công trình văn hóa tâm linh… Nhiều bộ phận của cây, từ rễ, vỏ thân, đến hoa, lá đều được dùng để chữa nhiều bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tiết niệu, trĩ, bong gân, gãy xương, phù nề, sưng tấy…”.
Cây hoa Gạo ở khuôn viên UBND thành phố Huế
Hoa Gạo nở rộ tại khuôn viên Trung tâm CNTT tỉnh (06 Lê Lợi, Tp. Huế)
Hiện nay, ở Huế có khá nhiều cây hoa gạo, có thể kể đến cây gạo ở đường Lê Duẩn bên chân cầu Dã Viên, tại Thư viện tổng hợp tỉnh, cung An Định, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, khuôn viên UBND thành phố Huế và khuôn viên trường Đại học Nông Lâm Huế.
Vẫn giữ sắc màu khi rụng
Điểm đặt biệt của cây hoa gạo xứ Huế là được trồng ngay trong thành phố Huế thay vì những vùng ven, triền đê… vì vậy không biết tự bao giờ chụp hình với hoa Gạo tại Huế đã trở thành thông lệ. Với áo dài, nón lá, sắc thắm hoa Gạo như tô vẽ thêm cho phong cảnh hữu tình của mảnh đất Cố đô.
Nếu có dịp đến Huế vào độ tháng 3, đừng quên ghé một trong những địa điểm trên để lưu lại chút ký ức với mùa hoa Gạo bạn nhé!