menu_open
Chà là Canary của Huế đã có “truyền nhân nối dõi”
Xem cỡ chữ:
Cuối năm 2018, khi thấy chà là Canary được đưa về bùng binh ngã sáu, từ 4 chỉ còn lại 3 cây mà không biết trong số chúng có cây cái nào chăng, không khỏi lo giống chà là Canary ở Huế rồi sẽ thất truyền...

Bốn cây chà là Canary trăm năm tuổi lúc đứng trong khuôn viên Công ty Xăng dầu

Trong một vài bài viết trước đây, chúng tôi đã có dịp giới thiệu đến bạn đọc về 4 cây chà là quý hiếm của Huế. 4 cây chà là có tuổi đời cả trăm năm, nguyên thủy được trồng trong khuôn viên Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế, vị trí ở ngã sáu Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, ngay góc đường Hà Nội- Đống Đa, nay là chỗ tòa nhà Vincom.

Sau nhiều “nổi trôi” theo thời gian và sự lo lắng, dõi theo của giới yêu sinh vật cảnh, 4 cây chà là quý hiếm này nay chỉ còn lại 3 và đã được đưa về trồng tại bùng binh ngã sáu từ cuối năm 2018 trong sự hồi hộp của nhiều người. Hồi hộp là bởi vì, đây là những cây cổ thụ, được đào đi bứng về nhiều lần, lại suốt mấy năm “dầm chân” ở vùng đất thấp trũng, dễ đọng nước ở xứ Vỹ Dạ, không biết chúng còn đủ sức trụ được sau cuộc “thiên di” cuối cùng hay không. May sao, với sự cẩn trọng, chăm chút của anh chị em Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX), 3 cây chà là Canary ở ngã sáu đã bám rễ vươn cành, tạo một điểm nhấn quá đẹp ngay ở trung tâm thành phố. Dân Huế qua báo chí nhiều người đã biết đó là giống cây rất quý của quê mình, mỗi lần ngang qua ai cũng đưa mắt nhìn ngắm, thấy vui vui, thư thái trong lòng…


Và nay còn 3 cây đang tạo điểm nhấn tại trung tâm thành phố

Mà cái giống chà là Canary cũng lạ, cây có đực có cái, mà nghe bảo nếu trồng “một bề” nó chẳng chịu lên, phải có đực, có cái nó mới vui vẻ phát triển (?). Lúc còn đủ 4 cây nằm trong khuôn viên Công ty Xăng dầu, nghe đâu chỉ có 1 cây cái, 3 cây kia là đực. Tất nhiên, chỉ cây cái mới cho quả để từ đó có hạt mà nhân giống. Nẩy mầm khó khăn, đặc tính sinh trưởng lại rất chậm, cho nên suốt nhiều thập kỷ không thấy chủ nhân của chúng cũng như dân chơi cây cảnh quan tâm ươm trồng. Mãi đến sau này, Công ty Công viên Cây xanh Huế (sau này là Trung tâm Công viên Cây xanh Huế) mới để mắt, đặt vấn đề với Công ty Xăng dầu để xin giống về gieo ươm. Có dạo chơi thân một số anh em ở công ty, nghe kể gieo ươm giống cây này cũng lắm nhiêu khê, tỷ lệ nảy mầm đâu chỉ 10%, mang đi trồng thì chăm “đỏ con mắt” mới thấy cao lên được một tẹo. Hồi ấy, tôi định xin đi chụp cái ảnh thì “được” hẹn chờ cho chúng nên hình nên hài chút nữa. Nghĩ chuyện tế nhị, đôi lúc người ta chờ chắc ăn, chưa muốn đề cập vội bởi biết đâu “nói trước bước không qua”, hoặc không muốn người lạ xăm soi, sợ cây “xấu hổ” không chịu lớn sao đó, nên tôi cũng thôi…

Bẵng đi rất lâu, những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tôi tranh thủ xách máy ảnh chạy một vòng quanh thành phố để ghi lại vài bức ảnh sau này làm tư liệu. Trời xui đất khiến thế nào lại lạc bước vào khu công viên bên đường Lê Duẩn, ý định ban đầu là xem cái bờ kè hào Hộ Thành sau trùng tu nó hình hài ra sao. Bất chợt, đập vào mắt là mấy cái cây dáng mọc theo kiểu họ cọ non tơ, mơn mởn. Nhưng nhìn kỹ cuống lá, thân cây, trời đất, hình như là chà là Canary. Chợt nhớ, đây là khuôn viên vườn sinh vật cảnh của Trung tâm CVCX, nơi mà tôi từng nghe là điểm được chọn để ươm trồng số chà là lấy giống từ Công ty Xăng dầu. Vậy thì đúng là các em ấy đây rồi. Gọi hỏi người quen ở Trung tâm CVCX thì quả đúng vậy. Có tất thảy 12 cây, đều đã hai mấy ba mươi năm tuổi cả. Cây cao nhất có thân chừng 1,5m, những cuống lá rời đi đã để lại trên vỏ cây các khối vảy hình kim cương xếp liên tục với nhau, đẹp và rất đặc trưng; Cây nhỏ thì thân mới cao chừng vài tấc, nhưng tán lá thì cây nào cùng đều mướt xanh, sum suê đầy sức sống.


Những cây chà là non tơ trong công viên vườn sinh vật cảnh

Vậy là gia tộc chà là Canary của Huế đã có truyền nhân nối dõi. Tôi thở phào, bởi trước đây, khi thấy chà là Canary được đưa về bùng binh ngã sáu, từ 4 chỉ còn lại 3 cây và không biết trong số đó có cây cái không, hay chỉ mỗi 3 chàng đực rựa, cứ lo với quy luật “thành trụ hoại không”, giống chà là Canary ở Huế rồi sẽ thất truyền. Bây giờ thì mối âu lo ấy đã được cất bỏ, với tôi, đó là niềm vui thật lớn, thật xanh và thật an yên giữa mùa COVID…

Chà là Canary có nguồn gốc ở quần đảo Canary, thuộc vùng biển tây bắc châu Phi; tên khoa học là Phoenix canariensis Hort. ex Chabaud., thuộc họ cau (Arecaceae). Cây thân gỗ dạng cột, chiều cao có thể đạt tới 20m, đường kính thân tới trên 0,6m, vỏ thân được bao bọc bởi những vết hình vảy lớn do cuống lá sau khi rụng để lại trông tựa những viên kim cương, đẹp và rất độc đáo.

Bài, ảnh: Diên Thống