menu_open
Đình Thanh Lương
Xem cỡ chữ:
Ngày 03/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 704/QĐ-UBND phê duyệt xếp hạng đình Thanh Lương (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) là di tích lịch sử cấp Tỉnh.
Địa chỉ: phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Được công nhận di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2023

Giới thiệu:

Làng Thanh Lương được hình thành vào khoảng từ cuối thế kỷ XIV và đến đầu thế kỷ XV. Đầu tiên Làng được đặt tên là làng Thanh Kệ, cho đến khi chúa Nguyễn về lập phủ chúa ở làng Phước Yên thì được đổi tên là làng Thanh Lương.

Cũng giống như các đình làng khác của Việt Nam, Đình Thanh Lương được xem là công trình quan trọng bậc nhất của người dân Thanh Lương (Hương Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Đây là ngôi đình cổ kính, trang nghiêm với không gian làng quê xưa có cây xanh cổ thụ rợp mát, phía trước với dòng sông uốn lượn, tạo nên một bãi đất bồi trồng cây xanh ngát. Việc tổ chức lễ tế ở đình Thanh Lương không chỉ để tưởng niệm công đức, tri ân các vị tiền bối, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, mà còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Đây là nơi người dân thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục cho con cháu; tạo mối hòa hợp ngày càng gắn bó giữa các tộc phái trong làng; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, giữ gìn thuần phong mỹ tục, phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tốt đẹp bền vững hơn.

Lịch sử hình thành:

Đình Thanh Lương được khởi dựng vào năm 1721. Với sự cẩn trọng trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, ngôi đình không chỉ thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội, mà nó còn đáp ứng các điều kiện cần thiết dưới góc nhìn địa lý phong thuỷ. 

Nét đặc trưng:

Đình làng Thanh Lương là nơi tổ chức lễ Thu tế vào hai ngày 11 và 12 tháng 7 âm lịch hằng năm của Làng nhằm tưởng nhớ, tri ân các vị thần khai canh lập làng. Đến nay, trải qua bao thế hệ, Lễ thu tế làng Thanh Lương vẫn được duy trì, 18 đời các họ tộc kế tiếp nhau bảo tồn nghi lễ.

Kiến trúc:

Đình Thanh Lương có kiểu thức đình dọc 5 gian, mang dáng dấp của một ngôi đình cổ xứ Huế với đầy đủ các đơn nguyên kiến trúc. Đình làng Thanh Lương gồm các công trình: Trụ biểu, la thành, bình phong, sân đình, tiền đường và nội đình:Thông qua kiến trúc và hoạt động thực hành tín ngưỡng, diễn tiến lịch sử của vùng đất phần nào được phác họa. Hệ thống các sắc phong, địa bạ, hương ước… là một nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương nói riêng và lịch sử của cả nước nói chung. 

Đình Thanh Lương (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cung cấp)

Giá trị nghệ thuật:

Hơn 300 năm tồn tại, đình Thanh Lương được xem là một công trình kiến trúc dân gian cổ kính, là biểu tượng văn hóa, là nơi hội tụ và phản chiếu thế giới quan và những giá trị văn hóa cổ truyền của người dân Thanh Lương.

Với sự bảo tồn, giữ gìn tương đối nguyên vẹn, di tích này đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình làng ở Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Gợi ý liên quan:

Đến với Làng Thanh Lương còn có Nhà thờ Đặng Huy Trứ (một nhà cải cách Việt Nam thời cận đại, được biết đến là Ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam và là người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu phương Tây du nhập vào Việt Nam), được xây dựng năm 1930. Nhà thờ kết cấu theo lối nhà rường truyền thống, hình vuông gồm một gian hai chái, mái lợp ngói liệt, cửa bản khoa. Toàn bộ khung nhà làm bằng gỗ mít, các xuyên, trến, đầu kèo chạm trổ hoa lá, gờ nổi chạy dài. Phần mộ Đặng Huy Trứ được đặt tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền trên một gò đồi cạnh sông Bồ. Di tích Lăng mộ và Nhà thờ Đặng Huy Trứ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 2307QĐ/VH ngày 30-12-1991.

Bản đồ:

Các bài khác
    << < 1 2 > >>