menu_open
Đình làng Bao Vinh
Xem cỡ chữ:
Đình làng Bao Vinh (Đình Bao Vinh) thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử theo Quyết định số 3316/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 16/12/2021.
Địa chỉ: Tổ dân phố Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế
Tình trạng: Được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2021
Giới thiệu:

Đình Bao Vinh tọa lạc trong khuôn viên 874,3m2, thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một công trình tín ngưỡng dân gian trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; là nơi cố kết cộng đồng dân cư, các họ tộc của làng, đình Bao Vinh là nơi thờ tự các bậc hiền tiền khai canh, khai khẩn và các họ tộc Phạm, Ngô, Lê và họ Nguyễn nối tiếp nhau có công khai phá lập làng.

Ngày 16/12/2021, Đình Bao Vinh được công nhận là di tích lịch sử theo Quyết định số 3316/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lịch sử hình thành:

Cùng với quá trình Nam tiến của cư dân người Việt là sự ra đời của các làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có làng Bao Vinh là một trong những làng xã ra đời khá sớm. Theo “Ô châu cận lục” của tác giả Dương Văn An (1553), làng Bao Vinh có tên Bao Lương. Dưới thời các chúa Nguyễn, làng Bao Vinh thuộc Tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, đến thời các vua Nguyễn làng Bao Vinh thuộc Tổng Vĩnh Trị, huyện Hương Trà, nay là thị xã Hương Trà.

Sự hình thành của đình Bao Vinh cho đến nay vẫn chưa xác định mốc thời gian cụ thể. Tuy nhiên, căn cứ vào quá trình ra đời của làng Bao Vinh cũng như gia phả họ Phạm ở thôn Bao Vinh phường Hương Vinh cho biết đình Bao Vinh được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVI.

Nét đặc trưng:

Theo phong tục, tập quán của cư dân Việt ở vùng đất mới, đình được xây dựng ngay sau khi làng được thành lập, quy mô và vật liệu xây dựng qua mỗi giai đoạn lịch sử có khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của dân làng.

Ban đầu đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá, sau dần có điều kiện kinh tế thì dân làng đóng góp xây dựng bằng gỗ, tường gạch, mái lợp ngói liệt.

Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đình được trùng tu và sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên vị trí cũ. Lần trùng tu sửa chữa lớn nhất vào năm 1973 nâng toàn bộ vì, kèo, mái lên 0,5m, đến 1974 khánh thành và lần gần đây nhất là năm 2009 gồm các hạng mục như sơn quét vôi và lợp ngói liệt lại.

Hiện nay, tại đình Bao Vinh còn lưu giữ 4 sắc phong có từ thời vua Nguyễn. Trong đó có sắc phong “Thành Hoàng tôn thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân”, “chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi ơn phước nước nhà và tỏ bày điển lễ thờ tự”; đặc biệt còn “tặng thêm là Tĩnh Hậu Trung đẳng thần” cho ngài Thành hoàng dưới thời Khải Định vào năm thứ 9 (1924) đã có công khai canh lập làng và sắc ngài Cao Các.

Kiến trúc:

Đình Bao Vinh tọa lạc trong khuôn viên 874,3m2, thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đình làng Bao Vinh hiện nay vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn nét kiến trúc xưa

Về kiến trúc đình qua các lần trùng tu vẫn giữ được nét cổ kính, gồm 3 gian hai chái, kết cấu kèo cột được làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Bên trong được thiết 5 án thờ.

Phía hữu vu có miếu thờ ngài khai canh Phạm Công Toại và miếu thờ ngài Cao Các đại vương.

Theo lời kể của các bậc cao niên, dân làng Bao Vinh thường đến dâng hương ở miếu ngài Cao Các để cầu mua may bán đắt.

Giá trị nghệ thuật:

Đình Bao Vinh có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Đình là nơi lưu giữ giá trị văn hóa vật thể với kiến trúc truyền thống của người Việt thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian.

Đặc biệt hiện nay, tại đình còn lưu giữ nhiều nguồn tư liệu chữ Hán, như: những bức hoành phi, câu đối, sắc phong… đây là tư liệu quan trọng của dân làng, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương nói riêng và của cộng đồng người Việt nói chung. Đây cũng là một trong những thiết chế văn hoá làng xã còn được lưu giữ, duy trì và phát huy tốt trong đời sống hiện tại của nhân dân địa phương thông qua những sinh hoạt lễ hội tại đình làng, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, ý thức dân tộc để đoàn kết, gắn bó cộng đồng trách nhiệm, ý thức bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa cha ông.

Đình Bao Vinh được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2021

Cùng với giá trị vật thể, đình còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể. Mặc dù có ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tác động, nhưng khu vực đình vẫn còn giữ được nét cơ bản của cư dân nông nghiệp trong các lễ cúng hằng năm để nhân dân trong làng nhớ ơn những bậc tiền nhân đã có công lập làng, giữ nước…

Hằng năm vào tiết Xuân tế (ngày 16/02 Âm lịch) và tiết Thu tế (ngày 16/7 Âm lịch), dân làng Bao Vinh tổ chức tế lễ tại đình để cầu mưa thuận gió hòa. Lễ lớn nhất diễn ra tại đình vào ngày 7/12 Âm lịch là ngày giỗ ngài khai canh Phạm Công Toại, toàn bộ nhân dân thôn Bao Vinh tề tựu đông đủ tế lễ để tỏ lòng thành kính đến tổ tiên và tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai phá làng xã.

Đây không chỉ là nơi để gửi gắm những mong ước tâm linh của dân làng hướng về cội nguồn và cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất mới; nơi gắn kết quá khứ với hiện tại, tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết của con dân trong làng với cộng đồng xã hội của làng quê truyền thống. Những lễ hội được tổ chức hàng năm ở đình, cùng những hoạt động sinh hoạt tập thể khác mang đậm nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, của người dân địa phương. Đây là nơi bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa để giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Hướng dẫn trải nghiệm:

Mỗi khi có dịp đến thành phố Huế, ghé thăm Phố cổ Bao Vinh - nơi từng là thương cảng tấp nập ở Đàng Trong khoảng 200 năm về trước, hãy nhớ ghé thăm Đình làng Bao Vinh nằm ngay con dốc trước khi vào làng, bạn sẽ nhận ra ngay bởi ngôi đình có hai cây đa sừng sững uy nghiêm. Những ai hoài cổ sẽ cảm nhận nơi đây thật gần gũi, thân quen bởi họ có thể tìm thấy tất cả những gì trong ký ức xa xăm của mình tưởng như đã lãng quên, một mái đình làng cổ với cây đa tỏa bóng sân đình, lớp rêu phong phủ xanh những mái ngói, tấm bình phong phai màu theo thời gian, chiếc lư đốt vàng mã phảng phất dư âm mùi tro tàn, tất cả đều hiện hữu ở đó, vượt qua cả một khoảng không gian vô hình và thời gian vô định.

Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác