menu_open
Văn Thánh Miếu
Xem cỡ chữ:
Văn Thánh Miếu xứ Huế - Top 5 văn miếu cổ đánh dấu nền học vấn lâu đời ở Việt Nam
Địa chỉ: Đường Văn Thánh, Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế
Giới thiệu:

Văn miếu là nơi lưu giữ truyền thống văn hóa, giáo dục của một thời kỳ. Việc lập Văn miếu, dựng bia Tiến sĩ nhằm đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Là thủ phủ của triều đình nhà Nguyễn (triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam) hơn 1 thế kỷ, Cố đô Huế ngày nay là nơi lưu giữ vô vàn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà theo thời gian, những tầng giá trị văn hóa càng được khai mở và công nhận. Thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hoá Thế giới, Văn Thánh Huế là một di tích có vị trí đặc biệt quan trọng, thể hiện tinh thần coi trọng học vấn và nhân tài dưới thời nhà Nguyễn.

Trong hành trình tìm kiếm những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, sau những so sánh, đối chiếu, bình chọn của các đơn vị du lịch, cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam, du khách trong cả nước, năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận Văn Thánh Miếu ở Huế là một trong 5 Văn miếu cổ đánh dấu nền học vấn lâu đời ở Việt Nam.

Lịch sử hình thành:

Khi các chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam, Văn Miếu được thiết lập ở Phú Xuân, tại làng Triều Sơn và được xem như Văn Miếu riêng của Đàng Trong, nhưng không rõ thời điểm xây dựng. Đến năm Canh Dần (1770) dưới triều của Định Vương Nguyễn Phúc Khoát, Văn Miếu được dời đến xã Long Hồ. 

Năm 1808, dưới triều vua Gia Long, nhà vua cùng triều đình đã quyết định chọn một quả đồi gần chùa Thiên Mụ, sát tả ngạn sông Hương để xây Văn Miếu (vị trí Văn Thánh Miếu hiện nay) và mở trường Quốc Tử Giám. Công việc xây dựng Văn Miếu được khởi công ngày 17/4/1808 đến ngày 12/9/1808 thì hoàn thành. Ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ (miếu thờ cha, mẹ Khổng Tử).

Cũng là Văn Miếu, nhưng ở Huế thì Văn Miếu được gọi là Văn Thánh Miếu, ngôi miếu thờ vị Thánh về Văn, người được hậu thế tôn vinh là “Vạn Thế Sư Biểu”, (Người thầy của muôn đời).


​Bia đá tại Văn Thánh Miếu - Huế (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh) 

Kiến trúc:

Mặt tiền Văn Thánh Miếu quay mặt về hướng nam, nhìn ra dòng sông Hương thơ mộng. Toàn bộ khuôn viên Văn Thánh Miếu hình vuông cạnh là 160m, xung quanh có la thành bao bọc. Bên trong có chừng 50 công trình kiến trúc lớn, nhỏ. Điện thờ chính trong Văn Thánh Miếu là đức Khổng Tử và Tứ Phối, thập nhị triết. Đông vu và Tây vu thờ thập nhị Hiền và các tiên nhỏ; Trần Trù; Trần Khố; Nhà Tổ Công... các công trình đều được kết cấu mái bằng gỗ quý. Kiến trúc và các đồ tự khí đều mang tính đăng đối, uy nghi.

Cổng Linh Tinh Môn (Văn Thánh Huế) hướng mặt ra dòng sông Hương

Phía ngoài cổng Đại thành là hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng 1919 được khắc tên họ, năm sinh, quê quán vào bia. Tất cả 32 bia đều có rùa đội bia và bằng đá cẩm thạch. Bia tiến sĩ ở đây không to lớn bằng bia ở Văn Miếu tại Hà Nội nhưng đều đặn hơn, dạng thức và trang trí sinh động hơn.

Kiến trúc đăng đối của di tích Văn Thánh Miếu (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Trước sân miếu có 2 nhà bia, bên phải có tấm bia khắc bài văn bia của vua Minh Mạng (dựng vào ngày 17/3/1836) với nội dung: "Thánh tổ Nhân Hoàng Đế Dụ: Cung giám bất đắc liệt tấn thân” dụ về việc: Thái giám không được liệt vào hạng quan lại; Bên trái là bài dụ của vua Thiệu Trị (dựng ngày 02/12/1844) với nội dung “Hiến tổ chương Hoàng Đế dụ: Ngoại thích bất đắc thân chính” nghĩa là: Bà con bên ngoại của vua không được tham gia chính quyền.

Bên cạnh Đại Thành Môn và 32 bia đá tiến sĩ thì một công trình kiến trúc vẫn còn sót lại cho đến ngày này chính là Linh Tinh Môn. Cửa Linh Tinh Môn hướng ra dòng sông Hương thơ mộng, được thiết kế bao gồm 4 trụ xây bằng gạch, phía bên trên được trang trí pháp lam vô cùng nổi bật và tinh xảo. Ở giữa có tấm biển, phần mặt trước được đề bốn chữ Hán “Đạo Tại Lưỡng Gian” (có nghĩa là đạo giữa trời đất), còn phần mặt sau đề bốn chữ đối ứng “Trác Việt Thiên Cổ” (có nghĩa là vượt cao ngàn xưa).

Văn Thánh Miếu Huế dưới triều nhà Nguyễn được coi là Văn Miếu riêng của xứ Đàng Trong. Dưới thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị, Văn Thánh Miếu được nhiều lần tu sửa, đã phần nào phản ánh được thời kỳ thịnh trị của Nho giáo đối với nhà nước phong kiến tại Việt Nam cũng như thể hiện sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Tuy không nổi tiếng như Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhưng Văn Thánh Miếu có một vị trí vô cùng quan trọng trong Quần thể di tích cố đô Huế. Văn Thánh Miếu Huế là minh chứng cho sự coi trọng tri thức và khuyến khích tinh thần học tập của cha ông xưa. Ngày nay, với việc được công nhận là một trong 5 Văn miếu cổ đánh dấu nền học vấn lâu đời ở Việt Nam, Văn Thánh Miếu Huế không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu và check in của các bạn trẻ yêu thích du lịch trong và ngoài nước. 

Bản đồ: