menu_open
Làng nghề Gốm Phước Tích
14/08/2023 6:46:02 CH
Xem cỡ chữ:
Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 500 năm, Làng nghề gốm Phước Tích đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 717/QĐ-UBND ngày 14/4/2014.
Địa chỉ: Thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2014

Giới thiệu:

Được bao bọc và bồi đắp nên sự trù phú bởi con sông Ô Lâu hiền hòa, Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) - ngôi làng cổ thứ 2 của Việt Nam được Nhà nước công nhận Di tích quốc gia (sau Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) vì vẫn còn giữ gìn gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê Việt với phong cảnh hữu tình, yên ả, với cây đa, bến nước, sân đình… cùng những nét đặc trưng, độc đáo của làng quê xứ Huế với hệ thống nhà rường cổ dày đặc và một làng nghề truyền thống nức danh thiên hạ: Gốm Phước Tích - "gốm tiến vua".

Ngày nay, Làng nghề Làng Gốm Phước Tích đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 717/QĐ-UBND ngày 14/4/2014. 

Lịch sử hình thành:

Theo lịch sử, làng cổ Phước Tích được khởi dựng từ khoảng những năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Lịch sử 500 năm của ngôi làng Phước Tích - tên gọi được chính vua Gia Long đặt tên cũng chính là bấy nhiêu thời gian Làng nghề gốm Phước Tích được hình thành vào phát triển, trở thành sản phẩm đặc trưng của Làng, trở thành sản phẩm tiến vua một thời.

Đầu làng là cây thị đã hơn 500 tuổi, và miếu thờ Khổng Tử. Cuối làng có miếu Đôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần Hoàng của làng, và thờ ông tổ khai sinh nghề gốm.

Thời trước, cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung, cho ra những sản phẩm gốm bền bỉ và bắt mắt. Sau đó được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu (12 bến nước) đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... và lan tỏa khắp cả nước.

Suốt mấy trăm năm tồn tại, nghề gốm đã gắn kết chặt chẽ với cư dân trong làng và trở thành thương hiệu vang tiếng. Nhưng khoảng 1989, nghề gốm ở làng Phước Tích bắt đầu xuống dốc, và đến 1995 thì lò gốm cuối cùng cũng tắt lửa.

Những năm gầy đây, trong các kỳ Festival Huế từ năm 2006 đến nay, làng nghề truyền thống gốm Phước Tích được giới thiệu thông qua các hoạt động triển lãm gốm truyền thống và lễ hội “Hương xưa làng cổ Phước Tích” đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Nhờ đó, sau hai mươi năm tắt lửa lụi nghề, ngày nay làng nghề gốm Phước Tích đã được hồi sinh và trở thành một sản phẩm du lịch, cũng là một dịch vụ trải nghiệm cho du khách gần xa khi đến với Điểm du lịch Làng cổ Phước Tích.

Nét đặc trưng:

Dấu ấn còn sót lại của nghề gốm nức tiếng ở Phước Tích là 12 cửa lò, 12 bến nước trong làng. Gốm Phước Tích xưa kia đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng khắp các vùng trong nước để trở thành lựa chọn duy nhất trong Hoàng cung.

Gốm Phước Tích được làm từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống. Gốm Phước Tích được nung rất kỹ, lò đắp kiên cố nhiệt cao, lửa lúc nào cũng đượm hồng, nhờ thế mà sản phẩm không nứt, không giòn, giữ nhiệt, giữ hương vị. Các sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, có màu sắc khác nhau. Hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được chạm trổ tinh tế và rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ sản phẩm gốm nào khác. Các sản phẩm sau khi nung mặc dù không tráng men nhưng vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thẩm thấu.

Nhờ những nghệ nhân gốm tài ba và rất sáng tạo, Gốm Phước Tích mang đậm dấu ấn riêng. Nhờ đó mà 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu lúc nào cũng đầy ắp ghe xuôi ngược chở gốm đi khắp các vùng. Ghe xuôi về xứ Quảng, ghe ngược về miền Thanh Nghệ Tĩnh, ghe về dưới Huế chở gốm vào Hoàng cung...

Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa đã đi vào ca dao "Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế / Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân". Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè… Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.

Hướng dẫn trải nghiệm:

Ngày nay, khi đến với làng cổ Phước Tích, du khách có thể lựa chọn cho mình chuyến tham quan nhà rường, thưởng thức các món ngon dân dã địa phương, thăm các di tích văn hóa lịch sử như Lò Gốm cổ, di tích văn hóa Chăm, hay du lịch Homestay, đi thuyền trên sông... Đặc biêt, được tự tay trải nghiệm làm gốm cùng với các nghệ nhân gốm Phước Tích nơi đây là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua. 

Video Youtube:

Ảnh: Bảo Minh - Tiêu Dao - Thanh Toàn
Video: TRT
Khám phá Huế tổng hợp