menu_open
Toàn cảnh Lễ dựng nêu trong Hoàng Cung Huế
11/02/2015 3:31:19 CH
Xem cỡ chữ:
Sáng ngày 11/02/2015 (nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ), nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ thướng tiêu (dựng cây nêu).

Đây là một sinh hoạt có tính điểm nhấn, đồng thời tạo ra không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán, tái hiện một nghi lễ xưa hàm chứa nhiều giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng.


Lễ dựng nêu (hay Thướng tiêu) tức dựng cây nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Chữ Tiêu (標) trong Thướng tiêu (上標) có nghĩa là “ngọn cây” nơi cao nhất dễ nhìn thấy. Vì ở cao nên biến nghĩa “nêu lên” cho mọi người nhìn thấy rõ nên về sau có nghĩa là “nhãn hiệu” (Từ ngữ tiếng Hán Việt như Tiêu đề, Chỉ tiêu đều mang ý nghĩa “nêu lên, đưa lên cao”.

Trước ngày Tết người ta làm lễ Thướng tiêu tức lễ “lên nêu” để đánh dấu cho biết ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.

Các ấn tín buộc vào ngọn nêu trước giờ xuất phát tại cửa Hiển Nhơn - Đại Nội Huế

Lễ rước nêu được tiến hành từ cửa Hiển Nhơn


Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế cho biết: “Tục dựng nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều các nước Á Đông. Tuy nhiên đối với người Việt Nam, sự ảnh hưởng này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc và tồn tại trong hàng ngàn năm nay. Đối với các triều đại quân chủ ở Việt Nam, tục dựng nêu đã được đưa vào Hoàng cung và được sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình, đặc biệt là dưới triều Nguyễn. Trong suốt 143 năm tồn tại của triều Nguyễn, tục dựng nêu đã được duy trì hằng năm”.


Trên cơ sở tiếp nối những truyền thống văn hóa đẹp đẽ của cha ông, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phục dựng lễ dựng nêu tại Hoàng cung ở 2 điểm là Thế Tổ Miếu (Đại Nội) và Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).


Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tiến hành rất trang trọng.

10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề.

Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến cửa chính của khu vực Thế Tổ Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu.

Đoàn rước nêu nhận được sự quan tâm nhiệt tình của các vị khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài

Đoàn rước đi vào Thế Tổ Miếu

Tại Thế Tổ Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn.

Nghi thức thướng nêu (tức là dựng nêu) được cử hành nghiêm trang.

Toàn cảnh lễ dựng nêu tại Thế Tổ Miếu

Du khách thích thú ghi lại hình ảnh Lễ dựng nêu

Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc.

Ấn tín và dòng chữ Hán được viết lên tấm vải đỏ với ý nghĩ cầu mong quốc thái, dân an lần lượt được treo lên ngọn nêu

Sau phần lễ, 10 lính vác nêu đã tiến hành dựng nêu lên.

Thời tiết rất đẹp nên lễ dựng nêu được tiến hành suôn sẻ, chỉ diễn ra trong vòng 1 tiếng đồng hồ.


Ngay sau khi tổ chức tại Thế Tổ Miếu, lễ dựng nêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi tiết tương tự. Bên cạnh đó, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Du khách và người dân đến với di tích Cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.

Cây nêu được dựng lên tung bay trong chút nắng đầu xuân


"Nét đặc biệt của lễ dựng nêu tại Hoàng Cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc và với các nghi thức rất trang trọng. Ngoài ra, cây nêu cũng được lựa chọn rất công phu, và đầu ngọn nêu bao giờ cũng có treo ấn, tín, văn phòng tư bảo – biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi (từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng). Dưới triều Nguyễn, khi thấy trong cung dựng cây nêu thì toàn thể nhân dân cũng theo đó dựng nêu đồng loạt và bắt đầu nghỉ ngơi đón Tết" - Ông Phan Thanh Hải cho biết thêm.


Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay đã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt, gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày xuân dựng nêu để mong muốn những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới. Hình ảnh cây nêu vươn mình đón nắng xuân biểu thị cho sức sống xuân đang trỗi dậy trong mỗi người dân Việt. Đó là những ý nghĩa tốt đẹp mà tư xa xưa, ông cha đã truyền lại cho thế hệ con cháu hôm nay. Chính vì vậy, tại nhiều làng quê của Thừa Thiên – Huế trong những những ngày giáp Tết, nhiều họ tộc đã tổ chức dựng nêu trước đình làng, trước sự chứng kiến của đông đảo con cháu trong làng. Nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng.


Lễ dựng nêu là một truyền thống rất lâu đời của người Việt Nam, những ngày đầu xuân mới điển lễ này thật sự đã tạo nên không khí vui tươi vào dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ phổ biến ở cố đô Huế, khắp mọi miền đất nước ngày nay vẫn còn duy trì tục lệ này, đó thật sự là một đẹp trong truyền thống tâm thức người Việt.