menu_open
Vua Khải Định trong bối cảnh văn hóa cung đình Huế cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
11/01/2024 3:52:09 CH
Xem cỡ chữ:
Chân dung Hoàng đế Khải Định. Ảnh: wikipedia
Vua Khải Định là người chủ động đặt ra việc chọn một ngày lễ Kỷ niệm cho Việt Nam trên cơ sở tham khảo hình thức ngày quốc khánh của Pháp.
Chân dung Hoàng đế Khải Định. Ảnh: wikipedia

Lời mở đầu

Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, sự du nhập của nền văn minh phương Tây theo bước chân của đội quân viễn chinh và giới trí thức Pháp trong bộ máy dân sự của chính phủ bảo hộ đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hệ tư tưởng quân chủ đã tồn tại ở Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ, làm lung lay đến tận gốc rễ vị trí độc tôn của hoàng đế triều Nguyễn ở cương vị “Thiên tử” (con trời). Sự tác động ấy đã diễn ra dưới 2 chiều hướng: áp đặt từ yêu cầu của chính quyền thực dân và tự thay đổi trong chính sách của triều đình Huế để thích ứng với yêu cầu của bối cảnh mới. Chế độ quân chủ Nho giáo truyền thống ở Việt Nam đã trở nên yếu kém không thể giúp bảo vệ và phát triển đất nước thoát khỏi cuộc xâm lược của thực dân Pháp, xóa bỏ sự trì trệ, lạc hậu về kinh tế, xã hội để bắt nhịp với những thay đổi chóng mặt của nền kinh tế hàng hóa thế giới đang bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Sự thiết lập bộ máy thống trị của chính quyền bảo hộ Pháp trên toàn cõi Đông Dương đã mở đầu cho giai đoạn tiếp thu, hội nhập về văn hóa trong xã hội Việt Nam - đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt, đặc biệt là văn hóa cung đình Huế. Một số hoạt động văn hóa truyền thống đã từng tồn tại hàng trăm năm như một hình thức thể hiện bản sắc dân tộc đã bị tác động, thay đổi và thậm chí bị hủy bỏ. Những hình thức ràng buộc quan hệ xã hội theo kỷ cương của Nho giáo trở nên lỏng lẻo. Ý thức về tính chính thống của thời quân chủ liên quan đến vai trò, quyền lực và ý chí tối cao của hoàng đế, sự bình đẳng về giới hay nhận thức về di sản văn hóa cũng bị tác động bởi những tư tưởng mới.

Chân dung Hoàng đế Khải Định khi công du ở Pháp năm 1922. Ảnh: wikipedia

Trong bối cảnh ấy, các vua triều Nguyễn giai đoạn thoái trào, đặc biệt là vua Khải Định, đã tự tìm ra cách thích ứng cho mình để tồn tại, dung hợp và định hình nên một hình thái văn hóa cung đình kiểu mới với sự kết hợp, giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây trong các hoạt động của triều đình, trong sinh hoạt đời thường, trong lễ nghi hay tập quán ăn uống, thể hiện đậm nét qua các sưu tập cổ vật và các công trình kiến trúc hiện vẫn còn khá nguyên vẹn ở Huế.

Văn hóa cung đình Huế cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX: từ những thay đổi trong tư tưởng, nhận thức đến đào tạo con người

Giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh chính phủ bảo hộ Pháp đã nắm giữ thực quyền trên toàn cõi Việt Nam, các vua Nguyễn phải chịu sự điều khiển của người Pháp, vị thế “Thiên tử” đã bị lay chuyển đến tận gốc rễ. Lý luận về quyền lực của người được trao “Thiên mệnh” để giáo hóa dân chúng: “Cái quân quyền là cái bảo vật, cái thần khí, quan hệ đến vận mệnh của một xã hội, một dân tộc... Vậy muốn cho chính cái danh hiệu của người giữ quân quyền, Khổng giáo mới cho là quân quyền do ở mệnh Trời mà ra1, đã không còn đủ sức để thuyết phục dân chúng về quyền uy của đế vương. Con đường công danh khoa bảng không còn là con đường duy nhất để các sĩ tử, đặc biệt là thế hệ trẻ cố công theo đuổi. Vì thế, việc lấy đỗ kỳ ân khoa thi Hương trường Thừa Thiên năm 1887 có số thí sinh sút giảm so với các năm trước nên triều đình phải “gia ân lấy thêm trên dưới 10 người nữa2.

Trong hoàn cảnh ấy, bản thân người làm vua cũng hoang mang về vai trò của Trời, về những vấn đề tưởng như đã trở thành chân lý (theo Nho giáo) và về “mệnh Trời”. Điều này phản ánh qua những câu hỏi được vua Khải Định đặt ra trong đề thi sách vấn cho các Cống sĩ tại điện Cần Chánh vào năm 1916: “Mạnh Tử bảo “Trời cho người hiền” trời quả thực hồn nhiên tốt bụng mà đem cho như vậy sao? Đời nào thì bắt đầu xứng với ý của Thượng đế?... Thời hiện nay năm châu chia sẻ bởi hơn năm mươi quốc gia, nơi thì theo Đế chính, nơi thì theo Vương chính, nơi thì theo Dân chính, trong các nước ấy có mạnh có yếu, có hợp có phân, có trị có loạn, có hay có dở, đó là do sự đắc thất của chính trị tạo ra hay là bởi vận trời xui khiến nên như thế?3 Có lẽ đây là điềm dự báo cho những thay đổi cơ bản trong đường lối giáo dục của triều Nguyễn trong một thời gian ngắn sau đó, bãi bỏ lối học của Nho học truyền thống -bấy giờ được gọi là cựu học, để áp dụng và tiếp thu kiến thức từ nhiều ngành học mới về toán học, địa lý, triết học, ngôn ngữ học, v.v.

Đến năm 1919, vua Khải Định đã chính thức chấm dứt nền giáo dục Nho học ở Việt Nam sau hàng trăm năm tồn tại. Sự khủng hoảng ở tận gốc rễ về mặt tư tưởng và đường lối trị nước của triều đình thể hiện rõ trong đề thi Điện thí tại điện Cần Chánh vào năm 1919, kỳ thi cuối cùng của nền giáo dục Nho học chính thống do triều đình tổ chức với câu hỏi dành cho thí sinh: “Lối khoa trường của cựu học nay đã bãi bỏ, còn tân học thì cứ tốt nghiệp là được dùng, phép tuyển dụng người đã tận thiện hay chưa? Quốc sự phải tùy thời mà cải lương, quốc chính cũng tùy thời mà biến pháp... Chính sách lập hiến và quyền pháp phải nên như thế nào?...4.

Ngay tại kỳ thi Hội của năm này, chính sách lấy đỗ đã ưu tiên cho thí sinh nào thông thạo cả chữ Nho và chữ Pháp theo tôn chỉ “kén chọn nhân tài của nhà nước nay đã bắt đầu thực hiện cải lương5.

Sự thiết lập và vận hành bộ máy chính quyền bảo hộ ở Việt Nam không chỉ cần có một số lượng lớn công chức người Pháp mà còn đòi hỏi nguồn nhân sự địa phương để đảm bảo duy trì sự vận hành bộ máy một cách lâu dài. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu này, vấn đề tiên quyết là yêu cầu về ngôn ngữ, trình độ học vấn theo chuẩn phương Tây và chương trình giáo dục chú trọng thực hành. Những quy định, nghị định của chính quyền bảo hộ Pháp giai đoạn sơ khởi này đều là sự áp đặt, bắt buộc đối với dân chúng Việt Nam thời bấy giờ, đặc biệt là đối với tầng lớp nho sĩ, trí thức lâu nay chỉ quen lối học từ chương, điển tích theo những sách vở kinh điển của Nho giáo.

Ở miền Nam, từ cuối năm 1879, người Pháp đã bắt buộc sử dụng chữ quốc ngữ trên các văn bản hành chính tại 3 tổng ở Cần Thơ. Tiếp theo đó, Nghị định ngày 14/6/1880 bắt buộc mỗi làng, mỗi tổng phải có một trường dạy tiếng Pháp. Cuối cùng, Thống đốc Nam kỳ đã ra Nghị định ngày 26/9/1881 bắt buộc các tổng, tỉnh ở Nam kỳ phải sử dụng tiếng Pháp trong các văn bản hành chính.

Chỉ chưa đầy một thập kỷ sau đó, triều đình Huế cũng bắt đầu thực hiện nhiều cải cách trong việc giáo dục và tuyển dụng nhân sự phục vụ cho bộ máy chính quyền đang bắt buộc phải có đủ nhân sự kiểu mới để đáp ứng nhu cầu công việc liên quan thường xuyên ở cả hai phía: chính quyền bảo hộ Pháp và triều đình Huế.

Trong tình hình ấy, vua Đồng Khánh cho mở trường nói tiếng Pháp vào năm 1887 để con em các quan lại, binh lính và dân chúng nộp tiền vào học. Cũng từ đây, hàng năm Viện Cơ Mật sẽ tuyển người biết tiếng Pháp vào làm việc6. Năm 1888, triều đình tuyển người có tư chất, là con em quan viên tuổi từ 15 đến 22 để cho sang Pháp học7. Những người có thực tài kinh bang tế thế, những ai có tay nghề khéo hoặc có những “sách vở giới thiệu những phương châm khoa học cách trí tân kì, những điểm then chốt của sự tiến hóa văn minh8 cũng được kêu gọi tập hợp để triều đình xem xét ứng dụng.

Cơ cấu và bộ máy tổ chức của triều đình cũng được cải cách. Đầu thế kỷ XX, ngoài sáu bộ (Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công) “vốn được phỏng theo Chu Lễ mà đặt ra9 và duy trì từ khi mới lập nên triều đại, còn có thêm Bộ Học, được thành lập dưới triều vua Duy Tân. Từ năm 1886, Cục Đại Nam công báo (do Sử quán kiêm quản) được thành lập với nhiệm vụ cứ 10 ngày ra một tờ với nội dung tập hợp những việc do các bộ, nha thực hiện, có kiểm tra đối chiếu trước khi giao cho thợ khắc in và truyền bá ra bên ngoài. Đây là việc chưa từng có trong lịch sử các triều đại quân chủ ở Việt Nam.

Từ những chính sách ban đầu mang tính áp đặt trong việc bắt buộc sử dụng chữ quốc ngữ, chữ Pháp trên văn bản hành chính của chính quyền bảo hộ ở miền Nam, triều đình Huế đã phải tiếp thu và tìm cách đáp ứng yêu cầu về đào tạo con người để đảm đương công việc trong mối liên hệ tiếp xúc thường xuyên với người Pháp theo chủ trương “cần phải thích hợp với thời thế10.

Điều này dẫn đến sự thay đổi về mặt chính sách của triều đình cũng như tác động đến nhận thức của giới nhân sĩ trí thức với mục đích “học theo người để mưu đổi mới11, cho dù không tránh khỏi xu hướng “bài Tây” ở một bộ phận văn thân, nho sĩ thủ cựu, nhưng xu hướng này cũng không kéo dài được lâu. Việc truyền bá các tài liệu, sách báo mang tư tưởng cách tân từ bên ngoài vào đến tận chốn triều đình là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, triều đình chỉ lúng túng đối phó bằng cách cấm truyền bá, nếu bắt được thì phạt tội, giáng chức hoặc lưu đày12.

Trong bối cảnh ấy, giới khoa bảng Nho học cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng từ những hoạt động học thuật của trí thức Pháp trong việc nghiên cứu lịch sử, điều tra dân tộc học. Từ năm 1907 dưới thời vua Duy Tân, Tân Thơ Viện (đặt tại điện Long An - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay) của Trường Quốc Tử Giám đã tiếp nhận nhiều loại sách khoa học kỹ thuật, chính trị kinh tế, lịch sử địa lý nước ngoài do người Pháp trao tặng. Theo quyển “Tân Thư Viện thủ sách” được ghi chép trong đợt kiểm kê năm 1914, lúc này thư viện có 2.640 bộ sách, bao gồm 44.570 bản sách thuộc các bộ Kinh, Sử, Tử, Tập; 6.801 bản thuộc loại quốc thư và trên 7000 bản sách Việt Nam, sách Trung Quốc, sách Anh, sách Mỹ.

Các hoạt động học thuật trong giới trí thức của triều đình Huế cũng bắt đầu có những nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kết hợp với việc xuất bản ấn phẩm. Hội đô thành hiếu cổ được chính thức thành lập ở Huế năm 1913 và đi vào hoạt động năm 1914 - bao gồm những học giả người Pháp và người Việt Nam, trong đó có Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ là các Chủ tịch danh dự của Hội, và các ủy viên danh dự gồm quan chức của triều đình Huế: Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Nội vụ, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Học. Ủy viên đầu tiên của Hội (người Việt) là: Bửu Liêm, Đào Thái Hanh (Hội đồng Phụ chính), Nguyễn Đình Hòe (Phó hiệu trưởng Trường Hậu Bổ Huế); sang đầu năm 1914 bổ sung thêm Ưng Trình (Phó hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám), Hồ Đắc Đệ (giáo học Trường Quốc Tử Giám). Hoạt động của Hội tập trung vào những vấn đề học thuật, bảo tồn các di sản ở Huế, được đăng tải trên tập san nổi tiếng Bulletin des Amis du Viex Hué (BAVH), một tập san nghiên cứu lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Huế rất uy tín thời bấy giờ, góp phần không nhỏ vào công việc nghiên cứu về Huế xưa, triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam cho đến tận ngày nay. Hội cũng là những người đóng góp trực tiếp cho sự ra đời Thư viện của Hội nhằm phục vụ tốt nhu cầu về tư liệu cho giới nghiên cứu trong ngoài Hội, đồng thời cũng là những người đặt nền móng cho việc sưu tầm, tập hợp và xây dựng các bộ sưu tập ban đầu cho Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) với tôn chỉ “sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam” - Bảo tàng đầu tiên được chính thức ra đời dưới thời quân chủ, do đích thân vua Khải Định ra chỉ dụ sáng lập, và cho phép bảo tàng được mang tên theo niên hiệu của ngài.

Vua Khải Định trong bối cảnh đầu thế kỷ XX: nỗ lực giữ gìn bản sắc và sáng tạo truyền thống trong văn hóa

Vào thời kỳ đầu của triều đại, đặc biệt là dưới triều vua Gia Long, Minh Mạng, hoạt động lễ nghi, đảm bảo thuần phong mỹ tục được đặc biệt chú trọng nhằm tạo sự thống nhất trong cả nước sau một thời gian dài chia cắt, phân lập. Đây cũng là một trong những chính sách rất cụ thể của vua Minh Mạng nhằm củng cố vương quyền dựa trên nền tảng kỷ cương của Nho giáo, lấy “lễ” làm chuẩn mực để duy trì trật tự các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Điều này đã khiến các lễ nghi cung đình Huế mang nặng tính điển chế nhằm nêu cao vương quyền để giáo hóa dân chúng khi hàng năm có đến gần 200 cuộc lễ lớn nhỏ do triều đình tổ chức tại kinh đô.

Mọi hoạt động thể hiện quyền lực của tầng lớp thống trị ở Việt Nam cũng chính là sự kết nối chặt chẽ giữa các nghi lễ thờ cúng thần linh với sự kiểm soát về mặt chính trị. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với giai đoạn hưng thịnh của triều Nguyễn tính từ khi thành lập đến năm 1885, khi chính phủ bảo hộ Pháp thực sự thao túng mọi hoạt động của triều đình và thiết lập nền đô hộ thực dân trên cả nước.

Trong quá trình tiếp thu, hòa nhập với văn minh phương Tây, tác động đối với hệ tư tưởng Nho giáo của văn hóa cung đình Huế là tác động mạnh mẽ nhất, thể hiện rõ trong những chuyển biến của lễ nghi cung đình - những hoạt động mang nặng tính triết lý của Nho giáo luôn được xem là chuẩn mực để dân chúng noi theo.

Trước cơn lốc của nền giáo dục tân học và hàng loạt cải tổ, thiết lập mới những cơ quan, tổ chức để phục vụ guồng máy dân sự trong mối liên hệ chặt chẽ đến mức phụ thuộc vào chính phủ bảo hộ ở Huế, ngôn ngữ và tư duy kiểu phương Tây cũng theo đó len lỏi vào chốn cung đình. Những quy định khắt khe theo điển chế của triều đình đặt ra để đề cao vai trò của “Thiên tử” đã trở nên lỏng lẻo, mờ nhạt. Triều đình Huế phải chủ động thay đổi nhiều quy định trong lễ nghi cung đình để phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong bối cảnh ấy, sinh hoạt lễ nghi cũng dần dần thoát khỏi vòng cương tỏa của lễ nghi Nho giáo để đón nhận và hòa nhập với cách thức sinh hoạt theo kiểu phương Tây cởi mở hơn, dân chủ hơn, “thậm chí có nơi bỏ qua cả ngày Tết Đoan dương để vui mừng tổ chức ngày Kỷ niệm13.

Vua Khải Định là người chủ động đặt ra việc chọn một ngày lễ Kỷ niệm cho Việt Nam trên cơ sở tham khảo hình thức ngày quốc khánh của Pháp: “nước Đại Pháp lấy ngày thành lập nền Cộng hòa làm ngày lễ Kỷ niệm Chính trung, tổ chức yến tiệc vui chơi ca hát để tưởng nhớ những ngày gian khó và bày tỏ niềm vui khi hưởng thành quả nhưng vẫn không quên những điều đó”. Để tương xứng với việc tổ chức ngày kỷ niệm của người Pháp ở ngay kinh đô Huế, triều đình cũng đặt ra một lễ kỷ niệm cho Việt Nam theo kiểu phương Tây, bắt đầu từ năm 1918 chọn ngày mồng 2 tháng 5 hàng năm là ngày vua Gia Long chính thức lên ngôi hoàng đế, thiết lập nên triều đại14. Năm 1919, vua Khải Định cho đặt tên ngày lễ Kỷ niệm là ngày Khánh niệm Hưng quốc. Vào ngày này, nhà vua sẽ thân hành dẫn Tôn nhân phủ cùng đình thần văn võ ra Thế miếu làm lễ trước khi về thiết triều tại điện Cần Chánh và nhận chúc mừng, tất cả quan lại, binh lính và dân chúng đều được nghỉ ngơi vui chơi cả ngày. Bộ Binh cùng với Võ ban chỉ huy dàn bày nghi thức binh trượng phía trước lầu Phu Văn để nhà vua bận y phục nhà binh ra duyệt lãm. Một cách thực hành văn hóa hết sức mới mẻ, gồm đủ cả tân-cựu, kim-cổ!

Mặt khác, việc thực hành các nghi lễ truyền thống vốn được tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo tính nghiêm cẩn và thể hiện nhiều ý nghĩa triết lý sâu sắc qua hình thức, màu sắc, chất liệu v.v, làm nên những giá trị tinh thần của triều đại thì đến đầu thế kỷ XX, những giá trị ấy đã trở nên mờ nhạt, thậm chí bị xóa bỏ hoặc thay đổi. Các hình thức nghi lễ cung đình cũng được bổ sung thêm một số nghi lễ theo kiểu phương Tây, kéo theo nhiều thay đổi về nghi thức, trang phục và cả các tập quán, chuẩn mực xã hội như cách chào hỏi, cách ăn uống, cách phục trang... được thay đổi để thích ứng với những hình thức nghi lễ và nghi thức giao tiếp kiểu phương Tây. Năm 1887, lần đầu tiên ở kinh đô tổ chức lễ Duyệt binh nhân kỷ niệm ngày của chính phủ cộng hòa Pháp, và cũng từ đó bắt đầu có lễ Duyệt binh. Tại lễ Duyệt binh, vua Đồng Khánh mặc võ phục dự lễ, sau đó cưỡi ngựa để xem duyệt binh theo kiểu phương Tây điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của triều đại. Tháng 10 năm 1885, vua Đồng Khánh bắt đầu cho phép các quan văn võ từ ấn quan trở lên được phép đi giày vào thị triều thay vì chỉ có các vương công mới được đi giày vào chầu như trước đây, bởi “việc giao thiệp nhiều lên, mà quan lại đi chân đất làm việc gây mất thể diện15 nên mới có sự thay đổi này.

Việc thỉnh an vào lễ Đông chí năm 1919 nhằm ngày gần với đại lễ mừng thọ ngũ tuần của Hoàng thái hậu16 nên được vua Khải Định cho tạm đình lại, tết Đoan dương gần sát với tiết Khánh niệm nên cũng được nhà vua cho miễn dâng lễ lên hoàng thượng và các thái hậu, chỉ dâng lễ lên các miếu điện cho đúng thường lệ17. Ngự phục của vua cũng có thêm bộ vũ phục (gồm mũ, áo bào, kiếm, đai lưng, hài) dùng lúc vua xem diễn tập ở trước lầu Ngọ Môn, nhưng hoàn toàn không theo điển chế trang phục của triều đình như trước đây.

Bản thân vua Khải Định là người đi đầu trong phong trào cách tân trang phục cung đình với những kiểu mặc hết sức sáng tạo, mà có lúc những người nệ cổ còn cho là “kệch cỡm”. Nhà vua phá bỏ những quy định cũ, thay vì mặc những chiếc áo tà dài quá gối cùng với xiêm, đai vướng víu, ngài mặc những bộ trang phục được may sát theo người với quần Âu, áo ngắn, được thêu các họa tiết rồng mây hoặc nhiều chi tiết trang trí cung đình và gắn thêm mề đay, bội tinh; chân mang giày ống. Cũng chỉ có vua Khải Định là người để lại ấn tượng sâu sắc với hình ảnh đội nón mà trước đó không có nhà vua nào có được. Chiếc nón của nhà vua được trang trí cầu kỳ chứ không còn là chiếc nón đơn giản thường thấy trong dân gian, một kiểu cách tân đi trước thời đại. Ngay cả cách trang trí trên trang phục, trên đồ gỗ nội thất, đồ gốm sứ hay trên những công trình kiến trúc được cải tạo ở giai đoạn này cũng có phong cách riêng, hay có thể gọi chung là “phong cách thời Khải Định”. Cũng dưới thời vua Khải Định, việc trang trí các cung điện bắt đầu có sự góp mặt của các loại hình trang trí phương Tây mang hoa văn, họa tiết mới lạ so với cách trang trí truyền thống trong cung đình Huế, thể hiện trên các công trình mang phong cách tân cổ điển nổi tiếng ở Huế như điện Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, cung An Định và Ứng Lăng (Lăng vua Khải Định).

Lệ đắp con trâu và Thần Câu Mang bằng đất để đón xuân vào ngày tết trong lễ tiến Xuân ngưu của triều đình Huế vốn đã được thực hiện từ hơn trăm năm, đến đầu thế kỷ XX, từ năm 1918, lễ này được vua Khải Định cho là “phiền phức, phí phạm” nên đổi dùng tranh họa câu đối bằng giấy, theo lệ cho dâng tiến vào Đại Nội một bức, những thứ còn lại cho cắt bỏ để “vừa giữ gìn vốn cổ lại tránh hư văn18.

Việc chuẩn bị các lễ vật cúng tế vốn được xem là khâu cực kỳ quan trọng trong nghi lễ tế tự cung đình để bày tỏ sự thành kính, thiêng liêng, thì nay cũng chỉ còn là hình thức. Năm Duy Tân thứ 9 (1915), kỳ tế Giao năm Ất Mão, lễ vật trong lễ tế Giao đã giảm xuống còn 8 con nghé, 8 con trâu, 7 con dê, 7 con lợn, 1 con bò và 1 con hươu. Càng về sau, lễ vật càng giảm nhiều nữa. Năm Bính Tý (1936), số chi tiêu về lễ tế Giao chỉ còn bằng một phần tư các kỳ tế trước. Việc thiêu con sinh trước đây dùng củi quế nhưng sau này thay bằng củi thông.

Việc bày các mâm cỗ xôi, thịt dâng tiến ở các miếu, điện cũng được vua Khải Định cho tinh giản bớt theo quan điểm “dẫu có nhiều cũng chẳng để làm gì. Lễ phẩm quý ở tinh chứ không quý ở nhiều... rau tần rau tảo hái từ khe suối về cũng có thể dùng để thết đãi Vương công, dâng tiến quỷ thần, là bởi bày ra với lòng thành thực thuần khiết19.

Bên cạnh đó, nhiều điều cấm, nhiều phép tắc được thiết lập và duy trì từ những năm đầu triều đại nay được nới lỏng, thậm chí phải hủy bỏ để phù hợp với hoàn cảnh mới. Phương tiện di chuyển bằng xe cơ giới bắt đầu trở nên phổ biến nên năm 1923, vua Khải Định cho xóa bỏ lệ “khuynh cái, hạ mã” (nghiêng lọng, xuống ngựa) khi đi qua trước Phu Văn Lâu, những điều cấm về kiêng kị các chữ húy được giảm bớt20.

Những quy định nghiêm ngặt trong các nghi lễ ngoại giao của triều đình nay cũng được nới lỏng trước áp lực từ những tác động về chính trị và quân sự của người Pháp, đồng thời cũng là sự thích ứng nội tại của triều đình để phù hợp với bối cảnh mới. Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương trong giai đoạn 1897 1902 nhận xét: “Những nghi lễ viếng thăm đã thay đổi rất nhiều kể từ khi nước Pháp có mối quan hệ với xứ An Nam, cũng nhiều không kém gì sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai nước21. Theo mô tả của ông, trước năm 1883, vị Tổng Trú sứ tại Huế hiếm khi và rất khó khăn mới được đức vua tiếp kiến, và dù có được tiếp kiến thì cũng theo cách rất mất thể diện, không được vào bằng cửa chính mà theo lối đi dành cho các quan nhỏ. Nhưng sau khi triều đình Huế ký hòa ước 1883 thừa nhận Bắc kỳ là thuộc địa của Pháp và chấp nhận nền bảo hộ của Pháp tại Trung kỳ, đặc biệt là sau khi Kinh đô Huế thất thủ năm 1885, các Khâm sứ Pháp đều được đón tiếp một cách trang trọng với tất cả các cánh cửa đều rộng mở. Bắt đầu từ thời vua Bảo Đại, lệ quỳ lạy khi tiếp kiến nhà vua cũng được bãi bỏ, các quan chức Pháp cũng không cần xá lạy mà chỉ cần bắt tay.

Khi mới lên ngôi năm 1916, vua Khải Định đã cho phép các hoàng thân, vương công, đại thần vào chầu vua được đi xe vào dừng đỗ ở bên ngoài cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh chứ không phải xuống ngựa từ ngoài cửa Hiển Nhơn như trước, còn đình thần và các văn võ ấn quan thì được dừng đỗ xe ở phía trước nhà của lính Túc vệ22.

Sinh hoạt của triều đình cũng được thay đổi để thích nghi với thời gian làm việc công sở, đổi giờ vua ngự triều từ 4 giờ sáng thành 8 giờ sáng vào các ngày mồng 1, 11 và 21 hàng tháng.

Theo thông lệ phương Tây, trước lúc khởi công xây dựng một công trình thường có lệ đặt đá, không giống như thông lệ của triều đình Huế thường tổ chức lễ cáo tại các miếu và tổ chức cúng vái để cầu khẩn thần linh trước khi bắt đầu việc xây dựng. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, các nghi lễ tế cáo này đã được thay bằng lễ đặt đá theo kiểu phương Tây vào dịp xây dựng trường Quốc học (1896), cầu Trường Tiền (1897), trường Đồng Khánh (1917)...

Từ thời vua Thành Thái, nhà vua đã học lái xe hơi và cho phép người Pháp ở Kinh đô Huế tổ chức nhảy đầm, mở trường đua ngựa. Đến thời vua Duy Tân, nghi thức cưỡi ngựa dạo quanh phố phường trước khi về dự yến dành cho các Tiến sĩ thi đỗ được thay bằng việc dạo chơi trên xe hơi, như ở cuộc thi Đình năm 190723. Vua Duy Tân còn học tiếng Pháp với người Pháp, có bác sĩ người Pháp theo dõi sức khỏe, có biệt thự để đi nghỉ mát riêng ở biển Cửa Tùng. Thời vua Bảo Đại còn cho xây dựng một sân tennis ngay trong Hoàng cung để nhà vua luyện tập thể thao.

Hơn thế nữa, các tập quán sinh hoạt và lễ nghi phương Tây bắt đầu được du nhập theo bước chân của người Pháp khi sang sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng dần trở nên phổ biến, đem lại nhiều thay đổi trong cách bố trí không gian nội thất của các công trình kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt và lối sống chốn cung đình, thâm nhập vào các hoạt động xã hội của triều đình Huế vốn chỉ khép kín trong những bức tường thành thâm nghiêm suốt nhiều thế hệ.

Từ thời vua Đồng Khánh, cung đình Huế bắt đầu xuất hiện các loại đồ gỗ gia dụng nhập khẩu từ phương Tây như ghế bành, trường kỷ... Kiến trúc cung đình Huế bắt đầu phổ biến các loại gạch vuông men màu của châu Âu và các loại đèn chùm bằng thủy tinh và pha lê. Bàn ăn của nhà vua xuất hiện các bộ đồ ăn được mua từ những xưởng chế tác ở Paris24 hoặc các bộ đồ trà, cà phê là tặng phẩm ngoại giao từ châu Âu. Việc đặt hàng của các lò gốm sứ Pháp cho các bộ đồ ăn theo kiểu phương Tây tiếp tục được duy trì dưới triều vua tiếp theo, nhiều nhất là dưới thời các vua Thành Thái, Khải Định. Điều này cho thấy từ giai đoạn này, ẩm thực cung đình Huế đã tiếp nhận và dung hòa với tập quán ăn uống phương Tây ở một mức độ nhất định. Bộ đồ ăn theo kiểu phương Tây có nhiều cỡ khác nhau mang đặc trưng của ẩm thực phương Tây bao gồm các loại liễn xúp, dĩa đựng đồ khai vị, tô xà lách, bát đựng xốt hoặc đựng mù tạt, các loại bình đựng đường, bình đựng sữa, các cốc nhỏ đựng trứng, v.v. Năm 1897, trong buổi tiếp Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer tại điện Cần Chánh, nội thị dâng sâm banh và trà để nhà vua (Thành Thái) và viên Toàn quyền cùng uống mừng sự thịnh vượng của hai nước và chúc sức khỏe25. Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện còn lưu giữ một số lượng lớn các bộ đồ ăn kiểu phương Tây do vua Thành Thái và vua Khải Định đặt làm tại Pháp.

Bên cạnh đó, âm nhạc lễ nghi của triều đình cũng bắt đầu có sự góp mặt của các loại nhạc cụ phương Tây như kèn đồng, kịch phương Tây, các đạo cụ, phục trang của người Pháp.

Các hình thức ban thưởng cũng được sửa đổi, ngoài các loại tiền, các loại kim bài, kim khánh, kim bội và ngọc bội, từ năm 1886 triều đình còn bắt đầu tham khảo hình thức của các nước khác để định ra quy cách huân chương bội tinh để ban thưởng cho những người có công lao26. Vua Khải Định cho việc này là “một điểm mới của thời đại văn minh27 nên đã cho dựa theo cách thức cũ để chế ra Bội tinh mới theo 5 hạng, chỉ đổi màu dây đeo để hợp với thời đại.

Thời Khải Định, mặc dù việc lễ nghi vẫn được chú trọng ít nhiều: “dù sách vở triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức đương hồi minh thịnh còn có giảm sắc, nhưng trong tinh thần, ngoài hình thức vẫn nghiễm nhiên chế độ thái bình28 nhưng tính trang nghiêm của nghi lễ cũng phần nào chịu sự tác động của hoàn cảnh xã hội đang trong giai đoạn giao thoa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa Âu Tây. Trong lễ tế Giao dưới thời vua Khải Định năm 1921, chủ bút báo quán Trung Bắc tân văn Nguyễn Văn Vĩnh vào đàn xem lễ đã mặc đồ Âu phục đi lại tự do, bị quân lính giữ đàn ngăn lại29. Đến thời vua Bảo Đại, do được hấp thụ nền văn minh phương Tây từ nhỏ nên nhà vua đã có nhiều cải cách trong việc tế Giao. Đặc biệt là nhà vua cho phép cả đàn ông, đàn bà và trẻ em xem diễn tập lễ tế Giao suốt cả ba tầng Giao đàn, cho phép mặc nam phục lên Viên đàn thay vì chỉ cho xem từ đàn thứ hai trở xuống và bỏ bớt các thủ tục vái lạy30.

Có thể thấy dưới tác động của bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội đương thời, đặc biệt là khi vị thế của vua không còn là tối cao theo tư tưởng “Thiên mệnh” của Nho giáo, những nghi lễ cung đình đã từng mang những giá trị tinh thần to lớn trong đời sống văn hóa tâm linh của triều đại nay đã không còn là những hình thức để giáo hóa dân chúng nhằm xây dựng ý thức về quyền lực, tính tôn ti trật tự, niềm tin tuyệt đối vào nhà vua và khẳng định tính chính thống của địa vị hoàng đế thông qua nghi lễ. Trong bối cảnh ấy, quá trình biến đổi, thích ứng của văn hóa cung đình Huế trong giai đoạn này không khỏi có nhiều trăn trở. Phản ứng của giới trí thức trong triều đình Huế cho thấy ở một phạm vi nhất định, sự thay đổi cần phải có chọn lọc để phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc. Trong hồi ký của mình, Phạm Văn Thụ - Thượng thư Bộ Hộ dưới triều vua Khải Định phàn nàn: “Trước kia triều Thành Thái, Duy Tân, trên còn ấu quân, dưới các quan phụ chính, không tự chấn chỉnh. Khi tế Giao nào người Tây, người Nam, nào đàn bà con trẻ cùng tranh nhảy lên đàn xem, rất là ô tạp31. Vì vậy, triều đình đã phải cân nhắc thận trọng để đảm bảo sự tự tôn của triều đình, cố gắng không phụ thuộc và không để các quan chức Pháp trong chính phủ bảo hộ can thiệp quá sâu vào quá trình thực hành các hoạt động tín ngưỡng, lễ nghi cung đình. Việc ghi chép sổ sách về đồ thờ cúng ở các lăng miếu - nơi thờ tự tổ tiên của triều đại, là để đảm bảo việc trông nom gìn giữ chu đáo xưa nay việc riêng của triều đình, không liên quan đến người ngoài. Thế nên khi Bộ Lễ tâu về việc biên chép sổ sách các đồ thờ ở lăng miếu và giao bản sao cho tòa Khâm sứ, vua Khải Định thốt lên “như thế chẳng sợ người ngoài nhìn vào họ cười vào mũi cho hay sao?”, và yêu cầu bãi bỏ việc giao bản sao cho người Pháp32.

Trải qua nhiều biến cố, đội nhạc công của triều đình (trực thuộc Bộ Binh) người còn người mất, nhạc cụ nhạc khí cũng bị thất tán, còn không đủ bộ. Vì vậy các quan Bộ Binh tâu xin nên mua sắm một số nhạc cụ ở Nam Kỳ và của Trung Quốc để giao cho đội nhạc tập luyện nhưng vua Khải Định phê phán gay gắt. Ông thận trọng cho rằng “Lễ nhạc triều ta trải qua sự chế tác của liệt thánh tưởng như cũng đã đầy đủ... dựa theo nhạc Bắc mà chế ra âm nhạc nước nhà, về chế độ thêm bớt, quy luật âm thanh có thể nói là đã tận thiện tận mĩ, không phải là thứ mà những kẻ thưởng thức âm nhạc tầm thường có thể hay biết được. Như nhạc Nam Kỳ là thứ tục nhạc đặc thù làm sao dám sánh được với quốc nhạc. Quốc nhạc của ta đặt ra chỉ để dùng ở tôn miếu vào các dịp lễ tiết tấu lên đem lại sự văn nhã cho lễ, chưa bao giờ lan tràn tới những vùng làng quê ngõ xóm nên dân gian cũng ít người biết tới... Nhạc ấy dùng trong suốt mấy trăm năm, thể hiện được trọn ý nghĩa hòa bình.... Nếu như bảo định chọn người cử đi khắp nơi học lấy âm nhạc của các nước đem về để thưởng thức lúc thảnh thơi nhàn nhã mà tu dưỡng tính tình thì còn được, còn nếu muốn phát minh tạo dựng nhằm chấn chỉnh phong tục cho đất nước thì phải hội đồng cùng với bộ Lễ bàn bạc thấu đáo xong rồi mới tâu trình lên, như thế còn e chưa được tận thiện, huống hồ chỉ dựa vào ý kiến của riêng mình, liệu có được không?33

Thay lời kết

Thay đổi là hằng số của văn hóa. Đầu thế kỷ XX, quá trình xã hội Việt Nam phải gồng mình để chống chịu, phản kháng, tiếp thu, hòa nhập, sáng tạo… trước sức ép từ bên ngoài và sự vận động tự thân để phát triển là một quá trình đi từ những thay đổi trong nhận thức, tư tưởng đến những thay đổi trong hành động. Trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn hóa cung đình Huế, những nỗ lực của vua Khải Định trong việc gìn giữ truyền thống của tiền nhân diễn ra đồng thời với quá trình sáng tạo nên cái mới. Đặt trong bối cảnh Việt Nam bấy giờ chưa thoát khỏi vòng cương tỏa của lối tư duy cũ đã lỗi thời mang nặng ảnh hưởng của Nho giáo thủ cựu, những thay đổi mà nhà vua mạnh dạn thực hiện không chỉ là sự lựa chọn phù hợp, sự thích nghi với bối cảnh mới, mà cũng chính là quá trình sáng tạo truyền thống để khẳng định chính mình và thể hiện bản sắc.

Quá trình giao lưu và hội nhập với văn minh phương Tây cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX và những giá trị văn hóa còn được gìn giữ, trao truyền và không ngừng sáng tạo trong cộng đồng hiện nay ở Huế cho thấy đó là sự hội nhập có chọn lọc để tồn tại, dung hợp, hình thành và tiếp tục phát triển một bản sắc văn hóa độc đáo ở Huế trong bối cảnh quốc tế và khu vực đầu thế kỷ XX.

Một thế kỷ đã trôi qua, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ với thế giới với những giá trị của văn hóa cung đình Huế đã được ghi nhận ở tầm quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó là đời sống văn hóa tinh thần và những di sản về ẩm thực, cảnh quan vẫn còn tồn tại và giữ gìn ở Cố đô xưa một thời gắn với triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, làm nên bản sắc “không nơi nào có được” của Huế và càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế và văn hóa xã hội tại địa phương. Bài học về sự gìn giữ những giá trị tinh thần cốt lõi trong văn hóa, những giá trị làm nên bản sắc của một dân tộc vẫn luôn là hành trang cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

-----------------------

(1) Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 166.

(2) Nguyên trước định ngạch lấy 32 Cử nhân nhưng vì khoa này sĩ số có phần sút giảm, trường chỉ chấm đỗ 29 người nênchuẩn gia ân lấy thêm trên dưới 10 người nữa để mở rộng ân cách. Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, Nxb. Thời đại - TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 158.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 416-417.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 421-422.

(5) Vua Khải Định đưa ra vấn đề này tại kỳ thi Hội cuối cùng năm 1919. Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 418-419.

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 120.

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 121. Đoạn này có nhắc trước đây đã tuyển một đợt 20 người, như vậy việc tuyển người sang Pháp học hẳn đã có từ trước năm 1888.

(8) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 408.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn(2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 432.

(10) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 359.

(11) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 170. Theo tác giả Nguyễn Văn Trung, Gia Định báo là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam bằng chữ quốc ngữ, có khuôn khổ 25 x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 (Nguyễn Văn Trung, Hồ sơ về Lục châu học - Tìm hiểu con người ở vùng đất mới, Nxb. Trẻ, 2015).

(12) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 399-400.

(13) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 229.

(14) Trước đó, vào năm 1917, triều đình định lấy ngày vua Khải Định lên ngôi (ngày 17 tháng 4) để làm ngày lễ Kỷ niệm.

(15) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 73.

(16) Tức Phụ Thiên Thuần hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh, còn gọi là Thánh Cung.

(17) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 371.

(18) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 369-370.

(19) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 369.

(20) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 432.

(21) Paul Doumer (2015), Xứ Đông dương, Nxb. Thế giới, tr. 284.

(22) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 431.

(23) Quốc sử quán triều Nguyễn (2011), Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, mục 1440.

(24) Baille Frédéric (1891), Souvenirs d’Annam (1886-1890), Paris, Librairie Plon, tr. 173-174.

(25) Paul Doumer (2015), Xứ Đông Dương, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 305.

(26) Sau đó, các Long Bội tinh do vua Đồng Khánh cho chế tác đã bị thu lấy đưa về Pháp. Đến năm 1919, vua Khải Định đãyêu cầu phía Pháp giao trả.

(27) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 386.

(28) Phạm Đức Duật (2003), “Kinh đô Huế qua hồi ký chữ Nôm “Đàn Viên ký ức lục””, sđd, tr. 317.

(29) Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ, sđd, tr.316.

(30) Theo Thời Đàm (1933), “Lễ Nam Giao”, Tạp chí Nam Phong số 182, tháng 3, tr. 314 và Lê Văn Phước (1973), Sự tích đàn Nam Giao và các cuộc lễ tế Giao tại Huế, Luận văn Cao học sử, Đại học Văn khoa, Viện Đại học Sài Gòn, tr. 165.

(31) Phạm Đức Duật (2003), “Kinh đô Huế qua hồi ký chữ Nôm “Đàn Viên ký ức lục””, sđd, tr. 317.

(32) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 371.

(33) Quốc sử quán triều Nguyễn (2009), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, sđd, tr. 370-371.

TS. HUỲNH THỊ ANH VÂN