menu_open
Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây
28/07/2022 7:20:38 SA
Xem cỡ chữ:
Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây thuộc xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế từ lâu nổi tiếng với nghề trồng mai có lịch sử lâu đời hàng trăm năm cùng với sự hình thành và phát triển của làng. Ngày 28/12/2018, Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây được công nhận là làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 3078/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Làng nghề truyền thống mai cảnh

THẾ CHÍ TÂY

Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây thuộc xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế từ lâu nổi tiếng với nghề trồng mai có lịch sử lâu đời hàng trăm năm cùng với sự hình thành và phát triển của làng. Ngày 28/12/2018, Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây được công nhận là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 3078/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

LỊCH SỬ LÀNG NGHỀ

Theo Dư địa chí tỉnh Thừa Thiên Huế, Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền xuất hiện hàng trăm năm trước gắn liền với đời sống văn hóa của vùng đất này, cây mai cảnh là sản phẩm nổi bật và không thể thiếu trong mỗi gia đình ở nơi đây. Nhân dân trong làng từ đời này sang đời khác đã tiếp tục kế thừa, sáng tạo trong việc trồng cây hoa mai cảnh. Với các thế mai như “Long lượn”, “Long mẫu sinh long tử”, “Long thăng” đã trở thành nét đặc trưng văn hóa, thương hiệu của Làng mai Thế Chí Tây.

Quá trình trồng cây mai cảnh của làng Thế Chí Tây cũng lắm công phu, từ khâu chọn giống, sàn lọc, tỉa cành, chọn thế cây. Cùng với cây được trồng hoàn toàn bằng thủ công và chăm sóc ngay trong vườn nhà mình, trong vòng 36 tháng để có thể tạo dáng, uốn thế cây mai đẹp nhất để đưa vào chậu chăm sóc tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.

NÉT ĐẶC TRƯNG

Một trong những nét đặc trưng của sản phẩm Mai cảnh làng Thế Chí Tây đó chính là cây được trồng hoàn toàn bằng thủ công, được chăm sóc kỹ lưỡng trong vòng ba năm để có được cây mai có thế uốn lượn đẹp nhất.

Các nghệ nhân chơi mai ở đây biết cách tạo dáng mai phù hợp với phong thái của một làng quê ven phá giàu truyền thống lễ hội, đình làng...tạo nên một phong cách chơi mai riêng biệt. Thường người dân tạo thế mai theo các kiểu: long, lân, quy, phụng; riêng ở làng nghề chủ yếu người dân tạo mai theo hai thế: long vân, long giáng...Để có một chậu mai kiểng đẹp, ngoài công chăm sóc hàng chục năm trời, người chơi mai phải chú ý đến bốn điểm: nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống. Cũng theo các bậc cao niên, những cây mai lớn ở Huế đều có nguồn gốc xuất xứ ở Điền Hòa.

Mai ở làng nghề có nhiều loại như Hoàng Trúc Mai, Hoàng Diệp Mai, Diệp Cúc Mai... trong đó Hoàng Trúc Mai là giống hiếm nhất. Vốn rất thích hợp với vùng đất cát pha thịt, nên mai vàng Thế Chí Tây màu vàng tươi, bông to, hương thơm dịu dàng và rất lâu tàn. Theo nghệ nhân có tiếng tại làng nghề, thường cây mai nở sớm hay chậm là do thời tiết, riêng Hoàng trúc mai năm nào cũng cho hoa đều đặn vào dịp Tết đến, xuân về.

GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ

Nghề trồng mai cảnh của làng Thế Chí Tây đã được lưu truyền và phát huy qua nhiều thế hệ, trải qua bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử, đến nay, các thế hệ dân làng vẫn luôn tìm tòi, học hỏi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mai để phù hợp với thị hiếu của người chơi mai. Hàng năm, người dân làng nghề cùng với chính quyền địa phương đều tổ chức Hội Mai xuân để tạo sân chơi cho người trồng mai chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách gần xa, cũng là dịp để giới thiệu đến bạn bè nghề trồng mai cảnh truyền thống, đồng thời bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa của nghề trồng mai.
Có câu ca rằng:
“...Ai ơi nhớ ghé Điền Hòa,
Hai mươi tháng chạp quê nhà Hội Mai...”

Trải qua hơn 400 năm từ khi thành lập Làng đến nay, nhân dân sống chủ yếu làm trồng trọt cây lúa, chăn nuôi, gia súc, gia cầm. Tuy nhiên bên cạnh việc phát triển kinh tế, nhân dân Làng Thế Chí Tây đã kế thừa, sáng tạo trong việc trồng cây cảnh, đặc biệt trong đó có cây mai cảnh, hơn 30% dân cư sống chủ yếu bằng nghề trồng Mai cảnh. Nhân dân làng Thế Chí Tây đã biết được nhiều cách trồng cây cảnh, trong đó sản phẩm cây mai cảnh là một đặc sản nổi bật của dân làng và là những cây cảnh không thể thiếu trong mọi gia đình trong làng Thế Chí Tây và các vùng quê lân cận.

Ngày nay, khi việc chơi mai, đặc biệt là hoàng mai xứ Huế trở nên rầm rộ vào những dịp tết đến xuân về, đó là dấu hiệu tích cực không chỉ giúp hồi sinh một làng nghề truyền thống mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế địa phương gắn với giá trị văn hóa cốt lõi mà làng Thế Chí Tây đã và đang gìn giữ, phát huy.