menu_open
Hoa Pơlang giữa lòng cố đô
Xem cỡ chữ:
Hoa Pơ lang (hay Mộc miên, Anh hùng thụ, Ban chi hoa…) là những tên gọi mỹ miều của loài hoa thân thuộc: hoa gạo.

Tháng ba hoa gạo nở. Nghe như có sự dùng dằng của cái rét nàng Bân, của những cơn mưa lất phất xuân thì để gọi mùa hè đến… Trong từng bông hoa gạo đỏ chói ấy, có một chút hồ hởi, say mê, có chút hồ nghi và có cả sự lắng lòng mình lại…



Hoa gạo gọi mùa hè về trong chút se sắt những ngày xuân
.


Hoa gạo bung nở trên cây từ những ngày đầu tháng 3, đến khi rụng xuống vẫn nguyên sắc đỏ. Sắc đỏ ấy vẹn nguyên đến nỗi lúc hoa nở khiến người ta bất ngờ bao nhiêu thì ngày hoa rụng, nét ngỡ ngàng vẫn còn đọng trên gương mặt. Thế nhưng tùy vào mỗi vùng miền, cái sắc ấy có một nét riêng không trộn lẫn. Ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, hoa gạo thường mọc ở ven sông, đầu đình và có màu đỏ chói. Dọc dải đất miền Trung – Tây Nguyên, dường như sắc đỏ đất bazan cũng bồi thêm cho màu nắng hoa gạo thêm phần rực rỡ. Riêng xứ Huế, hoa gạo nở ngay trong lòng thành phố nên dường như cũng phảng phất dấu ấn đời thường.

 

Những nụ hoa bắt đầu chớm nở khi cây trút hết lá.
 



Lạc giữa mùa hoa.

 

Theo Nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm: “Cây gạo là một loài cây gỗ trung bình, cao 15 – 20 m, có cành mọc ngang, toàn thân và cành đều có gai, mang những lá kép chân vịt 5 lá chét, rụng lá mùa khô, cây Gạo được chọn trồng ở công viên, đền chùa và một vài thắng cảnh có công trình văn hóa tâm linh… Nhiều bộ phận của cây, từ rễ, vỏ thân, đến hoa, lá đều được dùng để chữa nhiều bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tiết niệu, trĩ, bong gân, gãy xương, phù nề, sưng tấy…”.




Cây hoa gạo ở Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế được xem là cây hoa đẹp nhất vì nở hoa đồng loạt và đúng vào tháng ba sau khi cây trút lá.


Ở thành phố Huế, cây hoa gạo không được trồng phổ biến nhưng đủ để lại dấu ấn trong lòng biết bao du khách và cả những người dân cố đô. Ta có thể bắt gặp một vài cây gạo trên con đường Lê Duẩn bên chân cầu Dã Viên, tại Thư viện tổng hợp tỉnh, cung An Định, nhưng đẹp nhất và nở đúng mùa nhất là cây hoa gạo trước sân Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (06 đường Lê Lợi).

Lê Thị Niên (cựu sinh viên trường Đại học Khoa học Huế) cho biết: Hồi xưa còn đi học, mình rất thích hoa nên thường rủ bạn bè đi nhặt hoa gạo rồi chụp hình làm kỷ niệm. Kể cũng lạ, hầu hết các loài hoa khi rụng thì đều tàn úa hoặc mất đi hương sắc ban đầu, hoa gạo khi rơi xuống, năm cánh bay trong gió trông như chong chóng, đẹp mê hồn. Lần đầu tiên trông thấy hoa gạo trên đất Huế là mình nhặt hết, bỏ đầy cốp xe mới chịu về, vừa đi vừa chế "những chiếc cốp xe chở đầy hoa gạo..." Nhìn đã thiệt!”. Còn Nguyễn Văn Nhật, một sinh viên Đại học Huế, quê tận Thanh Hóa tâm sự: “Hoa gạo à!? Nhớ quê quá chừng chị ơi…”.




Nhặt hoa gạo là niềm yêu thích của rất nhiều người.
 

Dường như đối với bất cứ ai, hoa gạo cũng hiện hữu một phần trong ký ức. Đối với trẻ con, dù cho có bị bố mẹ dọa “Thần cậy đa, ma cậy gạo, cú-cáo cậy đề” (thành ngữ) và cấm không được chơi gần những loài cây ấy nhưng nhất loạt đứa nào đứa nấy cũng lẻn ra ngoài để chơi trốn tìm cùng lũ bạn rồi nhặt hoa gạo chơi trò mẹ con… Lớn lên, hoa gạo cũng như hoa phượng, báo hiệu mùa hè về, nghĩa là mùa thi đến rất gần, các cô cậu học trò “ăn chưa no, lo chưa tới” lại cuống cuồng với “Mùa thi hoa gạo cháy sau lưng” (Đặng Hiển)…

“Thế là… chị ơi, rụng bông hoa gạo”. Câu thơ xưa của nữ thi sĩ Đoàn Thị Tảo như cứa vào lòng những người đa cảm một cho một kiếp hoa - kiếp nhân sinh, phận người phụ nữ mỏng manh trước dòng đời... ; rồi nỗi nhớ người yêu cũng vì một sắc thắm thân quen “Anh làm sao quên được những con đường - Lá vàng rơi trên cỏ - Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ” (Từ biệt – Lưu Quang Vũ)… Để rồi, trong hành trang của một ai đó, có thêm hình ảnh “Hoa gạo đầu đình vẫy mãi người xa quê” (Hoàng Cầm). Không giấu nổi lòng mình trước một trời hoa gạo:

“…Không nuôi sống ai mà thành hoa gạo
Vô tư như chẳng biết có ai nhìn,
Khát vọng gì gửi trong màu hoa ấy
Cuối xuân rồi hoa gọi nắng hè lên…

Ơi hoa gạo đẹp kiêu kỳ đến vậy
Rụng xuống rồi vẫn thắm đỏ như son,
Có ai biết những ngày hoa gạo trút
Một khoảng trời trơ trụi nỗi cô đơn
”.

 


Hoa gạo bên chân cầu Dã Viên, soi bóng xuống Hoàng Thành Huế.


Góp nhặt trong một mùa hoa gạo vì vậy có nỗi nhớ, có tình yêu, có sự cô đơn đồng thời cũng là niềm hoan hỉ. Thân thuộc đến thế cho nên mùa hoa gạo về, ai cũng cố ngước lên ngắm hoa như đón nhận một sự chuyển giao.

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Hoàng Khánh Toàn (Khoa Đông y, bệnh viện Trung ương Quân Đội 108), cây hoa gạo là một trong những vị thuốc quý với nhiều ứng dụng chữa bệnh trong Y học cổ truyền. Cụ thể:Viêm khí phế quản cấp tính: Rễ gạo 30g sắc uống.

Ho khạc nhiều đờm do phế nhiệt: Hoa gạo 15g, ngư tinh thảo (rau diếp cá) 15g, tang bạch bì 10g, sắc uống.

Nôn ra máu: Hoa gạo 14 bông, thịt lợn nạc 100g. Hoa gạo rửa sạch, thái nhỏ; Thịt lợn thái miếng. Hai thứ nấu canh ăn.

Ho ra máu: Hoa gạo 14 bông sắc kỹ, chế thêm một chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.

Viêm loét dạ dày: (1) Rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 15-30g, sắc uống. (2) Rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 30g, rễ cây lưỡng diện châm (Zanthoxylum nitidum) 6g, sắc uống.

Lỵ trực khuẩn, viêm ruột và dạ dày cấp tính, đi lỏng, đại tiện ra máu: (1) Hoa gạo 60g, sắc kỹ, chế thêm một chút mật ong hoặc đường phèn, chia uống vài lần trong ngày. (2) Hoa gạo 15g, kim ngân hoa 15g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 15g, sắc uống. (3) Hoa gạo 15-30g sắc kỹ, chia uống 3 lần trong ngày.

Sưng đau vú sau khi sinh con: Hạt cây gạo 10g, sao vàng sắc uống.

Trẻ em sốt cao vào mùa hè: Hoa gạo 6g, sắc kỹ, chế thêm chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.

Viêm khớp mạn tính, đau lưng và đau gối mạn tính: (1) Rễ gạo 30-60g, sắc hoặc ngâm rượu uống. (2) Vỏ thân cây gạo 15g, sắc kỹ, bỏ bã, chế thêm một chút rượu vang, chia uống 2 lần trong ngày.

Tiểu tiện không thông: Chất gôm cây gạo 10g, kim ngân dây 20g, hạ khô thảo 20g, sắc với 750ml nước, cô còn 300ml chia uống 3 lần trong ngày.Sưng nề do chấn thương: (1) Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa ngoài hoặc giã nát đắp vào vị trí tổn thương. (2) Vỏ thân cây gạo 100g, củ nghệ vàng già 100g. Vỏ gạo cạo bỏ vỏ bẩn ở ngoài, băm nhỏ, giã nát với nghệ thái mỏng, dùng dấm thanh và rượu cho vào sao rồi chườm hoặc đắp vào vết thương khi còn nóng.

Ngứa vùng hậu môn sinh dục: Vỏ thân cây gạo sắc lấy nước ngâm rửa nơi bị bệnh.

Trĩ xuất huyết: Hoa gạo 20g, quyển bá 10g, hòe hoa 15g, sắc uống.

Bong gân: (1) Vỏ cây gạo 16g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16g (sao vàng), sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày. (2) Lá náng, quả đu đủ non và vỏ thân cây gạo, ba thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nhuyễn, băng tổn thương. (3) Rau má tươi, vỏ thân cây gạo tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi, bốn thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, bó vào nơi bị bệnh. (4) Lá náng 1 phần, vỏ thân cây gạo gọt bỏ vỏ cứng thái nhỏ 1 phần, dọc cây đu đủ 1 phần. Ba thứ giã nát, sao với một ít rượu và nước tiểu trẻ em rồi chườm vào tổn thương.

Gãy xương: Sau khi nắn chỉnh ổ gãy, dùng vỏ rễ cây gạo tươi rửa sạch, giã nát, bó vào vị trí gãy xương, 2 ngày thay 1 lần.

Vết thương chảy máu và băng huyết: Hoa gạo lượng vừa đủ, đốt thành than uống.

Đau răng: Vỏ thân cây gạo 20g sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.