Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng, khởi đầu phân liệt xứ Đàng Trong - Đàng Ngoài
Tháng 11/1558, Nguyễn Hoàng được lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa với một quyền hạn rộng lớn “phàm mọi việc ở địa phương không kể to nhỏ đều cho tùy tiện xử lý”. Nguyễn Hoàng ra đi vừa để bảo toàn mạng sống, vừa tính kế phát triển sự nghiệp lâu dài, nên khi rời đất Bắc, ông đã lôi kéo một lực lượng đông đảo bao gồm nhiều tướng lĩnh (Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc), binh lính (1000 thủy quân), và nhân dân các làng mạc ở huyện Tống Sơn, nghĩa dũng đất Thanh Hóa cùng một số quan lại, binh lính ở Thanh Hóa và Nghệ An. Đây chính là một cuộc di dân thực sự.
Trong suốt thời gian trấn thủ đất Thuận Quảng (1558 - 1613), Nguyễn Hoàng đã dốc sức củng cố thế lực, thu phục lòng người bằng lối cai trị mềm mỏng để đặt nền tảng cho việc xây dựng giang sơn riêng cho dòng họ mình. Và Thuận Hóa trở thành đất dựng nghiệp của họ Nguyễn.
Các thủ phủ của Cháu Nguyễn ở Thừa Thiên Huế
Chúa Nguyễn vào Nam xây dựng cơ đồ, tạo lập giang sơn riêng là cả quá trình vận động cam go và biến đổi không ngừng trên nhiều phương diện, trong đó có cả việc xây dựng, củng cố và xác lập thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất Đàng Trong. Trong hơn 200 năm thời chúa Nguyễn kể từ khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), đến khi họ Nguyễn phải rời khỏi Phú Xuân (1775), thủ phủ của chính quyền đã trải qua 8 lần thay đổi vị trí:
- Ái Tử (1558 – 1570);
- Trà Bát (1570-1600);
- Dinh Cát (1600 – 1626);
- Phước Yên (1626 – 1636);
- Kim Long (1636 – 1687);
- Phú Xuân lần thứ nhất (1687 – 1712);
- Bác Vọng (1712 – 1738)
- Phú Xuân lần hai (1738 -1775).
Mỗi lần di chuyển quy mô xây dựng và vai trò của thủ phủ ngày càng được nâng lên, khẳng định dần về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, đồng thời cũng gắn với việc phát triển và vai trò quan trọng của vùng đất Thừa Thiên Huế đối với sự nghiệp của chúa Nguyễn cũng như đối với Đàng Trong.
Tổ chức cai trị của Chúa Nguyễn
Với ý đồ tách Đàng trong ra khỏi sự thống trị của vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng và những người nối nghiệp một mặt củng cố phòng thủ đất Thuận Quảng, chống lại có hiệu quả các cuộc tấn công của quân Trịnh, mặt khác ra sức mở rộ