Thừa Thiên Huế đấu tranh chống Thực dân Pháp (1885 - 1916)
Sau khi hai bản dụ Cần Vương được phát đi, một phong trào vũ trang khởi nghĩa chống Pháp đã bùng nổ mạnh mẽ khắp Trung Kỳ và Bắc Kỳ (Phong trào Cần vương), kéo dài từ 1885 đến 1898.
Không thể đưa vua Hàm Nghi trở lại Huế, hoảng sợ trước phong trào Cần vương kháng Pháp đang lên cao, thực dân Pháp quyết định lập vua mới thay vua Hàm Nghi. Ngày 19/9/1885, Hoàng tử Chánh Mông - Ưng Đường chính thức ngồi lên ngai vàng ở điện Thái Hòa với niên hiệu Đồng Khánh.
Đồng Khánh lên ngôi là một ông vua bù nhìn chịu sự điều khiển của thực dân Pháp, ngay lập tức đã ra tay tiêu diệt phái chủ chiến mà đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn và Nguyễn Văn Tường bằng cách tước hết quan tước, tịch thu gia sản, ra sức truy lùng, nếu bắt được thì cho xử chém ngay.
Hưởng ứng dụ Cần Vương, tại Thừa Thiên đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của Đặng Huy Cát (8/1885) tập hợp nghĩa sỹ của hai huyện Hương Trà, Quảng Điền ngăn chặn việc bắt lính của triều đình, bắt giam phái viên của huyện Quảng Điền, tập kích vào huyện nha Quảng Điền. Do lực lượng khởi nghĩa không nhiều lại thiếu kế hoạch cụ thể nên nhanh chóng thất bại.
Ngày 01/11/1888, vua Hàm Nghi bị bắt, ngày 22/11/1888 nhà vua bị đưa về đến cửa Thuận An. Ngày 25/11/1888, nhà vua bị đưa xuống tàu đi Lăng Cô để từ đó chuyển vào Sài Gòn. Ngày 13/12/1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu mang tên Biên Hòa vượt đại dương đến châu Phi. Ngày 13/1/1889, nhà vua đặt chân đến Algérie, bắt đầu cuộc sống lưu đày của mình. Nhà vua yêu nước qua đời ở đây vào năm 1943.
Phong trào Cần Vương tan rã trong thập niên 90 trên khắp đất nước đã gieo vào lòng tầng lớp sĩ phu tư tưởng u hoài, thất vọng, nhưng các cuộc đấu tranh cứu nước theo tư tưởng dân chủ lại mở ra do những trí thức nho học tiến bộ lãnh đạo.
Với vị trí là kinh đô của cả nước, Thừa Thiên Huế những năm đầu thế kỷ XX là nơi hội tụ của nhiều luồng tư tưởng yêu nước tiến bộ, các phong trào yêu nước cũng diễn ra không ngớt và nhiều nhà yêu nước nổi tiếng đã có mặt ở đây như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... Các hoạt động của các nhà yêu nước đã góp phần làm cho nhân dân ý thức được thân phận bị áp bức mà đứng dậy tham gia các đấu tranh hưởng ứng các phong trào Duy Tân, Đông Du và tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh chống thuế diễn ra rầm rộ trên 9 tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế vào tháng 4/1908.
Đặc biệt, giai đoạn này Thừa Thiên Huế còn là nơi gắn bó với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình sống, học tập và tham gia các hoạt động tại đây qua hai giai đoạn 1895 – 1901; 1906 – 1909.
Tiếp nối truyền thống đấu tranh liên tục của nhân dân ta, tổ chức cách mạng duy nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ này là Quang Phục hội đã tiến hành một cuộc khởi nghĩa quy mô ở miền Nam Trung Kỳ và ở Huế năm 1916.
Thừa Thiên Huế tiếp tục đấu tranh chống Thực dân, phong kiến và vận động thành lập Đảng Cộng sản (1916 - 1930)
Thừa Thiên Huế là nơi tập trung cao nhất sự câu kết giữa thực dân Pháp và phong kiến Nam triều. Sau cuộc khởi nghĩa năm 1916 ở Huế thất bại, các thế lực thống trị càng củng cố bộ máy cai trị chặt chẽ hơn. Vua Duy Tân - vị vua yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân bị đưa đi đày tại đảo Réunion, thực dân Pháp tiếp tục lập những ông vua bù nhìn lên ngôi: Khải Định (1916 - 1925); Bảo Đại (1926 - 1945). Thực dân Pháp tiến hành thâu tóm quyền lực, sáp nhập ngân sách Nam triều vào ngân sách Trung kỳ của Pháp, Khâm sứ Pháp chủ tọa các cuộc họp của Hội đồng Thượng thư. Như vậy quyền hành đã nằm hoàn toàn trong tay Pháp, biến vua quan nhà Nguyễn thành công cụ thừa hành của chúng.
Năm 1926, Toàn quyền Đông Dương cho chuyển Hội đồng Tư vấn Trung Kỳ thành Viện Nhân dân đại biểu Trung Kỳ, với bộ mặt dân chủ giả hiệu Viện Nhân dân đại biểu Trung kỳ chỉ là công cụ để thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị.
Năm 12/12/1929, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định nâng cấp Huế lên thành phố. Đứng đầu là viên Đốc lý do công sứ Thừa Thiên kiêm nhiệm. Bộ máy cai trị cấp tỉnh và thành phố đều do người Pháp nắm giữ với sự câu kết chặt chẽ của quan lại Nam triều.
Tòa Khâm sứ và Công sứ Pháp chi phối mọi hoạt động của triều đình Huế và phủ Thừa Thiên. Trong lĩnh vực cai trị người Pháp luôn giữ vai trò chỉ huy, quan lại Nam triều chỉ thừa hành.
Trong thời kỳ này kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế có một số đặc trưng sau: Hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Công thương nghiệp chưa phát triển, chỉ có một vài ngành phát triển như in ấn, vật liệu xây dựng. Huế chưa trở thành trung tâm kinh tế của miền Trung. Tình hình phân hóa xã hội sâu sắc và phức tạp hơn nhiều nơi khác, ngoài các thứ dân sĩ - nông - công - thương, Thừa Thiên Huế có cả khu phố Tây cho cư dân Pháp và phủ, thự cho hàng nghìn quan lại, gia đình Hoàng tộc.
Tình hình kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Thừa Thiên Huế.
Trong giai đoạn này, Thừa Thiên Huế bắt đầu tiếp thu con đường cứu nước theo cách mạng vô sản, tạo nên những chuyển biến mới trong đấu tranh.
Qua các con đường bí mật từ Pháp, Quảng Châu (Trung Quốc), ảnh hưởng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga đã lan rộng trong nhân dân ta. Ở Thừa Thiên Huế xuất hiện nhiều tác phẩm của Mác, Ăng ghen như: “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, “Tư bản luận” cùng nhiều bài viết ca ngợi thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga. Hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, cùng với những tác phẩm của Người như: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, báo “La Paria” cũng tác động rất sâu sắc tới nhận thức tư tưởng của thanh niên trí thức Huế, hướng dẫn họ tham gia vào các hoạt động cách mạng.
Trong thời gian này phong trào đọc sách báo tiến bộ phát triển ở nhiều nơi trong tỉnh. Nhóm học sinh yêu nước ở Huế đã lấy hiệu sách “Mai Ký” ở Bến Ngự làm nơi liên lạc trao đổi sách báo. Ở các vùng nông thôn như Truồi (Phú Lộc), Phú Vang, Hương Thủy cũng có nhóm đọc sách. Qua nghiên cứu sách báo tiến bộ, thanh niên trí thức Thừa Thiên Huế dần dần tiếp cận với co sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận thức về mục tiêu và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc được nâng lên một bước.
Một số phong trào đấu tranh ở Thừa Thiên Huế trong thời kỳ này:
Năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải, thực dân Pháp đưa cụ về giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Trên cả nước nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đã bùng phát phong trào đòi thả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng, ngày 24/12/1925 bản án được hủy bỏ, chính quyền thực dân đưa cụ về giam lỏng ở Huế.
Ngày 24/3/1926 nhà chí sỹ Phan Chu Trinh qua đời tại Sài Gòn. Nhiều cuộc truy điệu để tang cụ Phan Chu Trinh được tổ chức ở Huế để tuyên truyền về lòng yêu nước thu hút nhân dân tham gia.
Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển trong những năm 1926 - 1927, dưới các khẩu hiệu chống áp bức vương quyền, học sinh tiếp tục bãi khóa chống chính sách giáo dục hà khắc. Như phong trào bãi khóa của trường Kỹ nghệ Thực hành, trường Quốc Học, phong trào đấu tranh của anh em phu kéo xe...
Phong trào yêu nước còn diễn ra sôi nổi trên lĩnh vực báo chí và nghị trường. Trong Viện dân biểu Trung Kỳ đã có đại biểu của nhân dân: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đăng Quế... mặc dù quyền lực bị hạn chế nhưng đã trở thành diễn đàn đấu tranh giữa lực lượng yêu nước tiến bộ chống lại thực dân phong kiến.
Trong những năm 1925 - 1927, nhiều trào lưu tiến bộ từ bên ngoài tác động vào Việt Nam. Hoạt động của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã truyền bá tư tưởng yêu nước, cách mạng, thúc đẩy phong trào trong nước phát triển theo hướng mới.
Phong trào yêu nước phát triển mạnh, ý thức chính trị giác ngộ của quần chúng được nâng cao. Đòi hỏi phải có chính đảng đứng ra lãnh đạo tổ chức. Trước yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng, các tổ chức tiền thân của Đảng lần lượt ra đời trong cả nước và ở Thừa Thiên Huế.
Tháng 6/1925 tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên) được đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu - Trung Quốc. Tháng 1/1927, Hội tổ chức cơ quan chỉ đạo ở Trung Kỳ (Kỳ bộ Trung Kỳ) và từ tháng 3/1927 mới phát triển rộng ra các tỉnh. Tháng 7/1927 Tỉnh bộ lâm thời Thanh niên ở Huế được thành lập do đồng chí Nguyễn Đức Tịnh làm Bí thư.
Sau phong trào bãi khóa 1927, Tân Việt mới gây dựng cơ sở tương đối vững chắc ở Huế. Nhóm Tân Việt đầu tiên ở Huế gồm: Đào Duy Anh, Võ Liêm Sơn, Trần Hữu Duẫn, Phạm Văn Đại, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Hoàng. Trong đợt khủng bố của thực dân Pháp năm 1927, hầu hết cán bộ của Tổng bộ và kỳ bộ Tân Việt bị bắt. Đảng Tân Việt ở Huế cho đến tháng 7,8/1929 hầu như tan rã.
Năm 1929 là năm đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách mạng Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Kết quả của sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin đã đưa đến sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng, tổ chức và phong trào cách mạng, xuất hiện xu hướng chuyển sang cộng sản và nhu cầu thành lập Đảng cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ở Thừa Thiên Huế cũng diễn ra quá trình vận động thành lập Đảng cộng sản.
Tháng 7/1929 Tỉnh bộ Đông Dương cộng sản đảng được thành lập. Tháng 4/1929, đồng chí Lê Viết Lượng phái viên của Đông Dương cộng sản Liên Đoàn đến Huế để cải tổ Tỉnh bộ Tân Việt Thừa Thiên Huế thành lập Tỉnh bộ Đông Dương cộng sản Liên Đoàn, nhưng phải đến năm 1930 Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương cộng sản Liên Đoàn mới được thành lập ở Huế.
Sự ra đời của hai tổ chức cộng sản ở Huế đã có tác động tích cực đến phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Ở các huyện nông thôn Thừa Thiên Huế có sự chuyển biến rõ rệt, các đồng chí đảng viên luôn bám sát cơ sở, vận động quần chúng tham gia hoạt động cách mạng.
Sau Hội nghị ở Hương Cảng (từ 3 đến 7/2/1930) hợp nhất các tổ chức tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản Việt Nam, tại các địa phương trong cả nước, công việc hợp nhất các tổ chức cộng sản được tiến hành khẩn trương. Tại Thừa Thiên Huế tháng 3/1930 đồng chí Nguyễn Phong Sắc ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ đến Huế để vận động thống nhất các tổ chức cộng sản ở Thừa Thiên Huế. Chủ trương này được Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản Liên đoàn nhất trí tán thành.
Tháng 4/1930, Hội nghị hợp nhất Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên đã họp bàn và tuyên bố thống nhất hai tổ chức cộng sản thành Tỉnh Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên do đồng chí Lê Viết Lượng làm Bí thư. Sau Hội nghị hợp nhất tỉnh Đảng bộ, các chi bộ Đảng được thành lập ở khắp nơi trong Tỉnh.
Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên ra đời là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng tỉnh nhà, là nhân tố quyết định đưa phong trào đấu tranh lên đỉnh cao góp phần cùng nhân dân cả nước đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.